Đề thi học kì 2 Văn 10- Chân trời sáng tạo

Đề cương ôn tập học kì 2 Văn 10 - Chân trời sáng tạo

Tải về

Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Thơ

- Tình cảm, cảm xúc trong thơ là những rung động nội tâm, những cảm nhận của nhà thơ về cuộc sống. Tình cảm, cảm xúc trong thơ đánh thức những rung động tinh tế trong trái tim người đọc.

- Cảm hứng chủ đạo trong thơ: Cảm hứng là trạng thái tâm lí dạt dào cảm xúc và sự lôi cuốn, thôi thúc mãnh liệt đối với con người khi tiếp xúc với một hiện tượng sự vật hay thực hiện một công việc, một hành động nào đó. Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm thơ, tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Một tác phẩm thơ có thể có nhiều cảm hứng, nhưng chỉ có một cảm hứng chủ đạo vì đó là cảm hứng chính, bao trùm tác phẩm.

b. Văn nghị luận trung đại

- Văn nghị luận là loại văn bản chủ yếu sử dụng lí lẽ và bằng chứng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một quan điểm, tư tưởng. Người viết nghị luận phải thể hiện được chính kiến, luận đề và các luận điểm nhất quán, lí lẽ và bằng chứng chặt chẽ, rõ ràng, thuyết phục, giúp người đọc, người nghe tán đồng, chia sẻ quan điểm, tư tưởng của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở tính hệ thống của luận điểm, ở tính sắc bén, chặt chẽ của lập luận, ở bằng chứng xác thực, ở niềm tin vào chân lí, chính nghĩa; sự trung thực, chân thành trong tình cảm, cảm xúc của người viết, người nói.

- Văn nghị luận trung đại mang các đặc điểm của văn nghị luận nói chung nhưng cũng có một số khác biệt đáng lưu ý: tính quy phạm về thể văn, ngôn ngữ và thường có tính chất tổng hợp “bất phân” giữa văn với sử, với triết, giữa văn hình tượng với văn luận lí...

c. Truyện

- Câu chuyện là sự việc, chuỗi sự việc xảy ra trong đời sống, liên quan đến một hoặc một số người nào đó. Câu chuyện thường có khởi đầu, có diễn biến và kết thúc.

- Cốt truyện là câu chuyện được tổ chức một cách nghệ thuật với biến cố, tình huống, xung

đột làm cho câu chuyện trở nên có nghĩa.

- Thông điệp của tác phẩm văn học là điều mà tác giả muốn gửi đến người đọc hình tượng nghệ thuật. Đó là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, cách ứng xử mà văn bản văn học muốn truyền đến người đọc.

- Tư tưởng của tác phẩm văn học là nhận thức, quan niệm, thái độ, cách lí giải về các vấn đề đời sống và khát vọng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm. Tư tưởng của tác phẩm được thể hiện sinh động qua nhiều yếu tố: đề tài, chủ đề, thế giới hình tượng.

- Đặc điểm, tính cách nhân vật là những nét riêng về ngoại hình, hành động, tình cảm, tâm lí, ngôn ngữ,... của nhân vật, giúp phân biệt với nhân vật khác. Khi đọc truyện, người đọc có thể nhận biết đặc điểm, tính cách, tư tưởng, tình cảm của một nhân vật qua lời của người kể chuyện, qua hành động, lời nói, ý nghĩ của nhân vật, hoặc qua nhận xét, đánh giá của nhân vật khác về nó.

- Người kể chuyện: một vai được tác giả tạo ra, đảm nhiệm việc kể lại câu chuyện trong văn bản truyện. Người kể chuyện có thể là nhân vật hoặc không, có thể dùng các điểm nhìn khác nhau.

- Điểm nhìn là vị trí của người kể chuyện trong tương quan với câu chuyện. Tuỳ trường hợp, câu chuyện có thể được kể theo điểm nhìn từ ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất, điểm nhìn của người kể chuyện hoặc điểm nhìn của nhân vật (xưng “tôi” hay không xưng “tôi”), điểm nhìn cố định hay dịch chuyển, thay đổi,...

d. Văn bản nghị luận

- Mục đích và quan điểm của người viết trong văn bản nghị luận

+Mỗi văn bản được viết ra đều nhằm một mục đích nhất định. Mục đích của văn bản nghị luận là thuyết phục người đọc về ý kiến, tư tưởng của người viết trước một vấn đề, hiện tượng trong đời sống.

+Quan điểm của người viết là cách người viết nhìn nhận, đánh giá vấn đề, hiện tượng cần bàn luận; thể hiện ý kiến khen, chê, đồng tình, phản đối trước vấn đề, hiện tượng ấy.

-Yếu tố biểu cảm trong văn bản nghị luận

+Yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận biểu hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, những câu văn có sức truyền cảm, truyền tải tình cảm, cảm xúc của người viết. Nhằm tăng sức thuyết phục, văn nghị luận cần sử dụng yếu tố biểu cảm để tác động vào tình cảm của người đọc. Yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận cần chân thực, đảm bảo sự mạch lạc, chặt chẽ của bài nghị luận.

