Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 8


Chủ đề: ĐOÀN KẾT

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

Chủ đề: ĐOÀN KẾT

I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5.0 điểm)

Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết

Hãy lắng nghe câu hát đáy lòng tôi

Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn

Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên

Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm hoạ

Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi

Chúng ta phải làm sao đoàn kết?
Hãy liên kết như thể thân mình
Ngũ quan cùng với tay chân dính liền
Tách rời nhau thời không thể sống
Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi
Nào ta hãy cùng yêu thương đoàn kết.

(Trích Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết, Hồ Chí Minh, 23/8/1925)

Câu 1 (3.0 điểm)

a. Câu “Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn” muốn nhấn mạnh điều gì?

b. Chỉ ra hai hình ảnh đối lập khi đoàn kết và khi không đoàn kết được nói đến trong đoạn trích.

c. Xác định và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ trong đoạn trích.

d. Anh/ chị có suy nghĩ gì về tình yêu của tác giả với đất nước.

Câu 2 (2.0 điểm): Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, phân tích hình ảnh “chim lạc đàn” trong đoạn thơ trên.

II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5.0 điểm)

Những điểm suy ngẫm về đoàn kết

Đoàn kết là sự hài hòa bên trong mỗi người và giữa các cá nhân trong cùng một nhóm.

Tình đoàn kết được xây dựng từ thái độ vô vị lợi, ánh nhìn sẻ chia, có chung niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.

Tính ổn định của tình đoàn kết bắt nguồn từ tinh thần bình đẳng và thống nhất. Sự vĩ đại của đoàn kết là ở chỗ tất cả mọi người đều được tôn trọng.

Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình đối với công việc và làm cho bầu không khí trở nên ấm áp.

Khi mỗi cá nhân ứng xử với nhau một cách ôn hòa, cả tập thể sẽ gắn bó bền chặt và theo đó, hiệu quả công việc cũng được nâng cao.

Đoàn kết được giữ vững bởi việc tập trung năng lượng, chấp nhận và trân trọng giá trị của đông đảo đội ngũ những người tham gia, sự đóng góp độc đáo mà mỗi cá nhân thể hiện, sự duy trì lòng trung thành không chỉ đối với nhau mà còn đối với cả nhiệm vụ được giao. [...]

Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Việc xây dựng tình đoàn kết trên thế giới đòi hỏi mỗi cá nhân phải xem nhân loại như gia đình của mình, đồng thời tập trung vào những đường hướng và giá trị tích cực.

(Trích “Những giá trị sống cho tuổi trẻ” của Diane Tillman – NXB Tổng Hợp TPHCM 2015)

Câu 1 (1.0 điểm): Anh/Chị có đồng ý với suy ngẫm: "Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người."? Vì sao?

Câu 2 (4.0 điểm): Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong ngữ liệu: “Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.”, từ đó đề xuất giải pháp để xây dựng tinh thần đoàn kết.

Đáp án

Phần I.

Câu 1.

a.

Phương pháp:

Dựa vào ngữ cảnh để trả lời

Lời giải chi tiết:

Câu này muốn nhấn mạnh rằng kẻ không đoàn kết, đơn độc sẽ dễ gặp thất bại, rơi vào hiểm họa, giống như chim lạc khỏi đàn sẽ dễ bị nguy hiểm và khó sống sót.

b.

Phương pháp:

Tìm và nêu hai hình ảnh đối lập

Lời giải chi tiết:

Hai hình ảnh đối lập khi đoàn kết và không đoàn kết được nói đến trong đoạn trích là: 

- Đoàn kết: Thân mình

- Không đoàn kết: Chim lạc đàn

c.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức về biện pháp điệp cấu trúc

Lời giải chi tiết:

- Phép lặp cấu trúc: Hãy...

- Hiệu quả: Tạo nhịp điệu cho câu thơ, nhằm nhấn mạnh những điều nên làm, nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết đồng thời khiến lời nhắc nhở hào hứng và thu hút hơn.

d.

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Qua đoạn thơ trên, tác giả mong muốn mọi người có thể đoàn kết, chung sức một lòng, cùng nhau gìn giữ và xây dựng đất nước. Tác giả hiểu rất rõ giá trị của con người trong việc gìn giữ và bảo vệ phát triển đất nước. Từ đó, tác giả luôn có mong muốn để đất nước phát triển, con người phải chung tay đoàn kết một lòng vì tổ quốc xã hội. Qua đoạn thơ ta cũng có thể cảm nhận được tình cảm sâu đậm, tha thiết, mãnh liệt mà tác giả dành cho đất nước, con người Việt Nam.

Câu 2.

Phương pháp:

Xác định hình ảnh “chim lạc đàn” và phân tích

Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn

Giới thiệu về đoạn thơ và câu thơ: “Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn”.

Nêu mục đích phân tích hình ảnh “chim lạc đàn” trong câu thơ.

2. Thân đoạn

a. Giải thích ý nghĩa câu thơ

- Hình ảnh “chim lạc đàn” tượng trưng cho người không đoàn kết, không hòa nhập vào tập thể. Chim lạc đàn sẽ không thể bay cùng đàn, dễ gặp nguy hiểm hoặc gặp khó khăn.

- Từ đó, tác giả muốn khẳng định rằng đoàn kết là sức mạnh, thiếu đoàn kết sẽ dẫn đến sự cô đơn, thất bại.

b. Phân tích đặc sắc của hình ảnh

- Hình ảnh sinh động, dễ hiểu: Chim là hình ảnh gần gũi, dễ liên tưởng, vì ai cũng biết chim cần phải bay cùng đàn để đảm bảo an toàn, tránh nguy hiểm. Hình ảnh này dễ dàng giúp người đọc hình dung được hậu quả của việc tách rời tập thể.

- Sự kết hợp giữa thiên nhiên và cuộc sống con người: Chim trong đàn tượng trưng cho sự đoàn kết, khi tách rời sẽ dễ bị kẻ thù tấn công, giống như con người nếu không đoàn kết sẽ dễ gặp khó khăn, thất bại.

- Sự liên tưởng giữa hành động và kết quả: Chim lạc đàn sẽ không thể sống sót nếu không có sự hỗ trợ từ đàn. Đây là một cách so sánh mạnh mẽ về sức mạnh của đoàn kết trong xã hội.

3. Kết đoạn

- Khẳng định thông điệp của câu thơ: đoàn kết là sức mạnh, không thể thiếu trong cuộc sống.

- Nêu ý nghĩa sâu xa của hình ảnh "chim lạc đàn" trong việc giáo dục con người về tinh thần đoàn kết.

Phần II.

Câu 1.

Phương pháp:

Đồng ý hoặc không đồng ý và lí giải phù hợp, thuyết phục

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Đồng ý. Vì: Nhằm thực hiện một mục đích chung (tốt đẹp), người ta sẵn sàng kết thành một khối thống nhất đề cùng hợp tác, giúp đỡ nhau trong các hoạt động; Khi mỗi thành viên của tập thể được tôn trọng, tin tưởng, khuyến khích, họ sẽ tận hiến sức lực, tài năng cho công việc; Họ cảm nhận được tổ chức, đoàn thể, đồng đội, đồng chí như một gia đình hạnh phúc, như là anh em hòa thuận...

- Đồng ý một phần. Vì: Tuy cùng mục tiêu, lí tưởng, nhiệm vụ, nhưng mỗi người có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng nên không phải ai, không phải lúc nào cũng cảm thấy “thân thuộc”, “hạnh phúc” với đơn vị mình, đồng đội mình...

Câu 2.

Phương pháp:

Xác định vấn đề cần bàn luận

Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài

Lời giải chi tiết:

I. Mở bài

- Dẫn dắt đến ý kiến “Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.”

- Xác định vấn đề cần nghị luận

II. Thân bài

1. Giải thích ý kiến

- Đoàn kết là sự đồng lòng, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân trong một tập thể.

- Nhiệm vụ khó khăn là những công việc đòi hỏi công sức, thời gian, trí tuệ, đôi khi vượt quá khả năng của một người.
→ Khi mọi người biết đoàn kết, cùng nhau hành động thì những thử thách khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng và dễ vượt qua hơn.

2. Ý nghĩa của vấn đề

- Đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể vững chắc.

- Giúp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau về tinh thần và hành động.

- Là nền tảng cho sự thành công trong học tập, lao động, xây dựng tổ chức, cộng đồng.

- Góp phần giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp.

- Dẫn chứng: HS đưa ra dẫn chứng phù hợp

3. Thực trạng

- Tích cực:

+ Trong nhiều tập thể, học sinh biết hỗ trợ nhau học tập, giúp đỡ nhau trong công việc.

+ Người dân Việt Nam vẫn phát huy truyền thống đoàn kết trong thiên tai, dịch bệnh...

- Tiêu cực:

+ Một bộ phận giới trẻ còn ích kỷ, thích thể hiện cái tôi, làm việc riêng lẻ.

+ Có nơi xảy ra chia rẽ, ganh ghét, thiếu tinh thần tập thể.

4. Đề xuất giải pháp

- Giáo dục nhận thức về đoàn kết qua gia đình, nhà trường và các hoạt động ngoại khóa.

- Tăng cường làm việc nhóm trong học tập, rèn kỹ năng giao tiếp và hợp tác.

- Xây dựng môi trường gắn kết thông qua các hoạt động tập thể, thiện nguyện.

- Người lớn làm gương, sống chan hòa, tôn trọng và bao dung với người khác.

- Phê phán thói ích kỷ, đố kỵ, khuyến khích lối sống chan hòa, cởi mở.

- Tận dụng công nghệ tích cực, lan tỏa thông điệp yêu thương và gắn kết cộng đồng.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò quan trọng của tinh thần đoàn kết.

- Mỗi người, đặc biệt là học sinh, cần rèn luyện và thực hành đoàn kết để cùng góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí