Đề thi vào 10 môn Văn Bình Thuận năm 2023>
Tải vềĐọc kĩ các phần trích sau và trả lời câu hỏi:
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc kĩ các phần trích sau và trả lời câu hỏi:
Trích 1:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đối người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Câu 1 (0,5 điểm). Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Câu 2 (0,5 điểm). Tìm một thành ngữ được sử dụng trong đoạn thơ.
Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào về hai câu thơ:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.”
Trích 2:
“Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài, trong đó có con người phát triển. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những làn gió lạnh như cắt để phê phán và thường ngần ngại khi tặng người thân của mình những tia nắng ấm áp từ những lời khen tặng. Ngẫm nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy có những lời khen đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của một ai đó.”
(Trích Đắc nhân tâm, Dale Carnegie, NXB Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh, 2019, tr.290)
Câu 4 (0,5 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 5 (0,5 điểm). Nêu tác dụng của phép tu từ so sánh trong câu văn: “Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài, trong đó có con người phát triển.”
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống.
Câu 2. Cảm nhận của em về tâm lí, hành động của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng, khi anh Sáu được về phép.
(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, tr.195 - 200)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
TRÍCH 1:
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ bài Đồng Chí.
Cách giải:
Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm Đồng Chí của tác giả Chính Hữu.
Câu 2:
Phương pháp:
Căn cứ bài thành ngữ.
Cách giải:
Thành ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên: Nước mặn, đồng chua; Đất cày lên sỏi đá.
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
“Nước mặn đồng chua” là vùng đất ven biển nhiễm phèn, “đất cày lên sỏi đá” là vùng đồi núi trung du đất bị đá ong hóa. Đó đều là những vùng đất nghèo khó, đất đai khô cằn, khó canh tác.
Hai câu thơ giới thiệu quê hương anh và tôi nhưng lại chỉ nói về đất bởi với người nông dân, đất đai là mối quan tâm hàng đầu, là tài sản lớn nhất. Qua đó, ta thấy được cơ sở đầu tiên của tình đồng chí đó là cùng cảnh ngộ, xuất thân nghèo khó, họ đều là những người nông dân nghèo mặc áo lính – có sự đồng cảm giai cấp.
TRÍCH 2:
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
Câu 5:
Cách giải:
- Hình ảnh so sánh: “lời khen” được ví với “ánh mặt trời”
- Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:
+ Nhấn mạnh tầm quan trọng của lời khen trong cuộc sống: lời khen chân thành sẽ đem đến năng lượng tích cực, cũng như ánh mặt trời đem lại sức sống mạnh mẽ cho vạn vật.
+ Tăng khả năng biểu đạt cho văn bản.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa lời khen trong cuộc sống.
2. Giải thích vấn đề:
- Lời khen là những ngôn ngữ thể hiện sự đánh giá tốt, vừa lòng về một người, sự vật hay hành động nào đó.
=> Lời khen có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người.
3.Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống:
+ Lời khen thể hiện sự công nhận của ai đó về một việc làm có ảnh hưởng tích cực của người nào đó. Việc biết công nhận thành quả của người khác thể hiện người khen ngợi là một người hiểu biết và biết chia sẻ.
+ Lời khen là lời động viên, truyền cảm hứng cho người được khen ngợi.
+ Lời khen chân thành giúp cho người được khen ngợi có động lực để cống hiến, tin tưởng vào khả năng của mình.
- Những trường hợp xứng đáng được khen ngợi:
+ Trẻ con có thành tích học tập tốt, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ người già,…
+ Ai đó hoàn thành công việc xuất sắc so với khả năng của họ
…
- Phân biệt khen ngợi chân thành với nịnh hót.
- Phê phán những người không bao giờ biết khen ngợi người khác.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Quang Sáng, tác phẩm Chiếc lược ngà.
- Giới thiệu nhân vật bé Thu và lần cuối gặp cha.
2. Thân bài
Khi bé Thu nhận ông Sáu là ba:
- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.
+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.
+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.
+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng
Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm.
Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.
+ Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt lấy ba, hôn ba, hôn lên vết thẹo:
Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi.
Nó lo sợ ba sẽ đi mất.
Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của mình dành cho ba.
-> Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé không dấu diếm sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba -> khiến mọi người xúc động.
-> Miêu tả biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã 1 lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.
-> Qua đó, ta thấy bé Thu gan góc, bướng bỉnh nhưng rất giàu tình cảm và dễ xúc động.
3. Kết bài:
- Nội dung: Câu chuyện đã tái hiện thành công tình yêu cha sâu sắc của bé Thu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Từ đó, tác giả cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh; những bi kịch cùng tình cảm gia đình đẹp đẽ trong thời chiến.
- Nghệ thuật:
+ Tình huống truyện bất ngờ, độc đáo, éo le.
+ Phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.
+ Lối kể chuyện tự nhiên, giàu cảm xúc.
+ Hình ảnh giản dị mà giàu sức gợi.
Các bài khác cùng chuyên mục