2. Phần tiếng Việt

a. Lỗi về trật tự từ trong câu và cách sửa

b. Từ Hán Việt

c. Biện pháp chêm xen

d. Biện pháp liệt kê

e. Lỗi về mạch lạc, liên kết trong văn bản

3. Phần làm văn

a. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình

b. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

c. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

d. Viết bài luận về bản thân

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

Văn bản Chiếc lá đầu tiên

Câu 1: Nội dung của hai dòng thơ đầu là gì?

Câu 2: Tác dụng của biện pháp điệp từ trong khổ thơ thứ 4 là gì?

Câu 3: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Văn bản Tây Tiến

Câu 4: Từ láy “chơi vơi” giúp bạn cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ của nhà thơ?

Câu 5: Hình ảnh người lính được hiện lên qua những từ ngữ nào trong khổ 3?

Câu 6: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Văn bản Bình ngô đại cáo

Câu 7: Tác giả nêu ra quan điểm nhân nghĩa ở đầu bài cáo nhằm mục đích gì?

Câu 8: Mục đích viết bài cáo là gì?

Văn bản Thư lại dụ Vương Thông

Câu 9: Tác giả nhắc đến những chuyện xưa nhằm mục đích gì?

Câu 10: Việc tác giả chọn hình thức nghị luận là một bức thư có tác dụng gì?

Văn bản Đất rừng phương Nam

Câu 11: Vì sao tía nuôi khuyên An “không nên giết ong”?

Câu 12: Việc liên hệ, so sánh những cách nuôi ong, lấy mật khác nhau có tác dụng gì?

Văn bản Giang

Câu 13: Những cuộc gặp gỡ cho thấy cách đối xử của con người với nhau, nhất là với những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh như thế nào?

Câu 14: Chủ đề của tác phẩm là gì?

Văn bản Hịch tướng sĩ

Câu 15: Trần Quốc Tuấn nêu gương các trung thần nghĩa sĩ ngay trong phần đầu nhằm mục đích gì?

Câu 16: Hình ảnh, từ ngữ sau thể hiện thái độ gì của tác giả: "tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù."

Câu 17: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào để vạch trần bản chất tham lam, hống hách của giặc?

Văn bản Nam quốc sơn hà – bài thơ thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước

Câu 18: Tác giả đã thể hiện quan điểm như thế nào khi bàn về bài thơ Nam quốc sơn hà?

Câu 19: Các luận điểm trong văn bản được sắp xếp theo trình tự nào?

Câu 20: Ở đoạn văn đầu tiên, tác giả đề cập đến sự phân biệt "đế" và "vương" trong xã hội phong kiến Trung Hoa nhằm mục đích gì?

2. Phần tiếng Việt

a. Lỗi về trật tự từ trong câu và cách sửa

Câu 1: Các cụm từ in đậm được đặt ở đầu câu trong đoạn văn có tác dụng gì?

Câu 2: Hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong câu văn sau là gì?

Chung quanh đang cười nói bô bô, nhiều anh em công nhân mỏ than vẫn còn nguyên vẹn cái tính tình con người nông dân Thái ở quanh bản, quanh châu Quỳnh Nhai đây.

(Nguyễn Tuân)

b. Từ Hán Việt

Câu 3: Điền từ Hán Việt phù hợp vào chỗ trống trong câu sau:

Anh ấy đã…….anh dũng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù

Câu 4: “Trong công cuộc xây dựng và phát triển, công ty đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận”

Nghĩa của từ “Thành tựu” trong câu trên là gì?

c. Biện pháp chêm xen

Câu 5: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ sau:

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

(Giang Nam)

Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ

Câu 6: Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng?

Câu 7: Xác định bộ phận chêm xen trong đoạn văn sau

"Tố Hữu, lá cờ đầu trong dòng văn học cách mạng đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ đã nói lên tình cảm quân dân thắm thiết trong những năm kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng, nơi có những người dân hồn hậu và chất phác. Bài thơ đã để lại nhiều tình cảm về thiên nhiên và con người các tỉnh miền núi phía Bắc trong lòng người đọc."

d. Biện pháp liệt kê

Câu 8: Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu sau:

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta là nơi đã sinh ra Hồ Chủ tịch- người anh hùng dân tộc và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, đất nước ta

Câu 9: Phép liệt kê được dùng trong:

e. Lỗi về mạch lạc, liên kết trong văn bản

Câu 10: Mạch lạc trong văn bản là gì?

3. Phần làm văn

a. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình

Đề 1: Viết bài văn phân tích bài thơ Nói với con

Đề 2: Viết bài văn phân tích bài thơ Nắng mới

b. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

Đề 1: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thức khuya

Đề 2: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn

c. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về vở kịch Vũ Như Tô

d. Viết bài luận về bản thân

Đề 1: Viết bài luận về bản thân để thuyết phục BTC của lễ hội hoặc BQL di tích chấp nhận mong muốn

Đề 2: Viết bài luận về bản thân thuyết phục trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học

LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

Câu 1: Nội dung của hai dòng thơ đầu là gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ hai dòng thơ đầu.

- Nêu nội dung hai dòng thơ đầu.

Lời giải chi tiết

Hai dòng thơ đầu là dòng hồi tưởng của tác giải khi nhớ về quãng thời gian xưa với nhân vật “Em”. Hai câu thơ ấy như sự tiếc nuối, nỗi nhớ của tác giả về quá khứ tươi đẹp ngày ấy khi giờ đây “tất cả đã xa rồi”.

Câu 2: Tác dụng của biện pháp điệp từ trong khổ thơ thứ 4 là gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ khổ thơ 4.

- Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng.

Lời giải chi tiết

Biện pháp điệp từ (Từ “nỗi nhớ” được lặp lại ba lần).

→ Tác dụng: nhấn mạnh những nỗi nhớ của chủ thể trữ tình.

Câu 3: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ toàn bộ bài thơ.

- Chú ý những từ ngữ, hình ảnh bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình.

Lời giải chi tiết

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: nỗi nhớ da diết về những kí ức của một thời học trò đã qua.

Câu 4: Từ láy “chơi vơi” giúp bạn cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ của nhà thơ?

Phương pháp

- Đọc kĩ hai câu thơ đầu.

- Phân tích tác dụng của việc sử dụng từ láy "chơi vơi".

Lời giải chi tiết

Từ láy “chơi vơi” gợi ra một nỗi nhớ thấp thỏm, khắc khoải.

Câu 5: Hình ảnh người lính được hiện lên qua những từ ngữ nào trong khổ 3?

Phương pháp

- Đọc kĩ khổ 3.

- Tìm những từ ngữ miêu tả hình ảnh người lính.

Lời giải chi tiết

Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên qua hình ảnh: không mọc tóc, xanh màu lá dữ oai hùm, mơ Hà Nội dáng kiều thơm,...

Câu 6: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ bài thơ

- Rút ra kết luận về cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Lời giải chi tiết

Cảm hứng chủ đạo: cảm hứng lãng mạn, tinh thần bi tráng.

Câu 7: Tác giả nêu ra quan điểm nhân nghĩa ở đầu bài cáo nhằm mục đích gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ đoạn 1.

- Chú ý quan niệm về nhân nghĩa của Nguyễn Trãi.

- Hiểu được quan niệm về nhân nghĩa của Nguyễn Trãi.

Lời giải chi tiết

Việc Nguyễn Trãi nêu ra quan điểm nhân nghĩa ở đầu bài cáo nhằm đưa ra quan điểm của cá nhân về vấn đề “nhân nghĩa” dựa trên khái niệm gốc của Nho gia. Đồng thời, làm tiền đề cho toàn bài cáo, cho độc giả thấy được khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa chính nghĩa, có mục đích rõ ràng và lấy dân làm gốc.

Câu 8: Mục đích viết bài cáo là gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ văn bản.

- Chú ý mục đích viết bài cáo.

Lời giải chi tiết

Mục đích viết của bài cáo: tuyên bố cho toàn thể nhân dân được biết về sự kiện trọng đại của dân tộc, đất nước: sự thắng lợi công cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

Câu 9: Tác giả nhắc đến những chuyện xưa nhằm mục đích gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ đoạn 2.

- Chú ý chi tiết Nguyễn Trãi nhắc lại những chuyện xưa.

Lời giải chi tiết

Việc tác giả nhắc đến những chuyện xưa nhằm “ôn cố nhi tri tân” (ôn chuyện cũ mà hiểu ngày nay), cho Vương Thông hiểu được sự thất bại tất yếu của quân Minh trên đất Đại Việt.

Câu 10: Việc tác giả chọn hình thức nghị luận là một bức thư có tác dụng gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ văn bản.

- Nêu tác dụng của việc sử dụng hình thức là bức thư.

Lời giải chi tiết

Việc tác giả chọn cách nghị luận dưới hình thức một bức thư có tác dụng tác động được cả tư tưởng và tình cảm của đối phương. Từ đó gây được chuyển biến trong tư tưởng, tình cảm, thái độ của đối phương.

Câu 11: Vì sao tía nuôi khuyên An “không nên giết ong”?

Phương pháp

Đọc kĩ đoạn văn đầu trang 67.

Lời giải chi tiết

Tía nuôi khuyên An "không nên giết ong" vì tía nuôi muốn các con ứng xử tốt với tự nhiên. Đồng thời ông cũng có cách khác để đuổi ong đi, nhằm tránh gây nguy hiểm cho An vì cậu chưa có cách xử lí hợp lí.

Câu 12: Việc liên hệ, so sánh những cách nuôi ong, lấy mật khác nhau có tác dụng gì?

Phương pháp

Đọc kĩ đoạn văn cuối.

Lời giải chi tiết

Việc liên hệ, so sánh những cách nuôi ong, lấy mật khác nhau có tác dụng cho thấy không có nơi nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh.

Câu 13: Những cuộc gặp gỡ cho thấy cách đối xử của con người với nhau, nhất là với những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh như thế nào?

Phương pháp

- Đọc kĩ văn bản.

- Đánh dấu những phần xuất hiện cuộc gặp gỡ của các nhân vật.

- Nêu nhận xét về cách đối xử của các nhân vật với nhau.

Lời giải chi tiết

Những cuộc gặp gỡ cho thấy con người đối xử với nhau bằng chân tình, nhất là giữa những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh, gặp được nhau càng mừng rỡ hơn bao giờ hết.

Câu 14: Chủ đề của tác phẩm là gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ văn bản.

- Rút ra kết luận về chủ đề của tác phẩm.

Lời giải chi tiết

Dựa vào vấn đề chính trong tác phẩm, có thể xác định chủ đề của tác phẩm là tình yêu của người lính.

Câu 15: Trần Quốc Tuấn nêu gương các trung thần nghĩa sĩ ngay trong phần đầu nhằm mục đích gì?

Phương pháp

- Đọc kĩ phần đầu văn bản.

- Chú ý những tấm gương Trần Quốc Tuấn nêu lên.

- Rút ra ý nghĩa của việc nêu tấm gương.

Lời giải chi tiết

- Trong phần đầu của bài “Hịch tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn nêu lên những tấm gương trong Bắc sử nhằm mục đích:

+ Ca ngợi các trung thần nghĩa sĩ đã lưu danh sử sách, để lại tiếng thơm muôn đời.

+ Giáo dục lòng trung quân ái quốc của các tướng sĩ.

+ Khích lệ, động viên tướng sĩ, nêu cao tinh thần ái quốc, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược.

Câu 16: Hình ảnh, từ ngữ sau thể hiện thái độ gì của tác giả: "tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù."

Phương pháp

- Chú ý những hình ảnh, câu văn, từ ngữ.

- Rút ra nhận xét về thái độ của tác giả.

Lời giải chi tiết

Hình ảnh, từ ngữ trên thể hiện sự căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn.

Câu 17: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào để vạch trần bản chất tham lam, hống hách của giặc?

Phương pháp

- Đọc kĩ văn bản.

- Chú ý những chi tiết tác giả vạch trần bộ mặt tham lam, hống hách của giặc

Lời giải chi tiết

Các hình ảnh:

- Sứ giặc đi lại nghênh ngang

- Uốn lưỡi cú diều sỉ mắng

- Đem thân dê chó bắt nạt

- Đòi ngọc lụa, thỏa lòng tham

- Thu bạc vàng, để vét của kho

→ Nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa vạch trần bản chất tham lam, tàn bạo, hống hách của giặc.

Câu 18: Tác giả đã thể hiện quan điểm như thế nào khi bàn về bài thơ Nam quốc sơn hà?

Phương pháp

- Đọc toàn bộ văn bản.

- Rút ra kết luận về quan điểm của tác giả.

Lời giải chi tiết

Quan điểm của tác giả khi bàn về bài thơ Nam quốc sơn hà: tôn trọng, muốn khẳng định tính chân lí, thuyết phục của bài thơ.

Câu 19: Các luận điểm trong văn bản được sắp xếp theo trình tự nào?

Phương pháp

- Đọc toàn bộ văn bản.

- Chú ý hệ thống luận điểm trong bài và cách sắp xếp.

Lời giải chi tiết

Các luận điểm trong văn bản được sắp xếp theo trình tự nội dung của các câu thơ trong bài thơ Nam quốc sơn hà.

Câu 20: Ở đoạn văn đầu tiên, tác giả đề cập đến sự phân biệt "đế" và "vương" trong xã hội phong kiến Trung Hoa nhằm mục đích gì?

Phương pháp

- Đọc đoạn văn đầu.

- Chú ý hai từ "đế" và "vương".

Lời giải chi tiết

Ở đoạn văn đầu tiên, tác giả đề cập đến sự phân biệt "đế" và "vương" trong xã hội phong kiến Trung Hoa nhằm làm rõ chữ "đế" trong câu thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", giúp người đọc hiểu được ý thực tự chủ và sự khẳng định chủ quyền đất nước trong câu thơ đầu cũng như toàn bài thơ Nam quốc sơn hà.

2.Phần tiếng Việt

Câu 1: Các cụm từ in đậm được đặt ở đầu câu trong đoạn văn có tác dụng gì?

“Một thời đại vừa chẵn mười năm

Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới”

Phương pháp

- Nhớ lại kiến thức về trật tự từ trong văn bản

- Nêu tác dụng của những từ in đậm

Lời giải chi tiết

Các từ in đậm có tác dụng liên kết câu.

Câu 2: Hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong câu văn sau là gì?

Chung quanh đang cười nói bô bô, nhiều anh em công nhân mỏ than vẫn còn nguyên vẹn cái tính tình con người nông dân Thái ở quanh bản, quanh châu Quỳnh Nhai đây.

(Nguyễn Tuân)

Phương pháp

- Nhớ lại kiến thức về trật tự từ trong văn bản

- Nêu hiệu quả của cách diễn đạt

Lời giải chi tiết

Cách diễn đạt của trật tự từ trong câu trên: nhằm nhấn mạnh nét hồn nhiên của anh em công nhân ở mỏ than.

Câu 3: Điền từ Hán Việt phù hợp vào chỗ trống trong câu sau:

Anh ấy đã…….anh dũng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù

Phương pháp

Dựa vào nghĩa của từ, nghĩa của câu.

Lời giải chi tiết

Từ phù hợp điền vào chỗ trống là hi sinh → tạo sắc thái trang trọng cho câu văn

Câu 4: “Trong công cuộc xây dựng và phát triển, công ty đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận”

Nghĩa của từ “Thành tựu” trong câu trên là gì?

Phương pháp

Phân tích nghĩa của từ.

Lời giải chi tiết

Nghĩa của từ “thành tựu” là cái đạt được có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công.

Câu 5: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ sau:

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

(Giang Nam)

Phương pháp

Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ

Lời giải chi tiết

Tác dụng của biện pháp chêm xen:

- (Có ai ngờ) Bổ xung thêm về thái độ bất ngờ của tác giả trước sự việc.

- (thương thương quá đi thôi!)Thể hiện tình cảm trìu mến của tác giả

Câu 6: Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về phép chêm xen

Lời giải chi tiết

Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng các dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn.

Câu 7: Xác định bộ phận chêm xen trong đoạn văn sau

"Tố Hữu, lá cờ đầu trong dòng văn học cách mạng đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ đã nói lên tình cảm quân dân thắm thiết trong những năm kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng, nơi có những người dân hồn hậu và chất phác. Bài thơ đã để lại nhiều tình cảm về thiên nhiên và con người các tỉnh miền núi phía Bắc trong lòng người đọc."

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức và dấu hiệu nhận biết về phép chêm xen

Lời giải chi tiết

Các bộ phận chêm xen trong đoạn trên gồm:

-lá cờ đầu trong dòng văn học cách mạng đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

-mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng

-nơi có những người dân hồn hậu và chất phác.

Câu 8: Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu sau:

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta là nơi đã sinh ra Hồ Chủ tịch- người anh hùng dân tộc và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, đất nước ta

Phương pháp

Phân tích tác dụng của phép liệt kê.

Lời giải chi tiết

Tác dụng của phép liệt kê: Nhằm biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của tác giả về lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta với Bác Hồ vị cha già của dân tộc.

Câu 9: Phép liệt kê được dùng trong:

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về phép liệt kê

Lời giải chi tiết

Phép liệt kê được dùng trong cả văn nói và văn vần

Câu 10: Mạch lạc trong văn bản là gì?

Phương pháp

Nhớ lại khái niệm mạch lạc trong văn bản

Lời giải chi tiết

Mạch lạc trong văn bản là các câu, các ý, các phần, các đoạn trong văn bản đều phải hướng về một sự thống nhất, một ý hay một chủ đề nào đó.

3. Phần làm văn

a. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình

Đề 1: Viết bài văn phân tích bài thơ Nói với con

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:

- Tác giả Y Phương: là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ của ông đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng nhiều nét đặc sắc của đời sống tinh thần đồng bào vùng núi.

- Bài thơ “Nói với con”: thể hiện tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, niềm hi vọng các con tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.

2, Thân bài

a, Hình ảnh em bé lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ

-Hình ảnh đứa trẻ tập đi được miêu tả giản dị, mộc mạc: Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ.

-Tiếng nói, tiếng cười: hình ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

→tình yêu con của cha mẹ là vô hạn, chăm chút, dõi theo con từ những bước đi đầu đời.

b, Lời cha mẹ dạy con về những đức tính cần có trong cuộc sống

- Sống vui tươi, thân thiện, biết ơn:

+ Hồn nhiên, yêu đời, yêu lao động: cài nan hoa khi đan lờ bắt cá, luôn ca hát trong lao động.

+ Con người sống dựa vào tự nhiên, biết ơn tự nhiên: “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”.

+ Con người không thể sống một mình: ngày cưới của cha mẹ là ngày “đầu tiên đẹp nhất trên đời”, và kết tinh đẹp nhất chính là đứa con.

→Giọng thơ xúc động, vui tươi, cha mẹ vừa nói với con vừa như nhớ lại những kỉ niệm của mình.

- Sống kiên cường, hiên ngang, không quản gian khó:

+ Mong con học được sự kiên cường của “người đồng mình”: vượt qua những nỗi đau để nuôi chí làm việc lớn.

+ Sống phải biết ơn những hi sinh của cha ông đời trước đã xây dựng quê hương, không chê quê hương nguồn cội, không quản gian khó: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.

+ Cha mẹ mong con có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần như “người đồng mình”: “thô sơ da thịt”, “chẳng mấy ai nhỏ bé”; có thể “Lên thác xuống ghềnh”, “Không lo cực nhọc”.

- Sống có ích, xây dựng quê hương và luôn ghi nhớ truyền thống, nguồn cội: “tự đục đá kê cao quê hương”, “quê hương thì làm phong tục” đó là mối quan hệ mật thiết giữa con người với quê hương đất nước. Con người xây dựng nên quê hương, tạo ra phong tục tập quán rồi chính quê hương là nơi lưu giữ những phong tục ấy.

→Cha mẹ mong đứa con hãy “Sống như sông như suối”, luôn trôi chảy, luôn phát triển, nhưng những giá trị quan trọng của dân tộc thì không thể quên.

c, Lời dặn dò con về bản lĩnh làm người khi ra cuộc đời

+ Lời dặn dò cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con: “tuy thô sơ da thịt” nhưng khi rời khỏi gia đình, tự lập trong cuộc sống thì “không bao giờ nhỏ bé được”. Con người không phải máy móc, chỉ là da thịt “thô sơ” có thể chịu tổn thương, có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi, nhưng phải cố gắng sống hiên ngang, không “nhỏ bé” khuất phục cái xấu, cái bất công, không “nhỏ bé” chấp nhận chịu sống cúi đầu, như ông cha ta ngàn đời nay.

+ “Nghe con”: câu thơ cuối như tiếng lòng của cha mẹ, đầy yêu thương, hi vọng, lo lắng, mong con sẽ trưởng thành một người sống hạnh phúc, tự do, sống có ích.

d, nghệ thuật bài thơ

- Thể thơ tự do, giọng thơ thân tình, mộc mạc, trìu mến.

- Sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ đặc trưng của người dân miền núi

3, Kết bài

- Bài thơ chứa đựng tâm tư của cha mẹ, những lời nhắn nhủ dặn dò dành cho con. Qua những lời dạy còn thấy được lòng tự hào với sức sống của con người, với truyền thống tốt đẹp của quê hương.

- Bài thơ mang màu sắc tự do, mộc mạc của văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc.

Đề 2: Viết bài văn phân tích bài thơ Nắng mới

1. Mở bài

-Giới thiệu được tác phẩm nắng mới và tác giả Lưu Trọng Lư, 

-Nêu cảm nhận, nêu khái quát sơ qua cảm nhận của bản thân mình về tác phẩm nắng mới.

2. Thân bài

Phần thân bài thì cần phải đảm bảo được các nội dung cơ bản của một bài viết. Theo đó thì cần đảm bảo được các nội dung như sau:

- Phân tích lời đề từ " Tặng hương hồn thầy mẹ" và chủ đề tình cảm gia đình trong thơ của Lưu Trọng Lư.

- Phần tích tác phẩm:

a. Hình ảnh nắng mới khơi gợi nguồn cảm xúc về kí ức:

- Hình ảnh làng quê: "nắng mới", "gà trưa"→ đây là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với làng quê Việt Nam.

- Từ "hắt" diễn tả ánh sáng xuyên qua song cửa.

→ gợi không gian hiu hắt, vắng lặng.

- Từ láy "xao xác", "não nùng" diễn tả âm thanh xao động. Tiếng gà nhấn mạnh sự vắng lặng của không gian, lấy động để tả tĩnh. Cách ngắt nhịp 2/2/3 thể hiện cảm xúc trầm buồn, nhớ thương.

- Kết hợp từ thông thường là "buồn rười rượi" nhưng tác giả đảo từ "rượi" lên trước từ "buồn" nhằm nhấn mạnh nỗi buồn tê tái, khôn nguôi.

- Từ láy "chập chờn" thể hiện những hình ảnh trong quá khứ dần hiện lên trong tâm trí của nhân vật trữ tình.

b. Kí ức về mẹ trong tâm tưởng của nhân vật "tôi":

- "Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười": nhân vật trữ tình trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ về mẹ.

- Câu thơ "Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội": khi nắng mới xuất hiện ngoài đồng nội, mẹ lại phơi áo → Kí ức về mẹ gắn liền với hình ảnh mẹ phơi áo trước giậu mỗi lần nắng mới.

→ Hình ảnh mẹ gắn liền với quê hương.

- "Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ": khẳng định hình dáng mẹ vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí.

- "Hãy còn mường tượng lúc vào ra": nhớ về bóng dáng mẹ đi lại trong nhà.

- Hai câu thơ "Nét cười đen nhánh sau tay áo, / Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa" : nhân vật trữ tình nhớ về mẹ với nụ cười đen nhánh. Hình ảnh mẹ gắn liền với nắng buổi trưa, gắn liền với căn nhà. Mẹ mang dấu ấn của người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen nhánh, vừa lấp lánh tỏa sáng vừa kín đáo, nhẹ nhàng.

→ Mẹ hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ với đầy đủ nét duyên dáng, hiền từ.

- Đánh giá về nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm nắng mới.

+ Về nội dung: tác phẩm nắng mới là một tác phẩm rất hay của nhà thơ Lưu Trọng Lư, nói về một chủ đề tình cảm gia đình giản dị, thân thuộc. Bài thơ này chính là một lời tâm sự của tác giả về tình yêu quê hương và thông qua đó bài tỏ nên nỗi lòng của mình một cách vô cùng tự nhiên. Tất cả đem lại một sự bình dị và mộc mạc trong thơ của Lưu Trọng Lư.

+ Về nghệ thuật thì Lưu Trọng Lư sử dụng những từ ngữ rất giản dị, mộc mạc nhưng lại giàu sức gợi. Sự kết hợp một cách xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại càng thể hiện rõ nét hơn nữa nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về quê hương về người mẹ của mình. Mặc dù sử dụng hình ảnh quen thuộc và gần gũi nhưng lại dễ khơi lên sự đồng cảm cho người đọc

- Liên hệ mở rộng với các tác phẩm khác như tác phẩm Bầm ơi của Tố Hữu.

3. Kết bài

Ở phần kết bài thì bản thân người viết phải khẳng định lại cảm nhận của bản thân về tác phẩm Nắng mới của Lưu Trọng Lư.

b. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

Đề 1: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thức khuya

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề bàn luận: Cần loại bỏ thói quen thức khuya

2. Thân bài

a. Biểu hiện

- Sự áp lực, căng thẳng để chuẩn bị cho kì thi sẽ khiến chúng ta có tâm lí muốn xả... "stress", muốn được vui chơi để cảm thấy thoải mái.

- Thức đến hai, ba giờ sáng để lướt mạng xã hội, để chơi game là một điều không tốt.

- Cố gắng học thêm nhiều kiến thức, giải thêm nhiều bài tập vào lúc đêm khuya.

b. Tác hại của việc thức khuya

- Sức khỏe sẽ không đảm bảo.

- Sáng hôm sau, chắc chắn nhiều bạn sẽ uể oải, không thể dậy sớm để đến lớp học.

- Thức khuya sẽ là cơ hội tốt để làn da của bạn... toàn mụn là mụn.

- Ảnh hưởng đến kết quả học tập của chúng ta.

c. Đưa ra giải pháp và lợi ích của việc dậy sớm

- Bạn chỉ cần đi ngủ sớm và dậy sớm

- Ngủ sớm, dậy sớm cũng sẽ giúp cho chúng ta có nhiều thời gian chuẩn bị cho buổi sáng đến lớp.

- Bạn cũng có thể nhân buổi sáng sớm để đọc sách hay học bài. Lúc này, đầu óc của chúng ta là minh mẫn nhất.

3. Kết bài

Thể hiện niềm tin của bản thân và niềm hy vọng sẽ loại bỏ được thói quen xấu đó.

Đề 2: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn

1. Mở bài

- Dẫn dắt vào đề: Thời gian để hiện thực hóa mục tiêu của mỗi người lại không giống nhau. Có sự khác nhau này không chỉ do định hướng, cách thức thực hiện của con người mà còn bị chi phối bởi thói quen trì hoãn công việc.

2. Thân bài

– Cắt nghĩa:

+ “Công việc” là những mục tiêu, dự định trước mắt mà chúng ta cần thực hiện.

+ “Trì hoãn” là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc.

→Thói quen trì hoãn công việc đang là một trong những thói quen chưa tốt của con người trong việc thực hiện những mục tiêu công việc.

– Cuộc sống có rất nhiều biến động, trong đó có nhiều điều bất thường có thể xảy ra ngoài ý muốn của con người.

→Những thay đổi đó có thể làm gián đoạn buộc con người phải trì hoãn công việc đang thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt.

– Thói quen trì hoãn công việc lại là thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần ở con người.

– Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của con người, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng.

– Trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn

– Trì hoãn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân.

– Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao.

– Trì hoãn làm cho con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lí mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể.

3. Kết bài

- Trì hoãn là thói quen không tốt cần được nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân, đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển, đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công các bạn nhé!

c. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

1. Mở bài

- Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một màn đối thoại góp phần phát triển cao trào của vở kịch mà còn có giá trị và ý nghĩa nhân văn lớn.

2. Thân bài

- Nhân vật Trương Ba là một hình tượng tiêu biểu đại diện cho vẻ đẹp của một tâm hồn thiện lương và trong sáng.

- Khi ông bị chết oan do Nam Tào gạch sai tên họ, được nhập vào xác hàng thịt để sống lại cuộc đời mới cũng là lúc bi kịch xảy ra:

+ Trương Ba trở nên vụng về, thô lỗ khi sống trong xác người hàng thịt

+ Trước sự thay đổi của Trương Ba → Người thân thất vọng, buồn bã, xa lánh ông.

+ Trương Ba đau khổ, day dứt khi phải sống trong cảnh ngộ bi hài mà bất hạnh ấy.

→ Mong muốn được tách ra khỏi xác người hàng thịt.

- Đối thoại với xác người hàng thịt:

+ Xác anh hàng thịt lên tiếng mỉa mai

+ Hồn Trương Ba cũng không chịu khuất phục những lời nói cay nghiệt và tàn nhẫn kia của anh hàng thịt → Đưa ra lý lẽ của mình.

+Xác anh hàng thịt đều mang nét châm chọc, chỉ trích linh hồn Trương Ba→ Trương Ba đau lòng, đuối lý, kẻ thua cuộc trong cuộc hội thoại.

- Đối thoại với Đế Thích:

+ Trương Ba muốn sống là mình toàn vẹn

+ Đế Thích khuyên Trương Ba suy nghĩ lại vì được sống vốn là điều đáng quý.

- Ý nghĩa giáo dục mang tri nhân văn của cuộc thoại:

+ Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác là cuộc đấu tranh giữa tinh thần và vật chất, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa phần " con" và phần " người" trong một bản thể

+ Con người muốn trở nên có giá trị, cần phải dung hoà cả hình thức và nội dung

+ Phê phán những lối sống chạy theo hình thức

3. Kết bài

- Bằng ngôn ngữ đối thoại giàu tính triết lý, tình huống kịch hấp dẫn, lôi cuốn người xem, Lưu Quang Vũ đã tạo nên một màn đối thoại đặc sắc, mang đến cho người đọc những suy ngẫm, dư âm khó phai.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về vở kịch Vũ Như Tô

1. Mở bài

- Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Huy Tưởng: Ông là một tác giả có thiên hướng khai thác những đề tài lịch sử khi sáng tác và có những đóng góp to lớn cho thể loại tiểu thuyết và kịch

- Giới thiệu đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài: Đoạn trích được trích trong hồi V của một vở kịch 5 hồi thành công của Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô

2. Thân bài

a. Những mâu thuẫn xung đột cơ bản của vở kịch

- Mâu thuẫn thứ nhất:

+ Mâu thuẫn: nhân dân lao động khốn khổ lầm than >< bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng sống xa hoa truỵ lạc.

Mâu thuẫn vốn có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài thì nó biến thành xung đột căng thẳng, gay gắt.

- Mâu thuẫn thứ hai

+ Vũ Như Tô - Kiến trúc sư - nghệ sĩ: Tâm huyết, hoài bão, muốn đem lại cái đẹp cho muôn đời.

+ Mượn uy quyền, tiền bạc của vua để thực hiện hoài bão lớn lao ⇒ mục đích chân chính >< con đường thực hiện mục đích sai lầm ⇒ Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân

→ Đẩy Vũ Như Tô vào bi kịch không lối thoát

b. Nhân vật Vũ Như Tô

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài khát khao say mê sáng tạo cái đẹp:

+ Ông là người “ngàn năm chưa dễ có một”

+ Tài năng của ông được thể hiện: “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”

- Là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả.

+ Ban đầu, dù Lê Tương Dực dọa giết, Vũ như Tô vẫn kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài.

+ Mong muốn và hòa bão của ông chính là xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại và bền vững → khát khao cống hiến tài năng cho đất nước

+ Khi đã xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô dồn hết tâm sức

- Vũ Như Tô là người không hám lợi: vua ban thưởng ông đã đem chia hết cho thợ

- Tuy nhiên, lí tưởng, ước mơ của ông hoàn toàn thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước, xa rời đời sống nhân dân

→ Tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng: xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai?

→ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch bởi đã mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn cả nhưng lại lầm lạc trong suy nghĩ và hành động.

→ Sự thức tỉnh của ông chỉ diễn ra vào phút cuối khi mà ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá

c. Nhân vật Đan Thiềm

- Vũ Như Tô mê cái đẹp, Đan Thiềm mê cái tài ⇒ Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm duy nhất ở triều đình của Vũ Như Tô

- Luôn động viên, khích lệ, giúp đỡ Vũ Như Tô xây đài, bảo vệ đài.

- Là con người luôn tỉnh táo: Biết chắc Đài không thành, tìm cách bảo vệ an toàn tính mạng cho Vũ Như Tô, khuyên Vũ bỏ trốn.

- Sẵn sàng đổi mạng sống của mình cứu Vũ Như Tô, đau đớn khi không thể cứu được người tài.

→ Đan Thiềm là nhân vật sống chết hết mình vì cái tài, cái đẹp.

d. Sự giải quyết mâu thuẫn, xung đột

- Mâu thuẫn 1 : giải quyết dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài, giết vua …

- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân: chưa được giải quyết .

→ Vũ Như Tô có tội hay công, chúng ta không trả lời được, tác giả mới chỉ nêu vấn đề

e. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ tập trung phát triển cao, hành động dồn dập đầy kịch tính.

- Ngôn ngữ cao đẹp có sự tổng kết cao, nhịp điệu lời thoại nhanh.

- Tính cách tâm trạng nhân vật bộc lộ rõ nét qua ngôn ngữ hành động.

- Các lớp kịch được chuyển tự nhiên, linh hoạt liền mạch.

3. Kết bài

- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

- Đoạn trích đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng lại rơi vào bi kịch.

d. Viết bài luận về bản thân

Đề 1: Viết bài luận về bản thân để thuyết phục BTC của lễ hội hoặc BQL di tích chấp nhận mong muốn

1. Mở bài

- Dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết: Mong muốn gia nhập Câu lạc bộ và khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của một tình nguyện viên trong việc tổ chức hoạt động của lễ hội hoặc giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương

2. Thân bài

- Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm.

- Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau để thuyết phục Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chấp nhận nguyện vọng của bản thân. Ví dụ, có thể sắp xếp theo trật tự sau:

+ Giới thiệu khái quát về bản thân (tên, lớp, hiểu biết, mục đích tham gia Câu lạc bộ, ...).

+ Niềm yêu thích, sự sẵn sàng dành thời gian, tâm huyết,... của bản thân cho các hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của cộng đồng địa phương.

+ Khả năng tham gia hỗ trợ (hoặc tổ chức) các hoạt động lễ hội hay giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương. Ví dụ: Viết bài giới thiệu, viết nội quy, hướng dẫn khách tham gia lễ hội/ di tích; biên tập, cập nhật thông tin về lễ hội/ di tích trên trang web của địa phương: tham gia tổ chức hoạt động tìm hiểu thực tế cho các đoàn khách, nhất là học sinh, sinh viên và người nước ngoài (nếu em giỏi ngoại ngữ) ...

+ Cam kết thực hiện tốt các yêu cầu của Câu lạc bộ và địa phương

3. Kết bài

- Khẳng định nguyện vọng, cam đoan về năng lực và trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia Câu lạc bộ và thực hiện các hoạt động được phân công

- Cảm ơn Ban Chủ nhiệm về sự quan tâm đọc và xét duyệt.

Đề 2: Viết bài luận về bản thân thuyết phục trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học

1. Mở bài 

Chào mừng và nêu vấn đề chính của bài viết: thuyết phục trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học

2. Thân bài

- Giới thiệu tổng quan về bản thân (tên, tuổi, lớp,...).

- Thể hiện lòng khao khát của bản thân:

+ Mong muốn theo học ngành…

- Đặc điểm nổi bật của bản thân để thuyết phục trường đại học quốc tế:

+ Sự thành thạo trong giao tiếp tiếng Anh.

+ Thành tích học tập xuất sắc.

+ Tinh thần năng động, tích cực tham gia hoạt động tình nguyện.

- Cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định và yêu cầu của trường đại học đối với du học sinh.

3. Kết bài

- Xác nhận nguyện vọng và cam kết về khả năng, trách nhiệm của bản thân khi học tập tại trường đại học.

- Bày tỏ lòng biết ơn đến trường đại học.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí