Đề thi cuối học kì 2 Tiếng Việt 5 CTST - Đề số 5>
Chú đi tuần Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam Gió hun hút lạnh lùng Trong đêm khuya phố vắng Súng trong tay im lặng, Chú đi tuần đêm nay
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 5 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo
Toán - Văn - Anh
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Chú đi tuần
Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam
Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến.
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che kín gió, ấm áp dưới mền bông
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
Rét thì mặc rét cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.
Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Cháu ơi! Ngủ nhé, cho say...
(Trần Ngọc)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Các chú bộ đội đi tuần trong thời tiết như thế nào?
A. Gió lạnh
B. Không có gió
C. Nóng nực
D. Có trăng đẹp
Câu 2. Mong ước của người chiến sỹ được thể hiện qua câu thơ nào?
A. Chú đi qua cổng trường/ Các cháu miền Nam yêu mến.
B. Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/ Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
C. Cửa đóng che gió kín, ấm áp dưới mền bông/ Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
D. Mai các cháu học hành tiến bộ/ Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay...
Câu 3. Đặt hình ảnh người chiến sĩ đi tuần bên hình ảnh giấc ngủ yên bình của học sinh, tác giả bài thơ muốn nói lên điều gì?
Câu 4. Thông qua khổ thơ 2, em hiểu gì về những tâm sự của các chiến sỹ gửi tới các cháu học sinh?
A. Tình yêu Tổ quốc của người chiến sỹ
B. Các cháu cứ yên tâm ngủ ngon vì chú đã canh gác an toàn
C. Các cháu có nhớ nhà không
D. Các cháu được ngủ sướng hơn các chú
Câu 5. Em hãy nêu nội dung của bài thơ.
Câu 6. Tìm các từ ngữ có tác dụng nối trong đoạn văn dưới đây. Gạch chân các từ ngữ đó.
Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.
Câu 7. Gạch chân dưới tên riêng nước ngoài viết sai quy tắc trong câu văn sau và sửa lại cho đứng:
Không chỉ có Đa-vít Đe-vin mà những bạn trẻ người nước ngoài như An dy, cũng đang say mê tìm hiểu văn hóa trà Việt và học cách pha trà.
Câu 8. Hai câu văn sau liên kết với nhau bằng cách nào?
Đứng trên chiếc cầu đoạn cuối sông Gành Hào, nhìn về phía mặt trời mọc, có thể thấy một dây ghe dập dờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chống lên loang loáng dưới ánh mặt trời. Đó là chợ nổi Cà Mau quê tôi.
Câu 9. Tác dụng của điệp từ "tiếng ve" trong câu sau là gì?
Tiếng ve kêu râm ran, tiếng ve gọi hè, tiếng ve vang khắp cánh rừng.
A. So sánh tiếng ve với các âm thanh khác.
B. Nhấn mạnh sự khác nhau giữa các loại tiếng ve.
C. Làm câu văn có cảm giác nhàm chán.
D. Tạo sự liên kết về mặt âm thanh trong câu văn.
Câu 10. Viết 2-3 câu về một hoạt động ở trường, lớp mà em thích, trong đó có sử dụng từ ngữ nối để liên kết câu.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của em về một câu chuyện đã nghe, đã đọc về tình bạn.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. A |
2. D |
4. B |
9. D |
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Các chú bộ đội đi tuần trong thời tiết như thế nào?
A. Gió lạnh
B. Không có gió
C. Nóng nực
D. Có trăng đẹp
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thứ nhất để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Các chú bộ đội đi tuần trong thời tiết gió lạnh.
Đáp án A.
Câu 2. Mong ước của người chiến sỹ được thể hiện qua câu thơ nào?
A. Chú đi qua cổng trường/ Các cháu miền Nam yêu mến.
B. Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/ Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
C. Cửa đóng che gió kín, ấm áp dưới mền bông/ Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
D. Mai các cháu học hành tiến bộ/ Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay...
Phương pháp giải:
Em đọc các đáp án tìm đáp án thê rhieenj niềm mong ước của người chiến sĩ.
Lời giải chi tiết:
Mong ước của người chiến sỹ được thể hiện qua câu thơ “Mai các cháu học hành tiến bộ/ Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay...”.
