Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều - Đề số 2>
Cây bàng không rụng lá Phố tôi có một cây bàng. Ai đã trồng cây bàng ấy, tôi không rõ. Chỉ biết rằng bây giờ cây đã to lắm rồi. Đến mùa quả chín, một mùi thơm ngòn ngọt, lờ lợ toả ra, lên mãi tận gác ba, gác tư.
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 4 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Cây bàng không rụng lá
Phố tôi có một cây bàng. Ai đã trồng cây bàng ấy, tôi không rõ. Chỉ biết rằng bây giờ cây đã to lắm rồi. Đến mùa quả chín, một mùi thơm ngòn ngọt, lờ lợ toả ra, lên mãi tận gác ba, gác tư.
Khi tôi đã biết suy nghĩ, tôi mới nhận ra được một điều rất lạ: Cây bàng trồng ở phố tôi không rụng lá.
Tôi đem chuyện đó hỏi bố. Bố tôi hơi nhíu lông mày, từ từ đứng dậy: – Nào, con ra đây.
Hai bố con cùng đứng ở ngoài hành lang, nhìn xuống đường phố. Cây bàng như ngủ yên dưới bầu trời thoang thoảng ánh trăng non...
– Lúc này là tám giờ, con ạ...
Bố tôi nói tiếp:
– Con có thể thức đến mười rưỡi được không?
– Được ạ.
Bố bảo tôi cứ đi ngủ, đến giờ bố sẽ gọi. Mặc dù thấy lạ nhưng cơn buồn ngủ kéo đến khiến tôi ngủ quên mất.
Bố gọi tôi dậy cùng bố đi xuống gác khi trời vừa mưa xong. Xuống tới mặt đường, tôi đứng sững lại. Trước mặt tôi, những chiếc lá bàng nằm la liệt trên đường phố như những cái quạt mo lung linh ảnh điện. Thật là lạ, lá rơi nhiều thế này mà đến sáng mai, tuyệt không còn một cái! Xa xa... đâu tận cuối phố, tôi nghe thấy tiếng chổi tre khua loạt xoạt. Từ nãy, bố tôi chỉ đứng yên. Tôi ngước nhìn, dò hỏi. Bố tôi nói khẽ:
– Con có nghe thấy gì không?
– Có ạ. Tiếng chổi tre.
– Đó, những chiếc lá sẽ đi theo cái chổi tre ấy đấy...
Cùng lúc, tôi nhìn thấy hai bác công nhân mặc áo khoác xanh, miệng đeo khẩu trang trắng, đang vừa đi vừa quét đường phố và cúi nhặt những chiếc lá rơi bỏ vào thùng rác có bánh xe...
Tôi vụt hiểu tất cả: Vì sao cây bàng không rụng lá.
(Theo Phong Thu)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Bạn nhỏ nhận ra điều gì rất lạ ở phố nhà mình?
A. Phố có cây bàng rất to.
B. Cây bàng ở phố không rụng lá.
C. Cây bàng to có rất nhiều quả chín.
D. Mùi bàng chín tỏa lên tận gác ba, gác tư.
Câu 2. Bố đã giải đáp cho bạn nhỏ bằng cách nào?
A. Bảo bạn nhỏ quan sát cây bàng thật kĩ khi trời vừa mưa xong.
B. Dặn bạn nhỏ thức đến mười giờ rưỡi để xem cây bàng trên phố.
C. Đánh thức bạn nhỏ dậy và dẫn bạn nhỏ đi ra phố sau mười giờ đêm.
D. Chỉ cho bạn nhỏ cách quan sát cây bàng và đường phố sau cơn mưa.
Câu 3. Bạn nhỏ đã hiểu ra điều gì khi được bố giải đáp?
A. Những chiếc lá của cây bàng đều bị gió thổi bay đi sau cơn mưa.
B. Cây bàng trồng ở phố của bạn nhỏ không rụng lá.
C. Những chiếc lá bàng đi theo cái chổi tre.
D. Các bác công nhân môi trường đã lặng lẽ quét dọn những chiếc lá trong đêm khuya.
Câu 4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
A. Hàng ngày hãy thức đến mười giờ rưỡi để thấy những chiếc lá bàng được quét sạch trên hè phố.
B. Có những loài cây rụng lá và có những loài cây không rụng lá.
C. Hãy biết trân trọng sức lao động của các bác công nhân môi trường đã vất vả sớm hôm giữ sạch đường phố.
D. Hãy biết quan sát vấn đề nhiều phía.
Câu 5. Em hãy nói 1-2 câu thể hiện tình cảm của mình đối với các bác công nhân môi trường.
Câu 6. Em hãy chỉ ra các danh từ, động từ có trong câu sau:
Tháng Ba, hoa gạo nở đỏ rực. Từng đàn chim én chao liệng trên bầu trời.
- Danh từ:............................................................................................................................
- Động từ:............................................................................................................................
Câu 7. Cho các sự vật sau: chích bông, hoa hồng, bút chì.
Em hãy đặt câu có sử dụng hình ảnh nhân hóa một sự vật đã nêu trên.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một cây hoa (hoặc cây ăn quả, cây bóng mát, cây cảnh...) mà em yêu thích.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. B |
2. B |
3. D |
4. C |
|
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Bạn nhỏ nhận ra điều gì rất lạ ở phố nhà mình?
A. Phố có cây bàng rất to.
B. Cây bàng ở phố không rụng lá.
C. Cây bàng to có rất nhiều quả chín.
D. Mùi bàng chín tỏa lên tận gác ba, gác tư.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Bạn nhỏ nhận ra điều gì rất lạ là cây bàng ở phố không rụng lá.
Đáp án B.
Câu 2. Bố đã giải đáp cho bạn nhỏ bằng cách nào?
A. Bảo bạn nhỏ quan sát cây bàng thật kĩ khi trời vừa mưa xong.
B. Dặn bạn nhỏ thức đến mười giờ rưỡi để xem cây bàng trên phố.
C. Đánh thức bạn nhỏ dậy và dẫn bạn nhỏ đi ra phố sau mười giờ đêm.
D. Chỉ cho bạn nhỏ cách quan sát cây bàng và đường phố sau cơn mưa.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Bố đã giải đáp cho bạn nhỏ bằng cách dặn bạn nhỏ thức đến mười giờ rưỡi để xem cây bàng trên phố.
Đáp án B.
Câu 3. Bạn nhỏ đã hiểu ra điều gì khi được bố giải đáp?
A. Những chiếc lá của cây bàng đều bị gió thổi bay đi sau cơn mưa.
B. Cây bàng trồng ở phố của bạn nhỏ không rụng lá.
C. Những chiếc lá bàng đi theo cái chổi tre.
D. Các bác công nhân môi trường đã lặng lẽ quét dọn những chiếc lá trong đêm khuya.
Phương pháp giải:
Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Bạn nhỏ đã hiểu ra các bác công nhân môi trường đã lặng lẽ quét dọn những chiếc lá trong đêm khuya.
Đáp án D.
Câu 4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
A. Hàng ngày hãy thức đến mười giờ rưỡi để thấy những chiếc lá bàng được quét sạch trên hè phố.
B. Có những loài cây rụng lá và có những loài cây không rụng lá.
C. Hãy biết trân trọng sức lao động của các bác công nhân môi trường đã vất vả sớm hôm giữ sạch đường phố.
D. Hãy biết quan sát vấn đề nhiều phía.
Phương pháp giải:
Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện muốn nói với em hãy biết trân trọng sức lao động của các bác công nhân môi trường đã vất vả sớm hôm giữ sạch đường phố..
Đáp án C.
Câu 5. Em hãy nói 1-2 câu thể hiện tình cảm của mình đối với các bác công nhân môi trường.
Phương pháp giải:
Căn cứ kiến thức của bản thân, suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
Em rất cảm ơn các bác công nhân môi trường vì công việc vất vả và thầm lặng của các bác. Các bác là những người hùng vô hình, giúp cho môi trường sống của chúng ta luôn sạch sẽ và xanh tươi.
Câu 6. Em hãy chỉ ra các danh từ, động từ có trong câu sau:
Tháng Ba, hoa gạo nở đỏ rực. Từng đàn chim én chao liệng trên bầu trời.
- Danh từ:............................................................................................................................
- Động từ:............................................................................................................................
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài Danh từ, Động từ.
Lời giải chi tiết:
- Danh từ: tháng Ba, hoa gạo, đàn chim én, bầu trời.
- Động từ: nở, chao liệng.
Câu 7. Cho các sự vật sau: chích bông, hoa hồng, bút chì.
Em hãy đặt câu có sử dụng hình ảnh nhân hóa một sự vật đã nêu trên.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài Biện pháp nhân hóa.
Lời giải chi tiết:
- Hoa hồng dịu dàng thì thầm những lời yêu thương vào gió.
- Chích bông rạng rỡ cười tươi, hót líu lo.
- Anh bút chì mải miết vẽ những ước mơ trên trang giấy.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Mở bài: Giới thiệu cây định tả.
- Thân bài: Tả được chi tiết về hình dáng, đặc điểm của cây được tả.
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của mình về cây được tả theo cách kết bài đã học.
Bài tham khảo 1:
Đầu ngõ nhỏ dẫn vào nhà em có một cây bàng rất lớn. Cây bàng ấy đã sống ở đây từ rất lâu về trước, đến mức trở thành biểu tượng và là tên gọi cho con ngõ nhà em.
Cây bàng cây không quá cao, chỉ chừng gần 7m. Nhưng thân cây thì to lắm, to hơn những cây bàng được trồng ở trường em nhiều. Phải cả ba đứa trẻ mới có thể ôm hết được một vòng thân cây. Lớp vỏ bên ngoài thân cây rất dày, có màu nâu đen, nhiều chỗ nứt ra thành khe, thành rãnh như mặt ruộng mùa hạ. Phần gần mặt đất, gốc bàng được quét vôi trắng rất dày, chứng tỏ đã được quét đi quét lại nhiều lần. Đó là cách mà người ta bảo vệ cây bàng già khỏi mối mọt đó. Thân bàng mọc lên cao chừng 4m, sau đó chẽ ra làm đôi, tạo ra hai nhánh cây lớn. Mỗi nhánh cây sẽ vươn ra một phía, rồi đẻ con, đẻ cháu. Họ hàng cành bàng đông đúc, chen chúc nhau tạo nên vòm lá khổng lồ. Những chiếc lá bàng to như trang vở của em, hình dáng trông như giọt nước. Chúng thường mọc chụm lại thành nhóm ba đến năm lá, tạo thành dáng như bông hoa to lớn. Lá bàng không quá dày nhưng rất dai, mặt trên của lá xanh bóng như được quét một lớp mỡ. Mặt dưới có gân lá lá nổi lên và bề mặt hơi nham nhám. Lá bàng vào mùa thu đông sẽ chuyển đỏ cam loang lổ như bị lọ nước sơn đổ lên trông rất đẹp. Mỗi chiếc lá sẽ có màu sắc khác nhau, tạo nên sự đa dạng và thú vị. Em thích nhất là những buổi chiều tối, chạy ra gốc bàng chờ lá rụng xuống, chọn nhặt những chiếc lá đẹp nhất để mang về cất làm kỉ niệm.
Dưới gốc bàng ấy, em chờ bố mẹ đi làm về, đứng đợi bạn cùng đi học. Đó cũng là nơi em và các bạn nô đùa mỗi cuối tuần. Em mong rằng, dù con phố này ngày càng phát triển hơn nữa, thì người ta vẫn sẽ giữ cây bàng lại, để nó tiếp tục tỏa bóng mát cho con đường.
Bài tham khảo 2:
Trên thế giới có rất nhiều loài hoa đẹp. Mỗi loài lại mang một ý nghĩa tượng trưng riêng. Trong đó, em yêu thích nhất là cây hoa hướng dương.
Hoa hướng dương hay còn được gọi là hoa Mặt Trời bởi chúng luôn hướng về phía ánh sáng Mặt Trời. Loài hoa này thường được trồng thành từng vườn, tạo nên khung cảnh vừa đẹp đẽ, vừa rực rỡ.
Cây hoa hướng dương thuộc loại cây thân mềm. Khi trưởng thành, thân cây cũng chỉ to bằng một ngón tay người lớn, cao khoảng một mét. Nó có màu xanh sẫm, được bao phủ bởi một lớp lông mỏng mà phải nhìn kĩ ta mới có thể thấy được. Lá hướng dương to bản, đồng màu với thân. Bên viền lá còn có một lớp răng cưa, tựa như lớp lá chắn bảo vệ cho cây. Nhìn vào cả một vườn hướng dương, ta sẽ thấy những chiếc lá tỏa ra, phập phồng hứng gió trông hết sức vui mắt.
Điểm đặc biệt nhất của loài cây này chính là bông hoa hướng dương xinh đẹp. Những cánh hoa có màu vàng rực rỡ tựa như màu của nắng. Chúng xếp liền kề, xen kẽ với nhau thành từng lớp, bao xung quanh nhụy hoa ở giữa. Khác với các loài hoa khác, nhụy hoa hướng dương hình tròn, to lớn, có màu nâu đậm. Ẩn chứa trong đó là những hạt hướng dương đen nhỏ - một món ăn vặt vô cùng quen thuộc của con người. Nhìn từ xa, những bông hoa hướng dương đứng cạnh nhau trông tựa như nhiều Mặt Trời nhỏ bé đang tỏa sáng lung linh.
Có một điều rất thú vị ở hoa hướng dương. Như ta đã biết, loài hoa này thường được trồng ở nơi có nhiều ánh sáng bởi chúng luôn hướng về phía Mặt Trời. Nhưng khi đêm đến, Mặt Trời lặn mất, những bông hoa ấy sẽ hướng về nhau. Bởi màu vàng rực rỡ cùng cơ chế đặc biệt như vậy, hoa hướng dương được con người ưu ái đặt làm biểu tượng của chân lí, của niềm hi vọng và khát vọng tìm đến sự sống, niềm tin vào tương lai tươi sáng trong cuộc đời.
Hoa hướng dương không chỉ có sắc đẹp mà còn mang ý nghĩa vô cùng cao cả. Chính vì vậy, loài hoa này được rất nhiều người yêu thích. Mong rằng sẽ có nhiều người biết đến và trân trọng những bông hoa xinh đẹp này hơn trong tương lai.