Đề thi thử vào 10 môn Văn THCS Đồng Tiến năm 2025>
Tải vềĐọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu: YÊU TIẾNG VIỆT (Huy Cận)
Đề thi
PHẦN I. ĐỌC - HIỂU (4,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu:
YÊU TIẾNG VIỆT
(Huy Cận)
Thưở nhỏ giờ anh học Quốc văn
Là thương vô hạn, tủi vô ngần
Tiếng là tiếng mẹ con ngồi học
Mà ở chương trình học ngoại văn ...
Buổi ấy anh yêu tiếng nước nhà
Là yêu hơi thở của ông cha
Yêu hồn nước đọng trong vần điệu
Yêu thiết tha mà lại xót xa
Tiếng Việt nuôi con như sữa mẹ
Nuôi con từng thớ thịt tâm hồn
Cuộc đời chỉ trở thành xương máu
Khi nói qua lời mẹ của con
Thế đó em ơi lớp tuổi xanh
Yêu văn dân tộc xốt tâm tình
Yêu cha ông bốn nghìn năm lẻ
Giữ nước mình lo giữ tiếng mình ...
(Tuyển tập Huy Cận tập 1, NXB Văn học, 1996)
* Chú thích:
- Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận (1919 - 2005) là một trong những nhà thơ tiêu biểu, thành công cả trong phong trào Thơ Mới và thơ ca Cách mạng, với một gia tài thi ca đồ sộ trong sự nghiệp sáng tác của mình như tập thơ "Lửa thiêng" (1940), "Trời mỗi ngày lại sáng" (1958), "Đất nở hoa" (1960), "Hạt lại gieo" (1984), "Ta về với biển" (1997), "Cha ông nghìn thuở" (2002) ... Nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thường Hồ Chi Minh về Văn học nghệ thuật ...
(1) Quốc văn: tiếng nước nhà
(2) Ngoại văn: Sách báo tiếng nước ngoài
Câu 1 (0,5 điểm) Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm) Tìm trong đoạn thơ trên những từ ngữ, hình ảnh miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình khi phải học ngoại văn.
Câu 3 (1,0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai đòng thơ sau:
Tiếng Việt nuôi con như sữa mẹ
Nuôi con từng thớ thịt tâm hồn
Câu 4 (1,0 điểm) Em hãy nêu ý nghĩa lời nhắn nhủ của tác giả qua hai dòng thơ:
Yêu cha ông bốn nghìn năm lẻ
Giữ nước mình lo giữ tiếng mình
Câu 5 (1,0 điểm) Từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn thơ, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.
PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bảy cảm nhận của em về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong khổ thơ sau:
Buổi ấy anh yêu tiếng nước nhà
Là yêu hơi thở của ông cha
Yêu hồn nước đọng trong vần điệu
Yêu thiết tha mà lại xót xa
(Tuyển tập Huy Cận tập 1, NXB Văn học, 1996)
Câu 2 (4,0 điểm) Suy nghĩ của em về vấn đề tuổi trẻ dám đối diện với khó khăn thử thách.
Đáp án
PHẦN I. Đọc hiểu
Câu 1.
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về đặc trưng thể loại (số câu, số chữ…)
Lời giải chi tiết:
Thể thơ bảy chữ
Câu 2.
Phương pháp:
Chú ý khổ thơ đầu, đặc biệt là 2 dòng thơ đầu tiên
Lời giải chi tiết:
Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình khi học ngoại văn: thương vô hạn, tủi vô ngần, tiếng mẹ là tiếng con ngồi học, chương trình học ngoại văn
Câu 3.
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về tác dụng của biện pháp so sánh
Lời giải chi tiết:
- So sánh: “Tiếng Việt” – “sữa mẹ”
- Tác dụng: Nhấn mạnh tầm quan trọng, sự gắn bó, nuôi dưỡng và ảnh hưởng sâu sắc của tiếng Việt đối với tâm hồn con người Việt Nam. “Sữa mẹ” tượng trưng cho tình yêu thương, nguồn sống, là nguồn dinh dưỡng dồi dào nuôi lớn mỗi người con. Cũng giống như sữa mẹ, tiếng Việt nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc.
Câu 4.
Phương pháp:
Đọc kĩ dòng thơ và xác định lời nhắn nhủ của tác giả, từ đó nêu ý nghĩa
Lời giải chi tiết:
Ý nghĩa của lời nhắn nhủ: Biết ơn cha ông ta đã có công giữ nước và giữ gìn tiếng nói để từ đó ý thức được trách nhiệm không chỉ trong việc bảo vệ độc lập mà còn phải bảo vệ tiếng Việt – ngôn ngữ dân tộc.
Câu 5.
Phương pháp:
Đọc kĩ đoạn thơ, từ nội dung rút ra bài học phù hợp với chuẩn mực đạo đức
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Trân trọng và giữ gìn tiếng Việt
- Yêu nước không chỉ nằm ở hành động mà còn ở việc bảo vệ tiếng nói dân tộc
…
PHẦN II. VIẾT
Câu 1.
Phương pháp:
Xác định yêu cầu của đề bài: cảm nhận về cảm xúc của nhân vật trữ tình
Chú ý hình thức là một đoạn văn (khoảng 200 chữ)
Tận dụng thông tin ở phần Đọc hiểu
Lời giải chi tiết:
a. Mở đoạn
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Huy Cận: Nhà thơ nổi tiếng với những vần thơ trữ tình, sâu sắc.
- Nêu khái quát về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ: Tình yêu thiết tha và nỗi xót xa đối với tiếng mẹ đẻ - tiếng nước nhà.
b. Thân đoạn
- Nhân vật trữ tình thể hiện tình yêu sâu đậm đối với tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ, như một phần hồn của dân tộc.
+ “Anh yêu tiếng nước nhà”: Từ "yêu" được sử dụng như một sự khẳng định mạnh mẽ tình yêu chân thành với tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của tác giả
+ “Yêu hơi thở của ông cha": Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là biểu tượng của truyền thống và hơi thở của các thế hệ cha ông. Tiếng Việt gắn liền với văn hóa, lịch sử dân tộc.
+ “Yêu hồn nước đọng trong vần điệu”: Trong từng lời thơ, câu văn tiếng Việt đều chứa đựng cái hồn của dân tộc, của vẻ đẹp và tâm hồn người Việt.
- Tuy nhiên, tình yêu ấy không chỉ đơn thuần là niềm vui, niềm tự hào mà còn có nỗi xót xa.
+ “Yêu thiết tha mà lại xót xa”: Nhân vật vừa yêu sâu sắc, vừa xót xa, trăn trở vì những biến đổi, nguy cơ mai một của tiếng Việt trong bối cảnh hiện đại.
=> Thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy tiếng Việt – một phần hồn của dân tộc.
c. Kết đoạn
- Khẳng định lại cảm xúc của nhân vật trữ tình: Tình yêu tha thiết và nỗi xót xa đối với tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt.
- Liên hệ bản thân: cần trân trọng, giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của tiếng Việt – di sản quý giá của dân tộc.
Câu 2.
Phương pháp:
Xác định vấn đề cần bàn luận: tuổi trẻ dám đối diện với khó khăn thử thách
Chú ý hình thức là một bài văn
Sử dụng vốn hiểu biết về xã hội của bản thân
Lời giải chi tiết:
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề: tuổi trẻ dám đối diện với khó khăn thử thách
- Khái quát ý nghĩa của việc dám đương đầu với thử thách: Tuổi trẻ là giai đoạn quan trọng để học hỏi và trưởng thành, vì thế dám đối diện với khó khăn thử thách là một phẩm chất quan trọng giúp tuổi trẻ phát triển bản thân.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Khó khăn, thử thách là những rào cản, trở ngại mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống.
- Tuổi trẻ dám đối diện với khó khăn thử thách là những người trẻ sẵn sàng vượt qua trở ngại để vươn lên.
b. Bàn luận
- Những khó khăn thử thách chúng ta thường gặp phải:
+ Khó khăn trong học tập và công việc: áp lực học hành, thi cử, cạnh tranh…
+ Thiếu kinh nghiệm và kĩ năng sống
+ Áp lực tài chính và áp lực xã hội
+ Sức khỏe tinh thần
…
- Cách để vượt qua khó khăn thử thách:
+ Giữ tinh thần tích cực
+ Lập kế hoạch chi tiết
+ Học hỏi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm
+ Chủ động tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm sự hỗ trợ
+ Tư duy giải pháp
…
- Ý nghĩa của tuổi trẻ dám đối diện với khó khăn thử thách:
+ Giúp phát triển bản thân: Vượt qua thử thách giúp rèn luyện khả năng tự chủ, tự lập và khắc phục nhược điểm.
+ Tạo cơ hội trưởng thành: Thông qua việc đối mặt với thất bại và khó khăn, tuổi trẻ rèn luyện sự bền bỉ và hiểu rõ giá trị của thành công.
+ Xây dựng bản lĩnh và lòng tự tin: Đối diện với thử thách giúp tuổi trẻ tự tin hơn vào bản thân, tăng cường lòng dũng cảm và sẵn sàng đón nhận thử thách mới.
c. Dẫn chứng
- Dẫn chứng từ những câu chuyện thành công của những người trẻ vượt khó, tự lập hoặc khởi nghiệp từ gian khó.
- Những cá nhân này thường gặt hái được thành tựu lớn nhờ sự kiên trì, dám đương đầu với thử thách.
d. Phản đề
- Phê phán lối sống ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí trong một bộ phận tuổi trẻ.
=> Bài học: Thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống, mỗi người trẻ cần hiểu và sẵn sàng đối mặt để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
3. Kết bài
- Tổng kết vấn đề: Khẳng định lại tầm quan trọng của việc dám đối diện với khó khăn, thử thách trong tuổi trẻ.
- Liên hệ bản thân: Tự nhắc nhở về việc đón nhận thử thách và không ngừng rèn luyện ý chí để thành công trong tương lai.