Chữ Nôm là chữ viết cổ dùng để ghi âm tiếng Việt, được ông cha ta sáng tạo dựa theo chất liệu chữ Hán và âm đọc Hán Việt. Đây là thành quả văn hoá lớn lao, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc và là phương tiện sáng tạo nên nền văn học chữ Nôm đặc sắc.
Về cách cấu tạo, chữ Nôm gồm một số chữ mượn y nguyên chữ Hán nhưng phần lớn là những chữ do người Việt tạo ra trên cơ sở chữ Hán.
Chữ Nôm còn nhiều hạn chế (mà hạn chế lớn nhất là khó học vì phải biết chữ Hán mới học được) nhưng được coi là một thành tựu quan trọng về ngôn ngữ - văn hoá, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc.
Do bị phong kiến Trung Hoa đô hộ ngay từ trước Công nguyên với chính sách đồng hoá rất khốc liệt, suốt hàng nghìn năm, Việt Nam phải dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức trong giao dịch hành chính và giáo dục. Trong hoàn cảnh bị đô hộ, người Việt Nam đã liên tục đứng lên đấu tranh giành quyền độc lập không chỉ về chính trị, kinh tế mà cả về văn hoá.
Chữ Nôm được hình thành vào khoảng thế kỉ X và đã được sử dụng để sáng tác thơ văn khoảng từ thế kỉ XII – XIII. Sự ra đời của chữ Nôm thể hiện tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc; đánh dấu bước phát triển vượt bậc về văn hoá và khẳng định vị trí, vai trò của tiếng Việt.
Hàn Thuyên được cho là người có công đầu trong việc phát triển, phổ biến chữ Nôm. Nhiều tác giả đã sử dụng chữ Nôm để sáng tạo nên những tác phẩm kiệt xuất, xây dựng những thể loại đặc sắc cho nền văn học trung đại Việt Nam: thơ Nôm Đường luật (Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,...); truyện thơ Nôm (nhiều tác giả khuyết danh, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Đình Chiểu,...); ngâm khúc (Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Nhạ,...); hát nói(1) (Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh,...).