Truyện kể Tây Tạng: Họa sĩ Touo-lan-ka


Lưỡi Hái Lớn rất tò mò muốn biết Touo-lan-ka vẽ gì. Gã lại gần để xem. Con tim băng giá của gã run rẩy. Trong tranh, một thiếu nữ xinh đẹp như cười với gã!

Rất xa ở miền Nam Trung Quốc, nơi những người Tai sinh sống, có một thôn làng vây quanh bởi những bãi trồng cọ. Không xa ngoài rìa làng, bên bờ một con sông nước trong vắt, sừng sững một cái chòi cũ nát, bằng tre ken lại với nhau. Đó là nơi rất xa xưa họa sĩ Touo-lan-ka từng sống. Ông không phải là một họa sĩ bình thường, khó tìm thấy một người giống ông. Ông say mê hội họa như bị “ma ám”. Ông vẽ trên bất cứ thứ gì vô tình rơi vào tay: trên giấy, trên lụa hay trên gỗ. Ông hiếm khi ra ngoài, chỉ lúc này hay lúc khác ghé qua đền thờ, hoặc vào làng, nhưng đừng tưởng để cầu nguyện hoặc dâng lễ vật cúng các vị thần. Không! Điều này không thuộc bản tính của ông. Ông ngồi đó, im lặng trong một góc, quan sát những người vào ra, ghi khắc những nét riêng biệt của họ vào tâm trí. Về nhà, ông giam mình trong chòi, vớ lấy bút và bắt đầu vẽ, vẽ và vẽ. Dẫu cho bên ngoài mặt trời có chói chang, mặt trăng lạnh có tỏa sáng, ông cũng không hay biết. Mỗi ngày ông vẽ bảy gương mặt, sau một tuần thành bảy lần bảy bốn mươi chín gương mặt, treo trên vách chòi tre. Cho tới một đêm - đó là một đêm dông bão, gió điên cuồng thổi cây cối đổ rạp, sấm rền vang - ông vừa vẽ xong khuôn mặt thứ bốn mươi chín của tuần thì có ai đó đập cửa.

“Có thể là ai đây?” Họa sĩ càu nhàu. “Kẻ nào ma dẫn lối quỷ đưa đường đến đây vào lúc gió bão, đến con cú cũng phải nằm im thế này?”

- Ta là Thần Chết. Ta cai quản linh hồn những người chết ở vùng này. Đêm nay Ngọc hoàng sai ta đến bắt ngươi.

 “Sao Thiên lôi không đánh chết mi, tên đáng nguyền rủa!” Touo-lan-ka nghĩ, cảm thấy trong lòng một nỗi buồn sâu xa. Thu hết can đảm, ông ra mở cửa. Trên ngưỡng cửa, sừng sững một bóng đen, tối tăm hơn đêm tối.

- Vào đi, Touo-lan-ka bảo, nhưng mi phải đợi một lát, ta còn phải vẽ xong bức này. Rồi như chẳng có gì xảy ra, ông quay lưng lại Thần Chết, cầm bút và tiếp tục vẽ.

Thấy Touo-lan-ka chẳng hề bận tâm, cứ bình thản vẽ, Thần Chết sốt ruột:

- Đi thôi, chúng ta phải nhanh lên một tí, ngươi không thể bắt Ngọc hoàng chờ như thế!

- Đừng nổi nóng, họa sĩ bình tĩnh trả lời, ít ra ta còn phải vẽ xong em gái nhỏ này. Thà mi cứ đi trước đi, và nói với chủ mi hãy kiên tâm một chút.

Lưỡi Hái Lớn rất tò mò muốn biết Touo-lan-ka vẽ gì. Gã lại gần để xem. Con tim băng giá của gã run rẩy. Trong tranh, một thiếu nữ xinh đẹp như cười với gã! Chưa bao giờ gã thấy một khuôn mặt đẹp đến thế. Lặng lẽ, gã nhón chân chuồn khỏi chòi tre quay trở về trời.

- Thế nào, ngươi về một mình ư? Ngọc hoàng nghiêm giọng hỏi.

- Xin Ngọc hoàng xá tội cho thần, lần này không thể được, thần phải để cho hắn vẽ xong một khuôn mặt.

- Đời ta chưa thấy chuyện thế này bao giờ! Ngọc hoàng gầm lên, mất hết bình tĩnh. Đi, nhanh cấp tốc giải hắn lên đây cho ta! Đây là Luật Nhà trời. Ta không thể để cho Luật Nhà trời bị một tên họa sĩ vi phạm!

Lưỡi Hái Lớn vậy là phải xuống mặt đất một lần nữa. Qua bãi trồng cọ, gã trông thấy xa xa ánh lửa nhỏ leo lét nhấp nháy nơi cửa sổ chòi tre, đốm sáng duy nhất trong đêm đen sâu thẳm. Gã mở cửa bất thình lình, nhưng sững sờ lùi lại. Từ trong tranh, một khuôn mặt thiếu nữ xiết bao dịu dàng, xiết bao trong sáng đang mỉm cười với gã! Một gương mặt như thế, ngay trên Trời cũng khó thấy.

“Lại vội vàng rồi”, họa sĩ làu bàu, vẫn đắm chìm với bức tranh. Nhưng lần này Thần Chết không để bị gạt ra rìa, Touo-lan-ka đành vâng lời, thu thập họa cụ, vài bức phác thảo, một cây nến thờ và đi theo Thần Chết.

Khi cả hai đến trước Ngọc hoàng, họa sĩ quỳ gối rạp mình đúng như một kẻ phàm trần phải thế. Tay trái ông cầm cây nến cháy, tay phải những họa cụ.

- Được lắm, được lắm, Ngọc hoàng gật đầu hào hiệp, ta biết dưới mặt đất ngươi là một họa sĩ lừng danh, và ngươi không thể sống không có hội họa. Nay, ngươi có thể tiếp tục vẽ trên Trời!

Touo-lan-ka cúi rạp mình, tạ ơn Ngọc hoàng ban cho ân huệ ấy. Thế nhưng, ông không thể cầm được vài giọt nước mắt. Điều đó cũng dễ hiểu! Ông phải xa rời xứ sở của mình, xa rời mặt đất, so với nơi ấy không một Trời nào có thể sánh bằng. Hơi buồn, ông thổi tắt ngọn nến trong tay. Thần Chết dẫn ông đến gặp Thần Sống:

- Từ nay, chỗ của ngươi là ở đây: hãy làm ngay bây giờ việc ngươi phải làm!

Thế là họa sĩ ở cận kề Thần Sống. Ông bày ra đất cạnh mình bút vẽ, viên đá nhào mực, chiếc bình nước nhỏ, thỏi mực Tàu, và ông lại vẽ. Cứ mỗi lần Thần Sống phải trao linh hồn cho một đứa trẻ sơ sinh, Touo-lan-ka tìm trong các bức chân dung của ông một bức phù hợp hơn cả với con người tương lai đó.

Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng Touo-lan-ka thường hay ăn gian! Ông không muốn xa rời những bức chân dung đẹp nhất: Ông giữ chúng cho riêng mình. Các bà mẹ Tai dâng cho ông biết bao đồ cúng lễ xa hoa mong ông gán cho em bé của các bà khuôn mặt đẹp nhất đời, nhưng đều vô hiệu: Những khuôn mặt đẹp nhất, ông giữ cho riêng mình, ở trên Trời kia.

Hết truyện 3: Họa sĩ Touo-lan-ka, Truyện tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.


Bình chọn:
4.6 trên 43 phiếu
  • Truyện kể Tây Tạng: Biển tiền vàng - Mây trắng tìm chồng

    Đó là ngày thứ mười lăm của tuần trăng thứ tám, trên mặt đất xảy ra những điều kỳ diệu lạ lùng và cái không thể trở thành có thể. Trên trời, một vầng trăng vàng lớn lơ lửng.

  • Truyện kể Tây Tạng: Ngọc Hoàng trừng trị thói tham nhũng như thế nào?

    Một phật tử tập tu khấn nguyện trong một ngôi đền gỗ nơi có bốn pho tượng bà vãi và một pho tượng Thần Hộ Thành. Chợt anh nghe có tiếng bước chân đến gần.

  • Truyện kể Tây Tạng: Chuyện chàng Nhân

    Ngày xửa ngày xưa, khi con người sống rải rác khắp thế gian, nhà nọ cách nhà kia hàng ngàn dặm, có một vật thể lạ sáng lấp lánh xuất hiện trên bầu trời.

  • Truyện kể Tây Tạng: Người thợ đẽo đá

    Ngày xưa có một người thợ đẽo đá ngay thẳng, chăm chỉ và có nhiều ý tưởng thông minh. Phú hộ trong vùng nghe tiếng bèn cho gọi anh đến giao cho một số việc lặt vặt.

  • Truyện kể Tây Tạng: sao mai và họa mi

    Cao, cao lắm là Núi Mây không có đường lên. Trước núi sừng sững hai khối đá vững chãi, dưới chân mỗi khối đá tuôn ra một nguồn nước nhỏ, mảnh mai và trong vắt như pha lê.

>> Xem thêm