Từ điển môn Văn lớp 12 Viết bài văn nghị luận về một vấn đề - Từ điển môn Văn 12

Nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ - Văn 12

1. Yêu cầu khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ

+ Nêu được vấn để có ý nghĩa, liên quan đến những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ để bàn luận.

+ Trình bày được hệ thống luận điểm hợp lí, chặt chẽ; sử dụng lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác đáng; biết phối hợp hiệu quả các thao tác: chứng minh, bình luận, bác bỏ, giải thích, phân tích, so sánh để tăng sức thuyết phục cho bài viết.

+ Nêu và phản bác được ý kiến trái chiều có thể có về vấn đề được bàn luận nhằm củng cố quan điểm của người viết.

+ Kết bài gây ấn tượng đối với người đọc, thúc giục tuổi trẻ hành động.

2. Hướng dẫn viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ

A. CHUẨN BỊ VIẾT

Để viết bài văn nghị luận đáp ứng được yêu cầu của bài học, cần chọn một đề tài có liên quan đến cuộc sống của tuổi trẻ hiện nay (quan niệm sống, định hướng tương lai, việc học tập và rèn luyện, cách ứng xử trong các mối quan hệ,…). Có thể tìm kiếm đề tài từ các cuốn sách, các phương tiện truyền thông hoặc từ chính những trải nghiệm đời sống của bản thân.

B. TÌM Ý, LẬP DÀN Ý

Tìm ý

Kết hợp tham khảo bài viết với việc tìm hiểu đề tài đã xác định, có thể nêu các câu hỏi:

- Cần giải thích điều gì ở vấn đề vừa nêu?

- Có những khía cạnh nào của vấn đề cần bình luận?

- Cần có định hướng hành động như thế nào sau khi nhận thức được ý nghĩa của vấn đề?

Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, nêu quan điểm của người viết về vấn đề đó.

Thân bài:

- Giải thích từ ngữ, khái niệm để làm rõ bản chất vấn đề cần bàn luận liên quan đến tuổi trẻ.

- Trình bày các khía cạnh của vấn đề (Vì sao vấn đề này thiết yếu đối với tuổi trẻ? Vấn để gợi cho tuổi trẻ những suy nghĩ và hành động như thế nào? Cần có những điều kiện gì để tuổi trẻ thực hiện yêu cầu mà vấn đề nêu ra ?... ). Với từng luận điểm, cần dùng lí lẽ và bằng chứng phù hợp để lập luận nhằm tạo nên sức thuyết phục của bài viết.

- Bình luận về sự đúng đắn, thiết thực của vấn đề, bác bỏ ý kiến trái ngược để củng cố quan điểm của mình.

- Định hướng hành động của bản thân sau khi nhận thức về vấn đề.

Kết bài: Khái quát lại ý nghĩa của vấn đề, liên hệ với đời sống thực tại, rút ra bài học cho bản thân.

C. VIẾT

- Khi viết bài, cần bám sát dàn ý để triển khai tuần tự các luận điểm, đảm bảo tính mạch lạc và sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các đoạn.

- Bàn về vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, bạn cần viết với tâm thế của người trong cuộc, viết như trả lời những câu hỏi vẫn thường đặt ra cho bản thân, liên quan đến học tập và rèn luyện; cuộc sống hiện tại và định hướng tương lai; những ưu thế của tuổi trẻ hoặc khó khăn cần vượt qua;... Trong lập luận, cần khai thác dẫn chứng gắn với các mặt trong đời sống tuổi trẻ, từ những trải nghiệm của bản thân, tránh theo khuôn mẫu, công thức chung chung.

- Luôn chú ý phối hợp các thao tác thường được sử dụng trong bài nghị luận (giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ) để triển khai các luận điểm của phần Thân bài. Trong quá trình viết từng đoạn văn triển khai luận điểm, có thể dùng các yếu tố như tự sự, biểu cảm để tăng sức hấp dẫn và thuyết phục cho bài văn.

- Cần nhận thức rõ: Vấn đề liên quan đến tuổi trẻ không đồng nghĩa với vấn đề của riêng tuổi trẻ. Vấn để được chọn làm đề tài của bài viết cũng có thể liên quan đến mọi thành viên của cộng đồng. Tuy nhiên, khi viết bài, cần biết triển khai luận điểm từ góc nhìn của tuổi trẻ và chú ý khai thác những điều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tuổi trẻ.

D. CHỈNH SỬA, HOÀN THIỆN

Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để có hướng chỉnh sửa. Ngoài việc soát lỗi chính tả, lỗi diễn đạt (từ ngữ, câu văn, đoạn văn), cần tập trung chú ý các phương diện sau đây:

- Vấn đề đời sống liên quan đến tuổi trẻ được trình bày như thế nào ở phần Mở bài? Người viết đã thể hiện r quan điểm của mình về vấn đề chưa?

- Các khía cạnh của vấn đề được triển khai thành các luận điểm ở phần Thân bài đã đầy đủ chưa? Có hiện tượng mất cân đối giữa các luận điểm trong bài không?

- Các thao tác nghị luận được sử dụng và phối hợp với nhau như thế nào?

- Phần Kết bài đã liên hệ với đời sống, nêu được phương hướng hành động sau khi nhận thức được ý nghĩa của vấn đề chưa?

Lần lượt bám vào các phương diện nêu trên để rà soát. Nếu thấy luận điểm nào còn mờ nhạt, lí lẽ và bằng chứng chưa đầy đủ, các thao tác nghị luận chưa rõ ràng, tương quan giữa các luận điểm thiếu cân đối, ... thì phải chỉnh sửa hoặc bổ sung để hoàn thiện bài viết.