Đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu năm 2020>
Tải vềĐọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (7,0 điểm)
Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:
Trên đường đời bạn cũng có lúc vấp ngã. Tôi cũng vậy. Ngay cả người tài giỏi, khôn ngoan nhất cũng có lúc vấp ngã. Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại. Điều chúng ta cần ghi nhớ là, cuộc sống không phải là một cuộc thi đỗ - trượt... Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp. Những người đạt được thành công phần lớn là người biết đứng dậy từ những sai lầm ngớ ngẩn của mình bởi họ coi thất bại, vấp ngã chỉ là tạm thời và là kinh nghiệm bổ ích. Tất cả những người thành đạt mà tôi biết đều có lúc phạm sai lầm. Thường thì họ nói rằng sai lầm đóng vai trò quan trọng đối với thành công của họ. Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết. Nếu thất bại năm lần, họ cố gắng đứng dậy năm lần, mỗi lần một cố gắng hơn, Winston Churchill đã nắm bắt được cốt lõi của quá trình này khi ông nói: “Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”.
(Trích Cuộc sống không giới hạn, Nick Vujicic, chương VII, trang 236)
Câu 1: (3,0 điểm)
a. Xác định phương thức biểu đạt chính. (1,0 điểm)
b. Cho biết cách trích dẫn ở phần in đậm? (1,0 điểm)
c. Chỉ ra phép liên kết hình thức được sử dụng trong hai câu văn sau: "Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết."(1,0 điểm)
Câu 2: (2,0 điểm)
Em hiểu thế nào về câu văn: “Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại”?
Câu 3: (2,0 điểm)
Em có đồng ý với quan điểm của Winston Churchill: "Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên."? Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN: (13,0 điểm)
Câu 1: (5,0 điểm)
Từ ngữ liệu phần đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
Câu 2: (8,0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa do bụng biên,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cả đé,
Cả song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2018, tr.140)
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1:
a. Xác định phương thức biểu đạt chính. b. Cho biết cách trích dẫn ở phần in đậm? c. Chỉ ra phép liên kết hình thức được sử dụng trong hai câu văn sau: "Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết." |
Phương pháp: căn cứ bài nội dung bài về phương thức biểu đạt, phép liên kết và cách dẫn trực tiếp, gián tiếp
Cách giải:
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Dẫn theo cách trực tiếp.
3. Phép liên kết: phép thế (“thế” được thế cho cụm từ “họ không bỏ cuộc”.)
Câu 2:
Em hiểu thế nào về câu văn: “Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại”? |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Câu văn “Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại” có thể được hiểu là:
+ Vấp ngã là điều ai cũng sẽ gặp và phải trải qua trong cuộc sống
+ Quan trọng nhất là sau vấp ngã chúng ta học được bài học kinh nghiệm và giữ vững ý chí để vượt qua vấp ngã, thất bại. Người không dám đối mặt với vấp ngã mới là người thất bại thực sự.
Câu 3:
Em có đồng ý với quan điểm của Winston Churchill: "Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên."? Vì sao? |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Học sinh trả lời theo quan điểm cá nhân của mình.
Gợi ý: Đồng tình với ý kiến. Vì:
+ Thành công không tự nhiên mà đến mà nó phải là một quá trình học hỏi. Trong quá trình đó chắc chắn có những bài học đến từ thất bại. Thất bại cho người ta thấy được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mỗi người để từ đó ta trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân.
+ Thành công còn đến từ việc con người giữ vững quyết tâm và ý chí của mình sau những thất bại. Thất bại đôi khi làm người ta nản lòng nhưng nếu chỉ sống mãi trong những giây phút chán nản đó bạn sẽ không thể có được gì. Mạnh mẽ và quyết tâm bước tiếp với sự nhiệt huyết, say mê sẽ dẫn bạn đến với điều bạn muốn.
Phần II
Câu 1
Từ ngữ liệu phần đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống. |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
2. Giải thích vấn đề
- Vấp ngã có nghĩa là gặp phải hoàn cảnh khó khăn, trở ngại khiến ta không thể đạt đến mục đích trong công việc và trong cuộc sống. Ở đây, vấp ngã có thể hiểu thất bại, khiến ta bị tổn thương, gây cho ta sự đau đớn. Vấp ngã hay thất bại có thể do hoàn cảnh, cũng có thể do chính bạn.
- Đứng dậy sau vấp ngã là vượt qua những tổn thương, đau đớn của việc vấp ngã đem lại và giữ vững ý chí, quyết tâm để tiếp tục thực hiện điều ta mơ ước.
=> Việc đứng dậy sau vấp ngã có vai trò và ý nghĩa to lớn với mỗi người, nhất là đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
3.Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống:
+ Thể hiện ý chí, bản lĩnh của con người.
+ Củng cố niềm tin vào cuộc sống, tương lai tốt đẹp.
+ Có khả năng truyền cảm hứng đến những người xung quanh.
- Vấp ngã là một phần tất yếu của cuộc sống. Không ai sống một đời mà không trải qua những tổn thương, thất bại. Điều quan trọng nhất là những tổn thương hay thất bại đó luôn dạy cho chúng ta những bài học cuộc sống để ta biết sống một cách có ý nghĩa.
- Khi vấp ngã bạn hãy dành thời gian cho chính mình, lắng nghe cảm xúc và lí trí của mình sau thất bại xem thực sự mình cảm thấy thế nào và muốn gì? ; Dành thời gian để nhìn nhận lại chặng đường đã đi qua và rút ra những bài học.
- Phê phán những kẻ yếu đuối, chỉ một vấp ngã đã bị đánh gục, không thể đứng lên chinh phục cuộc sống, chinh phục những đỉnh cao khác.
4.Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2
Cảm nhận của em về đoạn thơ: Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa do bụng biên, Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cả đé, Cả song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe. Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long. (Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2018, tr.140) |
Phương pháp: phân tích, cảm nhận, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Huy Cận (1919 – 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.
- Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại, dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.
- Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958).
- Hai khổ thơ cho thấy cảnh đoàn thuyền trên biển bao la, hùng vĩ.
2. Phân tích, cảm nhận
* Cảnh biển rộng mênh mông, khoáng đạt, trên đó có con thuyền lướt đi trên sóng:
- Một con thuyền đặc biệt có gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm -> câu thơ gợi lên sự nhịp nhàng, hòa quyện giữa đoàn thuyền đánh cá và biển trời.
- Con thuyền băng băng lướt sóng ra khơi để dò bụng biển. Công việc đánh cá được dàn đan như một thế trận hào hùng -> gợi lên sự khéo léo như nghệ sĩ của những người dân chài và tâm hồn phóng khoáng, dũng cảm chinh phục biển cả.
Như vậy, tầm vóc của con người và đoàn thuyền đã được nâng lên, hòa nhập vào kích thước của thiên nhiên vũ trụ. Không còn cái cảm giác nhỏ bé khi con người đối diện với trời rộng sông dài như trong thơ Huy Cận trước cách mạng. Hình ảnh thơ thật lãng mạn, bay bổng và tâm hồn con người cũng thật vui vẻ, phơi phới. Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.
* Sự giàu đẹp, trù phú và nên thơ của biển cả
- Tác giả liệt kê sự giàu có của biển cả bằng cách kể tên các loài cá và tập trung miêu tả màu sắc của chúng trong đêm trăng. Đó đều là những loài cá quý ở vùng biển nước ta, mang lại những giá trị kinh tế lớn.
- Biển không chỉ giàu mà còn rất đẹp: Đêm buông xuống, trăng bắt đầu lên, không gian bao la sóng nước, ánh trăng huyền ảo, thơ mộng và thanh thoát lan tỏa trên mặt biển. Hình ảnh ẩn dụ độc đáo: “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” gợi liên tưởng đến những con cá đang lao đi trong luồng nước dưới ánh trăng lấp lánh. Nhưng đẹp đẽ nhất là “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”: Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như quấy ánh trăng tan ra, hòa trộn vào làn nước.
- Tác giả sử dụng một loạt những từ ngữ chỉ màu sắc: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn mài nên thơ và đầy chất lãng mạn. Phải thật tinh tế mới có được những phát hiện tuyệt vời ấy.
- “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long” là hình ảnh nhân hóa đẹp. Tiếng thở của biển đêm chính là ánh sao lùa sóng nước, hòa với tiếng gõ thuyền trong nhịp điệu hối thúc của đêm dần tàn. Đây là một hình ảnh lạ, một sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận khiến cho cảnh thiên nhiên thêm sinh động. Tất cả hòa vào nhau, làm nên một bức tranh hòa nhịp kì diệu giữa thiên nhiên và con người lao động.
3. Tổng kết vấn đề
Các bài khác cùng chuyên mục