Cảm nhận của em khi đọc bài "Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy>
"Tre Việt Nam" là bài thơ kiệt tác của Nguyễn Duy được nhiều người yêu thích. Đây là một phần tiêu biểu của bài thơ ấy.
Đề bài
Cảm nhận của em khi đọc bài "Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Con viết bài cảm nhận về bài thơ theo dàn bài như sau:
A. Mở bài: Giới thiệu về bài thơ (tên tác phẩm, tác giả, thể loại, viết về điều gì,...)
B. Thân bài: Cảm nhận về bài thơ trên phương diện nội dung, nghệ thuật qua đó làm nổi bật thông điểm ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.
Nội dung bài thơ Tre Việt Nam: Cây tre tượng trưng cho con người Việt Nam, thông qua hình tượng cây tre tác giả ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: Đoàn kết, giàu tình yêu thương, ngay thẳng, chính trực.
C. Kết bài: Cảm nhận của em về bài thơ
Lời giải chi tiết
"Tre Việt Nam" là bài thơ kiệt tác của Nguyễn Duy được nhiều người yêu thích. Đây là một phần tiêu biểu của bài thơ ấy. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát; trong đó câu lục đầu bài thơ được cắt thành hai dòng (2+4) và câu lục cuối bài được cắt thành ba dòng (2+2+2). Lời thơ mượt mà, có nhiều hình ảnh đẹp, giọng thơ du dương truyền cảm.
Ba dòng thơ đầu, nhà thơ ngạc nhiên hỏi về màu xanh của tre, liên tưởng đến "chuyện ngày xưa" - chuyện người anh hùng làng Gióng dùng gộc tre đánh đuổi giặc Ân. Qua đó, tác giả thể hiện rất hay sự gắn bó lâu đời giữa cây tre với đất nước và con người Việt Nam:
"Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh".
Cây tre được nhân hóa, tượng trưng cho bao phẩm chất cao quý của con nguời Việt Nam, của dân tộc Việt Nam
Cây tre, lũy tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại, tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua bão bùng, để làm nên lũy thành bền vững:
"Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người."
Nguyễn Duy có nhiều cách sáng tạo hình ảnh về cây tre, măng tre để thể hiện tính ngay thẳng, tinh thần bất khuất của nhân dân ta:
"Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”.
hay:
"Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lự thường".
hay:
"Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre".
Cây tre được nhân hóa, tượng trưng cho đức hi sinh, tình thương con bao la của người mẹ hiền:
"Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con".
"Tre già măng mọc” là sự thật, là niềm tin về tuổi thơ, về thế hệ tương lai.
Ba chữ "xanh" trong câu cuối bài thơ cho thấy cách viết rất tài hoa của Nguyễn Duy khi ca ngợi vẻ đẹp của cây tre, ca ngợi cảnh sắc làng quê đất nước bển vững trong dòng chảy thời gian đến muôn đời mai sau:
"Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh".
Đọc bài thơ "Tre Việt Nam", ta yêu thêm cây tre, lũy tre, yêu thêm vẻ đẹp quê hương đất nước, ta thêm tự hào về bao phẩm chất cao quý của con ngườ: Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Loigiaihay.com
- Cảm nhận của em về bài thơ "Truyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ
- Cảm nhận của em về đoạn thơ được học trong bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ” của Nguyễn Khoa Điềm
- Cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn thơ trong bài "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ
- Cảm nghĩ của em khi đọc và học bài thơ "Gà Trống và Cáo" của La Phông-ten
- Cảm nhận của em về bài thơ "Nếu chúng mình có phép lạ" của Đinh Hải
>> Xem thêm
- Nhân vật chính trong câu chuyện "Ba anh em" là những ai? Tính cách của các nhân vật được bộc lộ trong hoàn cảnh nào ? Em có đồng ý với nhận xét của nhân vật bà về tính cách của từng cháu không?
- Em hãy viết thư thăm thầy giáo hoặc cô giáo cũ
- Em hãy viết thư gửi người thân (ông, bà, bác, chú, dì, anh chị em...) sau một tháng lên học lớp 4
- Viết thư gửi một bạn ở trường khác để hỏi thăm bạn và kể cho bạn nghe tình hình ở lớp, ở trường em hiện nay
- Đọc bài "con chuồn chuồn nước" của Nguyễn Thế Hội và trả lời câu hỏi