Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 2 CD - Đề số 1


Họa mi hót Mùa xuân! Mỗi khi hoạ mi tung ra những tiếng hót vang lừng, mọi vật như có sự thay đổi kì diệu! Trời bỗng sáng thêm ra. Những luồng ánh sáng chiếu qua các chùm lộc mới hoá rực rỡ hơn. Những gợn sóng trên hồ hoà nhịp với tiếng hoạ mi hót, lấp lánh thêm. Da trời bỗng xanh cao.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Họa mi hót

            Mùa xuân! Mỗi khi hoạ mi tung ra những tiếng hót vang lừng, mọi vật như có sự thay đổi kì diệu!

            Trời bỗng sáng thêm ra. Những luồng ánh sáng chiếu qua các chùm lộc mới hoá rực rỡ hơn. Những gợn sóng trên hồ hoà nhịp với tiếng hoạ mi hót, lấp lánh thêm. Da trời bỗng xanh cao. Những làn mây trắng trắng hơn, xốp hơn, trôi nhẹ nhàng hơn. Các loài hoa nghe tiếng hót trong suốt của hoạ mi chợt bừng giấc, xoè những cánh hoa đẹp, bày đủ các màu sắc xanh tươi. Tiếng hót dìu dặt của hoạ mi giục các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng, ca ngợi núi sông đang đổi mới.

            Chim, mây, nước và hoa đều cho rằng tiếng hót kì diệu của hoạ mi đã làm cho tất cả bừng giấc… Hoạ mi thấy lòng vui sướng, cố hót hay hơn nữa.

(Võ Quảng)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Bài văn nói về tiếng hót của hoạ mi vào thời gian nào?

A. Mùa xuân

B. Mùa hè

C. Mùa thu

D. Mùa đông

Câu 2. Chim, hoa, mây, nước nghĩ như thế nào về tiếng hót kì diệu của hoạ mi?

A. Họa mi hót báo hiệu mùa xuân đến.

B. Tiếng hót của họa mi giục các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng.

C. Tiếng hót của họa mi làm cho tất cả bừng giấc.

D. Tiếng hót của họa mi làm cho tất cả các loài chim khác cùng hót theo.

Câu 3. Họa mi thấy trong lòng như thế nào và họa mi đã làm gì?

A. Hoạ mi thấy rất tự hào, cất lên tiếng hót mê li.

B. Họa mi thấy lòng vui sướng, cố hót hay hơn nữa.

C. Họa mi kiêu hãnh, không hót nữa.

D. Hoạ mi thấy buồn và không hót nữa.

Câu 4Câu: “Da trời bỗng xanh cao.” được cấu tạo theo mẫu câu nào?

A. Câu giới thiệu.

B. Câu nêu hoạt động.

C. Câu nêu đặc điểm.

D. Câu giới thiệu và nêu hoạt động.

Câu 5. Trong câu: “Da trời bỗng xanh cao.” có mấy từ chỉ đặc điểm?

A. Có 1 từ. Đó là: …………………………………………………………

B. Có 2 từ. Đó là: …………………………………………………………

C. Có 3 từ. Đó là: …………………………………………………………

D. Không có từ nào chỉ đặc điểm.

Câu 6. Qua bài đọc, em có nhận xét gì về chim hoạ mi?

Câu 7. Dòng nào chỉ gồm các từ chỉ đặc điểm?

A. xanh tươi, núi sông, rực rỡ, bừng giấc.

B. rực rỡ, xanh tươi, trôi, hót.

C. xanh tươi, kì diệu, mây, bừng giấc.

D. rực rỡ, xanh tươi, kì diệu, hay.

Câu 8. Hãy đặt một câu có từ chỉ hoạt động nói về một loài chim mà em yêu thích, trong đó có sử dụng dấu chấm than (!). Gạch một gạch dưới từ chỉ hoạt động đó.

B. Kiểm tra viết

1. Nghe viết

Một chuyến đi

Bè chúng tôi theo dòng nước trôi băng băng.

Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt. Trông thấy cả hòn cuội trắng tinh nằm dưới đáy. Nhìn hai bên ven sông, phong cảnh đổi thay đủ điều ngoạn mục. Cỏ cây và những làng gần, núi xa luôn luôn mới.

2. Viết 4 – 5 câu kể lại việc làm góp phần giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp.

-------- Hết --------

Lời giải

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. A

2. C

3. B

4. C

5. B

7. D

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Bài văn nói về tiếng hót của hoạ mi vào thời gian nào?

A. Mùa xuân

B. Mùa hè

C. Mùa thu

D. Mùa đông

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ nhất để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Bài văn nói về tiếng hót của hoạ mi vào mùa xuân.

Đáp án A.

Câu 2. Chim, hoa, mây, nước nghĩ như thế nào về tiếng hót kì diệu của hoạ mi?

A. Họa mi hót báo hiệu mùa xuân đến.

B. Tiếng hót của họa mi giục các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng.

C. Tiếng hót của họa mi làm cho tất cả bừng giấc.

D. Tiếng hót của họa mi làm cho tất cả các loài chim khác cùng hót theo.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Chim, hoa, mây, nước nghĩ tiếng hót của họa mi làm cho tất cả bừng giấc.

Đáp án C.

Câu 3. Họa mi thấy trong lòng như thế nào và họa mi đã làm gì?

A. Hoạ mi thấy rất tự hào, cất lên tiếng hót mê li.

B. Họa mi thấy lòng vui sướng, cố hót hay hơn nữa.

C. Họa mi kiêu hãnh, không hót nữa.

D. Hoạ mi thấy buồn và không hót nữa.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn cuối để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Họa mi thấy trong lòng vui sướng, cố hót hay hơn nữa.

