Đề thi vào 10 môn Văn Bình Thuận năm 2020

Tải về

Đọc kĩ các đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc kĩ các đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:

Trích 1:

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? (0.5 điểm)

Câu 2: Xác định và nêu tác dụng biện pháp tư từ trong hai câu thơ cuối. (1.0 điểm)

Trích 2: “Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lung, Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động”.

Câu 3: Tìm hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn? (0.5 điểm)

Câu 4: Hai câu văn đầu tiên liên kết với nhau bằng phép liên kết gì? Từ ngữ nào dùng để liên kết? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: (3.0 điểm) “Thời gian là vàng”

Em hãy viết một bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy thi nêu suy nghĩ của bản thân về câu ngạn ngữ trên.

Câu 2: (4.0 điểm)

Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Lời giải chi tiết

Phần I

Trích 1:

Câu 1:

Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Phương pháp: căn cứ bài Đoàn thuyền đánh cá

Cách giải:

Đoạn thơ trích trong tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”. Tác giả: Huy Cận.

Câu 2:

Xác định và nêu tác dụng biện pháp tư từ trong hai câu thơ cuối.

Phương pháp: căn cứ bài So sánh, phân tích

Cách giải:

Biện pháp so sánh: Biển cho ta cá như lòng mẹ.

Tác dụng:

- Nhấn mạnh vai trò to lớn của biển cả với cuộc sống con người.

- Qua đó thể hiện tấm lòng biết ơn, trân trọng của tác giả với người mẹ biển cả.

- Làm cho sự diễn đạt giàu hình ảnh, trở nên sinh động, hấp dẫn.

Trích 2:

Câu 3:

Tìm hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn?

Phương pháp: căn cứ bài Từ láy

Cách giải:

Hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn: ngơ ngác, lạ lùng.

Câu 4:

Hai câu văn đầu tiên liên kết với nhau bằng phép liên kết gì? Từ ngữ nào dùng để liên kết?

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu, đoạn văn

Cách giải:

Phép thế: từ “nó” trong câu văn (2) thế cho từ “con bé” trong câu văn (1).

Phần II

Câu 1

“Thời gian là vàng”

Em hãy viết một bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy thi nêu suy nghĩ của bản thân về câu ngạn ngữ trên

Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Thời gian là vàng.

2. Giải thích vấn đề

- Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục, không ngừng.

- Vàng là kim loại quý có màu vàng óng ánh, không gỉ, dễ dát mỏng và kéo sợi hơn các kim loại khác, thường dùng để làm đồ trang sức.

=> Thời gian là vàng: thời gian vô cùng quý giá, qua đi sẽ không thể lấy lại được.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Tại sao nói “Thời gian là vàng”?

+ Thời gian cho mỗi người dù giàu hay nghèo đều là một ngày 24 giờ nhưng ta lại không thể dùng tiền để mua được.

+ Thời gian qua đi ta không thể lấy lại được.

- Vai trò của thời gian với con người:

+ Thời gian giúp con người tích lũy được giá trị, không chỉ vật chất mà quan trọng hơn là tinh thần, nếu biết tận dụng tốt sẽ khiến giá trị bản thân tăng lên (trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, ...)

+ Thời gian giúp thay đổi suy nghĩ, tình cảm của con người: giúp xóa nhòa nỗi đau, hận thù.

+ …

- Làm thế nào để sử dụng thời gian hợp lí?

+ Cần biết quý trọng thời gian.

+ Phân chia thời gian trong ngày bằng cách lập thời gian biểu cá nhân và tuân thủ thời gian biểu đó.

+ Cần có kế hoạch để sử dụng thời gian cho các công việc hợp lí, kết hợp giữa học tập và giải trí một cách hài hòa.

- Phê phán những người không biết quý trọng thời gian, sử dụng thời gian lãng phí vào những việc vô bổ.

4.Liên hệ bản thân và Tổng kết

Câu 2

Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Nguyễn Duy sinh năm 1948, tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, quê ỏ làng Quảng Xá, xã Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá.

+ Năm 1966, ông nhập ngũ vào bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường.

+ Nguyễn Duy được trao giải nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ 1973 với chùm thơ bốn bài (Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Giọt nước mắt và nụ cười, Bầu trời vuông). Từ giải thưởng này, Nguyễn Duy trở thành một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ và tiếp tục bền bỉ sáng tác.

Tác phẩm:

- Bài thơ “Ánh trăng” được viết năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, in trong tập “Ánh trăng” - tập thơ của Nguyễn Duy được giải A của Hội nhà văn Việt Nam 1984

- Nguyễn Duy viết bài thơ này khi kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được ba năm. Ba năm sống trong hoà bình, không phải ai cũng còn nhớ những gian khổ và kỉ niệm nghĩa tình trong quá khứ.

- Hai khổ thơ cuối cho thấy phút giây thức tỉnh , cùng với đó là những suy ngẫm của tác giả về ánh trăng và bài học triết lí trong cuộc sống.

2. Phân tích

- Tình huống bất ngờ xảy đến khiến dòng chảy cuộc đời như ngừng lại, thời gian cũng như ngừng trôi trong cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn, khi người và trăng mặt đối mặt. Con người như lặng đi trong nỗi xúc động mãnh liệt. Người đối diện với trăng trong tư thế có phần thành kính

“ngửa mặt lên nhìn mặt

"có cái gì rưng rưng”

+ Từ “mặt” là từ nhiều nghĩa, tác giả đối mặt vầng trăng hay cũng chính là đối diện đàm tâm, tự soi vào chính mình, soi vào quá khứ, nhìn một thời lãng quên vô tình, bạc bẽo.

+ Trong cuộc đối diện không lười đó, gặp lại người bạn tri kỉ thuở xưa, con người “rưng rưng” xúc động. “Rưng rưng” là cảm xúc dân trào đến nghẹn lời, đến muốn khóc.

+ Trong sự xúc động dâng cao đó, cả một quãng thời gian rất xa sống dậy:

“Như là đồng là bể

như là sông là rừng”

Điệp ngữ “Như là”, phép liệt kê: đồng, sông, bể, rừng xuất hiện một lần nữa, cùng nhịp thơ nhanh như nhiều lớp sóng của hoài niệm ùa về. Phép so sánh để khẳng định cái khoảnh khắc “rưng rưng” ấy, chính là tuổi thơ êm đềm, là những năm tháng chiến đấu gian lao, vất vả, ở đó người luôn có trăng.

=> Khổ thơ là sự xúc động chân thành sâu lắng.

Những suy ngẫm của tác giả.

- Khép lại bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy đã thể hiện rất rõ ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng và từ đó tác giả nêu ra bài học triết lí gợi nhắc thái độ sống đối với mỗi người

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

- Trăng xưa vẫn vậy, vẫn tròn đầy, vẹn nguyên thủy chung, từ “cứ”, “kể chi” còn cho thấy thái độ bao dung, độ lượng của vần trăng nhưng đối lập với hình ảnh trăng tròn vành vạnh là con người vô tình, đổi thay.

- Trăng như một người bạn với ánh nhìn im phăng phắc, đó là cái nhìn nghiêm nghị dù rất bao dung, không một lời trách cứ, Trăng như một người bạn bao dung, nhân hậu, độ lượng

- Đến đây “Vầng trăng” đã được thay bằng “Ánh trăng” để nhấn mạnh về ánh sáng. Ánh sáng của lương tri con người soi rọi những góc khuất tối trong tâm hồn người. Ánh sáng soi đường cho con người trở về về với con đường thủy chung, tình nghĩa

- Trước cái nhìn nghiêm nghị, bao dung của người bạn thủy chung, ân tình, trước ánh sáng kì diệu của vầng trăng, con người phải “giật mình”. Giật mình để nhìn lại chính mình. Giật mình để tự vấn lương tâm, để soi vào chính mình, để thấy những tháng ngày qua mình đã vô tình bạc bẽo, để hoàn thiện bản thân. Đây là cái giật mình vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

=> Như vậy, qua khổ thơ cuối, hình ảnh vần trăng mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Trăng là vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, trăng là đồng chí, đồng đội, là tấm lòng bao dung, nhân hậu của nhân dân. Trăng là quá khứ vất vả, gian lao nhưng tình nghĩa. Trăng là cội nguồn, là quê hương, đất nước. Từ hình ảnh vầng trăng, tác giả gợi nhắc người đọc một bài học triết lí sâu xa. Đó là thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung.

=> Bài học về cách sống của bản thân:

- Luôn sống thủy chung, tình nghĩa, nghĩ nhớ công ơn thế hệ trước và những người giúp đỡ mình.

- Sống độ lượng, bao dùng.

- Luôn biết yêu thương, quan tâm với mọi người.

3. Tổng kết


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí