Trong thực tế, nhiều khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề của đời sống xã hội. Việc quan tâm, bàn luận về những vấn đề như vậy là hết sức cần thiết, không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, mà còn có khả năng tác động đến nhận thức của nhiều người. Từ đó, mọi người có thể chung tay hành động, góp phần giải quyết vấn đề bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng của mình.
Mục đích để thuyết phục người đọc đồng tình với ý kiến của người viết về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội hiện nay
- Nêu được vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội (liên quan đến sự phát triển đất nước, đời sống của cộng đồng, quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân,…) để bàn luận.
- Trình bày được bản chất, phạm vi tác động của vấn đề đối với đời sống xã hội (theo hướng tích cực hoặc tiêu cực); tổ chức được hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.
- Nêu được ý kiến trái chiều về vấn đề được bàn luận để phản bác một cách có cơ sở.
- Đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết những bất cập trong phạm vi vấn đề.
A. TRƯỚC KHI VIẾT
Lựa chọn đề tài
Muốn chọn được đề tài phù hợp để viết bài, cần chú ý phạm vi nội dung mà phần Viết giới hạn (vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội). Chú ý thu thập tư liệu từ các nguồn khác nhau (sách báo, các phương tiện truyền thông,…) làm cơ sở cho việc tìm đề tài.
Tìm ý
Khi đã xác định được đề tài bài viết, cần tiến hành việc tìm ý. Phải tìm hiểu kĩ vấn đề để nắm được bản chất và các khía cạnh của nó. Có thể đặt ra các câu hỏi để tìm ý:
- Vấn đề cần được giải quyết là gì?
- Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?
- Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với quan điểm của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?
- Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?
Lập dàn ý
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề.
- Thân bài:
+ Trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề, triển khai thành hệ thống luận điểm.
· Luận điểm 1: Bản chất của vấn đề đời sống được bàn luận, biểu hiện của vấn đề trong thực tế xã hội (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).
· Luận điểm 2: Sự tác động của vấn đề đối với cá nhân, cộng đồng, đất nước theo hướng tích cực hoặc tiêu cực (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).
· Luận điểm 3: Trách nhiệm của mỗi người trước vấn đề (dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ).
...
+ Nêu ý kiến trái chiều về vấn đề để phản bác.
+ Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đời sống được bàn luận.
- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng đắn và giải quyết thoả đáng vấn đề nêu ra.
B. VIẾT BÀI
Khi viết bài, cần chú ý:
- Bám sát yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để triển khai các phần của bài viết.
- Rút kinh nghiệm từ việc viết bài văn nghị luận xã hội (ở các bài trước), từ việc đọc văn bản nghị luận ở bài học này cũng như qua tìm hiểu bài viết tham khảo, em cần vận dụng linh hoạt kĩ thuật viết các phần của bài văn.
- Có thể mở bài bằng lối trực tiếp (giới thiệu nhanh vấn đề nghị luận) hoặc gián tiếp (dùng một mẩu chuyện, một thông tin, một câu nói nổi tiếng hoặc nêu ý tương phản, ... để dẫn đến vấn đề bàn luận).
- Khi triển khai các luận điểm của phần Thân bài, cần đặc biệt chú ý việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng để tăng sức thuyết phục của bài văn nghị luận (quan sát cách trình bày lí lẽ và nêu bằng chứng ở các văn bản đọc và bài viết tham khảo để học tập cách viết).
- Kết bài nên liên hệ tới trách nhiệm của mỗi người trong việc giải quyết vấn đề.
C. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
- Đọc bài viết thật kĩ, đặt câu hỏi để tự kiểm tra lại từng phần, từng khía cạnh và thao tác được sử dụng:
+ Vấn đề bàn luận có được nêu rõ ràng không?
+ Bản chất và từng khía cạnh của vấn đề đã được làm rõ chưa? Bản thân có ý kiến như thế nào về vấn đề? Tầm quan trọng của vấn đề đối với đời sống xã hội có được làm nổi bật không?
+ Thực trạng của vấn đề đã được nêu cụ thể chưa? Giải pháp đề xuất có tính khả thi không? Trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia giải quyết vấn đề được nêu như thế nào?
+ Có nêu được ý kiến trái chiều để phản bác không? Nếu có, việc phản bác đã đủ cơ sở chưa?
+ Ở từng luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được sử dụng như thế nào? Có đảm bảo sức thuyết phục không?
+ Bài viết có những lỗi nào về chính tả, diễn đạt (dùng từ, đặt câu, liên kết đoạn)?
- Sau khi rà soát, nếu phát hiện thấy chỗ nào chưa đạt yêu cầu thì cần bổ sung, chỉnh sửa hoặc thay thế.