Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 7


Chủ đề: KỶ LUẬT

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

Chủ đề: KỶ LUẬT

I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5.0 điểm)

Hàng ngày, Bác thường căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết thì phải triệt để thi hành. Nếu đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”. Một hôm Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Đúng dịp lễ nên khách nước ngoài và nhân dân đến chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép. Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài rồi mới bước vào, và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ. 

Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon, bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đúng lúc đông người. Xe chở Bác cũng như các xe khác đều dừng lại cả. Mọi người trong xe lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì dễ gây tắc nghẽn. Nghĩ vậy, cả xe bèn cử một chiến sĩ cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao thông mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý. Bác ngăn lại rồi bảo: Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.

Ai cũng thấm thía lời Bác dạy...

(Theo Học tập Bác qua mẩu chuyện “Gương mẫu tôn trọng luật lệ”, vksnd.gialai.gov.vn, ngày 30/8/2022)

Câu 1 (3.0 điểm)

a. Theo đoạn trích, Bác Hồ căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ điều gì?

b. Vì sao Bác không đồng ý khi vị sư cả xin Bác đừng cởi dép khi vào chùa?

c. Chi tiết nào trong đoạn trích thể hiện tinh thần gương mẫu, tôn trọng kỷ luật và pháp luật của Bác Hồ?

d. Qua văn bản, em học được bài học gì về tính kỷ luật và ý thức công dân?

Câu 2 (2.0 điểm): Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, phân tích những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua văn bản trên.

II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5.0 điểm)

Kỷ luật rất khó, bởi sự mê hoặc của lười nhác quá lớn, nằm dài trên sô pha xem bộ phim truyền hình thật thoải mái biết bao, ôm điện thoại lướt Weibo(1) mới dễ chịu làm sao. Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi này thực chất lại là một loại trầm luân biến tướng, chỉ có thể mang đến sự chậm chạp trong tu duy, bệnh tật cho cơ thể và sự cằn cỗi cho tâm hồn. Sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ ngày càng trở nên tạm bợ, không có hoài bão, không có lý tưởng. Những người chần chừ sẽ quen với việc tìm muôn vàn cớ khác nhau để tự an ủi mình. Những người ăn uống không điều độ, không có thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhất định, cuộc sống không có quy hoạch sẽ gặp rất nhiều sai sót trong công việc và phiền não trong cuộc sống. George Bernard Shaw từng nói: “Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”. Ngược lại, người không biết tự khống chế bản thân, cuối cùng sẽ mất đi cả thế giới này.

(Trích Càng kỷ luật, càng tự do, Ca Tây (Tuyết Mai dịch), NXB Thế giới, 2022, tr.15)

(1) Một trang mạng xã hội của Trung Quốc, giống như Facebook

Câu 1 (1.0 điểm): Em hiểu như thế nào về câu nói của George Bernard Shaw trong đoạn trích trên: “Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”

Câu 2 (4.0 điểm): Từ nội dung của ngữ liệu trên, anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của tính kỷ luật và đề xuất giải pháp để xây dựng tính kỷ luật cho bản thân.

Đáp án

Phần I.

Câu 1.

a.

Phương pháp:

- Đọc kỹ phần đầu đoạn trích, xác định lời dặn của Bác với chiến sĩ cảnh vệ.
- Từ khóa cần chú ý: “ý thức tổ chức, kỷ luật”, “tôn trọng nội quy”.

Lời giải chi tiết:

Bác căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung.

b.

Phương pháp:

- Tìm hiểu chi tiết về hành động của Bác khi vào chùa.
- Hiểu ngầm ý của hành động: sự tôn trọng phép tắc, kỷ luật nơi công cộng.

Lời giải chi tiết:

Vì Bác muốn tôn trọng nội quy, nghi thức chung khi vào chùa, không vì là Chủ tịch nước mà được ưu tiên đặc biệt.

c.

Phương pháp:

- Xác định các hành động cụ thể của Bác.
- Liên hệ với khái niệm “gương mẫu”, “tôn trọng kỷ luật”, “không đòi quyền ưu tiên”.

Lời giải chi tiết:

- Bác không cởi dép khi được xin phép, mà để dép ngoài rồi mới vào chùa đúng nghi thức.
- Bác kiên quyết không để chiến sĩ cảnh vệ xin công an mở đường, mà yêu cầu tuân thủ đèn đỏ như mọi người.

d.

Phương pháp:

- Nêu bài học rút ra từ hành động của Bác.
- Liên hệ với bản thân và vai trò công dân trong xã hội.

Lời giải chi tiết:

- Cần luôn có ý thức kỷ luật trong mọi hoàn cảnh.
- Phải gương mẫu tuân thủ nội quy, pháp luật, dù là người có chức vụ cao.
- Không nên đòi hỏi đặc quyền, mà phải sống công bằng, tôn trọng tập thể.

Câu 2.

Phương pháp:

- Đọc kĩ văn bản

- Xác định các chi tiết thể hiện phẩm chất của Bác

- Vận dụng kĩ năng lập luận, phân tích

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn

- Giới thiệu về Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

- Nêu vấn đề: Những phẩm chất cao đẹp của Bác được thể hiện trong văn bản.

2. Thân đoạn

a. Phẩm chất kỷ luật, nghiêm túc

- Bác luôn căn dặn chiến sĩ phải có tổ chức, kỷ luật, triệt để tuân thủ nội quy.

- Chính Bác là người thực hành trước những điều đó trong cuộc sống hằng ngày.

b. Phẩm chất gương mẫu, tôn trọng tập thể

- Khi vào chùa, Bác cởi dép, làm đúng nghi thức như bao người dân khác, dù vị sư cả xin miễn phép.

- Khi xe đến đèn đỏ, Bác yêu cầu không xin mở đường mà tuân thủ luật giao thông như mọi người.

c. Phẩm chất khiêm tốn, không đặt mình trên người khác

- Bác không lợi dụng vị trí Chủ tịch nước để được ưu tiên hay miễn trừ quy tắc chung.

- Hành động của Bác thể hiện sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng người dân.

3. Kết đoạn

Tấm gương đạo đức của Bác Hồ mãi là ánh sáng soi đường cho mỗi người trên hành trình hoàn thiện nhân cách và sống có trách nhiệm.

Phần II.

Câu 1.

Phương pháp:

Nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

“Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”, vì:

- Kiểm soát bản thân tưởng chừng dễ nhưng lại là một điều rất khó để thực hiện, nhất chạy theo vật chất hiện nay.

- Tự kiểm soát bản thân là tự tạo cho mình tính kỉ luật và tự lập. Đó chính là hai yếu tố quyết định dẫn đến thành công

- Vượt qua bản năng và biết tự khống chế bản năng là lúc bạn đã vượt lên trên chính bản thân mình, đó là điều chứng minh được sức mạnh tiềm ẩn bên trong bạn

Câu 2.

Phương pháp:

Vận dụng hiểu biết của em về vấn đề đề bàn luận

Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài

Lời giải chi tiết:

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về vai trò của tính kỷ luật trong cuộc sống hiện đại.

- Nêu vấn đề nghị luận: Sự cần thiết của tính kỷ luật và giải pháp rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân.

II. Thân bài

1. Giải thích vấn đề

- Kỷ luật là khả năng tự giác tuân thủ quy định, kế hoạch, nguyên tắc đặt ra.

- Là năng lực kiểm soát hành vi, cảm xúc để kiên trì thực hiện mục tiêu.

2. Biểu hiện của người có tính kỷ luật

- Tuân thủ nội quy, pháp luật.

- Làm việc, học tập đúng thời gian, đúng quy trình.

- Giữ lời hứa, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Biết từ chối cám dỗ để theo đuổi mục tiêu.

3. Sự cần thiết của tính kỷ luật

- Giúp con người trưởng thành và phát triển toàn diện:

- Biết kiểm soát cảm xúc, hành vi, tạo nền tảng cho sự tiến bộ.

- Nâng cao hiệu quả học tập, lao động:

- Làm việc có kế hoạch, biết ưu tiên và sắp xếp thời gian hợp lý.

- Tạo uy tín và sự tin tưởng trong tập thể, xã hội:

- Người có tính kỷ luật luôn được đánh giá cao về đạo đức và năng lực.

- Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, có trật tự:

- Mỗi cá nhân kỷ luật là một mắt xích giữ cho xã hội ổn định và phát triển.

- Dẫn chứng: HS đưa dẫn chứng minh hoạ phù hợp

4. Thực trạng hiện nay

- Nhiều người, nhất là giới trẻ, còn thiếu kỷ luật trong học tập và sinh hoạt.

- Tình trạng đi trễ, học hành đối phó, làm việc tùy hứng khá phổ biến.

- Một số người vi phạm nội quy, luật lệ mà không thấy đó là vấn đề.

- Tuy nhiên, vẫn có nhiều cá nhân sống nghiêm túc, gương mẫu và kỷ luật.

- Điều đó cho thấy tính kỷ luật chưa được rèn luyện đồng đều trong xã hội.

5. Giải pháp rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân

- Xác định mục tiêu rõ ràng trong học tập, công việc và cuộc sống để có động lực phấn đấu.

- Lập kế hoạch cụ thể và tuân thủ thời gian biểu hàng ngày một cách nghiêm túc.

- Rèn luyện thói quen đúng giờ, biết sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc.

- Tự nhắc nhở, kiểm tra bản thân mỗi ngày, ghi lại tiến trình để điều chỉnh kịp thời.

- Biết nói “không” với sự trì hoãn và cám dỗ, tránh để cảm xúc chi phối hành động.

- Tạo môi trường tích cực, giao lưu với người sống có nguyên tắc để học hỏi lẫn nhau.

- Khen thưởng hoặc phê bình bản thân hợp lý để giữ động lực và trách nhiệm cá nhân.

III. Kết bài

- Khẳng định vai trò quan trọng của tính kỷ luật đối với sự phát triển cá nhân và xã hội.

- Kêu gọi mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hãy bắt đầu rèn luyện tính kỷ luật từ những việc nhỏ nhất để vững bước trên con đường tương lai.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí