Đề thi Văn THPT có đáp án (mới nhất) Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Văn (hay nhất)

Đề tham khảo thi THPT môn Văn - Đề số 1 (hay, chi tiết)


I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) HS đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: DÒNG NHỚ (Nguyễn Ngọc Tư) Tóm tắt đoạn đã lược:

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

HS đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

DÒNG NHỚ (Nguyễn Ngọc Tư)

Tóm tắt đoạn đã lược:

Má tôi vẫn đi tìm dì Hai Giang, vợ cũ của ba tôi. Xưa, nội tôi không đồng ý cho họ lấy nhau, họ dẫn díu nhau đi, họ có một đứa con gái bị rơi sông sông chết. Ba tôi sống quá cơ cực và luôn khắc khoải nhớ nội nên quay về cưới má tôi và bỏ mặc họ bơ vơ. Má tôi nói, nội chưa từng la mắng má nhưng má vẫn hận nội tới chết mới thôi. “Bộ hết người rồi sao mà nội bây cưới tao cho ổng, đó – bà chỉ tay ra bến – gần hết đời rồi tao có được vui đâu”. Đó là lúc “ổng”, tức ba tôi chống cây gậy khật khừng lang thang xuống bến, ông già tha thiết nhìn ra sông... Có khi, ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng nghe đau xót như ai lấy cật tre cứa tới cửa lui trong lòng. Có những đêm, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia. Ba tôi thở dài. Má chạy qua khóc với nội tôi: “biết chừng nào ảnh mới quên chuyện xưa hả má?”

Chuyện xảy ra lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ, vẫn còn cắm sào trước bến nhớ ba tôi, vậy mà biểu ba tôi quên cái rụp thì làm sao quên được. Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào. Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gởi gắm tình thương yêu đến cả người vắng mặt.

Và cũng y như má tôi, ba cũng không sống được mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩa. Hồi tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối, đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi không đổi. Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu tiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông.

Mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, cả nhà tôi lúc nào cũng cảm thấy không vui, dù hạnh phúc (hai thứ này sao lại không thể đi chung). Không thấy ai đòi nhưng nợ vẫn cứ là nợ, nó rờn rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ con con, trong hai bữa ăn mỗi ngày. Cho tới lúc cuối đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn trong lòng. Khi nội tôi vừa khuất, má quyết định gặp đối thủ một lần, chỉ định nhìn vậy thôi.

Gà gáy chập đấu, bà trở lại, trên xuống chất đầy mấy thứ rau đồng, bà giả dò làm người đi chợ sớm. Má tôi tập xuống lại kế bên chiếc ghe, than:

– Tỉnh đi chợ cho sớm mà gió quá, chèo không lên, bậy thiệt.

Má tôi tin rằng, người đàn bà kia, cũng như ba tôi, những đêm như vậy không bao giờ ngủ. Mà thật, dì đang chong đèn ngồi thêu áo gối, nghe tiếng má tôi, dì quay lại, dường như sững sờ, bất ngờ một chút dì cười:

– Dà, đêm nay nhiều gió thiệt . Dì vẹt mớ quần áo, kim chỉ trên cái sạp tre – Chị vô mui ngôi cho ấm, chờ bớt gió rồi đi, ngồi ngoài đó cảm sương chết.

Má tôi không từ chối. Họ ngồi đối mặt với nhau. Má tôi thấy lòng mình bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng là phải làm một cái gì ghê gớm lắm. Có thể vì người đàn bà của ba tôi rất hiền, dì mặc chiếc áo cộc tay mẫu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn vá...Má tôi hỏi:

- Ủa, chồng chị đâu?

- Dà, dì bối rối, ảnh... đi xa lắm.

- Còn chồng tôi thì theo vợ bé mất rồi, má tôi nói luôn.

Dì nhìn sững má, dường như để xem xem nỗi đau mất chồng của má với dì có giống nhau. Hồi lâu, dì chợt cúi mặt:

– Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó chị, đa số đàn ông đều tốt.

Tốt sao? Người ta bỏ cô để cưới tôi mà là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự hỏi, mà không biết nói gì nữa, cái câu quan trọng nhất chắc không phải nói lúc nầy.

– Ủa, chị có cháu nhỏ à?

Sau nầy, má tôi nói, đó là cái câu tàn độc nhất mà má lỡ miệng đánh ngay vào nỗi đau của dì. Dì nhìn trân trân vào ngọn đèn, cái nhìn đau nặng. “Con bé Phước nhà tôi vô phước lắm chị à, tại tôi không cẩn thận nên cháu vừa mới biết bò đã té sông, trôi mất. Dì nói một hơi dài, giọng dì hơi nghẹn lại: “Trời ơi, chị có chuyện buồn lòng mà tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc chị phiền tôi lắm. Chồng tôi... tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi..”

Dì cười quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật khóc, bà cố nén nghẹn ngào:

– Đàn bà mình sao khổ vậy?

Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đấu mặt lại ngủ.. Còn người ta, nhớ thương đứt ruột, có thể chạy ào lại để gặp nhau nhưng vì lương tâm không làm được, đành ngồi đây ngó lên, ngồi ở trên ngó xuống.

– Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong...

 – Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi... tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc... khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à.

Vậy rồi hai người chia nhau đi. Ghe nổ máy rồi, khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại: “Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi”. Má tôi không nói, quay đi và khóc.

... Bây giờ má tôi muốn gặp dì, nhưng lâu quá, chờ hoài không thấy dì ghé lại đậu ngoài bến như ngày xưa... Tôi hỏi má tìm làm gì, má tôi nói để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mầy có đỡ hơn không. Rồi thì ba tôi cũng mỏi mòn nằm xuống trên mảnh vườn của nội tôi, bình yên. Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi. Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.

(Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa – tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2019)

Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)

Câu 1. Xác định những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại ở văn bản Dòng nhớ (0.5đ)

Câu 2. Tóm tắt tình huống truyện ở văn bản Dòng nhớ. Và cho biết, truyện được thuật kể từ điểm nhìn trần thuật nào? (0.5đ)

Câu 3. Các nhân vật trong truyện có chung đặc điểm nào? Điều đó có ý nghĩa gì? (1.0đ)

Câu 4. Em có đồng ý với quan điểm của nhân vật tôi sau đây không? Vì sao?: “Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào”. (1.đ)

Câu 5. Nhan đề Dòng nhớ được hiểu như thế nào? Tác phẩm chứa đựng triết lý nhân sinh nào? Truyện được viết theo phong cách sáng tác nào, những dấu hiệu nào thể hiện phong cách đó? (1.0đ)

II. Viết (6.0đ)

Câu 1. Viết đoạn 200 chữ (2.0đ): Cảm nhận của em về vẻ đẹp của 1 trong 2 người phụ nữ (người vợ hiện tại/ người vợ cũ) trong truyện ngắn Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư.

Câu 2. Viết văn bản 600 chữ (4.0đ)

Em hãy bàn luận và thể hiện quan điểm của mình về lòng chung thủy trong tình yêu đôi lứa của thanh niên ngày nay.

Đáp án

Phần I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Xác định những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại ở văn bản Dòng nhớ (0.5đ)

 Phương pháp giải:

Nhớ lại đặc điểm của thể loại truyện ngắn

Lời giải chi tiết:

- Nhân vật ít (gia đình của nhân vật tôi gồm 3 người, bà nội, người vợ cũ của ba); không gian hẹp (bến sông).

- Truyện tập trung kể một chặng đường trong cuộc đời nhân vật (khi người đàn ông đã già luôn khắc khoải nhớ vợ cũ; bà vợ đi tìm gặp vợ cũ của chồng).

Câu 2. Tóm tắt tình huống truyện ở văn bản Dòng nhớ. Và cho biết, truyện được thuật kể từ điểm nhìn trần thuật nào? (0.5đ)

 Phương pháp giải:

Đọc lại kĩ năng tóm tắt văn bản truyện

Nhớ lại kiến thức về điểm nhìn trần thuật

Lời giải chi tiết:

- Tình huống truyện độc đáo: Người đàn bà đi tìm vợ cũ của chồng, trân trọng

chồng vì ông không quên vợ cũ.

- Truyện được thuật kể từ điểm nhìn của nhân vật “tôi” với điểm nhìn bên ngoài và bên trong (nhằm diễn tả nội tâm, tính cách của những con người sống nặng tình).

Câu 3. Các nhân vật trong truyện có chung đặc điểm nào? Điều đó có ý nghĩa gì? (1.0đ)

 Phương pháp giải:

Liệt kê các nhân vật trong truyện, chú ý các chi tiết miêu tả đặc điểm của các nhân vật ấy

Lời giải chi tiết:

- Các nhân vật trong truyện có chung đặc điểm: trọng lối sống nặng ân tình, lòng luôn trĩu nặng nỗi ưu tư, trân trọng tình cảm của người thân, luôn khắc khoải hướng về nhau.

- Đặc điểm cung giữa các nhân vật trong truyện đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, biến dòng sông thành “dòng nhớ” bất tận chảy miên man giữa đất trời, chảy vào lòng người và vĩnh viễn đọng lại, lưu lại nơi đó nhắc nhở độc giả về nỗi đau, về sự hy sinh của 3 người...

Câu 4. Em có đồng ý với quan điểm của nhân vật tôi sau đây không? Vì sao?: “Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào”. (1.đ)

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ quan điểm, dựa vào kiến thức phân tích nhân vật

Đưa ra quan điểm của bản thân

Lời giải chi tiết:

- HS tự trả lời theo quan điểm sống của cá nhân.

- Tham khảo gợi ý:

+ Đồng tình: làm rõ nội dung của của câu nói (quan điểm: sống trọng nghĩa tình, sống sâu sắc là con người đáng tin); lí do lựa chọn đồng tình.

+ Không đồng tình: làm rõ nội dung của của câu nói; lí do không đồng tình (không sống nặng nề về quá khứ; hãy mở lòng hướng đến tương lại...).

Câu 5. Nhan đề Dòng nhớ được hiểu như thế nào? Tác phẩm chứa đựng triết lý nhân sinh nào? Truyện được viết theo phong cách sáng tác nào, những dấu hiệu nào thể hiện phong cách đó? (1.0đ)

 Phương pháp giải:

Xác định nhan đề được hiểu theo nghĩa nào?

Nhớ lại kiến thức về phong cách sáng tác của tác phẩm truyện

 Lời giải chi tiết:

- Nhan đề Dòng nhớ: được hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Dòng sông là dòng nhớ chở

theo nỗi lòng của 3 con người luôn hướng về nhau.

- Triết lý nhân sinh trong tác phẩm: Con người không thể quên những gì mình đã có; phải sống xa người thương là nỗi đau đớn lớn, vì yêu thương, người ta có thể quên mình...

– Truyện được viết theo phong cách hiện thực:

+ Chú trọng thể hiện mối quan hệ cảnh xã hội với sự hình thành tính cách con

người: tính cách của người nhân vật “ổng” luôn trầm ngâm khắc khoải suy tư

nhớ người vợ cũ bởi sự bội bạc của mình (không chịu được cuốc ống cực khổ bỏ về nhà cưới vợ khác); người vợ hiện tại đau khổ vì chồng luôn nhớ vợ cũ; người vợ xưa luôn nhớ chồng (cắm sào ở bờ sông, thức đêm đan may cho khỏi khóc...)

+ Quan tâm miêu tả một cách chi tiết, những hình ảnh phong phú, phức tạp của hiện thực cuộc sống: nỗi khắc khoải nhớ thương của 3 người (sống với người này lại nhớ người kia...)

II. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn 200 chữ (2.0đ): Cảm nhận của em về vẻ đẹp của 1 trong 2 người phụ nữ (người vợ hiện tại/ người vợ cũ) trong truyện ngắn Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư.

Phương pháp giải:

Lựa chọn 1 trong 2 nhân vật và liệt kê những đặc điểm chính của nhân vật

 Lời giải chi tiết:

Đoạn đảm bảo dung lượng và hướng vào đặc điểm chính của nhân vật sau đây:

- HS có thể chọn nhân vật người vợ hiện tại hoặc người vợ cũ, làm rõ đặc điểm

chính ở họ: Cuộc đời éo le; sống trong buồn tủi nhưng nghĩa tình và sâu sắc; nhân ái, biết cảm thông cho người khác. (HS tự đưa dẫn chứng)

Câu 2. Viết văn bản 600 chữ (4.0đ)

Em hãy bàn luận và thể hiện quan điểm của mình về lòng chung thủy trong tình yêu đôi lứa của thanh niên ngày nay.

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết bài văn

Lời giải chi tiết

Em hãy bàn luận và thể hiện quan điểm của mình về lòng chung thủy trong tình yêu đôi lứa của thanh niên ngày nay.

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Nêu khái quát: Tính cấp thiết vấn đề đối với tuổi trẻ

Thân bài

2,5đ

* Nêu khái niệm và bàn luận về lòng chung thủy trong tình yêu đôi lứa

– Biểu hiện của lòng chung thủy trong tình yêu (lí lẽ, dẫn chứng...)

- Biểu hiện của sự giả dối, không chung thủy và những hệ lụy của nó trong đời sống hiện đại (dẫn chứng từ thực tiễn)

* Quan niệm, chính kiến của bản thân:

- Về lòng chung thủy trong tình yêu

- Ứng xử khi phải đối mặt với sự giả dối, mất niềm tin trong tình yêu

Kết bài

0,5

- Nhận thức của cá nhân về vấn đề

- Hành động của cá nhân (trong tình huống giả định)

Yêu cầu khác

0,5

- Sử dụng các thao tác phân tích so sánh, chứng minh, bình luận

- Dẫn chứng phù hợp với lí lẽ, luận điểm

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí