Đề thi vào 10 môn Văn Bình Dương năm 2025

Tải về

Con đã đi rất xa rồi Ngoành nhìn lại vẫn gặp ánh đèn thành phố

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Con đã đi rất xa rồi

Ngoành nhìn lại vẫn gặp ánh đèn thành phố

 

Sau cánh rừng, sau cù lao, biển cả

Một ánh đèn sáng đến nơi con

Và lòng con yêu mến, xót thương hơn

Khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ

Khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé

Mẹ một mình đang dõi theo con

[...]

Sao đêm nay se thắt cả lòng con

Khi con gặp ánh đèn thành phố

Nơi mẹ sống, mẹ vui buồn, sướng khổ

Chỉ một mình tóc cứ bạc thêm ra

Sao đêm nay khi đã đi xa

Lòng con bỗng bồn chồn quay trở lại

Bên đời mẹ nhọc nhằn dầu dãi

Nỗi mất còn thăm thắm trong tim

 

Đời mẹ như bến vắng bên sông

Nơi đón nhận những con thuyền tránh gió

Như cây tự quên mình trong quả

Quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây

Như trời xanh nhẫn nại sau mây

Con đường nhỏ dẫn về bao tổ ấm

 

Con muốn có lời gì đằm thắm

Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay.

 

Đà Nẵng - Hà Nội, 11-1978

(Trích Kính gửi mẹ, Ý Nhi1, in trong tập Văn chương một thời để nhớ (Thơ), NXB Văn học, 2006, tr.45)

Câu 1. (0.5 điểm) Xác định thể thơ của đoạn trích

Câu 2. (0.5 điểm) Chỉ ra những từ ngữ bộc lộ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong những đoạn thơ bắt đầu bằng cụm từ “Sao đêm nay”

Câu 3. (1.0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai dòng thơ sau:

Đời mẹ như bến vắng bên sông

Nơi đón nhận những con thuyền tránh gió

Câu 4. (1.0 điểm) Nêu mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn trích trên.

Câu 5 (1.0 điểm). Từ nội dung của hai dòng thơ cuối: Con muốn có lời gì đằm thắm/ Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay, lựa chọn một bài học em thấy có ý nghĩa nhất đối với bản thân, giải thích lí do về sự lựa chọn đó.

II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích chủ đề trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.

Câu 2 (4,0 điểm)

Hiện nay có một số thanh thiếu niên không nghe lời khuyên răn, dạy bảo của cha mẹ.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) đề xuất những giải pháp để khắc phục vấn đề trên

Đáp án

Phần

Câu

Hướng dẫn giải

I. ĐỌC HIỂU 

(4,0 điểm)

Câu 1.

(0,5 điểm)

Thể thơ tự do.

Câu 2.

(0,5 điểm)

Các từ ngữ bộc lộ cảm xúc của chủ thể trữ tình là: se sắt cả lòng con, lòng con bỗng bồn chồn.

Câu 3. 

(1,0 điểm)

Biện pháp so sánh: “Đời mẹ” được ví với “bến vắng”

Tác dụng:

- Giúp câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn.

- Thể hiện mẹ là bến vắng bình yên, nơi con có thể trở về sau những vất vả, khó khăn, trong cuộc sống. Ở bên mẹ con sẽ nhận được sự bình yên, tiếp thêm sức mạnh cho con.

- Qua đó thể hiện sự biết ơn, tình yêu của con dành cho mẹ.

Câu 4.

(1,0 điểm)

Mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình trong đoạn thơ trên là: Ở nơi xa chủ thể trữ tình nhớ về mẹ, xót xa khi nghĩ về cuộc đời của mẹ → Khổ thơ 2,3 thể hiện niềm xúc động trào dâng khi nghĩ đến mẹ → Tiếp đến là thấm thía sự hy sinh thầm lặng của mẹ → Cuối cùng là mong ước yêu thương, đền đáp công ơn của mẹ đối với mình.

Câu 5.

(1,0 điểm)

HS đọc 2 câu thơ và rút ra bài học mình tâm đắc nhất, đưa ra lí giải phù hợp.

Gợi ý một số bài học:

- Luôn yêu thương, kính trọng mẹ.

- Chăm sóc, báo hiếu mẹ khi mẹ vẫn đang còn ở bên mình.

- …

PHẦN II. VIẾT

(6,0 điểm)

Câu 1.

(2,0 điểm)

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu khái quát chủ đề bài thơ: Tình mẫu tử thiêng liêng, lòng biết ơn và nỗi day dứt của người con dành cho mẹ

2. Thân đoạn:

Chủ đề của văn bản được thể hiện qua:

- Hình ảnh người mẹ hiện lên trong tâm trí con: Tình yêu, sự xót thương, nỗi nhớ trào dâng khi nghĩ đến “cuộc đời của mẹ”, “căn nhà nhỏ bé”.

+ Mẹ lặng lẽ, đón chờ, hy sinh.

+ Mẹ sống cho con mà không đòi hỏi báo đáp.

+ Mẹ bao dung, bền bỉ và âm thầm che chở.

=> Hình ảnh mẹ thông qua nỗi nhớ của con hiện lên với sự hi sinh, tảo tần, cô đơn.

- Cảm nhận và thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của mẹ: mẹ là chốn bình yên để con quay về, mẹ không cần nhận báo đáp, …

- Khát vọng báo hiếu, báo đáp công ơn của mẹ:

+ Sự thức tỉnh, lòng biết ơn chân thành.

+ Thể hiện khao khát được bù đắp, yêu thương và chăm sóc mẹ lúc tuổi già.

Câu 2.

(4,0 điểm)

1. Mở bài

- Nêu vấn đề nghị luận: Giải pháp để khắc phục vấn đề con cái ngày càng không nghe lời khuyên răn, phản kháng hoặc thờ ơ với lời dạy dỗ.

2. Thân bài

- Hiện nay những lời răn đe, dạy bảo của cha mẹ không phải lúc nào cũng được các con tiếp thu và thay đổi mà thực tế có rất nhiều bạn tỏ ra khó chịu, thấm chí chống đối, làm trái lại những điều cha mẹ dạy dỗ.

- Nguyên nhân của vấn đề

+ Từ phía con cái: Tâm lý tuổi mới lớn, thích thể hiện cái tôi, muốn khẳng định bản thân. Bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, mạng xã hội, bạn bè.

+ Từ phía cha mẹ: Lối giáo dục áp đặt, thiếu lắng nghe và đối thoại. Khoảng cách thế hệ, khác biệt tư duy, không hiểu tâm lý con. Thiếu thời gian quan tâm, đồng hành cùng con.

– Nếu không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, các bạn học sinh:

+ Dễ mắc sai lầm trong học tập, lối sống, cách ứng xử.

+ Mất phương hướng, đánh mất giá trị đạo đức.

+ Rạn nứt tình cảm gia đình, xa cách giữa các thế hệ, khiến giữa các thành viên trong gia đình không thể hiểu nhau.

- Đề xuất giải pháp khắc phục

+ Từ phía cha mẹ

Thay đổi cách giáo dục: Từ áp đặt sang đồng hành, chia sẻ và thấu hiểu.

Dành thời gian nhiều hơn cho con, tạo môi trường trò chuyện, trao đổi để hiểu con hơn.

Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con, để con cảm thấy được tin tưởng.

+ Từ phía con cái

Hiểu và trân trọng công lao, tình thương của cha mẹ.

Lắng nghe lời khuyên với thái độ cầu thị, chọn lọc áp dụng phù hợp.

Biết ơn và giữ gìn đạo hiếu, coi đó là nền tảng để trưởng thành.

+ Ngoài ra nhà trường cần tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống, dạy cách giao tiếp trong gia đình. Tuyên truyền, định hướng giá trị truyền thống trong thời đại mới…

HS lấy dẫn chứng minh hoạ phù hợp.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề nghị luận


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí