Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 1


Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: TRUYỆN THẦN NÚI MINH CHỦ ĐỒNG CỔ (Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp)

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

TRUYỆN THẦN NÚI MINH CHỦ ĐỒNG CỔ

(Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp)

  Theo truyện Báo cực thì thần là Minh Chủ Chiêu Cảm Linh Thần Đức Đại Vương, vốn là thần núi Đồng Cổ. Núi này ở xã Đan Nê Thượng, huyện Yên Định.

  Xưa, Vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm thành, đến đóng quân ở Trường Yên, canh ba đêm đó nằm mơ thấy một dị nhân, mặc nhung phục nói với Vua Thái Tông rằng: “Thần là thần núi Đồng Cổ, nghe Vua đi đánh phương Nam xin theo Vua để lập chiến công”. Vua trong giấc mơ cho phép thần đi theo. Dẹp xong Chiêm Thành, Vua phải hoàn về kinh đô, rồi ra lệnh cho quần thần dựng đền thờ ở chùa Từ Ân bên trái bờ sông ở Kinh sư. Khi Thái Tổ băng hà, Thái Tông theo di chiếu lên ngôi. Đêm ấy, ngài mơ thấy thần đến nói với mình rằng: “Ba người em là Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương và Vũ Đức Vương âm mưu làm phản”. Sáng sớm hôm sau, ba Vương đã phục binh ở trong Long thành, tiến công đến các cửa thành. Thái Tông sai Lê Phụng Hiểu đem quân chống giữ(1).

    Phụng Hiểu vốn là người Na Sơn, huyện Thanh Hóa, người cao 7 thước, râu ria rậm rạp, sức mạnh phi thường. Thời còn bé, có người ở giáp Lương Giang mượn sức ông để đánh nhau với người khác. Ông liền nhổ cây, bật cả rễ lên nên đối phương khiếp sợ. Lúc ba vương làm phản, Lê Phụng Hiểu vâng mệnh mở cửa thành, rút kiếm đến chỗ cửa Quảng Phúc và thét lớn: “Dực Thánh, Đông Chinh, Vũ Đức nhòm ngó ngôi vua, coi thường vua mới, vong ân, bội nghĩa, Phụng Hiểu tôi xin lấy đầu các ông dâng nộp!”. Rồi xông thẳng vào chém chết Vũ Đức Vương. Đông Chinh và Dực Thánh sợ hãi bỏ chạy, bọn tay chân đền tan tác. Nội loạn dẹp yên, y như thần đã báo mộng trợ giúp. Thái Tông liền phong cho thần làm “Thiên hạ Minh Chủ”. Mỗi năm đến ngày mồng 4 tháng 4, nhà vua hội họp trăm quan làm lễ thề ở đền thần. Nội dung lời thề như sau: “Làm bề tôi mà bất trung thì sẽ bị thần giết chết”. Từ đấy, thần được dân chúng hương khói hằng ngày.

    Còn như Lê Phụng Hiểu có công dẹp yên nội loạn, Lý Thái Tông sắc phong thưởng: “Trung nghĩa, anh dũng vượt xa Kính Đức đời Đường”(2). Về sau, ông lại theo vua đi đánh Chiêm Thành, có nhiều công tích to lớn, nức tiếng xa gần. Khi ông mất, được dựng đền thờ phụng. Các đời sau cũng phong tặng tước Vương.

(Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái – NXB Kim Đồng, 2019)

(1) Việt Sử Lược chép rằng: “Vua Lý Thái Tông húy là Đức Chánh, tên là Phật Mã (52 – 3), con trưởng của vua Thái Tổ, mẹ người họ Lê. Thái Tổ lên ngôi phong Phật Mã làm Khai Thiên Đại Vương và lập làm Thái tử. Năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) Thái tử có công đi dẹp yên được các bọn giặc rợ. Lý Thái Tổ mất, quần thần vâng theo di chiếu, đến cung Long Đức mời Thái Tử lên ngôi. Lúc bấy giờ Dực Thánh Vương, Võ Đức Vương đều đem binh mai phục ở ngoài cửa Quảng Phúc muốn đánh lén. Vua từ cửa Tường Phù vào đến điện Càn Nguyên, binh ở ba phủ kéo đến đánh rất gấp. Vua sai Nguyễn Nhân Nghĩa chống cự, quân của ba phủ thất bại, Võ Đức Vương bị Lê Phụng Hiểu giết chết. Trong ngày ấy, vua lên ngôi trước linh cữu vua Thái Tổ, hạ lệnh đại xá tù tội, đổi niên hiệu, lấy năm Thuận Thiên thứ 19 (1028) là năm đầu hiệu Thiên Thành. Quần thần dâng tôn hiệu là: “Khai Thiên Thống Vận Tôn Đạo Qúy Đức Thánh Văn Quảng Võ Sùng Nhân Thượng Thiện Chính Lý Dân An Thần Phù Long Hiện Thể Nguyên Ngự Cức Ức Tuế Công Cao Ứng Chân Bửu lịch Thông Nguyên Chí Áo Hưng Long Đại Định Thông Minh Từ Hiếu Hoàng Đế”.

(2) Kính Đức: Tức Úy Trì Cung (585 – 658), danh tướng thời mạt Tùy, sơ Đường, tên là Cung, tên chữ là Kính Đức. Khi Lý Thế Dân (sau này là Đường Thái Tổ) bị vây khốn, Kính Đức liều mình cứu giúp chạy thoát. Từ đó Kính Đức trở thành bộ hạ mật thiết của Lý Thế Dân.

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định những đặc điểm nổi bật của truyện truyền kì ở văn bản Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ – Trần Thế Pháp)

Câu 2 (0.5 điểm): Tóm tắt cốt truyện và xác định sự việc chính của văn bản Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ.

Câu 3 (1.0 điểm): Việc hai đời vua đều mơ gặp thần núi Đồng Cổ trong Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ có ý nghĩa gì?

Câu 4 (1.0 điểm): Nhân vật Lê Phụng Hiểu là người như thế nào? Và có vai trò gì trong Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ?  

Câu 5 (1.0 điểm): Xác định chủ đề, cảm hứng và bức thông điệp của tác phẩm.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn (150 chữ) phân tích nét đặc sắc về nội dung, hình thức nghệ thuật và bức thông điệp của bài thơ Bữa cơm quê (Đoàn Văn Cừ) sau đây.

BỮA CƠM QUÊ (Đoàn Văn Cừ)

Cơm ngày hai bữa dọn trên hè

Mâm gỗ, muôi dừa, đũa mộc tre

Gạo đỏ, cà thâm, vừng giã mặn

Chè tươi nấu đặc nước vàng hoe

Cảnh nhà dẫu túng vẫn êm đềm

Ngày khó nhọc nhưng tối ngủ yên

Mái rạ trăng vàng, lơ lửng bógn

Vòi cau mưa chảy nước bên hiên.

(Đoàn Văn Cừ toàn tập, NXB Hội Nhà văn, 2013)

Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn (500 chữ) về một vấn đề của lứa tuổi học sinh THCS được gợi ra từ bức họa sau đây và đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đó.

Nguồn: https://m.blog.naver.com

Đáp án

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Xác định những đặc điểm nổi bật của truyện truyền kì ở văn bản Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ – Trần Thế Pháp)

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại truyện truyền kì

Lời giải chi tiết:

- Sự kiện lịch sử, như cuộc chiến của vua Lý Thái Tông, được kết nối với thần núi và thần linh trong giấc mơ. Thần núi xuất hiện để hỗ trợ vua Lý Thái Tông trong việc đánh Chiêm Thành, đặt ra một tình huống kì ảo và thần bí.

- Nhân vật siêu nhiên và anh hùng: Lê Phụng Hiểu được mô tả như một nhân vật siêu nhiên, với sức mạnh phi thường và khả năng đánh bại kẻ thù. Anh hùng Lê Phụng Hiểu đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại ba vương làm phản, bảo vệ triều đình.

- Yếu tố kì ảo: giấc mơ của vua.

Câu 2.

Tóm tắt cốt truyện và xác định sự việc chính của văn bản Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ.

