Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo - Đề số 3


Bác bán than với ngài quý tộc Các-lô là con một ngài quý tộc cao lớn, luôn ăn mặc lịch sự. Bét-ti là học sinh bé nhất lớp, con bác bán than. Một lần, không biết hai đứa tranh cãi điều gì mà Các-lô lớn tiếng với Bét-ti: "Bố cậu trông như người khố rách áo ôm." Bét-ti đỏ mặt tía tai, giàn giụa nước mắt, chẳng nói nên lời vì uất ức.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 4 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Bác bán than với ngài quý tộc

            Các-lô là con một ngài quý tộc cao lớn, luôn ăn mặc lịch sự. Bét-ti là học sinh bé nhất lớp, con bác bán than. Một lần, không biết hai đứa tranh cãi điều gì mà Các-lô lớn tiếng với Bét-ti: "Bố cậu trông như người khố rách áo ôm." Bét-ti đỏ mặt tía tai, giàn giụa nước mắt, chẳng nói nên lời vì uất ức. Về nhà, cậu nói cho bố mẹ nghe cách hành xử của Các-lô. Đầu giờ học hôm sau, bố của Bét-ti, một người nhỏ bé, quần áo đen nhẻm vì bụi than, đến lớp phàn nàn với thầy giáo về việc Các-lô đã làm Bét-ti đau khổ. Giữa lúc đó, ngài quý tộc đưa con trai Các-lô của mình đến cửa lớp. Ông nghe thấy nói tên con, liền vào lớp hỏi thầy giáo xem có chuyện gì. Nghe thầy giáo thuật lại chuyện bác bán than phàn nàn, ngài quý tộc đỏ mặt. Ông quay lại hỏi cậu con trai:

            - Các-lô, có phải con đã nói thế không?

            Các-lô đứng như trời trồng, cúi mặt, không dám nói gì. Bố cậu nắm lấy tay con, đẩy cậu lại sát Bét-ti và nói:

            - Xin lỗi bạn đi!

            Bác bán than ngăn ông lại: "Thôi! Thôi!". Nhưng ngài quý tộc cương quyết:

            - Xin lỗi bạn đi! Nhắc lại theo lời bố: "Tôi xin lỗi bạn Bét-ti vì tôi đã nói lời xúc phạm bố bạn, người mà lẽ ra tôi phải bắt tay với thái độ tự hào mới đúng."

            Dù bác bán than vẫn ngăn nhưng ông quý tộc không chịu thôi, ông chờ cho đến khi Các-lô phải làm theo lời ông tuy nó nói với giọng lí nhí. Bấy giờ ngài quý tộc mới chìa tay xin bắt tay bác bán than. Hai người xiết chặt tay nhau. Sau đó, bác bán than đẩy con mình lại gần Các-lô. Ngài quý tộc quay lại nói với thầy giáo:

            - Xin thầy làm ơn xếp cho hai cháu ngồi cạnh nhau!

            Bác bán than nhìn Các-lô với ánh mắt thương mến, rồi đưa mấy ngón tay to tướng lướt nhẹ như vuốt qua trán nó và bước ra khỏi lớp.

(Theo A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Vì sao Bét-ti uất ức khi nghe Các-lô nói về bố mình?

A. Bét-ti uất ức vì bố của mình là một người bán than.

B. Bét-ti uất ức vì bố của mình bị Các-lô xem thường.

C. Bét-ti uất ức vì bố của mình nghèo khổ.

D. Bét-ti uất ức vì thầy giáo thiên vị Các-lô.

Câu 2. Việc bị bố yêu cầu xin lỗi bạn khiến cho Các-lô hiểu ra điều gì?

A. Các-lô đã đúng khi tranh cãi với bạn.

B. Các-lô đã sai khi xúc phạm bố của bạn, khiến bạn uất ức.

C. Các-lô đã sai khi để bố biết chuyện này.

D. Các-lô đã sai khi không báo chuyện này với thầy giáo. 

Câu 3. Việc ngài quý tộc cương quyết buộc con phải xin lỗi bạn nói lên điều gì?

A. Ngài quý tộc dạy con phải ra vẻ mình là người tử tế để thầy giáo khen ngợi.

B. Ngài quý tộc dạy con khi có lỗi phải dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi.

C. Ngài quý tộc dạy con phải biết tôn trọng người khác trong mọi hoàn cảnh.

D. Câu B và câu C đúng.

Câu 4. Em hiểu thành ngữ “Khố rách áo ôm” nghĩa là gì?

Câu 5. Trong câu “Các-lô là con một ngài quý tộc cao lớn, luôn ăn mặc lịch sự.”  Đâu là tính từ?

A. ngài quý tộc, ăn mặc.

B. ăn mặc, lịch sự.

C. cao lớn, lịch sự.     

D. ăn mặc, cao lớn.

Câu 6. Gạch chân dưới những từ cùng nghĩa với từ mơ ước trong những câu sau:

a. Ngày bé mỗi lần thấy mẹ vất vả giặt quần áo bằng tay, Loan lại ước ao nhà mình có một chiếc máy giặt.

b. Ước mơ của Quỳnh là lớn lên có thể trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh.

c. Trở lại quê hương, Ngọc dang tay ngẩng mặt lên tận hưởng không khí nơi đây – nơi đã ôm ấp biết bao mơ mộng một thời ngây dại của chị.

d. Cậu ấy luôn ao ước có một chiếc xe đạp mới.      

Câu 7. Xác định sự vật được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá trong câu sau:

Mùa xuân ấm áp đã đến, bác giun đất chui ra  khỏi phòng để tận hưởng không khí trong lành.

Sự vật được nhân hoá: ........................................................................................................

Từ ngữ dùng để nhân hoá: .................................................................................................

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Em hãy viết thư cho một người thân ở xa để thăm hỏi và kể về tình hình gia đình của em.

-------- Hết --------

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. B

2. B

3. D

5. C

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Vì sao Bét-ti uất ức khi nghe Các-lô nói về bố mình?

A. Bét-ti uất ức vì bố của mình là một người bán than.

B. Bét-ti uất ức vì bố của mình bị Các-lô xem thường.

C. Bét-ti uất ức vì bố của mình nghèo khổ.

D. Bét-ti uất ức vì thầy giáo thiên vị Các-lô.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Bét-ti uất ức vì bố của mình bị Các-lô xem thường.

Đáp án B.

Câu 2. Việc bị bố yêu cầu xin lỗi bạn khiến cho Các-lô hiểu ra điều gì?

A. Các-lô đã đúng khi tranh cãi với bạn.

B. Các-lô đã sai khi xúc phạm bố của bạn, khiến bạn uất ức.

C. Các-lô đã sai khi để bố biết chuyện này.

D. Các-lô đã sai khi không báo chuyện này với thầy giáo. 

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Việc bị bố yêu cầu xin lỗi bạn khiến cho Các-lô hiểu ra mình đã sai khi xúc phạm bố của bạn, khiến bạn uất ức.

Đáp án B.

Câu 3. Việc ngài quý tộc cương quyết buộc con phải xin lỗi bạn nói lên điều gì?

A. Ngài quý tộc dạy con phải ra vẻ mình là người tử tế để thầy giáo khen ngợi.

B. Ngài quý tộc dạy con khi có lỗi phải dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi.

C. Ngài quý tộc dạy con phải biết tôn trọng người khác trong mọi hoàn cảnh.

D. Câu B và câu C đúng.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Việc ngài quý tộc cương quyết buộc con phải xin lỗi bạn nói lên ngài quý tộc dạy con khi có lỗi phải dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi và phải biết tôn trọng người khác trong mọi hoàn cảnh.

Đáp án D.

Câu 4. Em hiểu thành ngữ “Khố rách áo ôm” nghĩa là gì?

Phương pháp giải:

Căn cứ vào kiến thức bản thân, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

Thành ngữ “Khố rách áo ôm” chỉ người nghèo khổ với ý khinh bỉ.

Câu 5. Trong câu “Các-lô là con một ngài quý tộc cao lớn, luôn ăn mặc lịch sự.”  Đâu là tính từ?

A. ngài quý tộc, ăn mặc.

B. ăn mặc, lịch sự.

C. cao lớn, lịch sự.     

D. ăn mặc, cao lớn.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Tính từ.

Lời giải chi tiết:

Trong câu “Các-lô là con một ngài quý tộc cao lớn, luôn ăn mặc lịch sự.”, tính từ là cao lớn, lịch sự.

Đáp án C.

Câu 6. Gạch chân dưới những từ cùng nghĩa với từ mơ ước trong những câu sau:

a. Ngày bé mỗi lần thấy mẹ vất vả giặt quần áo bằng tay, Loan lại ước ao nhà mình có một chiếc máy giặt.

b. Ước mơ của Quỳnh là lớn lên có thể trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh.

c. Trở lại quê hương, Ngọc dang tay ngẩng mặt lên tận hưởng không khí nơi đây – nơi đã ôm ấp biết bao mơ mộng một thời ngây dại của chị.

d. Cậu ấy luôn ao ước có một chiếc xe đạp mới.      

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Mở rộng vốn từ Ước mơ.

Lời giải chi tiết:

a. Ngày bé mỗi lần thấy mẹ vất vả giặt quần áo bằng tay, Loan lại ước ao nhà mình có một chiếc máy giặt.

b. Ước mơ của Quỳnh là lớn lên có thể trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh.

c. Trở lại quê hương, Ngọc dang tay ngẩng mặt lên tận hưởng không khí nơi đây – nơi đã ôm ấp biết bao mơ mộng một thời ngây dại của chị.

d. Cậu ấy luôn ao ước có một chiếc xe đạp mới.

Câu 7. Xác định sự vật được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá trong câu sau:

Mùa xuân ấm áp đã đến, bác giun đất chui ra  khỏi phòng để tận hưởng không khí trong lành.

Sự vật được nhân hoá: ........................................................................................................

Từ ngữ dùng để nhân hoá: .................................................................................................

Phương pháp giải:

Căn cứ vào nội dung bài Biện pháp nhân hóa.

Lời giải chi tiết:

Sự vật được nhân hoá: giun đất

Từ ngữ dùng để nhân hoá: bác, tận hưởng

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Bà nội kính mến!

Mấy hôm nay, gió mùa Đông Bắc lại về, thời tiết trở nên lạnh lẽo. Cả nhà cháu ai cũng lo lắng cho bà, nên cháu đã viết bức thư này để hỏi thăm bà. Ở quê, trời chắc cũng đã rét lắm rồi bà nhỉ? Những hôm trái gió trở trời như thế này, lưng và đầu gối của bà có đau nhức lắm không ạ? Mẹ có mua vài lọ dầu xoa bóp gửi cùng thư, bà đem ra xoa cho ấm và đỡ đau nhức nhé. Mọi người trong nhà mình vẫn khỏe và đi học, đi làm bình thường chứ ạ? Tháng trước về quê, giàn gấc sau vườn đã có trái. Bây giờ, trái đã chín đỏ chưa hở bà?

 

Ở Hà Nội, gia đình cháu vẫn mạnh khỏe. Cu Tí mấy hôm nay đã tự biết xúc cơm ăn rồi đấy bà ạ. Bố mẹ cháu cuối năm nên có phần bận rộn hơn, nhưng vẫn chú ý giữ gìn sức khỏe như lời bà dặn. Chờ cuối tháng 12, cháu thi học kì 1 xong, cháu sẽ về thăm bà. Lúc đó bà nhớ dẫn cháu đi chợ phiên chơi như năm ngoái bà nhé!

 

Cháu yêu của bà

Hồng

Trịnh Thị Khánh Hồng

Bài tham khảo 2:

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2024

Dì Hoa yêu quý của cháu!

