Thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm của người viết về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, góp phần giúp cộng đồng thấy được trách nhiệm trong việc bảo vệ tự nhiên
+ Nêu được vấn đề thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên để bàn luận.
+ Trình bày được mối quan hệ hai chiều giữa con người với tự nhiên (trong phạm vi vấn đề nghị luận), triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ, sử dụng lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.
+ Nêu được quan điểm trái chiều về vấn đề hoặc khía cạnh nào đó của vấn đề và phản bác một cách có cơ sở.
+ Đề xuất được giải pháp khả thi để giải quyết những bất ổn trong ứng xử của con người với tự nhiên.
A. TRƯỚC KHI VIẾT
Lựa chọn đề tài
Cần huy động vốn kiến thức của mình, tham khảo sách báo, theo dõi thông tin trên các phương
tiện truyền thông và quan sát thế giới xung quanh để chọn đề tài đáp ứng được yêu cầu.
Tìm ý
Để tìm ý cho bài viết, có thể đặt ra và trả lời một số câu hỏi sau:
- Vấn đề cần được giải quyết là gì?
- Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?
- Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với ý kiến của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?
- Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?
Lập dàn ý
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nêu sự cần thiết của việc bàn luận về vấn đề.
- Thân bài.
+ Triển khai các luận điểm thể hiện quan điểm của người viết xét trên từng khía cạnh của vấn đề.
+ Luận điểm 1: Bản chất của vấn đề nghị luận; quan hệ giữa con người với tự nhiên thể hiện ở vấn đề (nêu lí lẽ và bằng chứng).
+ Luận điểm 2: Mặt tích cực của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và lợi ích có thể thu được (nêu lí lẽ và bằng chứng).
+ Luận điểm 3: Mặt tiêu cực của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và hậu quả có thể gánh chịu (nêu lí lẽ và bằng chứng).
+ Nêu ý kiến trái chiều và phản bác.
+ Đề xuất giải pháp có tính khả thi để giải quyết vấn đề.
- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả vấn đề nêu ra.
B. VIẾT BÀI
- Bám sát dàn ý, nắm vững yêu cầu về nội dung của từng phần để viết bài.
- Vận dụng kinh nghiệm đã có và đọc lại bài viết tham khảo để viết phần Mở bài cho hấp dẫn; triển khai các luận điểm của phần Thân bài cho chặt chẽ, lõ-gíc; viết phần Kết bài gây được ấn tượng.
- Phần Mở bài, Kết bài cũng như từng luận điểm của phần Thân bài nên viết thành một đoạn văn. Căn cứ yêu cầu cụ thể của việc triển khai ý để lựa chọn viết kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song hay phối hợp.
- Chú ý sử dụng từ ngữ liên kết để các câu trong đoạn và các đoạn trong bài có quan hệ chặt chẽ, mạch lạc
- Dù viết ở lớp hay ở nhà, bài viết cũng cần được thực hiện trong thời lượng nhất định. Tuân thủ nghiêm túc điều này, em sẽ có khả năng chủ động về thời gian khi làm bài thi.
C. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Dựa vào yêu cầu của kiểu bài, đối chiếu với dàn ý, đọc soát từng phần của bài viết để chỉnh sửa, hoàn thiện. Khi chỉnh sửa, cần chú ý các tiêu chí:
- Sự rõ ràng của vấn đề được nêu để bàn luận (ở phần Mở bài).
- Sự đầy đủ của các luận điểm cần triển khai (ở phần Thân bài).
- Sự chặt chẽ trong lập luận (thể hiện ở cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng, sức thuyết phục trong cách nêu ý kiến bác bỏ quan điểm trái chiều,...).
- Mức độ đáp ứng yêu cầu về quy cách trình bày, chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...).