Từ điển môn Văn lớp 9 Chữ Quốc ngữ - Từ điển môn Văn 9

Sơ giản về chữ Quốc ngữ - Văn 9

1. Sơ giản về chữ Quốc ngữ là gì?

Chữ Quốc ngữ là hệ thống chữ viết do một số giáo sĩ phương Tây cùng với sự hỗ trợ của nhiều người Việt Nam dựa vào bộ chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc truyền giảng đạo Thiên Chúa.

Sau đó, chữ Quốc ngữ được tu chỉnh qua nhiều giai đoạn, được người Việt tích cực tiếp nhận, truyền bá rộng rãi để đạt đến sự hoàn thện, ổn định và vị thế như hiện nay.

2. Nguồn gốc hình thành chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ được hình thành từ đầu thế kỉ XVII, trong quá trình các tu sĩ Dòng Tên truyền đạo Công giáo tại Việt Nam. Trong đó, những người có công lớn nhất là giáo sĩ Phran-xít-xcô đờ Pi-na (Francisco de Pina) và giáo sĩ A-lếch-xăng đờ Rốt (Alexandre de Rhodes). Nhiều trí thức người Việt đã có đóng góp quan trọng trong việc truyền bá, phổ biến chữ quốc ngữ thời kì đầu như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... Sau khi ra đời, chữ quốc ngữ được chỉnh lí, thay thế dần chữ Hán và chữ Nôm.

Từ năm 1945, có vị thế văn tự chính thức của quốc gia.

3. Một số hạn chế, ưu điểm của chữ quốc ngữ

a. Một số hạn chế

- Dùng nhiều chữ cái khác nhau để biểu thị một âm.

Ví dụ: âm /k/ được biểu thị bằng ba chữ cái c, k, q

- Dùng một chữ cái để biểu thị nhiều âm khác nhau.

Ví dụ: dùng chữ a vừa để ghi /a/ (ta, tai, cao,…), vừa để ghi âm /ă/ (tay, cau,…)

- Dùng nhiều dấu phụ (như ở các chữ ă, â, ơ,…) hoặc ghép nhiều chữ cái để biểu thị một âm (như ở các chữ ch, kh,ng,…)

b. Ưu điểm

Mặc dù còn một số hạn chế nhưng về cơ bản, chữ Quốc ngữ có nhều ưu điểm mà nổi bật nhất là đơn giản, dễ học. Bằng chứng là trong phong trào Bình dân học vụ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhằm xoá nạn mù chữ, diệt “giặc dốt”, nhờ chữ Quốc ngữ dễ học mà chỉ sau ba tháng, nhiều người dân thất học đã biết đọc, biết viết.