Đề thi Văn THPT có đáp án (mới nhất) Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Văn (hay nhất)

Đề tham khảo thi THPT môn Văn - Đề số 4 (hay, chi tiết)


HS đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: Câu chuyện tình ở Thanh Trì (Trích) Vũ Trinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

HS đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Câu chuyện tình ở Thanh Trì

(Trích)

Vũ Trinh

Nguyễn Sinh, người Thanh Trì, diện mạo tuấn tú, phong thái đường hoàng, mồ côi cha từ sớm. Thuở nhỏ, Sinh có đi học nhưng vì nhà nghèo, không được học đến nơi đến chốn. Cạnh làng có dòng sông nhỏ, nhà Sinh vốn làm nghề chèo thuyền nên Sinh theo nghề đó. Hồi ấy, ai làm nghề lái đò đều khéo hát bài ca chèo thuyền. Khi nhàn rỗi, Sinh cũng tập hát, có mấy tháng, Sinh đã học thuộc hết các bài ca.

Sinh khuôn mặt đã xinh tươi hơn người, giọng hát lại càng ngọt ngào. Mỗi khi gió mát trăng trong, mỗi khi ban mai vừa rạng, hoàng hôn mới buông, chàng lại gõ nhịp chèo mà hát, khiến ai nghe cũng phải ngất ngây.

Bên bờ sông là nhà phú ông họ Trần, có một cô gái chưa chồng. Nghe Sinh hát, nàng rất ưa, thường ngồi tựa cửa sổ liếc nhìn. Thấy mặt Sinh, nàng lại càng không sao quên được. Nàng lên nhờ con hầu đem khăn tặng Sinh, và dặn nó bảo Sinh sớm nhờ người làm mai mối. Sinh về nhà bàn với mẹ. Mẹ bảo:

- Người ta giàu, nhà mình nghèo. Giàu nghèo cách biệt, con làm sao mơ tưởng được đám ấy!

Sinh thưa

- Đấy là ý nguyện của cô gái!

Rồi ép mẹ đi hỏi. Bà mẹ bất đắc dĩ, phải đem tiền nhờ bà hàng xóm đến thưa chuyện trước với ông Trần. Ông Trần không nhận lời. Bà hàng xóm lại cố nài xin, lại hết lời ca ngợi Sinh đẹp trai, đứng đắn.

Ông Trần tái mặt, nổi giận nói:

- Có phải là thằng lái đò hát xướng không? Nó tài giỏi, đẹp trai, tôi biết cả rồi. Nhưng con gái tôi xấu xí, thô lậu, không xứng đôi phải lửa được với nó đâu. Xin phiền bà từ chối giúp họ.

Bà hàng xóm vừa ra khỏi cửa mấy bước, đã nghe ông nói lớn:

- Cửa nhà như thế này, con gái yêu kiều như thế này, mà lại có thằng rể lái đò à? Mụ ăn mày này thực ngu hết chỗ nói!

Bà mối trở về, kể lại những lời của ông Trần. Mẹ Sinh vừa xấu hổ, vừa tức giận, mắng Sinh, Sinh cũng phẫn uất nói:

- Ông già ấy làm nhục người ta quá lắm, chẳng qua cây có nhiều tiền bạc thôi. Ta thử bỏ nghề chèo thuyền xem có làm giàu được không!

Rồi Sinh từ biệt mẹ ra đi.

Trước đó, cô gái đã biết bố mình sẽ cự tuyệt cuộc hôn nhân, nên rất thất vọng, nhưng không dám đem mối tình u uẩn của mình nói với bố. Biết bố khinh Sinh nhà nghèo, nhân lúc bổ sơ ý, nàng lấy trộm hai trăm lạng vàng, sai người ngầm đưa cho Sinh để làm sinh lễ. Nghe tin Sinh phẫn chí bỏ đi, không biết là đi đâu, trong lòng âm thầm thương xót. Mỗi khi không có ai, nàng lại nhìn bóng mình mà nuốt lệ. Dần dà, nàng sinh bệnh, chân tay rời rã, vóc dáng gầy mòn, trong bụng kết thành một khối rắn như đá, chữa chạy thế nào cũng không khỏi. Cứ như vậy đến hơn một năm thì nàng qua đời. Trước khi mất, nàng dặn lại:

- Trong ngực con chắc có vật gì lạ. Sau khi con mất, xin hoả táng để xem đó là vật gì.

Ông Trần làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lại, ông thấy trong nắm tro xương, sót lại một vật to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc, cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn bên trong thì có bóng một con đò, trên đò có một chàng trai ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Ông nhớ lại chuyện ngày trước, mới hay con gái mình đã chết vì chàng lái đò, hối hận cũng không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, đặt khối đá vào trong, để thờ phía trên giường con gái.

Sinh bỏ nhà, một thân trơ trọi lên đất Cao Bằng, sống dựa vào viên tướng trấn thủ xứ ấy. Vì hát hay nên chàng được quý mến. Hơn một năm sau, trong túi đã có chút của nả. Vài năm sau nữa, Sinh tích góp được hơn ba trăm lạng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để dùng vào việc vui được đấy!”. Rồi Sinh sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, hỏi thăm, được biết mọi chuyện về cái chết của cô gái. Sinh đau xót tuyệt vọng, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Làm lễ xong, ông Trần mời Sinh ở lại dùng cơm. Sinh xin ông cho xem cục đá cất giữ trong hộp. Ông mở hộp lấy ra đưa cho Sinh. Sinh nâng niu cầm lấy, xúc động khóc rống

lên, nước mắt nhỏ xuống khối đá. Bỗng nhiên, khối đã tan ra thành nước, chảy đầm đìa thành máu tươi, ướt đẫm ống tay áo chàng. Sinh xúc động trước mối tình của cô gái, thề không lấy ai nữa. [ ... ]

(Theo Nam Ông mộng lục và những truyện khác, Nhiều tác giả, NXB Văn học, 2001, tr.125-128)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Khi lửa thiêu đã lại, ông thấy trong nắm tro xương, sót lại một vật to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc, cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ.

Câu 3. Nhận xét về đặc điểm của cô gái họ Trần qua đoạn văn sau:

Nghe tin Sinh phẫn chí bỏ đi, không biết là đi đâu, trong lòng âm thầm thương xót. Mỗi khi không có ai, nàng lại nhìn bóng mình mà nuốt lệ. Dần dà, nàng sinh bệnh, chân tay rời rã, vóc dáng gầy mòn, trong bụng kết thành một khối rắn như đá, chữa chạy thế nào cũng không khỏi. Cứ như vậy đến hơn một năm thì nàng qua đời.

Câu 4. Phân tích tác dụng của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong văn bản.

Câu 5. Qua bi kịch của cô gái họ Trần, tác giả muốn thể hiện thái độ, tình cảm gì?

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. Từ số phận của cô gái họ Trần trong văn bản, bạn hãy trình bày suy nghĩ của mình về người phụ nữ trong xã hội hiện nay. (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 10-12 câu)

Câu 2. Có ý kiến cho rằng: Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn.

Dưới góc nhìn của người trẻ, bạn hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày quan điểm của bản thân về ý kiến trên.

Đáp án

Phần I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại kiến thức về ngôi kể

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên được kể theo ngôi thứ 3

Câu 2. Chỉ ra 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Khi lửa thiêu đã lại, ông thấy trong nắm tro xương, sót lại một vật to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc, cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ.

 Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức về biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Gợi ý: biện pháp so sánh: đỏ như son, trong như gương

Giúp người đọc hình dung cụ thể hơn về vật thể lạ

Giúp câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn

Câu 3. Nhận xét về đặc điểm của cô gái họ Trần qua đoạn văn sau:

Nghe tin Sinh phẫn chí bỏ đi, không biết là đi đâu, trong lòng âm thầm thương xót. Mỗi khi không có ai, nàng lại nhìn bóng mình mà nuốt lệ. Dần dà, nàng sinh bệnh, chân tay rời rã, vóc dáng gầy mòn, trong bụng kết thành một khối rắn như đá, chữa chạy thế nào cũng không khỏi. Cứ như vậy đến hơn một năm thì nàng qua đời.

 Phương pháp giải:

Dựa vào thông tin trong văn bản

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm của cô gái họ Trần qua đoạn văn bản:

Tính cách: Chung thủy, đa sầu đa cảm

Ngoại hình: Chân tay rời rã, vóc dáng gầy mòn, trong bụng kết thành một khối rắn như đá

Câu 4. Phân tích tác dụng của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong văn bản.

 Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức về yếu tố kì ảo

Lời giải chi tiết:

Yếu tố kì ảo: “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng”

Tác dụng:

+ Chi tiết kì ảo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

+ Chi tiết cho thấy nỗi đau đớn của chàng trai trước sự ra đi của cô gái. Giọt nước mắt của chàng trai là giọt nước mắt của sự thấu hiểu, của yêu thương và đau xót vô hạn khi người mình yêu vĩnh viễn ra đi.

+ Khối đỏ kia tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng đem đến liên tưởng cho người đọc về sự hóa giải oan tình, để người ra đi được thanh thản…

Câu 5. Qua bi kịch của cô gái họ Trần, tác giả muốn thể hiện thái độ, tình cảm gì?

 Phương pháp giải:

Rút ra bi kịch tình yêu của cô gái họ Trần

Từ những chi tiết cụ thể, suy ra thái độ của tác giả

 Lời giải chi tiết:

HS nêu quan điểm của bản thân

Gợi ý:

- Tác giả muốn thể hiện suy nghĩ về tình yêu thời phong kiến:

+ Khát vọng tình yêu là khát vọng chính đáng của con người ở mọi thời. Những đôi lứa sống trong xã hội phong kiến mong muốn tình yêu tự do, muốn vượt lên khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối”,...

+ Tình yêu của nhiều cặp đôi vấp phải những sự ngăn cản, cấm đoán đến từ gia đình, xã hội.

+ Dù cho bị ngăn cản, nhưng những đôi lứa vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho nhau, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ.

II. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. Từ số phận của cô gái họ Trần trong văn bản, bạn hãy trình bày suy nghĩ của mình về người phụ nữ trong xã hội hiện nay. (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 10-12 câu)

Phương pháp giải:

Dựa vào phần phân tích đọc hiểu ở trên, suy ra số phận của cô gái họ Trần trong văn bản

Xác định yêu cầu về nội dung và hình thức của bài

Dựa vào kĩ năng viết đoạn văn trình bày suy nghĩ

 Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội.

- Họ chính là những người thắp sáng ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình. Người phụ nữ Việt Nam mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự đảm đang, hiền dịu, thủy chung.

- Ngoài ra, phụ nữ ngày nay còn ngày càng khẳng định được vị trí và tầm quan trọng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

- Trong quá khứ, chúng ta đã từng có những người phụ nữ anh dũng, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Còn trong thời bình, phụ nữ vẫn giữ vững tinh thần đó để xây dựng đất nước phát triển.

- Bên cạnh đó, vẫn còn tồn đọng nhiều thực trạng đáng buồn về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ. Điều này đòi hỏi mọi người cần lên án và chấm dứt tình trạng này. Mỗi người hãy yêu thương và trân trọng người phụ nữ bên cạnh mình vì họ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp nhất.

Câu 2. Có ý kiến cho rằng: Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn.

Dưới góc nhìn của người trẻ, bạn hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày quan điểm của bản thân về ý kiến trên.

Phương pháp giải

Xác định yêu cầu đề bài: Về hình thức: bài văn khoảng 600 chữ, về nội dung: Xác định luận đề trong ngữ liệu và viết bài luận bàn luận

Dựa vào kĩ năng viết bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý

Lời giải chi tiết

I. Mở bài: Dẫn dắt vấn đề

- Thất bại không phải là điều gì quá xa lạ trong cuộc sống. Ai trong chúng ta cũng từng đối mặt với thất bại, dù là trong học tập, công việc hay trong các mối quan hệ.

- Có ý kiến cho rằng: "Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn". Đây là một quan điểm có tính tích cực, khuyến khích chúng ta không từ bỏ mà thay vào đó nhìn nhận thất bại như một bước đệm để vươn lên mạnh mẽ hơn.

II. Thân bài

1. Thất bại là một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi và phát triển

- Khi thất bại, chúng ta thường cảm thấy đau đớn và thất vọng, nhưng đó chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại những sai lầm của mình và rút ra bài học quý giá. - Nếu không có thất bại, chúng ta sẽ không biết được mình thiếu sót ở đâu và làm thế nào để cải thiện bản thân.

- Minh chứng: Thomas Edison

2. Thất bại giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về mục tiêu và khát vọng của mình.

- Khi đối mặt với thất bại, con người buộc phải đối diện với thực tế và đặt câu hỏi về lý do tại sao mình không thành công. Từ đó, họ sẽ có cơ hội để điều chỉnh lại mục tiêu, chiến lược hoặc phương pháp thực hiện.

- Chúng ta sẽ không dễ dàng đánh mất hy vọng mà sẽ tìm ra cách để đạt được thành công một cách hiệu quả hơn.

- Minh chứng: Steve Jobs

3. Thất bại có thể là cơ hội để khám phá những khả năng tiềm ẩn mà trước đây chúng ta chưa từng nhận ra.

- Khi thất bại, ta thường có động lực mạnh mẽ để vươn lên và cải thiện bản thân.

- Thực tế, nhiều phát minh, sáng kiến lớn xuất phát từ những thất bại của những nhà khoa học, nhà phát minh. Thất bại đã giúp họ đi tìm ra phương pháp hoặc sản phẩm tốt hơn.

4. Phản đề

- Thất bại chỉ thực sự trở thành cơ hội nếu chúng ta biết đứng dậy sau vấp ngã, học hỏi từ những sai lầm và tiếp tục cố gắng. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và tinh thần cầu tiến.

- Chúng ta không thể chỉ ngồi chờ cơ hội đến mà phải chủ động tạo ra cơ hội từ chính những thất bại của mình.

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề

Tóm lại, thất bại chính là cơ hội để chúng ta khởi đầu lại một cách hoàn hảo hơn. Nó là bước đệm cho sự trưởng thành và thành công sau này. Thất bại không phải là điểm kết thúc, mà là một phần không thể thiếu trong hành trình đi đến thành công.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí