Nghị luận về quan niệm yêu nước của người trẻ - Văn 12

1. Lưu ý khi viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của người trẻ

Để viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ, cần chú ý:

- Đọc kĩ đề và nhận biết trọng tâm cần làm sáng tỏ.

- Chuẩn bị tư liệu liên quan đến vấn đề trọng tâm cần bàn luận (những ví dụ về lòng yêu nước trong truyền thống; những biểu hiện về lòng yêu nước của tuổi trẻ trong đời sống ngày nay; các tác phẩm thơ, văn, các câu danh ngôn và những kiến thức lịch sử, ... về lòng yêu nước).

- Tìm ý, lập dàn ý cho bài viết: xác định luận đề, các luận điểm, lựa chọn dẫn chứng. Bố cục bài viết theo ba phần; các luận điểm, lí lẽ được triển khai phải gắn bó mật thiết và xuất phát từ luận đề đã nêu.

- Thể hiện rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề; vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

2. Hướng dẫn viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của người trẻ

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ các nội dung nêu ở mục 1. Định hướng. Tìm hiểu đề bài để biết các thông tin chính trước khi viết như trọng tâm vấn đề, kiểu văn bản, phạm vi bàn luận,...

- Xác định phạm vi dẫn chứng và các bằng chứng cụ thể về lòng yêu nước trong lịch sử cũng như trong cuộc sống hiện nay.

- Xem lại các nội dung đọc hiểu văn bản trong Bài 6; liên hệ với những hiểu biết từ môn Lịch sử và các tác phẩm văn học viết về lòng yêu nước.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Thế nào là yêu nước?

+ Lòng yêu nước có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử dân tộc?

+ Quan niệm yêu nước của tuổi trẻ ngày nay có gì giống và khác so với quan niệm yêu nước truyền thống?

+ Cần kế thừa và phát triển lòng yêu nước truyền thống như thế nào?

+ ...

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở bài: Nêu vấn đề trọng tâm của bài viết: Quan niệm về lòng yêu nước của tuổi trẻ ngày nay vừa giống vừa khác với quan niệm yêu nước truyền thống.

Thân bài: Lần lượt triển khai các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ cho luận đề nêu ở mở bài, ví dụ:

+ Lòng yêu nước xưa nay được thể hiện rất đa dạng, phong phú.

+ Nêu điểm giống và khác trong quan niệm về yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay so với quan niệm yêu nước truyền thống.

+ …

Kết bài: Khẳng định lại sự biểu hiện phong phú về lòng yêu nước của tuổi trẻ hiện nay; nêu cảm nghĩ của cá nhân về các biểu hiện yêu nước ấy.

c) Viết

Có thể chọn một trong các yêu cầu sau để luyện viết:

- Viết mở bài hoặc kết bài theo các cách khác nhau

- Viết đoạn văn từ một luận điểm trong thân bài mà em yêu thích.

- Viết bài văn gồm ba phần theo dàn ý trên.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:

+ Kiểm tra về nội dung và hình thức của bài viết.

+ Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.

+ Tự đánh giá kết quả viết.