Các nguyên tắc có tính chất phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu của môn học tư tưởng Hồ Chí Minh>
Nghiên cứu, giảng dạy, học tập bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin và bản thân các quan điểm có giá trị phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Trong đó, các nguyên lý triết học Mác - Lênin với tư cách là phương pháp luận chung của các ngành khoa học cần phải được quán triệt thật sự, thấu đáo trong nghiên cứu bộ môn này.
Câu hỏi. Các nguyên tắc có tính chất phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu của môn học tư tưởng Hồ Chí Minh?
Trả lời:
- Các nguyên tắc có tính chất phương pháp luận
Nghiên cứu, giảng dạy, học tập bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin và bản thân các quan điểm có giá trị phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Trong đó, các nguyên lý triết học Mác - Lênin với tư cách là phương pháp luận chung của các ngành khoa học cần phải được quán triệt thật sự, thấu đáo trong nghiên cứu bộ môn này. Dưới đây là một số nguyên tắc phương pháp luận trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Bảo đảm sự thống nhất nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải đứng trên lập trường, quan điểm, phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; bảo đảm tính khách quan khi phân tích, lý giải và đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh việc áp đặt, cường điệu hóa hoặc hiện đại hóa tư tưởng của Người. Tính đảng và tính khoa học thống nhất VỚI nhau trong sự phản ánh trung thực, khách quan tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở lập trường, phương pháp luận và định hướng chính trị nghiên cứu đúng đắn.
+ Quan điểm thực tiễn và nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đều bám sát thực tiễn cách mạng dân tộc và thế giới, coi trọng tổng kết thực tiễn, coi đây là biện pháp không chỉ nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, mà còn là điều kiện để nâng cao trình độ lý luận. Đồng thời, Người cũng đặc biệt coi trọng việc kết hợp lý luận với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm. Hồ Chí Minh là người luôn xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước, để ra được đường lối cách mạng đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vẻ vang.
+ Quan điểm lịch sử cụ thể
Cùng với chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta cần vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong nghiên cứu khoa học, theo V.I. Lênin, không được quên mối liên hệ lịch sử căn bản, nghĩa là phải xem xét, một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào? Nắm vững quan điểm này giúp chúng ta hiểu được tư tưởng Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn của quá trình phát triến lịch sử, quá trình phát triển sáng tạo, đổi mới.
+ Quan điểm toàn diện và hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, có quan hệ thống nhất biện chứng nội tại của nó. Một yêu cầu về lý luận khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện tổng thể hay từng bộ phận là phải luôn luôn quán triệt mối liên hệ qua lại của các yếu tố, các bộ phận khác nhau trong sự gắn kết tất yếu của hệ thống tư tưởng đó quanh hạt nhân cốt lõi là tư tưởng độc lập, tự do, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nắm vững và đầy đủ hệ thống các quan điểm của Người trên tất cả các lĩnh vực. Nếu tách rời một yếu tố nào đó khỏi hệ thống sẽ hiểu sai tư tưởng Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, tách rời độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Quan điểm kế thừa và phát triển Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều lĩnh vực quan trọng và hình thành nên một hệ thống các quan điểm lý luận mới hết sức sáng tạo. Nghiên cứu. học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ biết kế thừa, vận dụng mà còn phải biết phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong điểu kiện lịch sử mới, trong bối cảnh cụ thể của đất nước và quốc tế.
+ Kết hợp nghiên cứu các tác phẩm với thực tiễn chỉ đạo cách mạng của Hồ Chi Minh
Hồ Chí Minh là một nhà lý luận - thực tiễn. Người xây
dựng lý luận, vạch cương lĩnh, đường lối, chủ trương cách mạng và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo thực hiện. Từ thực tiễn, Người tổng kết, bổ sung để hoàn chỉnh và phát triển lý luận, cho nên tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính cách mạng, luôn luôn sáng tạo, không lạc hậu, giáo điều. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ căn cứ vào các tác phẩm mà cần coi trọng hoạt động thực tiễn của Người, thực tiễn cách mạng dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng do người đứng đầu. Hành động thực tiễn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và xây dựng của nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là lời giải thích rõ ràng giá trị khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Các phương pháp cụ thể
+ Giữa phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu có mối liên hệ biện chứng và chi phối lẫn nhau; phương pháp phải trên cơ sở vận động của bản thân nội dung; nội dung nào phương pháp đấy. Vì vậy, ngoài các nguyên tắc phương pháp luận chung, với một nội dung cụ thể cần phải vận dụng một phương pháp nghiên cứu cụ thể phù hợp. Trong đó, việc vận dụng phương pháp lịch sử và phương pháp lôgích là hết sức cần thiết trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Vận dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên bình diện nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của mình như một hệ thống, bao quát nhiều lĩnh vực: Tư tưởng triết học. tư tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự, tư tưởng văn hóa - đạo đức... trong mỗi lĩnh vực lại có thể tìm thấy những hệ thống nhỏ. Vì thế, cần thiết phải áp dụng các phương pháp liên ngành khoa học xã hội - nhân văn, lý luận chính trị để nghiên cứu toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như mỗi tác phẩm lý luận riêng biệt của Người.
+ Để việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đạt được trình độ khoa học ngày một cao hơn, cần phải đổi mổi và hiện đại hóa các phương pháp nghiên cứu cụ thể trên cơ sở không ngừng phát triển và hoàn thiện về lý luận và phương pháp luận khoa học nói chung. Trong nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, các phương pháp cụ thể thường được áp dụng có hiệu quả là: phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê trắc lượng, văn bản học, điều tra điền dã. phỏng vấn nhân chứng lịch sử, V.V.. Mỗi phương pháp này khi vận dụng vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh có những đặc điểm và đặt ra các yêu cầu khác nhau. Việc vận dụng các phương pháp và kết hợp các phương pháp cụ thể phải căn cứ vào nội dung nghiên cứu.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam
- Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết
- Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
- Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết