- Nêu được vấn đề có ý nghĩa để thuyết trình
- Xác định được mối quan hệ giữa vấn đề với đời sống của giới trẻ
- Làm rõ được từng khía cạnh của vấn đề, đánh giá được tính tích cực hay tiêu cực của các cách nhìn nhận về vấn đề
- Đảm bảo tính cụ thể, chính xác của các thông tin liên quan đến vấn đề
- Rút ra được ý nghĩa của iệc thuyết trình về vấn đề
A. CHUẨN BỊ NÓI
Lựa chọn đề tài
Bên cạnh những đề tài đã được gợi ý ở phần Viết, bạn có thể tham khảo một số đề tài khác, chẳng hạn:
- Tuổi trẻ hiện nay cần nhận thức như thế nào về vấn đề cống hiến và hưởng thụ?
- Ứng xử như thế nào với các thế hệ khác nhau trong gia đình và trong cộng đồng cho phù hợp?
- Vấn đề việc làm đặt ra với giới trẻ trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo có thể làm thay phần việc của con người ở một số lĩnh vực.
- Vai trò của kĩ năng mềm đối với tuổi trẻ.
Tìm ý và sắp xếp ý
Nếu lựa chọn đề tài đã triển khai ở phần Viết, bạn cần dựa vào nội dung bài viết để lập dàn ý cho bài thuyết trình. Chú ý điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động nói và nghe. Còn nếu chọn đề tài mới thì bạn cần tìm ý và xây dựng dàn ý cho bài thuyết trình. Để có hướng tìm ý, bạn hãy nêu một số câu hỏi xoáy vào các khía cạnh trọng tâm sau:
- Bản chất của vấn đề là gì?
- Vấn đề có liên quan như thế nào đến đời sống của giới trẻ?
- Những khía cạnh nào của vấn đề cần làm rõ?
- Cần định hướng hoạt động như thế nào sau khi đã nhận thức rõ về vấn đề?
Xây dựng dàn ý của bài thuyết trình bằng cách sắp xếp những ý đã tìm được vào các phần Mở đầu, Triển khai, Kết thúc một cách hợp lí.
B. THỰC HÀNH NÓI
- Bài nói đảm bảo các phần: Mở đầu (giới thiệu vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, chọn cách giới thiệu gây được chú ý cho người nghe); Triển khai (đi sâu vào từng khía cạnh của vấn đề, làm rõ sự liên quan của từng khía cạnh đó đối với đời sống của giới trẻ, lí giải và nêu cách thức ứng xử, ... ); Kết luận (làm rõ ý nghĩa của việc thuyết trình về vấn đề).
- Việc nhận xét vấn đề tuy cần thiết, nhưng cần tiết chế, tránh làm cho bài thuyết trình (vốn ưu tiên cho việc cung cấp thông tin) biến thành bài nghị luận (chủ yếu đánh giá, bàn luận về vấn đề).
C. TRAO ĐỔI, ĐÁNH GIÁ
- Người nghe có thể nhận xét về sự cần thiết của vấn đề được đề cập, sức thuyết phục của bài thuyết trình, độ chính xác của các thông tin đã nêu, cách sử dụng ngôn ngữ và các yếu tố phi ngôn ngữ của người nói. Nếu có khía cạnh nào chưa rõ, yêu cầu người nói giải thích thêm.
- Người nói cần làm rõ thêm những ý mà người nghe nêu thắc mắc, trao đổi lại cácý kiến đánh giá về nội dung và cách thực hiện bài thuyết trình.