Nhận được điện thoại của chú Sơn báo dì bị ốm, cháu và cả nhà rất lo lắng cho dì. Nay cháu viết thư hỏi thăm sức khỏe của dì ạ.

Dì ơi, cháu nghe chú Sơn kể dì bị đau dạ dày rất nặng phải đi bệnh viện. Cháu rất lo lắng. Các bác sĩ điều trị đã giúp dì giảm những cơn đau chưa ạ?

Chắc dì đã đau lắm, cả nhà nghe chuyện ai cũng thương dì, nhất là mẹ cháu, cứ nhắc đến là mẹ cháu lại khóc. Mẹ cháu vẫn thương dì nhất mà.

Chú Sơn bảo dì ở viện một tuần rồi được về nhà. Bây giờ dì đã đỡ nhiều chưa? Chắc dì chưa ăn được nhiều đúng không ạ? Dì ơi, dì nhớ uống thuốc theo lời bác sĩ dặn và bồi bổ sức khỏe dì nhé. Dì phải khỏe mạnh thật nhanh để còn đi làm lại và chăm sóc cả nhà nữa chứ.

À, hôm qua, em Nhật Anh nhà dì gọi điện thoại khoe với cháu là biết rót nước mang thuốc cho dì, cháu khen em ngoan thế là cu cậu thích lắm dì ạ. Cháu nghe mẹ cháu nói, cuối tháng sẽ sáp xếp công việc để về thăm dì đấy ạ. Cháu và cả nhà trên này vẫn khỏe, mọi người ai cũng lo lắng và đều gửi lời hỏi thăm dì sức khỏe của dì, dì nhớ khỏe lại thật nhanh để cả nhà khỏi lo nhé.

Dì ơi, chác dì cũng đến giờ uống thuốc và đi ngủ rồi, cháu xin dừng bút ở đây. Cháu chúc dì mau chóng bình phục và khỏe mạnh. Chúc cả nhà dồi dào sức khỏe ạ. Dì nhớ nghỉ ngơi cho thật tốt dì nhé! Cháu nhớ và thương dì lắm.

Cháu gái của dì

Ánh

Nguyễn Minh Ánh

Bài tham khảo 3:

Đồng Hới, ngày 5 tháng 11 năm 2024

Anh trai thân mến của em!

Vậy là đã tròn ba tháng anh ra Hà Nội học đại học. Bây giờ chắc anh đã quen với cuộc sống ở đó rồi nhỉ? Mấy hôm nay, xem dự báo thời tiết thấy miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm rét hại, anh có cảm thấy lạnh lẽo quá không? Áo quần ấm của anh vẫn đủ mặc chứ ạ? Không khí khô hanh ở miền Bắc có làm anh bị nẻ chân không ạ? Mẹ có gửi thêm cho anh một ít áo quần ấm và kem dưỡng bôi cho tay và chân đấy ạ.

Ở nhà, bố mẹ và em vẫn khỏe. Cả nhà đều nhớ anh lắm. Tối nào ăn cơm bố mẹ cũng nhắc về anh. Không biết ở Hà Nội anh học tập, nghỉ ngơi như thế nào. Dạo này, em đã nhận nhiệm vụ quét dọn nhà cửa, cắm cơm, gấp quần áo và tưới cây thay anh. Lúc đầu, em còn lóng ngóng, nhưng giờ thì em đã quen rồi. Chờ Tết anh về, anh sẽ phải ngạc nhiên cho mà xem. Việc học của em vẫn vậy, chưa tiến bộ được nhiều nhưng em đã nghe lời anh tích cực phát biểu hơn rồi ạ. Em sẽ cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, để có thành tích thật tốt khoe với anh.

Thư đã dài, nên em xin dừng bút tại đây. Cuối thư, em xin chúc anh sức khỏe, học tập tốt và nhớ sớm viết thư hồi âm cho em nhé!

Em trai của anh

Mạnh

Đinh Tuấn Mạnh


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí