Câu đơn là câu được cấu tạo bằng một cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt (cụm chủ ngữ – vị ngữ không bị bao chứa trong cụm từ chính phụ hoặc cụm chủ ngữ – vị ngữ khác)
Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt trở lên, mỗi cụm chủ ngữ – vị ngữ được gọi là một vế câu.
Trong hoạt động giao tiếp, tuỳ thuộc vào mục đích, kiểu loại văn bản, ngữ cảnh và nội dung cần biểu đạt mà người nói (người viết) lựa chọn câu đơn hay câu ghép cho phù hợp.
Có nhiều cách phân loại câu ghép. Dưới đây là hai cách phân loại thường gặp:
a. Dựa vào quan hệ giữa các vế, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép đẳng lập (các vế có quan hệ đẳng lập, không phụ thuộc nhau) và câu ghép chính phụ (các vế có quan hệ phụ thuộc nhau).
- Câu ghép đẳng lập: Giữa các vế của câu ghép đẳng lập thường có quan hệ ý nghĩa:
(1) liệt kê (Cô giáo giảng bài và học sinh chăm chú lắng nghe.);
(2) lựa chọn (Bạn làm hoặc mình làm.);
(3) tiếp nối (Trời tắt nắng rồi mây đen kéo đến.);
(4) đối chiếu (Phòng khách thì rộng còn phờng ngủ thì chật.).
- Câu ghép chính phụ: Giữa các vế của câu ghép chính phụ thường có quan hệ ý nghĩa:
(1) nguyên nhân - kết quả (Vì trời mưa to nên đường bị ngập.);
(2) điều kiện / giả thiết - kết quả (Nếu ngày mai thời tiết đẹp thì chúng tôi sẽ đi du lịch.);
(3) nhượng bộ - tương phản (Tuy trời mưa to nhưng nó vẫn đi học.);
(4) mục đích - sự kiện (Để trường lớp luôn sạch đẹp, chúng ta cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.).
b. Dựa vào phương tiện nối các vế, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép có từ ngữ liên kết và câu ghép không có từ ngữ liên kết (chỉ dùng dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;), dấu hai chấm (:) để ngăn cách các vế).
- Câu ghép có từ ngữ liên kết
Ví dụ: Vì trời mưa to nên đường bị ngập. (Biểu thị quan hệ nguyên nhân - kết quả)
Lưu ý: Ngoài các kết từ (và, rồi, hay, còn,...), các cặp kết từ (vì ... nên, nếu ... thì, tuy ... nhưng,...), từ ngữ liên kết còn có thể là các cặp từ ngữ hô ứng như càng ... càng, vừa ... vừa, mới ... đã, bao nhiêu ... bấy nhiêu, nào ... ấy,...
- Câu ghép không có từ ngữ liên kết
Ví dụ: Cô giáo giảng bài, học sinh chăm chú lắng nghe. (Biểu thị quan hệ liệt kê)
Khi cần sử dụng câu ghép, tuỳ vào quan hệ giữa các vế (đẳng lập / chính phụ), tuỳ vào mối liên hệ ý nghĩa giữa các vế (liệt kê, lựa chọn, nguyên nhân - kết quả, mục đích - sự kiện,...) mà chúng ta lựa chọn kiểu câu ghép nào, từ đó, lựa chọn phương tiện nối các vế câu cho phù hợp.