Đáp án B.

Câu 4Câu: “Da trời bỗng xanh cao.” được cấu tạo theo mẫu câu nào?

A. Câu giới thiệu.

B. Câu nêu hoạt động.

C. Câu nêu đặc điểm.

D. Câu giới thiệu và nêu hoạt động.

Phương pháp giải:

Em dựa vào từ loại được kết hợp trong câu để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Câu: “Da trời bỗng xanh cao.” là câu nêu đặc điểm.

Đáp án C.

Câu 5. Trong câu: “Da trời bỗng xanh cao.” có mấy từ chỉ đặc điểm?

A. Có 1 từ. Đó là: …………………………………………………………

B. Có 2 từ. Đó là: …………………………………………………………

C. Có 3 từ. Đó là: …………………………………………………………

D. Không có từ nào chỉ đặc điểm.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại về từ chỉ đặc điểm.

Lời giải chi tiết:

Trong câu: “Da trời bỗng xanh cao.” có 2 từ chỉ đặc điểm là cao, xanh.

Đáp án B.

Câu 6. Qua bài đọc, em có nhận xét gì về chim hoạ mi?

Phương pháp giải:

Em nêu cảm nhận về tiếng hót của chim hoạ mi.

Lời giải chi tiết:

Chim họa mi là một loài chim có tiếng hót rất hay. Tiếng hót của chim họa mi mang lại sức sống cho muôn loài.

Câu 7. Dòng nào chỉ gồm các từ chỉ đặc điểm?

A. xanh tươi, núi sông, rực rỡ, bừng giấc.

B. rực rỡ, xanh tươi, trôi, hót.

C. xanh tươi, kì diệu, mây, bừng giấc.

D. rực rỡ, xanh tươi, kì diệu, hay.

Phương pháp giải:

Em xác định từ loại trong các đáp án.

Lời giải chi tiết:

Dòng chỉ gồm các từ chỉ đặc điểm là rực rỡ, xanh tươi, kì diệu, hay.

Đáp án D.

Câu 8. Hãy đặt một câu có từ chỉ hoạt động nói về một loài chim mà em yêu thích, trong đó có sử dụng dấu chấm than (!). Gạch một gạch dưới từ chỉ hoạt động đó.

Phương pháp giải:

Em lựa chọn một hoạt động của loài chim em thích để đặt câu có sử dụng dấu chấm than.

Lời giải chi tiết:

HS có thể đặt câu:

+ Chú chim sâu bắt sâu giỏi lắm!

+ Chim công múa đẹp tuyệt!

+ Chim họa mi hót hay tuyệt!

B. Kiểm tra viết

1. Nghe viết

HS viết khoảng 65 chữ

- Đúng kiểu chữ, cỡ chữ

- Đúng tốc độ, đúng chính tả

- Trình bày sạch đẹp

2. Viết 4 – 5 câu kể lại việc làm góp phần giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp.

Phương pháp giải:

Em hãy trả lời các câu hỏi sau để tìm ý viết đoạn văn:

- Em đã tham gia làm việc gì? Khi nào?

- Em tham gia làm công việc đó như thế nào?

- Em cảm thấy thế nào khi làm công việc đó? (Vui mừng, hạnh phúc vì vừa làm được một việc làm tốt)

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Thứ 6 tuần vừa qua, trường em có một tổng vệ sinh toàn trường. Lớp em được phân công dọn sạch cỏ ở bồn hoa trước cửa lớp. Chúng em đã chia thành các nhóm nhỏ để làm việc. Những đám cỏ dại được chúng em nhổ sạch. Sau đó chúng em thu gom cỏ vừa nhổ và để đúng nơi quy định. Sau khi được dọn cỏ, bồn hoa trước cửa lớp đã trở nên gọn gàng, sạch đẹp. Những bông hoa có nhiều không gian hơn để sinh trưởng. Tuy chỉ là một việc làm nhỏ nhưng chúng em cảm thấy rất vui vì đã góp phần làm đẹp cho môi trường.

Bài tham khảo 2:

Hưởng ứng phong trào "Trồng cây mùa xuân", em và các bạn cùng lớp đã mang đến thật nhiều cây hoa và những cây bàng nhỏ. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, chúng em đã xới đất và ươm những dây hoa mười giờ vào bồn hoa trước cửa lớp. Những cây bàng non mà chúng em mang đến được mang ra phía đất trống sau trường. Thầy cô và các anh chị lớp 5 đào những hố đất nhỏ để trồng cây xuống. Chúng em làm nhiệm vụ tưới cây sau khi cây đã được trồng xong. Buổi lao động tuy mệt nhưng rất vui. Chúng em được góp một phần nhỏ bé để làm cho khuôn viên trường học trở nên xanh, sạch, đẹp.

Bài tham khảo 3:

Để góp phần giữ gìn vệ sinh lớp học, cứ mỗi cuối buổi sẽ có một bạn nhận nhiệm vụ đi đổ rác và lau bảng, giặt khăn. Hôm nay đến lượt em làm nhiệm vụ đó. Đầu tiên, em đem khăn lau bảng đi giặt rồi về lau bảng cho thật sạch. Sau đó, em mới lấy túi rác ở góc lớp đi vứt ở phòng chứa rác, và trở về lồng túi rác mới cho thùng rác. Tuy điều em làm không quá to lớn, nhưng nó cũng đã góp phần giúp lớp học trở nên sạch sẽ nên em rất vui vẻ và hạnh phúc.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt lớp 2 - Cánh diều - Xem ngay