Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 15>
Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều đề số 15 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
I. Đọc - hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
NHỮNG TÁC ĐỘNG TIỀM ẨN TRONG TƯƠNG LAI
Khi suy nghĩ về những mất mát, rủi ro và phí tổn, chúng ta nên cân nhắc rằng các tác động tiềm ẩn trong tương lai của của đại dịch COVID-19 có thể vẫn có một số ảnh hưởng tích cực về lâu dài. Dưới đây là tất cả những chủ đề mà tôi đã khai thác trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID.
Làm việc từ xa tăng lên là điều chúng ta đã thấy rõ kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Làm việc từ xa như tôi lưu ý trong Tương lai sau đại dịch COVID, mang đến cơ hội để tác động cơ bản đến cách con người làm việc và sinh sống. Nó là xu hướng đã phát triển được một thời gian, và đại dịch COVID-19 trở thành thời điểm thúc đẩy nó phát triển mạnh mẽ.
Nhiều người sẽ không bao giờ quay trở lại một văn phòng nữa. Cá nhân và công ty có khả năng sẽ được lợi từ những thay đổi này. Những tác động của COVID-19 tới tương lai của việc làm sẽ được thảo luận kỹ hơn trong chương 6.
Tiếp cận giáo dục trực tuyến tăng cũng là điều tôi nhân mạnh trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID. Thực tế, năm 2020, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của giáo dục trực tuyến.
May mắn là, khi nhìn về tương lai, sự gia tăng mức độ tiếp cận giáo dục trực tuyến có thể có tác động căn bản đến đời sống công việc và chuyên môn của mọi người, bao gồm cả những lựa chọn sự nghiệp và chuyên môn mà họ có, cũng như thu nhập tiềm năng trong tương lai của họ. Đối với nhiều người, giáo dục trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, đã không còn là điều gì kinh khủng. Cùng lắm chỉ tẻ nhạt mà thôi.
Một người bạn thời trung học của tôi hiện đang điều hành một trường mầm non mà cô ấy bị buộc phải điều hành nó từ xa và trực tuyến. Gần đây, cô ấy đăng lên mạng xã hội kể về việc dạy trực tuyến cho một đứa trẻ mẫu giáo không được vừa cầm kéo vừa chạy nhảy và khiến chúng thực sự lắng nghe bạn nói khó khăn nhường nào.
[…]
Ưu tiên sức khoẻ tăng lên cũng là một trong những xu hướng quan trọng nhất mà tôi ghi nhận trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID. Chúng ta đã thấy điều đó ở cấp độ xã hội; đó là điều chúng ta xem là một phần của cuộc chuyển đổi số và bước nhảy vọt tiến tới việc chăm sóc ý tế và sức khoẻ từ xa. Thêm nữa, từ hệ quả của COVID-19, lĩnh vực sức khoẻ và y tế nhiều khả năng sẽ được ưu tiên, và có thể như thế trong một thời gian dài sắp tới.
Các lựa chọn giáo dục, đầu tư và chính sách có thể dẫn tới sức khoẻ cộng đồng xét về tổng thể được cải thiện. Số người theo học các chuyên ngành y học và chăm sóc sức khoẻ nhiều khả năng sẽ tăng lên. Bác sĩ sẽ không phải nghề thiếu hụt lao động trầm trọng nhất, sự thiếu hụt trầm trọng nhất là ở ngành điều dưỡng, hỗ trợ y tê và những công việc tương tự.
[…]
Mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải giảm cũng là điều tôi kỳ vọng sau đại dịch COVID-19. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến điều này trong năm 2020. Tuy nhiên, những kỳ vọng tôi ghi lại trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID có giới hạn thời gian, tức là mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải giảm dường như đã diễn ra trong một khoảng thời gian; bởi sự đình đốn về kinh tế, làm việc từ xa và quy định giãn cách xã hội đã làm giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ. Khi nhìn sang năm 2021, mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải có thể lại tăng lên.
Giai đoạn mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải giảm có thể vẫn có tác động lâu dài tới cách các công ty nhìn nhận và triển khai các chiến lược bền vững. Nhưng một số tác động tác động đối với ngành du lịch và việc đi lại có thể chỉ kéo dài một thời gian.
Không may là, không phải tất cả các tác động trong tương lai có khả năng duy trì tính tích cực. Một trong những tác động tiêu cực lớn nhất tôi viết trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID là việc chi tiêu thâm hụt và nợ quốc gia lớn. Thực tế, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các mức nợ đã tăng trên toàn cầu, và chúng có thể vẫn tăng lên.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ đang tiệm cận điểm tới hạn rủi ro. Như tôi cũng đã ghi nhận trong cuốn Tương lai sau đại dịch COVID, nguy cơ ngày một lớn là chúng ta đang tiệm cận một trạng thái lượng tử của nền kinh tế, trong đó Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) cùng lúc sở hữu tất cả mà cũng không gì cả. Những nguy cơ này cũng đang dần thành hiện thực. […]
(Jason Schenker, Thế giới hậu vắc xin COVID, Việt Anh – Quỳnh Chi – Thu Hà dịch, NXB Thế giới, 2021, tr.30-34.)
Lựa chọn đáp án đúng nhất cho mỗi câu hỏi từ câu 1 đến câu 4
Câu 1. Văn bản trên thuộc loại văn bản nào?
A. Văn bản chính luận B. Văn bản văn học
C. Văn bản thông tin D. Văn bản quảng cáo
Câu 2. Văn bản đề cập tới những tác động tiềm ẩn của dịch COVID-19 ở phương diện nào?
A. Tác động tích cực B. Chủ yếu tích cực, mở rộng tiêu cực
C. Chủ yếu tiêu cực, có thêm tích cực D. Tác động tiêu cực
Câu 3. Ngôn ngữ của văn bản có đặc điểm gì nổi bật?
A. Mang tính chính xác, làm nổi bật thông tin B. Mang tính hình tượng, giàu sức gợi
C. Mang tính cá thể, bộc lộ tư tưởng riêng D. Mang tính khẩu ngữ, thể hiện cảm xúc
Câu 4. Những điều tác giả dự đoán trong văn bản là:
A. Những sự thật hiển nhiên, theo quy luật B. Những điều tất yếu, chắc chắn sẽ xảy ra
C. Những thứ không tưởng, không thể xảy ra D. Những điều có thể xảy ra trong tương lai
Trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8
Câu 5. Trong văn bản, tác giả đã đề cập tới những tác động tích cực lâu dài nào của dịch COVID-19 trong tương lai?
Câu 6. Em có nhận xét gì về cái nhìn, quan điểm của tác giả về đại dịch COVID-19 trong văn bản?
Câu 7. Nội dung văn bản được triển khai theo trình tự nào? (Chỉ rõ một cách ngắn gọn)
Câu 8. Theo em những điều tác giả dự báo trong văn bản có tác động gì đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và toàn nhân loại không? Vì sao?
II. VIẾT
Hãy viết một văn bản phân tích, bình luận, đánh giá một truyện ngắn hiện đại đã để lại cho em những dấu ấn sâu đậm/ bài học sâu sắc về cuộc sống.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
C |
B |
A |
D |
Câu 1. Văn bản trên thuộc loại văn bản nào? A. Văn bản chính luận B. Văn bản văn học C. Văn bản thông tin D. Văn bản quảng cáo |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về thể loại
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên thuộc thể loại văn bản thông tin
→ Đáp án C
Câu 2. Văn bản đề cập tới những tác động tiềm ẩn của dịch COVID-19 ở phương diện nào? A. Tác động tích cực B. Chủ yếu tích cực, mở rộng tiêu cực C. Chủ yếu tiêu cực, có thêm tích cực D. Tác động tiêu cực |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Văn bản đề cập tới những tác động tiềm ẩn của dịch COVID-19 ở phương diện Chủ yếu tích cực, mở rộng tiêu cực
→ Đáp án B
Câu 3. Ngôn ngữ của văn bản có đặc điểm gì nổi bật? A. Mang tính chính xác, làm nổi bật thông tin B. Mang tính hình tượng, giàu sức gợi C. Mang tính cá thể, bộc lộ tư tưởng riêng D. Mang tính khẩu ngữ, thể hiện cảm xúc |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý đặc điểm ngôn ngữ của văn bản
Lời giải chi tiết:
Đặc điểm ngôn ngữ của văn bản: Mang tính chính xác, làm nổi bật thông tin
→ Đáp án A
Câu 4. Những điều tác giả dự đoán trong văn bản là: A. Những sự thật hiển nhiên, theo quy luật B. Những điều tất yếu, chắc chắn sẽ xảy ra C. Những thứ không tưởng, không thể xảy ra D. Những điều có thể xảy ra trong tương lai |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Những điều tác giả dự đoán trong văn bản: Những điều có thể xảy ra trong tương lai
→ Đáp án D
Câu 5. Trong văn bản, tác giả đã đề cập tới những tác động tích cực lâu dài nào của dịch COVID-19 trong tương lai? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Những tác động tích cực lâu dài nào của dịch COVID-19 trong tương lai:
- Làm việc từ xa tăng lên
- Tiếp cận giáo dục trực tuyến tăng
- Ưu tiên sức khoẻ tăng
- Mức tiêu thụ năng lượng và khí thải giảm
Câu 6. Em có nhận xét gì về cái nhìn, quan điểm của tác giả về đại dịch COVID-19 trong văn bản? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý cái nhìn, quan điểm của tác giả về đại dịch
Lời giải chi tiết:
Cái nhìn, quan điểm của tác giả về đại dịch COVID-19 trong văn bản:
- Tác giả nhìn về đại dịch COVID-19 trên cả hai phương diện: tác động tích cực, những triển vọng trong tương lai mà đại dịch mang lại lẫn những tác động tiêu cực, rủi ro sau khi đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, chủ yếu tác giả nhấn mạnh vào các cơ hội, tiềm năng mà đại dịch mang tới trong tương lai.
- Cái nhìn toàn diện, lạc quan, mang tính dự báo, trên cơ sở phân tích theo quy luật vận động của tự nhiên và xã hội; quan điểm rõ ràng, cụ thể, khoa học.
Câu 7. Nội dung văn bản được triển khai theo trình tự nào? (Chỉ rõ một cách ngắn gọn) |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
* Trình tự triển khai nội dung của văn bản:
- Đầu tiên văn bản giới thiệu khái quát bối cảnh khi suy nghĩ về mất mát, rủi ro, phí tổn, rồi đưa ra những tác động tiềm ẩn trong tương lai của đại dịch COVID-19.
- Sau đó, tác giả trình bày cụ thể từng tác động/ ảnh hưởng nhiều mặt của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu trong tương lai.
- Cuối cùng, tác giả đưa ra kết luận, nêu quan điểm riêng của mình về những tác động tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 với thế giới.
* Nhận xét về trình tự triển khai nội dung của văn bản:
- Trình tự triển khai nội dung đi từ khái quát đến cụ thể, theo logic nhân – quả từ hiện thực dự báo tương lai.
- Các nội dung được trình bày rõ ràng, mạch lạc, cụ thể theo từng khía cạnh, có đánh dấu bằng hình thức trình bày kiểu chữ khác nhau
Câu 8. Theo em những điều tác giả dự báo trong văn bản có tác động gì đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và toàn nhân loại không? Vì sao? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và dựa vào những phân tích ở trên
Lời giải chi tiết:
- Những điều tác giả dự báo trong văn bản có thể có tác động nhất định đến đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và toàn nhân loại, trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống và xã hội.
- Lý do:
+ Những dự báo dựa trên căn cứ cụ thể, từ thực tế những gì đã diễn ra trong đại dịch COVID-19 gồm những mất mát, rủi ro, thách thức.
+ Những dự báo triển vọng, tác động của đại dịch dựa trên những phương pháp khoa học, tư duy từ việc quan sát, thống kê, tổng kết; dựa trên cơ sở logic của những quy luật vận động của tự nhiên, xã hội… Vì vậy, những dựa báo này có sức thuyết phục, đáng tin cậy, mang tính chính xác, đúng đắn cao.
+ Những dự báo ở đây khá toàn diện, cụ thể, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, văn hoá… Mỗi nội dung, tác giả lại có sự phân tích, lý giải thấu đáo, trên các căn cứ cụ thể, thực tế.
+ Những dự báo của tác giả có thể giúp mỗi người và thế giới nhận thức rõ hơn về dịch bệnh, về thực tế phải đối mặt, những nguy cơ và triển vọng trong tương lai gần/ xa. Vì thế, chúng có thể trở thành một kênh gợi ý, thông tin tham khảo để mỗi cá nhân, các chính phủ hoạch định chiến lược, các kế hoạch, chương trình hành động về mọi lĩnh vực xã hội, khắc phục các hậu quả của dịch bệnh, phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống con người, hướng tới sự phát triển bền vững.
II. VIẾT
Hãy viết một văn bản phân tích, bình luận, đánh giá một truyện ngắn hiện đại đã để lại cho em những dấu ấn sâu đậm/ bài học sâu sắc về cuộc sống.
Phương pháp giải
Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết bài văn đã học
Lời giải chi tiết
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, kết bài khái quát được vấn đề nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
- Một truyện ngắn hiện đại để lại dấu ấn sâu đậm, hoặc bài học, thông điệp có ý nghĩa. (có thể là truyện ngắn Việt Nam hoặc nước ngoài, của tác giả trong hoặc ngoài sách giáo khoa)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới những vấn đề sau:
- Giới thiệu được tác phẩm: nhan đề, tác giả, thể loại.
- Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện
- Phân tích, đánh giá nội dung của tác phẩm trên một số phương diện: chủ đề, tư tưởng, nhân vật trung tâm. Từ đó, nêu rõ vấn đề được thể hiện trong tác phẩm: có thể là về thiên nhiên, hiện thực xã hội, số phận, phẩm chất của con người, những vấn đề về nghệ thuật… (Chú ý mỗi phân tích cần đưa ra dẫn chứng cụ thể, diễn giải, bình phẩm thấu đáo).
- Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: cốt truyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật tự sự… (Mỗi phân tích, đánh giá cần đưa dẫn chứng xác đáng, chi tiết tiêu biểu).
- Lý giải ngắn gọn những phân tích, đánh giá của bản thân về tác phẩm dựa trên những kiến thức về tác giả, bối cảnh thời đại tác phẩm ra đời, trào lưu, lý luận thể loại truyện ngắn…
- Đưa ra nhận xét, đánh giá của bản thân về tác phẩm. Từ đó, nêu bật ấn tượng mà tác phẩm để lại, bài học, thông điệp ý nghĩa sâu sắc mà tác phẩm gợi ra.
d. Chính tả, ngữ pháp:
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo:
- Có những tìm tòi, khám phá sâu sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
- Thể hiện kiến văn rộng rãi qua những dẫn chứng liên hệ, so sánh, làm rõ tác phẩm.
- Có hình thức sáng tạo: cách trình bày bài viết, triển khai các luận điểm, nội dung; ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc; diễn đạt linh hoạt, uyển chuyển.
- Vận dụng được kiến thức lý luận, văn học sử, tác giả… để lý giải, mở rộng các vấn đề trong tác phẩm.
Loigiaihay.com
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 14
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 13
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 12
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 11
- Tổng hợp 20 đề thi học kì 1 Văn 10 cánh diều có đáp án
>> Xem thêm