Giao điểm của đồ thị hàm số y = f(x) và y = g(x) có toạ độ là nghiệm của hệ phương trình y = f(x) và y = g(x).
Phương trình hoành độ giao điểm: f(x) = g(x) (1)
Tương giao đồ thị hàm số chính là số giao điểm của 2 đồ thị hay số nghiệm của phương trình (1).
Cho phương trình (*) chứa f(x) và đồ thị hàm số y = f(x).
Bước 1: Cô lập f(x) từ phương trình đề bài cho, ta được f(x) = g(x).
Bước 2: Số giao điểm của đồ thị hàm số y = f(x) và y = g(x) chính là số nghiệm của (*).
Ví dụ minh hoạ:
1) Cho hàm số \(y = - {x^4} + 2{x^2}\) có đồ thị như hình dưới.
Tất cả các giá trị thực của tham số m để phương trình \( - {x^4} + 2{x^2} = m\) có bốn nghiệm thực phân biệt là
A. \(m > 0\)
B. \(0 \le m \le 1\)
C. \(0 < m < 1\)
D. \(m < 1\)
Giải:
Phương trình \( - {x^4} + 2{x^2} = m\) có bốn nghiệm thực phân biệt khi và chỉ khi đồ thị hàm số \(y = - {x^4} + 2{x^2}\) cắt đường thẳng y = m tại bốn điểm phân biệt.
Khi đó, đường thẳng y = m phải nằm trên trục hoành y = 0 và nằm dưới đường thẳng y = 1 để cắt đồ thị hàm số \(y = - {x^4} + 2{x^2}\) tại bốn điểm phân biệt.
Do đó, 0 < m < 1. Đáp án cần chọn là C.
2) Cho hàm số \(y = {x^3} - 3{x^2} + 1\) có đồ thị như hình dưới.
Tất cả các giá trị thực của tham số m để phương trình \({x^3} - 3{x^2} - m = 0\) có hai nghiệm thực phân biệt là
A. (-3;1)
B. {-3;1}
C. (-4;0)
D. {-4;0}
Giải:
Ta có \({x^3} - 3{x^2} - m = 0 \Leftrightarrow {x^3} - 3{x^2} = m \Leftrightarrow {x^3} - 3{x^2} + 1 = m + 1\).
Phương trình \({x^3} - 3{x^2} - m = 0\) có hai nghiệm thực phân biệt khi và chỉ khi đồ thị hàm số \(y = {x^3} - 3{x^2} + 1\) cắt đường thẳng y = m + 1 tại hai điểm phân biệt.
Khi đó, đường thẳng y = m + 1 phải trùng với đường thẳng y = -3 hoặc đường thẳng y = 1 để đồ thị hàm số \(y = {x^3} - 3{x^2} + 1\) cắt đường thẳng y = m + 1 tại hai điểm phân biệt.
TH1: y = m + 1 trùng với y = 1 \( \Leftrightarrow m + 1 = 1 \Leftrightarrow m = 0\).
TH2: y = m + 1 trùng với y = -3 \( \Leftrightarrow m + 1 = - 3 \Leftrightarrow m = - 4\).
Vậy đáp án cần chọn là D.