Đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu năm 2025

Tải về

(1) Mẹ ngồi xuống đi không phải tàu to thuyền lớn

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

Phần I: ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(1) Mẹ ngồi xuống đi

không phải tàu to thuyền lớn

chi dăm cây nứa làm bè

cũng chẳng sông to suối nhỏ

ao nhà mình thôi

con mời mẹ rong chơi...

 

(2) Mẹ cười giãn nếp nhăn

hàm răng trầu lóng lánh

mẹ ngồi cho vững nhé

tay con làm chèo...

 

(3) Ao nhà mình thôi

bè nhỏ

những vòng sóng cũng nhỏ

mở ra khoảng trời đáy nước

mắt mẹ đăm đắm cười...

 

(4) Ngày xưa ơi

của mẹ

là chiếc thuyền câu be bé

vùng chiêm trũng quê mình

góc cầu ao nhỏ

đàn cá chơi trốn tìm quanh vạt bèo tây

bến sông chiều kín nước

mẹ xoã tóc thành mây

bay trên khoảng trời con gái…

 

(5) Ngày xưa của mẹ

là chùa Thầy, chùa Hương

mùa xuân trẩy hội

thuyền ra thuyền vào

tấp nập lời chào

A Di Đà Phật!

 

(6) Rồi một lần

thuyền đưa mẹ về Tây Trúc

con khăn trắng áo xô

khóc mẹ đầm đìa ...

 

(7) Mẹ ngồi cho chắc nhé

ao nhà mình thôi

Ơ kìa mẹ đâu rồi!

 

(8) Quờ tay không chạm mẹ

mưa nhòa mắt con...

(Mơ, Nguyễn Kiến Thọ, dẫn theo http://vannghequandoi.com.vn, Thứ Hai, 19/07/2021 00:42)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (1.0 điểm) Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. (1.0 điểm) Chỉ ra những dòng thơ thể hiện sự ân cần của con đối với mẹ trong các khổ thơ (1) và (2)

Câu 3. (1.0 điểm) Liệt kê bốn hình ảnh gắn liền với ngày xưa của mẹ trong khổ thơ (4)

Câu 4. (1.0 điểm) Trình bày tác dụng của phép điệp ao nhà mình tôi.

Câu 5. (1.0 điểm) Nhận xét tâm trạng của con qua hai khổ thơ (7) và (8)

Câu 6. (1.0 điểm) Từ nội dung văn bản, nêu bài học ý nghĩa nhất đối với bản thân. Lí giải.

Phần II. VIẾT (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự bất đồng quan điểm sống giữa cha mẹ với con cái trong gia đình; từ đó đề xuất hướng giải quyết.

Đáp án

I. TRẮC NGHIỆM

Câu 1. 

Phương pháp:

Căn cứ các thể thơ đã học, phân tích và xác định đúng thể thơ

Cách giải:

Thể thơ của văn bản: tự do.

Câu 2. 

Phương pháp:

Căn cứ khổ thơ 1,2 xác định các câu thơ.

Cách giải:

Các câu thơ thể hiện sự ân cần của con với mẹ là: Mẹ ngồi xuống đi; Con mời mẹ rong chơi; Mẹ ngồi cho vững nhé; Tay con làm chèo; Mẹ ngồi cho chắc nhé

Câu 3. 

Phương pháp:

Căn cứ khổ thơ thứ tư, phân tích và xác định hình ảnh phù hợp

Cách giải:

Hình ảnh gắn liền với ngày xưa của mẹ gồm: chiếc thuyền câu, vùng chiêm trũng, góc cầu ao nhỏ, bến sông chiều kín nước.

Câu 4. 

Phương pháp:

Căn cứ nội dung bài điệp ngữ, phân tích tác dụng

Cách giải:

Điệp ngữ: ao nhà mình thôi

Tác dụng:

+ Biện pháp điệp ngữ giúp tạo nhịp điệu cho cả bài thơ.

+ Biện pháp điệp ngữ cho thấy ao nhà mình là nơi mẹ sinh ra, gắn bó với biết bao kỉ niệm, gắn với những niềm vui, nỗi buồn trong cả cuộc đời mẹ. Nhấn mạnh không gian nhỏ bé, thân thuộc, gần gũi – nơi gắn bó giữa mẹ và con. Gợi lên sự bình dị, mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm, là không gian của kỷ niệm và tình mẫu tử thiêng liêng.

+ Qua đó thể hiện cảm xúc chân thành, tình yêu thương của con với mẹ.

Câu 5. 

Phương pháp:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, các từ ngữ, hình ảnh trong bài, phân tích và xác định tâm trạng người con trong khổ 7,8

Cách giải:

Tâm trạng của người con: Đó là sự bất ngờ, hụt hẫng (ơ kìa mẹ đâu rồi), người con không thể tin nổi rằng mẹ đã không còn ở đây. Sang đến khổ thơ thứ 8 là nỗi đau đớn, xót xa đến tận cùng khi nhận thức thực tế mẹ đã không con, những giọt nước mắt làm “nhoà mắt con” chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗi đau đớn đó.

Câu 6. 

Phương pháp:

Căn cứ nội dung bài thơ, đưa ra bài học và có lí giải phù hợp.

Cách giải:

HS đưa ra bài học có ý nghĩa với bản thân và có lí giải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội.

Gợi ý:

Bài học về: Trân trọng những giây phút được bên mẹ; Luôn yêu thương kính trọng mẹ; …

II. LÀM VĂN 

Phương pháp:

- Vận dụng kiến thức đã học về viết bài văn nghị luận.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng.

Cách giải:

Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Tuyensinh247.com

1.Mở bài: Giới thiệu vấn đề: Sự bất đồng quan điểm sống giữa cha mẹ và con cái trong gia đình

2. Thân bài:

a. Giải thích:

- Quan điểm sống: Là cách nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn cách sống, cách ứng xử trong cuộc sống.

- Bất đồng quan điểm: Là sự khác biệt, mâu thuẫn trong suy nghĩ, nhận thức, hành động giữa hai hay nhiều người.

=> Bất đồng quan điểm sống giữa cha mẹ và con cái: Là việc cha mẹ và con cái có những suy nghĩ, định hướng, lối sống khác nhau; từ đó nảy sinh tranh cãi, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột.

b. Giải quyết vấn đề

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng giữa cha mẹ và con cái:

+ Khác biệt thế hệ: Cha mẹ trưởng thành trong hoàn cảnh, điều kiện sống khác (khó khăn, truyền thống), nên thường bảo thủ, ưu tiên sự an toàn, ổn định. Con cái sinh ra và lớn lên trong thời đại mới (hiện đại, hội nhập), tiếp thu tư tưởng tự do, độc lập, sáng tạo.

+ Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội: Tư duy, công nghệ, văn hóa thay đổi liên tục khiến khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa.

+ Thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ: Cha mẹ áp đặt, con cái chống đối. Cả hai phía đều cho rằng bản thân mình luôn đúng và từ chối việc lắng nghe cảm xúc của người khác. Việc này dẫn đến hiểu lầm và căng thẳng.

+...

- Sự bất đồng giữa cha mẹ và con cái có thể dẫn đến nhiều hậu quả:

+ Gây mâu thuẫn, căng thẳng trong gia đình.

+ Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn, dễ dẫn đến lạnh nhạt, xa cách.Làm suy giảm sự gắn bó, yêu thương trong gia đình.

+ Tác động tiêu cực đến tâm lý con cái: cảm thấy bị cô lập, không được hiểu, mất định hướng.

- Giải pháp:

Về phía cha mẹ:

+ Cần lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của con.

+ Cập nhật kiến thức, mở rộng tư duy để hiểu con hơn.

+ Tránh áp đặt con cái theo ý muốn của bản thân, thay vào đó là định hướng, khích lệ.

Về phía con cái:

+ Cần hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh, tư duy của cha mẹ.

+ Biết cách trình bày ý kiến một cách hợp lý, thuyết phục.

+ Giữ thái độ lễ phép, cầu thị, tránh phản kháng tiêu cực.

Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cần có những buổi trao đổi thẳng thắn để thấu hiểu nhau hơn. Tạo nên những chuyến du lịch để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

HS lấy dẫn chứng minh hoạ phù hợp.

- Liên hệ bản thân

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí