Từ điển môn Văn lớp 9 Đạo văn - Từ điển môn Văn 9

Cách để tránh đạo văn - Văn 9

1. Đạo văn là gì?

Đạo văn là hành vi sao chép lời nói, ý tưởng, quan điểm,… của người khác và coi nó như là của riêng mình. Đây là hành vi vi phạm đạo đức trong học tập, nghiên cứu.

2. Cách tham khảo, trích dẫn tài liệu

Để tránh lỗi đạo văn, chúng ta cần trích dẫn chính xác và đúng quy định khi sử dụng lời nói, ý tưởng, quan điểm,… của người khác.

Ví dụ:

Đặng Thuỳ Trâm từng viết: “Đời người phải gặp giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.

(Theo Trần Thị Cầm Quyên, Đừng từ bỏ cố gắng)

Trong ví dụ trên, khi sử dụng ý tưởng của Đặng Thuỳ Trâm, người viết đã trích dẫn bằng cách đặt nguyên văn câu chữ của Đặng Thuỳ Trâm trong dấu ngoặc kép.

Phân trích dẫn có thể bao gồm các nội dung sau: ý trích dẫn (lời nói, ý tưởng, quan điểm,…), tác giả, tên tác phẩm/ công trình, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản.

3. Một số lưu ý về trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn

Trong học tập, nghiên cứu khoa học, việc tham khảo các tài liệu, ý kiến liên quan để hiểu rõ vấn đề mình đang quan tâm là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tránh đạo văn (sao chép ý kiến của người khác mà không chú thích rõ nguồn gốc, biến ý kiến đó thành ý kiến của mình), cần lưu ý một số yêu cầu như sau:

- Yêu cầu chung: Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa quan trọng mà không phải của người viết đều phải được trích dẫn. Việc trích dẫn các tài liệu tham khảo phải bảo đảm sự trung thực, chính xác (không thêm bớt từ ngữ dẫn đến việc hiểu không đúng ý kiến của tác giả được trích dẫn). Phải ghi rõ nguồn (xuất xứ) của ý kiến được trích dẫn (gồm các thông tin: họ tên tác giả, tên công trình, nơi xuất bản, năm xuất bản, số trang).

- Yêu cầu cụ thể:

+ Về cách trích dẫn, có hai hình thức: dẫn nguyên văn (dẫn trực tiếp; lời dẫn này cần để trong dấu ngoặc kép hoặc in nghiêng) và dẫn ý (dẫn gián tiếp; chỉ nêu nội dung chính của ý kiến được trích dẫn; lời dẫn này không để trong dấu ngoặc kép).

+ Về cách ghi nguồn ý kiến được trích dẫn, có ba hình thức: chú thích nguồn trích dẫn ở ngay sau ý kiến được trích dẫn, chú thích ở chân trang và lập danh mục tài liệu tham khảo ở cuối bài viết. Tên các tài liệu trong danh mục tài liệu tham khảo được sắp xếp theo thứ tự a, b, c, ... của tên hoặc họ tác giả (trường hợp tài liệu không có tác giả thì xếp theo thứ tự a, b, c, ... của tên tài liệu).