Thuyết phục người đọc đồng tình với người viết về giải pháp giải quyết một vấn đề trong đời sống của lứa tuổi học sinh; từ đó có nhận thức và hành động đúng.
+ Giới thiệu được vấn đề nghị luận (một vấn đề cần giải quyết trong đời sống của học sinh hiện nay).
+ Trình bày được ý kiến bàn luận về vấn đề với hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, bằng chứng tiêu biểu và xác thực.
+ Nêu được ý kiến trái chiều và phản bác bằng lí lẽ sắc bén.
+ Để xuất được giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
A. TRƯỚC KHI VIẾT
Lựa chọn đề tài
Đề tài cho bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống rất phong phú, đa dạng. Em nên lựa chọn vấn đề mình thực sự quan tâm và có ý nghĩa với nhiều người, đồng thời phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Tìm ý
Sau khi xác định được đề tài, tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Vấn đề cần được giải quyết là gì?
- Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?
- Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với quan điểm của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?
- Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?
Lập dàn ý
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề.
- Thân bài:
+ Triển khai các luận điểm thể hiện quan điểm của người viết xét trên từng khía cạnh của vấn đề.
· Luận điểm 1 (khía cạnh thứ nhất): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ.
· Luận điểm 2 (khía cạnh thứ hai): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ.
· Luận điểm 3 (khía cạnh thứ ba): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ.
. ...
+ Nêu ý kiến trái chiều và phản bác ý kiến đó.
+ Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả vấn đề nêu ra.
B. VIẾT BÀI
Khi viết bài, em cần chú ý:
- Tạo sự gần gũi giữa người viết và người đọc, coi vấn đề được đặt ra trong bài có thể là vấn đề chung mà cả người viết và người đọc đều cần phải quan tâm giải quyết.
- Hệ thống luận điểm cần chặt chẽ; lí lẽ cần sáng rõ, hợp lí; bằng chứng cần đầy đủ, đa dạng (có sự kết hợp của nhiều loại bằng chứng: trải nghiệm của bản thân, sự thật mà người đọc có thể kiểm chứng, số liệu thống kê, ý kiến của chuyên gia, kết quả nghiên cứu khoa học, ... ).
- Khi phản bác những ý kiến trái chiều, cần sử dụng lời lẽ và giọng điệu đúng mực.
C. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Đối chiếu bài viết của em với các yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; từ đó, xác định những nội dung cần chỉnh sửa để hoàn thiện bài viết. Việc chỉnh sửa cần bám sát những tiêu chí cơ bản sau:
- Vấn đề cần giải quyết được nêu một cách rõ ràng, đầy đủ.
- Hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ xác đáng, bằng chứng đầy đủ.
- Giải pháp để giải quyết vấn đề hợp lí, khả thi, có sức thuyết phục.
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp, liên kết và mạch lạc.