Đáp án D.
Câu 3. Đặt hình ảnh người chiến sĩ đi tuần bên hình ảnh giấc ngủ yên bình của học sinh, tác giả bài thơ muốn nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thứ hai để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Tác giả muốn nói rằng các chú bộ đội luôn âm thầm bảo vệ để các em nhỏ được ngủ ngon và sống bình yên..
Câu 4. Thông qua khổ thơ 2, em hiểu gì về những tâm sự của các chiến sỹ gửi tới các cháu học sinh?
A. Tình yêu Tổ quốc của người chiến sỹ
B. Các cháu cứ yên tâm ngủ ngon vì chú đã canh gác an toàn
C. Các cháu có nhớ nhà không
D. Các cháu được ngủ sướng hơn các chú
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thứ hai để chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Thông qua khổ thơ 2, những tâm sự của các chiến sỹ gửi tới các cháu học sinh là Các cháu cứ yên tâm ngủ ngon vì chú đã canh gác an toàn.
Đáp án B.
Câu 5. Em hãy nêu nội dung của bài thơ.
Phương pháp giải:
Em thấy bài thơ nói về ai, người đó có mong ước gì.
Lời giải chi tiết:
Bài thơ nói về chú bộ đội đi tuần, canh gác trong đêm. Chú không quản gió lạnh, đi tuần trong im lặng để bảo vệ mọi người. Chú mong các em ngủ yên giấc, ngày mai học hành chăm chỉ để xây dựng đất nước.
Câu 6. Tìm các từ ngữ có tác dụng nối trong đoạn văn dưới đây. Gạch chân các từ ngữ đó.
Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.
Phương pháp giải:
Em tìm các từ ngữ có tác dụng nối.
Lời giải chi tiết:
Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.
Câu 7. Gạch chân dưới tên riêng nước ngoài viết sai quy tắc trong câu văn sau và sửa lại cho đứng:
Không chỉ có Đa-vít Đe-vin mà những bạn trẻ người nước ngoài như An dy, cũng đang say mê tìm hiểu văn hóa trà Việt và học cách pha trà.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại quy tắc viết tên riêng nước ngoài.
Lời giải chi tiết:
Tên riêng nước ngoài viết sai quy tắc là An dy. Sửa lại là An-dy.
Câu 8. Hai câu văn sau liên kết với nhau bằng cách nào?
Đứng trên chiếc cầu đoạn cuối sông Gành Hào, nhìn về phía mặt trời mọc, có thể thấy một dây ghe dập dờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chống lên loang loáng dưới ánh mặt trời. Đó là chợ nổi Cà Mau quê tôi.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại các cách liên kết câu.
Lời giải chi tiết:
Hai câu liên kết bằng cách thay thế từ ngữ: "một dây ghe dập dờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chống lên loang loáng dưới ánh mặt trời” được thay thế bằng "đó”.
Câu 9. Tác dụng của điệp từ "tiếng ve" trong câu sau là gì?
Tiếng ve kêu râm ran, tiếng ve gọi hè, tiếng ve vang khắp cánh rừng.
A. So sánh tiếng ve với các âm thanh khác.
B. Nhấn mạnh sự khác nhau giữa các loại tiếng ve.
C. Làm câu văn có cảm giác nhàm chán.
D. Tạo sự liên kết về mặt âm thanh trong câu văn.
Phương pháp giải:
Em dựa vào nội dung câu văn để xác định tác dụng của điệp từ.
Lời giải chi tiết:
Tác dụng của điệp từ "tiếng ve" trong câu sau là tạo sự liên kết về mặt âm thanh trong câu văn.
Đáp án D.
Câu 10. Viết 2-3 câu về một hoạt động ở trường, lớp mà em thích, trong đó có sử dụng từ ngữ nối để liên kết câu.
Phương pháp giải:
Em lựa chọn một hoạt động em yêu thích ở trường lớp để kể và lưu ý sử dụng từ ngữ nối.
Lời giải chi tiết:
Em rất thích hoạt động trồng cây ở trường. Vì vậy, mỗi khi đến ngày chăm sóc cây, em đều háo hức tham gia. Sau đó, em còn kể cho bố mẹ nghe về cây em trồng ở lớp nữa.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
- Em xác định câu chuyện về tình bạn định nêu tình cảm, cảm xúc và lập dàn ý.
- Dựa trên dàn ý đã lập để viết đoạn văn.
Lời giải chi tiết:
Dàn ý :
- Mở đầu: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả và nếu ấn tượng chung về câu chuyện.
- Triển khai: Kể tóm tắt nội dung câu chuyện, nêu những điều yêu thích ở câu chuyện (nhân vật, sự việc, ý nghĩa của câu chuyện,...) và thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
- Kết thúc: Khẳng định một lần nữa giá trị, ý nghĩa của câu chuyện hoặc nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
Bài tham khảo 1:
Trong những câu chuyện về tình bạn đã được đọc, em đặc biệt yêu thích câu chuyện Sự tích hoa mào gà. Vì đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn. Trong câu chuyện, nàng Gà Mơ đã nhường chiếc mào xinh xắn mà bản thân vẫn luôn lấy làm tự hào cho một cây hoa nhỏ ở cạnh giếng. Thấy bạn bật khóc nức nở, vì không có hoa để khoe sắc với bạn bè, Gà Mơ rất thương bạn. Chính vì vậy, mà cô đã nhường chiếc mào trên đầu mình cho bạn. Nhờ thế, cây hoa nhỏ đã có một đóa hoa đỏ tươi xinh xắn ở trên đầu. Trân trọng tình cảm của Gà Mơ, cây hoa đã đặt tên cho mình là hoa Mào Gà. Câu chuyện không chỉ lý giải một cách thú vị về nguồn gốc của hoa mào gà, mà hơn hết, đã truyền tải một tình bạn trong sáng, ấm áp giữa Gà Mơ và hoa Mào Gà. Tình bạn ấy là sự quan tâm, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, hi sinh vì bạn của mình. Tình bạn đó của của Gà Mơ thật cao thượng và vĩ đại. Từ câu chuyện, ấy hiểu thêm nhiều điều về tình bạn. Em sẽ học hỏi Gà Mơ, yêu thương và quan tâm đến bạn bè của mình nhiều hơn nữa.
Bài tham khảo 2 :
Câu chuyện "Lá thư gửi người bạn thân" là một trong những câu chuyện em yêu thích nhất. Trong câu chuyện, một cô bé tên Lan vì chuyển nhà sang nơi ở mới, nên rất nhớ người bạn thân của mình – Mai. Lan quyết định viết một lá thư dài kể về những ngày tháng cô đơn ở trường mới, những điều thú vị mà cô đã khám phá và cả những khó khăn trong việc làm quen với bạn mới. Khi nhận được lá thư, Mai đã gửi lại một lá thư đầy những lời động viên và tình cảm chân thành. Điều đặc biệt trong câu chuyện là cách hai cô bé dù ở xa nhau nhưng vẫn giữ vững tình bạn bằng những lá thư, những lời nhắn nhủ yêu thương. Câu chuyện đã khiến em hiểu rằng tình bạn đích thực không bị giới hạn bởi khoảng cách hay thời gian. Nó giống như một sợi dây vô hình luôn gắn kết chúng ta, dù cho cuộc sống có thay đổi thế nào. Từ đó, em càng trân trọng những người bạn xung quanh mình hơn.
Bài tham khảo 3:
Câu chuyện về Đoàn Trường Sinh và bạn Hanh là một trong những câu chuyện về tình bạn em ấn tượng nhất. Mặc dù Hanh không thể tự đi lại được, nhưng Sinh luôn cõng bạn đi học mỗi ngày, dù đường đi rất xa và đầy khó khăn. Tình bạn của họ thật đẹp, sinh động và đầy tình thương. Sinh không chỉ giúp bạn Hanh đến trường mà còn là nguồn động viên lớn cho bạn cố gắng học tập tốt. Hanh cũng không làm bạn thất vọng khi luôn học giỏi và đạt nhiều thành tích. Em thấy rằng tình bạn thật sự rất quan trọng và quý giá trong cuộc sống.