Phương pháp:

Xác định các sự kiện chính

Lời giải chi tiết:

- Tóm tắt: Câu chuyện “Thần Núi Minh Chủ Đồng Cổ” của Trần Thế Pháp xoay quanh những sự kiện lịch sử và thần thoại huyền bí liên quan đến thần núi Đồng Cổ và anh hùng Lê Phụng Hiểu. Trong lúc vua Lý Thái tông đang đánh Chiêm Thành, ông mơ thấy một thần núi Đồng Cổ, nói rằng ông sẽ có chiến công lớn nếu nhận lời theo vua. Sau chiến thắng, ông xây đền thờ thần ở chùa Từ Ân. Sau khi Thái Tổ qua đời, Thái Tông được báo mộng về mối âm mưu của ba vương là Dực Thánh, Đông Chinh, và Vũ Đức. Lê Phụng Hiểu, một anh hùng với sức mạnh phi thường, được giao nhiệm vụ dẹp yên nội loạn và chống lại ba vương và được người đời ghi nhớ công ơn.

- Sự việc: Hai đời vua đềumơ gặp thần núi Đồng Cổ.

Câu 3.

Việc hai đời vua đều mơ gặp thần núi Đồng Cổ trong Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ có ý nghĩa gì?

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng truyện truyền kì

Lời giải chi tiết:

- Thể hiện đặc trưng của truyện truyền kì:

+ Việc hai đời vua mơ thấy thần núi Đồng Cổ có thể tượng trưng cho sự linh thiêng và thần bí của vùng đất, đặc biệt là núi Đồng Cổ.

+ Thần núi thường được liên kết với sức mạnh thiên nhiên và linh khí đặc biệt, là biểu tượng của sự kích thích tinh thần và sự ảnh hưởng đối với cuộc sống xã hội.

+ Mơ thấy thần núi Đồng Cổ có thể coi là một dấu hiệu, một điều báo trước về những sự kiện quan trọng hoặc thách thức đang đến.

=> Việc hai đời vua mơ gặp thần núi Đồng Cổ trong truyện có thể đại diện cho sự giao thoa giữa thế giới tự nhiên và thế giới tâm linh, đồng thời thể hiện lòng tin và tôn kính đối với thần linh trong lịch sử văn hóa của vùng đất Lĩnh Nam.

Câu 4.

Nhân vật Lê Phụng Hiểu là người như thế nào? Và có vai trò gì trong Truyện thần núi Minh Chủ Đồng Cổ?       

Phương pháp:

Chú ý các chi tiết miêu tả nhân vật Lê Phụng Hiểu

Lời giải chi tiết:

- Nhân vật Lê Phụng Hiểu:

+ Xuất thân và ngoại hình: Lê Phụng Hiểu xuất thân từ Na Sơn, huyện Thanh Hóa. Anh ta có chiều cao lướn (7 thước), với hình dáng vạm vỡ, râu ria rậm rạp thể hiện sức mạnh và anh dũng, phi thường.

+ Sức mạnh phi thường: Lê Phụng Hiểu được mô tả là người có sức mạnh phi thường, từ thời nhỏ đã có khả năng đánh nhau và có những kì tích về sức mạnh.

- Vai trò trong truyện:

+ Dẹp loạn và bao vệ vương triều: Lê Phụng Hiểu có công lớn trong việc dẹp loan nội bộ, đặc biệt là trong việc chống lại Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức - ba nhân vật âm mưu làm phản. Ông mở cửa thành, thách thức và chém chết Vũ Đức Vương, đặt kết thúc cho cuộc nội chiến và đảm bảo ổn định cho triều đình.

+ Loại bỏ mối de dọa: Lê Phụng Hiểu bang suc manh va long trung hieu đa loai bỏ mối đe dọa của ba vương, giúp vương triều tránh khỏi nguy cơ nội loạn và giữ vững quyền lực.

=> Lê Phụng Hiếu giúp vương triểu duy trì sự ổn định và an ninh. Sự công hành của ông được vua Thái Tổng đánh giá cao và được phong thưởng, thể hiện lòng trung thành và đóng góp đặc biệt cho triều đình.

- Vai trò nhân vật: là nhân vật chính trong tác phẩm, thể hiện chủ đề người anh hùng giữ bình yên cho đất nước.

Câu 5.

Xác định chủ đề, cảm hứng và bức thông điệp của tác phẩm

Phương pháp:

Đọc kĩ nội dung đoạn trích, xác định chủ đề, cảm hứng và thông điệp phù hợp

Lời giải chi tiết:

- Chủ để: Truyện tập trung ca ngợi sự đóng góp của các nhân vật anh hùng, đặc biệt là Lê Phụng Hiểu, để bảo vệ triều đình và giữ vững ổn định đất nước.

- Bức thông điệp:

+ Để giữ yên đất nước cần chống giặc ngoài, thù trong, cần có tướng giỏi như Lê Phụng Hiểu.

+ Để bảo vệ đất nước cần có sự đoàn kết, đồng lòng của những người đứng đầu đất nước, sự ủng hộ của thần linh, các thế hệ đi trước.

=> Bức thông điệp của truyện nói lên sự quan trọng của trung hiếu, lòng trung thành, và sự hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Nhân vật chính Lê Phụng Hiểu được tôn vinh không chỉ vì sức mạnh và anh dũng, mà còn vì lòng trung hiếu và đóng góp quan trọng của ông trong việc giữ vững ổn định và an ninh cho vương triều.

PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn văn (150 chữ) phân tích nét đặc sắc về nội dung, hình thức nghệ thuật và bức thông điệp của bài thơ Bữa cơm quê (Đoàn Văn Cừ) sau đây.

BỮA CƠM QUÊ (Đoàn Văn Cừ)

Cơm ngày hai bữa dọn trên hè

Mâm gỗ, muôi dừa, đũa mộc tre

Gạo đỏ, cà thâm, vừng giã mặn

Chè tươi nấu đặc nước vàng hoe

Cảnh nhà dẫu túng vẫn êm đềm

Ngày khó nhọc nhưng tối ngủ yên

Mái rạ trăng vàng, lơ lửng bógn

Vòi cau mưa chảy nước bên hiên.

 

Phương pháp:

Đọc kĩ nội dung văn bản, dựa vào đặc trưng thể loại để phân tích đặc sắc nội dung, nghệ thuật

Lời giải chi tiết:

Đoạn đủ dung lượng, hướng vào nội dung sau: Bữa cơm quê của Đoàn Văn Cừ là một bức tranh đẹp, giản dị về cuộc sống nơi thôn quê. Cuộc sống nghèo nhưng bình yên. Bài thơ là sự miêu tả chân thực về bữa ăn, nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, gia đình và tình thân.

- Hình ảnh bữa cơm hiện lên chân thực, sinh động với “gỗ,” "muôi dừa,” "đũa mộc tre" đến “gạo đỏ,” “cà thâm,” “vừng giã mặn,” -> cuộc sống giản dị, đơn sơ. Thực phẩm từ đất đai quê hương không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là biểu tượng của tình thân và gắn bó.

- Cảnh thôn quê với hình ảnh mái rạ trăng vàng và vòi cau mưa chảy nước, tạo ra một bức tranh quê hương yên bình, an lành, nơi cuộc sống được sống đơn giản mà hạnh phúc.

- Nhân vật trữ tình yêu và gắn bó với cuộc sống của quê hương mình.

- Hình ảnh, ngôn ngữ thơ bình dị, giàu sức gợi.

Câu 2.

Viết bài văn (500 chữ) về một vấn đề của lứa tuổi học sinh THCS được gợi ra từ bức họa sau đây và đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đó.

 

Phương pháp:

- Sử dụng các thao tác phân tích, đối chiếu, chứng minh, bình luận

- Dẫn chứng phù hợp với lí lẽ, luận điểm

- Xác định được vấn đề cần bàn luận

- Nêu được tầm quan trọng của vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp

- Hình thức bài văn khoảng 500 chữ gồm: mở bài – thân bài – kết bài

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài

- Nêu vấn đề: mối quan hệ giữa cháu với ông bà

- Tầm quan trọng của vấn đề

2. Thân bài

* Tóm tắt hiện tượng được gợi ra từ bức họa:

- Người cháu vẻ khó hiểu và đôi chút khó chịu xa cách với người ông - Người ông già nua, hiền từ, phảng phất chút buồn, bình thản nhìn về phía trước.

=> Đứa cháu có thể đang gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc hoặc giao tiếp với người lớn, thể hiện qua biểu hiện mặt khó chịu.

=> Chỉ là hiện tượng (một số ít): Ông cháu chưa có sự gần gũi, thấu hiểu và yêu thương.

=> Phân tích các nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng:

* Suy nghĩ của cá nhân về cách ứng xử của con cháu với ông bà trong gia đình và người già ở ngoài xã hội.

+ Ứng xử chưa đẹp, chưa phù hợp với văn hóa dân tộc.

+ Ứng xử đẹp, giàu yêu thương, kính trọng và văn minh.

* Đề xuất giải pháp của cá nhân

- Lắng nghe và tôn trọng: Mọi thành viên trong gia đình đều cần thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau. Điều này giúp xây dựng sự tin tưởng và tạo ra một môi trường giao tiếp tích cực.

- Hiều biết nhau: Tìm hiểu về sở thích, quan tâm, và lịch sử cuộc sống của ông bà để có thể kết nối với họ một cách tốt hơn. Ngược lại, ông bà cũng cần hiểu rõ về đời sống, niềm vui và khó khăn của đứa cháu.

- Thực hiện hoạt động gia đình: nấu ăn cùng nhau, tham gia các sự kiện hoặc du lịch gia đình. Những trải nghiệm chung sẽ tạo ra những kỷ niệm tích cực.

- Giải quyết xung đột trên tinh thần xây dựng: thay vì đổ lỗi, hãy dung hòa, yêu thương.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò của thấu hiểu, gắn kết của con cháu với ông bà.

Bài tham khảo

Ở độ tuổi học sinh THCS, chúng ta không chỉ học hỏi những bài học trên lớp mà còn tiếp nhận nhiều giá trị sống từ gia đình. Một vấn đề nổi bật trong lứa tuổi này là khoảng cách thế hệ giữa con cháu và ông bà. Bức hoạ trên, với hình ảnh đứa trẻ quay lưng về phía ông lão đang ngồi buồn bã, phản ánh sự xa cách, thờ ơ mà nhiều bạn trẻ hiện nay có thể dành cho người lớn tuổi trong gia đình.

Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở sự khác biệt về tư duy, cách sống và sự thiếu giao tiếp hiệu quả. Ông bà thường mang tư duy truyền thống, trong khi các bạn trẻ lại bị cuốn vào sự hiện đại, công nghệ và nhịp sống nhanh. Sự thiếu thời gian, cũng như áp lực học tập, khiến nhiều học sinh không dành đủ sự quan tâm tới những người thân yêu. Ngoài ra, nhiều em chưa hiểu rằng ông bà cũng cần sự yêu thương và chia sẻ từ con cháu, chứ không chỉ là những người “cho quà” hay “làm việc nhà”.

Hậu quả của vấn đề này không chỉ là sự tổn thương tinh thần đối với ông bà mà còn làm mất đi cơ hội để học sinh thừa hưởng những bài học giá trị từ thế hệ trước. Những câu chuyện, kinh nghiệm sống và tình yêu thương của ông bà là kho báu quý giá mà mỗi người cháu cần trân trọng.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp thiết thực. Đầu tiên, mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ với ông bà. Dành thời gian nói chuyện, lắng nghe và học hỏi từ họ không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách mà còn xây dựng sự thấu hiểu. Thứ hai, gia đình cần khuyến khích các hoạt động chung như bữa cơm gia đình hay những buổi gặp gỡ để tạo không gian gắn kết giữa các thế hệ. Cuối cùng, nhà trường có thể tổ chức các buổi giáo dục kỹ năng mềm, nhấn mạnh vào giá trị gia đình và cách giao tiếp hiệu quả giữa các thế hệ.

Học sinh THCS, ở độ tuổi nhạy cảm và nhiều thay đổi, cần được định hướng để hiểu rằng mối quan hệ với ông bà không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm hạnh phúc. Sự quan tâm, yêu thương không chỉ làm giàu thêm tâm hồn của mỗi bạn trẻ mà còn là cầu nối quý giá giữa quá khứ và tương lai.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí