Từ điển môn Văn lớp 12 Viết báo cáo - Từ điển môn Văn 12

Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Văn 12

1. Yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội

+ Giới thiệu được đề tài nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội; nêu được câu hỏi nghiên cứu (vấn đề) chính cần giải quyết.

+ Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống luận điểm sáng rõ, phù hợp với các dữ liệu đã thu thập.

+ Thể hiện được cái nhìn toàn cảnh về vấn đề nghiên cứu và quan điểm của người viết.

+ Biết vận dụng các thao tác nghiên cứu cơ bản, khai thác các nguồn tham khảo đáng tin cậy.

+ Sử dụng hiệu quả sơ đồ, bảng biểu; có thuyết minh các hình ảnh minh hoạ; có sử dụng trích dẫn, cước chú và biết trình bày phần tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

2. Hướng dẫn viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội

A. CHUẨN BỊ VIẾT

Lựa chọn đề thi

Đề tài có thể hướng về những gì liên quan đến cuộc sống và hoạt động học tập của bản thân, miễn nó thử thách được khả năng thu thập, xử lí dữ liệu từ nhiều nguồn, khả năng nêu những luận điểm thể hiện tầm nhìn bao quát về đối tượng hay vấn đề.

Gợi ý một số đề tài:

- Hành động của giới trẻ trong phong trào tái chế vật liệu đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường.

- Vai trò của những người có ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội đối với cuộc sống của thanh niên hiện nay.

- Tác động của những khám phá mang tính chất bước ngoặt trong công nghệ đến xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cuối cấp Trung học phổ thông.

- Sự lan toả của chủ nghĩa tối giản trong phong cách sống của một số thành phần dân cư.

- Vai trò của một xu hướng hay trường phái nghệ thuật trong việc làm thay đổi cách sống và thị hiếu của tầng lớp thanh niên.

- Những xu hướng hay hiện tượng âm nhạc đang được học sinh quan tâm và tán thưởng.

Thu thập, phân tích và đánh giá thông tin

Với định hướng viết báo cáo nghiên cứu ở bài học này, việc thu thập, phân tích, đánh giá nguồn thông tin phong phú về đề tài có tầm quan trọng đặc biệt. Cần rút ra những bài học bổ ích trên phương diện này từ bài viết tham khảo - một báo cáo nghiên cứu được triển khai dựa trên khối lượng dữ liệu lớn, có được nhờ tác giả theo dõi sát sao thực tế và đọc nhiều tài liệu tham khảo liên quan.

Xây dựng đề cương

Khi xây dựng đề cương cho báo cáo nghiên cứu một vấn đề có tính khái quát, cần lưu ý rằng các luận điểm phải được triển khai một cách rõ ràng, có hệ thống, giúp người đọc dễ nắm bắt. Trong mỗi luận điểm có thể có nhiều ý với các cấp độ lớn nhỏ khác nhau. Cần vạch ra các ý càng chi tiết càng tốt trong đề cương.

B. VIẾT

Trên cơ sở đề cương, cần triển khai luận điểm thành những đoạn văn. Đặc trưng của báo cáo nghiên cứu được thực hành là người viết cần trình bày được những đặc điểm của vấn đề nghiên cứu và lí giải những đặc điểm đó từ nhiều góc độ.

Lưu ý:

- Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội có tính tổng hợp, khái quát có thể không nổi bật vì tính mới mẻ, đột phá, nhưng cũng không phải là một sự tổng hợp thông tin đơn giản. Khi trình bày các luận điểm, người viết phải đồng thời cho thấy cách tiếp cận riêng của mình.

- Một báo cáo nghiên cứu tốt về một vấn đề có tính khái quát còn đòi hỏi người viết thể hiện được quan điểm của mình đối với vấn để nghiên cứu. Quan điểm đó có thể thể hiện qua các đánh giá, bình luận trực tiếp, hay qua tính định hướng, gợi mở của bài viết. Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, nhiều luận điểm có thể được coi là những gợi ý để tìm hiểu vấn đề sâu hơn hoặc rộng hơn.

- Trong quá trình viết, bạn cần chú ý sắp xếp và trình bày các phương tiện hỗ trợ như sơ đồ, bảng biểu, tranh ảnh, ... phù hợp với nội dung được thể hiện ở kênh chữ.

C. CHỈNH SỬA, HOÀN THIỆN

Tiến hành rà soát và hoàn thiện bài viết trên hai phương diện:

- Về nội dung, các tiểu mục của bài viết cần tường minh, đầy đủ, các luận điểm được triển khai rõ ràng.

- Về hình thức, bài viết được trình bày đúng quy cách của một báo cáo nghiên cứu, đặc biệt là có các tài liệu tham khảo được tách thành phần riêng; các phương tiện phi ngôn ngữ được thể hiện hợp lí; chính tả, diễn đạt đảm bảo chuẩn mực.