Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 3>
Tải vềĐề thi giữa kì 1 Văn 10 bộ sách cánh diều đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
Đề thi
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
Môn: Ngữ văn lớp 10
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm màu xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.
(Uống rượu mùa thu – Nguyễn Khuyến)
Câu 1: Bài thơ Uống rượu mùa thu mang những đặc điểm của thể thơ trên các phương diện nào?
A. Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 tiếng
B. Các tiếng 2-4-6 của câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7 cùng phối thanh B-T-B; hoặc T- B- T.
C. Gieo vần bằng ở cuối các câu 1,2,4,6,8.
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 2: Thể thơ của bài thơ trên giống với thể thơ của bài thơ nào sau đây?
A. Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão
B. Tự tình (bài 2) – Hồ Xuân Hương
C. Sang thu – Hữu Thỉnh
D. Nhớ rừng- Thế Lữ
Câu 3: Nét chung về phương diện nội dung của Uống rượu mùa thu và Câu cá mùa thu là:
A. Đều là những bài thơ vịnh về cảnh sắc mùa thu
B. Đều viết về thú vui của tác giả khi sống ẩn dật: Uống rượu, câu cá nhưng vẫn bộc lộ nhiều nỗi lo thời thế.
C. Đều chứa đựng tâm sự với đất nước.
D. Tất cả đáp án trên
Câu 4: Tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong 2 câu thực và 2 câu luận là:
A. Phép đảo ngữ làm tô đậm nét đẹp của cảnh mùa thu
B. Sử dụng câu hỏi tu từ với đại từ “ai” nhằm nhấn mạnh sắc độ xanh của bầu trời
C. Phép đối có tác dụng làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh mùa thu và nỗi lòng của thi nhân; đồng thời khiến lời thơ thêm cân xứng, hài hòa
D. Biện pháp nói quá “da trời ai nhuộm”, “xanh ngắt” nhằm nhấn mạnh màu xanh của bầu trời
Câu 5: Đề tài của hai bài thơ “Uống rượu mùa thu” và “Câu cá mùa thu” có gì giống nhau?
A. Đều viết về con người trong mùa thu
B. Đều viết về trời thu và ao thu
C. Đều viết về thiên nhiên mùa thu và nỗi lòng của thi nhân
D. Đều viết về cuộc sống an nhàn, ẩn dật của thi nhân
Câu 6: Liệt kê các từ láy được sử dụng trong bài thơ và nêu tác dụng
Câu 7: Nêu nhận xét về không gian nghệ thuật được miêu tả trong bài thơ? Không gian ấy có liên quan như thế nào đén cuộc sống, tâm trạng nhà thơ Nguyễn Khuyến?
Câu 8: Em hiểu nghĩa của từ “vầy” trong câu thơ “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” là gì? Nêu nội dung của câu thơ.
Câu 9: Trong bài thơ, nhà thơ định làm việc gì nhưng không thành, điều đó được thể hiện như thế nào?
Câu 10: Qua bài thơ, em hiểu gì về tình cảm cũng như nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên?
II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích bài thơ uống rượu mùa thu.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
I. ĐỌC
Câu 1. Bài thơ Uống rượu mùa thu mang đặc điểm của thể thơ trên các phương diện nào? A. Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 tiếng B. Các tiếng 2-4-6 của câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7 cùng phối thanh B-T-B; hoặc T- B- T. C. Gieo vần bằng ở cuối các câu 1,2,4,6,8. D. Tất cả các đáp án trên |
Phương pháp giải:
Xác định thể thơ của bài thơ
Nêu đặc điểm của thể thơ
Lời giải chi tiết:
Bài thơ thuộc thể thơ thất ngôn bát cú, mang những đặc điểm:
+ Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 tiếng
+ Các tiếng 2-4-6 của câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7 cùng phối thanh B-T-B; hoặc T- B- T.
+ Gieo vần bằng ở cuối các câu 1,2,4,6,8.
→ Đáp án D
Câu 2. Thể thơ của bài thơ trên giống với thể thơ của bài thơ nào sau đây? A. Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão B. Tự tình (bài 2) – Hồ Xuân Hương C. Sang thu – Hữu Thỉnh D. Nhớ rừng- Thế Lữ |
Phương pháp giải:
- Xác định thể thơ của bài thơ
- Phương pháp loại trừ
Lời giải chi tiết:
Thể thơ của bài thơ giống với bài Tự tình (II) (cùng là thể thơ thất ngôn bát cú)
→ Đáp án B
Câu 3. Nét chung về phương diện nội dung của Uống rượu mùa thu và Câu cá mùa thu là: A. Đều là những bài thơ vịnh về cảnh sắc mùa thu B. Đều viết về thú vui của tác giả khi sống ẩn dật: Uống rượu, câu cá nhưng vẫn bộc lộ nhiều nỗi lo thời thế. C. Đều chứa đựng tâm sự với đất nước. D. Tất cả đáp án trên |
Phương pháp giải:
Rút ra nội dung của bài thơ Uống rượu mùa thu
So sánh với nội dung bài Câu cá mùa thu
Lời giải chi tiết:
Nét tương đồng trong nội dung của hai bài thơ:
Đều là những bài thơ vịnh về cảnh sắc mùa thu
Đều viết về thú vui của tác giả khi sống ẩn dật: Uống rượu, câu cá nhưng vẫn bộc lộ nhiều nỗi lo thời thế.
Đều chứa đựng tâm sự với đất nước.
→ Đáp án D
Câu 4. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong 2 câu thực và 2 câu luận là: A. Phép đảo ngữ làm tô đậm nét đẹp của cảnh mùa thu B. Sử dụng câu hỏi tu từ với đại từ “ai” nhằm nhấn mạnh sắc độ xanh của bầu trời C. Phép đối có tác dụng làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh mùa thu và nỗi lòng của thi nhân; đồng thời khiến lời thơ thêm cân xứng, hài hòa D. Biện pháp nói quá “da trời ai nhuộm”, “xanh ngắt” nhằm nhấn mạnh màu xanh của bầu trời |
Phương pháp giải:
Chỉ ra biện pháp nghệ thuật trong 2 câu thực và 2 câu luận
Nêu tác dụng (có thể sử dụng biện pháp loại trừ)
Lời giải chi tiết:
Trong hai câu thực và hai câu luận, tác giả sử dụng câu hỏi tu từ với đại từ “ai” nhằm nhấn mạnh sắc độ xanh của bầu trời
→ Đáp án B
Câu 5. Đề tài của hai bài thơ “Uống rượu mùa thu” và “Câu cá mùa thu” có gì giống nhau? A. Đều viết về con người trong mùa thu B. Đều viết về trời thu và ao thu C. Đều viết về thiên nhiên mùa thu và nỗi lòng của thi nhân D. Đều viết về cuộc sống an nhàn, ẩn dật của thi nhân |
Phương pháp giải:
Rút ra kết luận về đề tài của bài thơ “Uống rượu mùa thu”
Đối chiếu với đề tài của bài thơ “Câu cá mùa thu” để tìm ra điểm giống nhau
Lời giải chi tiết:
Đề tài của hai bài thơ đều viết về cuộc sống an nhàn, ẩn dật của thi nhân
→ Đáp án D
Câu 6: Liệt kê các từ láy được sử dụng trong bài thơ và nêu tác dụng
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ, chú ý và liệt kê những từ láy được sử dụng
Nêu tác dụng của việc sử dụng từ láy
Lời giải chi tiết:
- Các từ láy được sử dụng: Le te, lập lòe, lóng lánh
- Tác dụng:
+ Khiến cho lời thơ thêm mượt mà, uyển chuyển
+ Góp phần miêu tả cụ thể, sinh động hơn đặc điểm của các sự vật: Độ thấp của gian nhà, ánh sáng đặc trưng của đom đóm, làn khói vương nhẹ trên lưng giậu, ánh trăng mờ ảo phản chiếu xuống làn nước ao
Câu 7: Nêu nhận xét về không gian nghệ thuật được miêu tả trong bài thơ? Không gian ấy có liên quan như thế nào đến cuộc sống, tâm trạng nhà thơ Nguyễn Khuyến?
Phương pháp giải:
- Xác định không gian nghệ thuật được miêu tả trong bài thơ
- Phân tích tác dụng của không gian nghệ thuật ấy
Lời giải chi tiết:
Không gian nghệ thuật trong bài thơ: nhà cỏ, ngõ tối, lưng giậu, ao.
Không gian nghệ thuật được miêu tả trong bài thơ là không gian tĩnh lặng, u buồn. Không gian ấy rất hợp với tâm trạng muốn rời xa cõi tục, tìm đến chốn thanh cao của một nhân cách lớn.
Câu 8: Em hiểu nghĩa của từ “vầy” trong câu thơ “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” là gì? Nêu nội dung của câu thơ.
Phương pháp giải:
Nêu nghĩa của từ “vầy” trong câu thơ
Từ đó nêu nội dung của câu thơ
Lời giải chi tiết:
Nghĩa của từ “vầy”: cọ, chà, tác động mạnh. Nghĩa là mắt Nguyễn Khuyến không có tác động từ bên ngoài nhưng vẫn đỏ lên. Đây có lẽ là tiếng khóc cho thời cuộc và sự bất lực của chính nhà thơ. Ánh mắt u buồn ấy đã nói lên niềm ưu tư của nhà thơ với cuộc đời, với đất nước.
Câu 9: Trong bài thơ, nhà thơ định làm việc gì nhưng không thành, điều đó được thể hiện như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ và nêu cách hiểu của bản thân
Lời giải chi tiết:
Nhà thơ uống rượu nhưng lại “hay chả mấy” nên uống được vài chén đã say, không thể uống tiếp.
Việc ấy giúp người đọc hiểu rằng, dù tác giả tìm đến thú vui nhàn hạ nơi yên bình nhưng vẫn không thể toàn tâm hưởng thụ mà vẫn mang trong lòng những suy tư về sự đời, về đất nước, nhân dân,…
Câu 10: Qua bài thơ, em hiểu gì về tình cảm cũng như nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên?
Phương pháp giải:
Phân tích tình cảm, nỗi lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên
Lời giải chi tiết:
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến:
- Nguyễn Khuyến tìm về nơi làng quê, từ bỏ chức quan để giữ mình trong sạch
- Sống hòa mình với thiên nhiên để phần nào quên đi những nỗi đau về thời cuộc, về đất nước
- Tuy nhiên, trong lòng ông vẫn đau đáu một nỗi lòng âu lo trước vận mệnh đất nước.
→ Là một con người có tâm hồn giản dị, liêm khiết, trong sạch, yêu thiên nhiên và một lòng hướng về đất nước và nhân dân
II. VIẾT
1. Mở bài
Thu ẩm là một trong ba bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến.
Bài thơ cho thấy dáng thu, hồn thu của làng quê đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời thể hiện tâm trạng băn khoăn, u uất của nhà thơ trước tình cảnh đau thương của đất nước.
2. Thân bài
- Hai câu đề:
+ Cảnh thu ban đêm nơi làng quê nghèo khó với những hình ảnh quen thuộc được quan sát và miêu tả qua đôi mắt đầy tâm trạng của thi nhân: Ba gian nhà cỏ (lợp tranh hoặc rạ), thấp le te là rất thấp, tưởng như bị bóng tối đè nặng nên biến dạng.
+ Ánh sáng lập loè của đom đóm làm cho ngõ hẹp càng thêm tối và đêm thêm sâu (khuya).
- Hai câu thực:
+ Quan sát và cảm nhận của thi sĩ rất tinh tế: sương thu như màu khói nhạt phủ quanh lưng giậu. (Giậu là bờ rào bằng cây, thường trồng cúc tần hay dâm bụt). Bóng trăng soi trên mặt ao lãn tăn gợn sóng, lúc tụ lại, lúc tản ra, tạo cảm giác là bóng trăng loe.
+ Các phụ âm đầu / đứng gần nhau (Làn, lóng lánh, loe) đặc tả cảnh đó và thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến.
- Hai câu luận:
+ Đối tượng miêu tả thứ nhất là bầu trời xanh ngắt như chất chứa cái gì đó bên trong, khiến nhà thơ băn khoăn tự hỏi: ai nhuộm mà xanh ngắt. Đại từ phiếm chỉ ai lấp lửng một mối hoài nghi không lời giải đáp.
+ Đối tượng miêu tả thứ hai là chính bản thân nhà thơ: Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Đôi mắt chứa chất đầy tâm trạng.
- Hai câu kết:
+ Từ hay có hai nghĩa: hay uống rượu (thường xuyên); hay tức là tửu lượng cao. ô câu thơ này, từ hay mang nghĩa thứ hai. Rượu tiếng rằng hay nhưng Chỉ dăm ba chén đã say nhè. Say do rượu thì ít mà say do tâm trạng thì nhiều. Nhà thơ muốn mượn rượu để quên đi nỗi buồn đang đầy ắp trong tâm hồn.
- Nghệ thuật của bài thơ:
+ Bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, niêm luật rất chỉnh nhưng vẫn dung dị, tự nhiên.
+ Nguyễn Khuyến có nhiều sáng tạo trong cách gieo vần và sử dụng từ ngữ, hình ảnh đậm đà tính chất dân tộc.
3. Kết bài
- Tâm trạng u hoài của nhà thơ Nguyễn Khuyến thấm đượm vào cảnh vật, đồng điệu với dáng thu, hồn thu của làng cảnh quê hương.
- Nhà thơ buồn bã, day dứt khôn nguôi trước tình cảnh nô lệ của dân tộc, đất nước mà mình thì lực bất tòng tâm. Mượn rượu giấi sầu mà nỗi sầu càng thêm chồng chất.
- Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 4
- Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 5
- Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 6
- Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 7
- Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 8
>> Xem thêm