Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2023>
Tải vềĐọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cha kể con nghe về những ngày xưa
Cổ tích rừng sâu hoàng tử cưỡi ngựa đi tìm công chúa
Cổ tích của cha... là khi cầm lấy bàn tay be bé
Nghe tiếng trống vỗ con con thúc lồng ngực mỉm cười
Chẳng cần con là vĩ nhân đâu... cha chỉ cần con là con thôi
Biết chập chững gọi cha, biết bi bô đòi mẹ
Biết khóc khi khổ đau biết cười giòn tan khi mạnh mẽ
Biết xúc cơm ăn biết lấy nước uống khi khát miệng thôi mà
[...]
Báu vật ơi! Thương con mong manh
Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khoá chặt then của
Canh cho giấc mộng vẹn tròn... ừ! Cha sợ
Làm sao dai đẳng cùng con đến hết kiếp người
Chỉ cần con là người bình thường thôi
Xin đánh đổi tất cả những gì cha có.
(Trích Chỉ cần con là người bình thường thôi, Nồng Nàn Phố, http://thivien.net)
Câu 1 (0.75 điểm). Từ “Cổ tích” trong hai câu thơ Cổ tích của cha... là khi cầm lấy bàn tay be bé/ Nghe tiếng trống vỗ con con thúc lồng ngực mỉm cười được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Giải thích nghĩa của từ này.
Câu 2 (0.5 điểm). Hãy nêu ít nhất hai biểu hiện cho thấy “con là con thôi” theo mong muốn của cha.
Câu 3 (0.75 điểm). Hình ảnh “giông bão” trong câu thơ Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khóa chặt then cửa được sử dụng với ý nghĩa tu từ. Theo em, đó là phép tu từ nào? Hình ảnh ấy chỉ điều gì?
Câu 4 (1.0 điểm). Trong đoạn thơ, người cha Chỉ cần con là người bình thường thôi, riêng em, em muốn mình trở thành người như thế nào? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Từ ý thơ Báu vật ơi! Thương con mong mạnh/ Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khoá chặt then cửa ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày vai trò của gia đình trước những giông bão có thể đến với con trong cuộc sống.
Câu 2. Học sinh được lựa chọn một trong hai câu a hoặc b để làm bài.
a. Cảm nhận tình yêu thương của ông Sáu dành cho con qua đoạn trích sau:
Đến lúc được về, cái tình người cha cử nôn nao trong người anh. Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoàn biết là con, không thể chờ xuống cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chơi với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dùng lại kêu to:
- Thu! Con.
Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên mả phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ mặt xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run:
- Ba đây con!
- Ba đây con!
Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Mál”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
b. Phân tích đoạn thơ sau để làm rõ những mong muốn người cha đặt nơi con:
Người đồng mình thương lắm con ơi Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc |
Người đồng mình thô sơ da thịt Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương Còn quê hương thì làm phong tục Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con. |
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
- Từ “Cổ tích” trong hai câu thơ “Cổ tích của cha…là khi cầm lấy bàn tay be bé/Nghe tiếng trống….” được sử dụng theo nghĩa chuyển.
- Từ “cổ tích” ở đây được hiểu là những điều kì diệu, hạnh phúc. Trong câu thơ trên có thể hiểu từ khi con được sinh ra đã là một điều kì diệu, đẹp đẽ như bao câu chuyện cổ tích khác.
Câu 2:
Phương pháp:
Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Hai biểu hiện cho thấy “con là con thôi” theo mong muốn của cha”:
- Biết chập chững gọi cha, biết bi bô gọi mẹ.
- Biết khóc khi khổ đau biết cười giòn tan khi mạnh mẽ.
…..
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
- Hình ảnh “giông bão” trong câu thơ “Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khóa chặt then cửa” được sử dụng với ý nghĩa tu từ. Phép tu từ ẩn dụ.
- Giông bão ở đây ý chỉ những khó khăn, những thử thách những điều không hay xảy ra trong cuộc đời.
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Học sinh tự trình bày theo quan điểm của bản thân mình. Có lý giải phù hợp.
Gợi ý:
- Em muốn trở thành một người bình thường, một người được sống cuộc đời của chính mình vui vẻ, bình an.
- Lý giải: Sau tất cả, được là chính mình, làm chủ cuộc sống của mình khiến cho bản thân mình hạnh phúc có lẽ là điều không chỉ bản thân em mà những người yêu thương em đều mong muốn.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về mặt hình thức: Đoạn văn khoảng 150 chữ.
* Yêu cầu về mặt nội dung:
- Nêu vấn đề nghị luận: Vai trò của gia đình trước những giông bão có thể đên với con trong cuộc sống.
- Bàn luận vấn đề:
+ Giông bão là những khó khăn, vất vả mà ta có thể gặp trong cuộc sống.
=> Trước những khó khăn trong cuộc sống gia đình có vai trò vô cùng quan trọng giúp mỗi cá nhân vượt qua thử thách đó.
- Vai trò của gia đình.
+ Khi còn nhỏ, gia đình là nơi bảo vệ con trước mọi giông bão.
+ Khi đã trưởng thành, gia đình lại là điểm tựa cho con trước giông bão. Là nơi con quay về sau những bão tố của cuộc đời. Là nơi xoa dịu, ôm ấp con.
+ Gia đình là nơi tiếp thêm động lực để con vượt qua giông bão. Gia đình khiến con có thể đứng dậy sau vấp ngã, mạnh mẽ và kiên cường hơn.
…..
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
- Bàn luận mở rộng:
+ Trân trọng và biết ơn gia đình mình.
+ Không nên quá ỷ lại, dựa dẫm vào sự bao bọc của cha mẹ mà không có gắng phát triển, trau dồi bản thân.
….
- Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
HS lựa chọn 1 đề và làm theo yêu cầu đề bài.
Gợi ý đề 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả Y Phương, tác phẩm Nói với con.
- Giới thiệu vị trí và nội dung đoạn trích.
2. Thân bài
- Những phẩm chất cao quý của người đồng mình:
“Người đồng mình…
… chí lớn”
+ Dòng thơ đầu được lặp lại: “người đồng mình” là cách gọi thể hiện sự gần gũi, thân thương như trong một gia đình. “Thương lắm” – bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống nhiều vất vả, gian khó của họ.
+ Từ ngữ giàu sức gợi: “cao” “xa” vừa gợi h/a miền núi cao vừa gợi điều kiện sống khó khăn, vất vả.
“Nỗi buồn” “chí lớn” thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường của người đồng mình.
è Lời thơ lẩn quất một nỗi buồn xen lẫn niềm tự hào về phẩm chất tốt đẹp của người miền núi.
- Tác giả khái quát lên vẻ đẹp truyền thống của người miền cao:
“Người đồng mình…
… làm phong tục”
+ Hình ảnh “người đồng mình”: vóc dáng, hình hài nhỏ bé, “thô sơ da thịt”, họ chỉ có đôi bàn tay lao động cần cù nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé, yếu hèn. Họ dám đương đầu với gian lao, vất vả, họ lớn lao về ý chí, cao cả về tinh hồn.
+ Công lao vĩ đại của người đồng mình: “đục đá kê cao quê hương” – xây dựng quê hương, tạo nên ruộng đồng, dựng lên nhà cửa, bản làng, làm nên giá trị vật chất, tinh thần cho quê hương. “Làm phong tục” – tạo nên bao nền nếp, phong tục đẹp, làm nên bản sắc riêng của cộng đồng.
è Lời thơ tràn đầy niềm tự hào về vẻ đẹp của người đồng mình. Nhắn ngủ con phải biết kế thừa, phát huy những truyền thống đó.
- Từ đó, người cha khuyên con biết sống theo những truyền thống của người đồng mình:
“Dẫu làm sao…
… không lo cực nhọc”
+ Điệp từ “sống” khởi đầu 3 dòng thơ liên tiếp, tô đậm mong ước thiết tha, mãnh liệt của cha dành cho con.
+ Ẩn dụ “đá” “thung” chỉ không gian sống của người niềm cao, gợi lên những nhọc nhằn, gian khó, đói nghèo. Người cha mong con “không chê” tức là biết yêu thương, trân trọng quê hương mình.
+ So sánh “như sông” “như suối”: lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.
+ Đối “lên thác xuống ghềnh”: cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, cần dũng cảm đối mặt, không ngại ngần.
è Cha khuyên con tiếp nối tình cảm ân nghĩa, thủy chung với mảnh đất nơi mình sinh ra của người đồng mình và cả lòng can đảm, ý chí kiên cường của họ.
- Để rồi, bài thơ khép lại bằng lời dặn dò vừa ân cần, vừa nghiêm khắc của người cha:
“Con ơi…
… nghe con”
+ Hình ảnh “thô sơ da thịt” được nhắc lại để nhấn mạnh những khó khăn, thử thách mà con có thể gặp trên đường đời, bởi con còn non nớt, con chưa đủ hành trang mà đời thì gập ghềnh, gian khó.
+ Dẫu vậy, “không bao giờ nhỏ bé được” mà phải biết đương đầu với khó khăn, vượt qua thách thức, không được sống yếu hèn, hẹp hòi, ích kỉ. Phải sống sao cho xứng đáng với cha mẹ, với người đồng mình. Lời nhắn ngủ chứa đựng sự yêu thương, niềm tin tưởng mà người cha dành cho con.
3. Kết bài
- Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con. Cha chăm nom con từng bước đi, nâng niu con từng tiếng cười, giọng nói và dạy dỗ con biết vững bước trên đường đời, biết sống sao cho xứng đáng với gia đình, quê hương.
+ Bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở và niềm tự hào về người dồng mình của tác giả.
- Nghệ thuật: Từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng, hồn nhiên, sinh động của người miền núi. Giọng điệu khi ân cần, tha thiết; khi mạnh mẽ, nghiêm khắc.
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2022
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2020
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2019
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2018
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2021
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục