+ Giới thiệu được phong trào hoặc hoạt động xã hội mà người viết muốn hưởng ứng hoặc phát động và nói rõ tầm quan trọng, tính cấp bách của nó; có cách mở đầu thu hút được sự chú ý của người đọc.
+ Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục; giúp người tiếp nhận hiểu rõ lí do người viết hưởng ứng hay phát động phong trào hoặc hoạt động xã hội.
+ Nêu được ý kiến trái chiều có thể có và sử dụng lí lẽ, bằng chứng phản bác để tăng tính thuyết phục cho văn bản.
+ Sử dụng hiệu quả các yếu tố thuyết minh và biểu cảm để tăng thêm sức tác động của bài phát biểu.
+ Có kết bài gây ấn tượng, thuyết phục người đọc thay đổi nhận thức hoặc hành động.
A. CHUẨN BỊ VIẾT
Trước hết, cần xác định vị thế của bản thân khi viết bài phát biểu. Có thể viết với tư cách là người hưởng ứng (đồng tình, ủng hộ) một phong trào hoặc một hoạt động xã hội do một tổ chức hay cá nhân khác phát động (khởi xướng). Cũng có thể viết với tư cách là người phát động, khởi xướng phong trào hoặc hoạt động đó. Dù với tư cách gì thì bài viết của bạn cũng phải gắn với nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống và đòi hỏi sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo công chúng. Đây là điểm khác biệt đáng kể giữa đề tài của bài viết này với đề tài của những bài văn nghị luận thông thường mà bạn đã từng viết. Có thể tham khảo một số vấn đề sau để triển khai bài viết: Hưởng ứng phong trào “lối sống xanh" để giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đến môi trường; Hưởng ứng ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ; Hưởng ứng ngày Hội đọc sách; Tham gia trồng cây để trả lại màu xanh cho quê hương; Cùng nhau hành động chống bạo lực học đường.
B. TÌM Ý, LẬP DÀN Ý
Tìm ý
Đọc lướt một lần nữa bài viết tham khảo, chú ý đến cấu trúc và trình tự triển khai các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản, tự đặt một số câu hỏi theo gợi ý sau để tìm ý:
- Phong trào hoặc hoạt động xã hội được đề cập trong bài viết nhằm giải quyết vấn đề bức thiết gì của đời sống? Bạn viết bài này với tư cách gì (hưởng ứng hay phát động) và hướng đến đối tượng nào?
- Vì sao mọi người cần quan tâm đến phong trào hoặc hoạt động mà bạn đề cập? Nó có tầm quan trọng và tính cấp thiết như thế nào? Làm thế nào để thuyết phục mọi người tin điều đó?
- Đối tượng mà bài viết hướng đến cần phải làm gì để hưởng ứng hoặc đáp lại lời kêu gọi của bạn?
- Những lí lẽ và bằng chứng nào cần được huy động?
- Liệu có ý kiến nào trái ngược với quan điểm mà bạn nêu ra hay không? Có thể phản bác ý kiến đó như thế nào?
- Những yếu tố bổ trợ nào (thuyết minh, biểu cảm,…) cần được sử dụng để tăng cường sức thuyết phục cho bài viết?
Lập dàn ý
Sau khi tìm được các ý, cần soát lại và sắp xếp những ý đó một cách hệ thống để lập thành dàn ý cho bài viết.
Mở bài: Nêu phong trào hoặc hoạt động xã hội mà người viết hưởng ứng hoặc muốn phát động và nói rõ tầm quan trọng, tính cấp bách của nó.
Thân bài:
- Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người đọc.
- Nêu được ý kiến trái chiều có thể có về vấn đề được bàn luận.
- Sử dụng các yếu tố thuyết minh và biểu cảm, ...
Kết bài: Thể hiện thông điệp (hưởng ứng hoặc kêu gọi) dưới dạng những câu nói ngắn gọn và mạnh mẽ, thúc giục người tiếp nhận thay đổi nhận thức hoặc có hành động đáp ứng phù hợp.
C. VIẾT
- Bài phát biểu trong một buổi lễ phát động đòi hỏi tính hùng biện cao, vì vậy, cần có cách mở đầu thu hút được sự chú ý của người đọc. Cách thông dụng là mở đầu bằng việc đặt một câu hỏi nêu vấn để, kể một mẩu chuyện để dẫn dắt vào vấn đề hoặc đưa ra một kết quả nghiên cứu kèm theo số liệu thống kê. Để thông điệp không bị bỏ qua hay lãng quên, cần có kết bài gây ấn tượng đối với người đọc.
- Chú ý điều tiết nhằm đảm bảo nội dung vừa đủ, phù hợp với thời gian để đọc trước công chúng (nếu bài phát biểu được đọc trong một buổi lễ) hoặc duy trì được hứng thú của người đọc (nếu bài phát biểu được phổ biến dưới hình thức văn bản viết).
- Ngôn ngữ sử dụng trong bài (bao gồm cả cách xưng hô) cần phù hợp với mục đích và đối tượng mà bạn muốn kêu gọi. Việc dùng một số câu khiến có thể phù hợp trong bài phát biểu, góp phần làm cho lời kêu gọi trở nên mạnh mẽ.
D. CHỈNH SỬA, HOÀN THIỆN
Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện. Cụ thể:
- Rà soát cấu trúc và nội dung chung của văn bản; đảm bảo bài viết có đủ ba phần, mỗi phần đều được triển khai đáp ứng yêu cầu đã được nêu trong dàn ý và trong phần Viết.
- Kiểm tra hệ thống lí lẽ, bằng chứng để đáp ứng yêu cầu chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.
- Xem xét phong cách văn bản để đảm bảo tính trang trọng, có cách xưng hô phù hợp với vị thế của người viết trong quan hệ với đối tượng tiếp nhận; tránh những lời kêu gọi đại ngôn hoặc cách nói sáo rỗng, cũ mòn.
- Rà soát lỗi chính tả, dùng từ ngữ, đặt câu; lỗi về mạch lạc và liên kết trong mỗi đoạn văn và giữa các đoạn văn.