Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2018>
Tải vềĐọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)
Đọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ của Hòa, quyết định tặng thận…
[…] Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống.
[…] Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một xe máy từ Bắc Ninh ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm. Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm… Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”
Và nhờ cái “bình thường” của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ được khỏe mạnh trở lại. Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!
(Trích Hai mẹ con cùng hiến thận, Lan Anh, Báo Tuổi trẻ, ngày 31/5/2018)
Câu 1: (0.5 điểm) Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: (0.5 điểm) Nhận biết
Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu
Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
aXét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì?
b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên.
Câu 4: (1.0 điểm) Thông hiểu
Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!
a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên.
b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì?
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1: (2.5 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ theo cách lập luận tổng – phân – hợp bàn về tâm niệm của Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Trong đó sử dụng ít nhất hai phép liên kết. (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết)
Câu 2: (4.5 điểm)
Phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho con gái qua đoạn trích sau đây:
[…] Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được ngà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Mỗi ngày anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi… cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” … Những đêm nhớ con,… anh lấy cây lược ra ngắm nghía, rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không mảy xảy ra… Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập 1)
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. |
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Câu 2:
Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích |
Phương pháp: căn cứ Lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp
Cách giải:
Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”
Câu 3:
Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình. aXét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì? b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên. |
Phương pháp: căn cứ bài Câu ghép, các biện pháp tu từ
Cách giải:
a. Câu ghép
b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên là biện pháp so sánh. Hai vết sẹo dài trên bụng hai mẹ con (bà Thảo và Hòa) được so sánh như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
- Tác dụng của biện pháp so sánh:
+ Khẳng định giá trị của những vết thương mà hai mẹ con phải chịu đựng.
+ Hai vết sẹo ấy là bằng chứng sáng rõ nhất của tinh thần làm việc thiện, sẵn sàng cho đi một phần thân thể của mình mà không cần đáp lại.
=> Khẳng định tinh thần hiến dâng, biết sống vì người khác của hai mẹ con.
Câu 4:
Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được! a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên. b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì? |
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
a. Thành phần biệt lập trong câu văn trên là: Có lẽ - thành phần biệt lập tình thái.
b. Thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là niềm hạnh phúc của việc cho đi, của tinh thần sẻ chia, biết sống vì người khác, biết yêu thương với những số phận bất hạnh trong cuộc đời.
Phần II
Câu 1
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ theo cách lập luận tổng – phân – hợp bàn về tâm niệm của Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Trong đó sử dụng ít nhất hai phép liên kết. (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức
- Đoạn văn 200 chữ, sử dụng phép lập luận tổng – phân – hợp.
- Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai phép liên kết (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết)
- Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung:
Đoạn văn đảm bảo các nội dung chính sau:
- Giải thích: “tấm lòng” là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng ở con người. Trịnh Công Sơn muốn khẳng định sống trong đời sống, mỗi người cần có một tấm lòng biết quan tâm, yêu thương, biết dành những điều tốt đẹp cho người khác.
- Vì mỗi người chỉ được sống có một lần trong cuộc đời, và “người với người sống để yêu nhau” nên phải dành tất cả những gì tốt đẹp cho mọi người xung quanh thì mới làm cho cuộc sống đẹp hơn, đáng sống hơn.
- Biểu hiện của việc sống có tấm lòng:
+ Tấm lòng trong cuộc sống để biết cảm thông và chia sẻ: biết sẻ chia, chúng ta nhân đôi niềm vui, chia vợi nửa nỗi buồn. Khi con người biết quan tâm đến nhau, thế giới sẽ không còn khổ đau và bất hạnh.
+ Tấm lòng trong cuộc sống để biết tha thứ và bao dung, để không có sự ích kỉ, hận thù, để xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm êm.
+ Tấm lòng của sự dũng cảm, của đức hi sinh: Dũng cảm để xả thân vì lí tưởng cao đẹp, để biết hi sinh cho những điều xứng đáng.
- Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, vẫn không ít người thiếu những “tấm lòng”, sống nhỏ nhen, chỉ biết vun vén cho bản thân.
- Bài học hành động và liên hệ bản thân: không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nuôi dưỡng tâm hồn, tấm lòng để biết sống vì người khác, biết cho đi.
Câu 2
Phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho con gái qua đoạn trích sau đây: […] Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được ngà. Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Mỗi ngày anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi… cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” … Những đêm nhớ con,… anh lấy cây lược ra ngắm nghía, rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không mảy xảy ra… Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh. - Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu. Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi. (Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập 1) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
I. Mở bài:
- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm “Chiếc lược ngà”.
- Giới thiệu cảm nghĩ khái quát về nhân vật ông Sáu.
- Giới thiệu về vấn đề nghị luận: Tình yêu của ông Sáu dành cho bé Thu, được thể hiện trong đoạn văn kể chuyện khi ông trở về khu căn cứ và làm cho con cây lược ngà.
II. Thân bài:
1. Khái quát
Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái ông lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu không chịu nhận cha vì vết thẹo trên mặt làm ba em không giống với người chụp chung với má trong bức ảnh mà em đã biết. Thu đối xử với ba như người xa lạ, đến lúc hiểu ra, tình cảm cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Ở khu căn cứ, bao nỗi nhớ thương con ,ông dồn vào việc làm cho con cây lược. Ông hi sinh trong một trận càn của Mỹ nguỵ. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược cho một người bạn. Tình đồng đội, tình cha con của ông Sáu được miêu tả thật cảm động, làm sáng ngời vẻ đẹp của người lính Cách mạng, của người cha yêu con.
2. Tình cảm của ông Sáu dành cho con khi ông ở căn cứ kháng chiến.
- Kiếm được ngà voi, mặt ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Những lúc rỗi, ông “ngồi cưa từng chiếc răng lược, thận trọng tỉ mỉ và khổ công như người thợ bạc”. Trên sống lưng cây lược, ông đã tẩn mẩn khắc một dòng chữ nhỏ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dòng chữ nhỏ mà chứa bao tình cảm lớn lao. Việc làm chiếc lược vừa là cách ông giải tỏa tâm trạng mong nhớ, ân hận vừa là cách gửi vào đó những yêu thương khao khát cháy bỏng dành cho đứa con gái yêu của mình. Chiếc lược ngà giờ đây đã trở thành một vật quí giá thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của của người cha đối với đứa con xa cách. Cây lược ấy chưa chải được mái tóc của con nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông. Những lúc nhớ con, ông “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng thêm mượt”. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Ông gửi vào đó bao lời nhắn nhủ thiêng liêng, gửi vào đó bao nỗi nhớ mong con. Chiếc lược ngà là kết tinh tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà diệu kì, là hiện hữu của tình cha con bất hủ giữa ông Sáu và bé Thu. Tình thương ông dành cho con cháy bỏng, như một dòng sông chảy mãi từ suối nguồn, như dòng máu chảy sâu vào tim ông, vào tâm hồn ông đến phút cuối vẫn bùng cháy chẳng nguôi.
- Một tình cảnh đau thương lại đến với cha con ông Sáu: trong một trận càn lớn của quân Mỹ ngụy, ông Sáu bị một viên đạn bắn vào ngực và ông đã hi sinh. “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông làm một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho người bạn chiến đấu. Đó là điều trăng trối không lời nhưng nó thiêng liêng hơn cả những lời di chúc. Nó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Chiếc lược ngà như là biểu tượng của tình thương yêu, săn sóc của người cha dành cho con gái, cho dù đến khi không còn nữa anh chưa một lần được chải tóc cho con. Người kể chuyện, đồng đội của ông Sáu đã bộc lộ một sự đồng cảm và xúc động thực sự khi kể lại câu chuyện.
- Những dòng cuối cùng của đoạn trích khép lại trong nỗi buồn mênh mang mà chứa chan ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chiến tranh là hiện thực đau xót của nhân loại. Chiến tranh đã làm cho con người phải xa nhau, chiến tranh làm khuôn mặt ông Sáu biến dạng,chiến tranh khiến cuộc gặp gỡ của hai cha con vô cùng éo le, bị thử thách,rồi một lần nữa chiến tranh lại khắc nghiệt để ông Sáu chưa kịp trao chiếc lược ngà đến tận tay cho con mà đã phải hi sinh trên chiến trường. Nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh tàn bạo gây ra không thể nào giết chết những tình cảm đẹp đẽ của con người Việt Nam. “Chiếc lược ngà” như một truyện cổ tích hiện đại dẫn người đọc dõi theo số phận của nhân vật. Người còn, người mất nhưng kỉ vật gạch nối giữa cái mất mát và sự tồn tại là chiếc lược ngà nói với chúng ta nhiều điều về tình người, tình đồng chí, tình cha con.Cảm động nhất, để lại ấn tượng nhiều nhất cho người đọc là tình phụ tử thiêng liêng, sâu đậm –tình yêu thương mà ông Sáu dành cho đứa con gái.
3. Nhận xét, đánh giá:
- Có thể nói nhân vật ông Sáu được nhà văn xây dựng bằng những nét nghệ thuật đặc sắc. Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật vào cảnh ngộ éo le của đời sống để từ đó ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế đã phát hiện bao cung bậc cảm xúc của tình phụ tử.
- Ngôn ngữ kể chuyện vừa truyền cảm, vừa mang đậm chất địa phương Nam Bộ đem đến cho người đọc nhiều xúc động. Đặc biệt, nhà văn đã lựa chọn được một số chi tiết nghệ thuật rất đắt giá như lời dặn mua cho con cây lược của bé Thu,ông Sáu hớn hở khi kiếm được chiếc ngà voi… Tất cả đã góp phần tô đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ Cách mạng, của người cha yêu con nồng thắm.
III. Kết bài:
- Khẳng định thành công của tác giả trong việc thể hiện tình phụ tử thiêng liêng.
- Khẳng định giá trị tác phẩm.
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2021
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2019
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2020
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2022
- Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2023
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục