Đề minh họa THPT môn Văn năm 2025 có lời giải>
Đọc đoạn trích: Chắc em sẽ không quên Dù chúng mình chỉ về những ngày rất vội
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Chắc em sẽ không quên
Dù chúng mình chỉ về những ngày rất vội
Hà Nội - phố dài - mái ngói
Và màu lá xanh như ngọc trên đầu
Chắc em nhớ hoài
Cây liễu xưa vẫn đứng bên hồ
Như một bóng người Hy Lạp cổ
Trên thân hình vạm vỡ
Nỗi trầm tư mơ mộng nghìn năm
Mùa hè là con chim ăn trái xanh
Làm rụng sấu xuống mặt đường im lặng
Cây cơm nguội ửng vàng nhớ nắng
Những phố bàng đông đúc trẻ con
Anh đã qua những thành phố biếc xanh
Thành phố đường me lá nhỏ rung rinh
Thành phố tóc thề áo trắng
Thành phố đứng bên hồ trầm lặng
Giữa đồi thông mặc áo sương mù
Những nơi đó anh lớn lên
Những năm còn trẻ
Ôi những năm không yên
Có nhiều khi anh lặng nhìn một ngọn lá xanh bên đường
Chợt sững sờ muốn khóc
Như trong anh một cái gì đã mất
Thế đấy, nhưng có bao giờ, bao giờ
Như giữa lòng Hà Nội chiều nay
Anh đưa em đi dưới những hàng cây
Mà bỗng thấy lòng mình yên tĩnh quá
Nỗi yên như điều kỳ lạ
Ngỡ lòng anh chưa có bao giờ.
(Trích Một thân cây một tàng lá một bông hoa - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trăm năm còn gió heo may – Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB Hội Nhà văn, 2024, tr.116-117)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Xác định hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa trong đoạn trích.
Câu 3. Trình bày hiệu quả của việc sử dụng hình thức lời tâm sự của anh với em trong đoạn trích.
Câu 4. Nêu sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích.
Câu 5. Từ tâm trạng của nhân vật trữ tình anh khi ở giữa lòng Hà Nội chiều nay, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về chốn bình yên trong tâm hồn mỗi người (trình bày khoảng 5-7 dòng).
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm) Hiện nay, nhiều người hào hứng đón nhận lợi ích của trí tuệ nhân tạo nhưng không ít người lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào nó. Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.
---------------------HẾT---------------------
- Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích. |
Phương pháp giải:
Chú ý số dòng trong bài, số từ trong câu
Lời giải chi tiết:
Số chữ trong các dòng không bằng nhau là dấu hiệu để xác định thể thơ tự do của đoạn trích
Câu 2. Xác định hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa trong đoạn trích. |
Phương pháp giải:
Chú ý câu 6 và 7 bài thơ
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa: một bóng người Hy Lạp cổ.
Câu 3. Trình bày hiệu quả của việc sử dụng hình thức lời tâm sự của anh với em trong đoạn trích. |
Phương pháp giải:
Liệt kê các câu thơ có sử dụng hình thức lời tâm sự của anh với em
Lời giải chi tiết:
Hiệu quả của việc sử dụng hình thức lời tâm sự của anh với em:
- Tạo giọng điệu tâm tình tha thiết, sâu lắng.
- Thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc của nhân vật trữ tình anh với Hà Nội
Câu 4. Nêu sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích. |
Phương pháp giải:
Liệt kê cảm xúc của nhân vật theo từng giai đoạn quá khứ và hiện tại
Lời giải chi tiết:
Sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình anh:
- Nhớ về Hà Nội trong quá khứ và những thành phố anh đã đi qua, những nơi anh lớn lên, những năm còn trẻ;
- Tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn khi đi giữa Hà Nội ở hiện tại.
Câu 5. Từ tâm trạng của nhân vật trữ tình anh khi ở giữa lòng Hà Nội chiều nay, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về chốn bình yên trong tâm hồn mỗi người (trình bày khoảng 5-7 dòng). |
Phương pháp giải:
Liệt kê cảm xúc của nhân vật theo từng giai đoạn quá khứ và hiện tại
Nêu quan điểm của bản thân
Lời giải chi tiết:
Từ tâm trạng của nhân vật trữ tình anh khi ở giữa lòng Hà Nội chiều nay, thí sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về chốn bình yên trong tâm hồn mỗi người. Có thể theo hướng: nơi con người được chở che yêu thương; nơi được sống là chính mình,...
II. VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu. |
Phương pháp giải:
Xác định vấn đề nghị luận: phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng
Lời giải chi tiết:
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Bảo đảm yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh.
c. Viết đoạn văn bảo đảm các yêu cầu
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở bảo đảm những nội dung sau:
- Hà Nội cổ kính, thâm trầm, thơ mộng, êm đềm (phố dài, mái ngói, cây liễu xưa, màu lá xanh như ngọc, con chim ăn trái xanh, cây cơm nguội ửng hồng,…).
- Hà Nội khơi gợi cảm giác bình yên, thanh thản (lòng mình yên tĩnh, nỗi yên).
d. Diễn đạt
Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
Câu 2 (4,0 điểm) Hiện nay, nhiều người hào hứng đón nhận lợi ích của trí tuệ nhân tạo nhưng không ít người lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào nó. Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên. |
Phương pháp giải
Xác định yêu cầu đề bài: Về hình thức: bài văn khoảng 600 chữ, về nội dung: trí tuệ nhân tạo
Xác định nội dung văn bản, từ đó suy ra vấn đề nghị luận
Dựa vào kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống
Lời giải chi tiết
a. Bảo đảm bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận
Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Thái độ khác nhau của con người đối với trí tuệ nhân tạo: hào hứng đón nhận lợi ích; lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào nó.
c. Viết được bài văn nghị luận bảo đảm các yêu cầu
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.
Có thể triển khai theo hướng:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài:
- Giải thích: Trí tuệ nhân tạo là công nghệ cho phép máy tính và máy móc mô phỏng trí thông minh và khả năng giải quyết vấn đề của con người.
- Bàn luận:
+ Con người hào hứng đón nhận trí tuệ nhân tạo bởi những ứng dụng rộng rãi và ưu thế vượt trội của nó.
+ Con người lo lắng về sự phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo bởi dễ đánh mất khả năng tự chủ trong tư duy, dễ bị máy móc thay thế.
+ Người trẻ vốn nhanh nhạy với cái mới nhưng còn thiếu kinh nghiệm, dễ lệ thuộc nên cần chủ động, tích cực, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ.
- Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận. Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt: Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Loigiaihay.com