Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 1>
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: GỌI CHO MẸ (Tanya Alelasjitsuke)
Đề thi
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
GỌI CHO MẸ
(Tanya Alelasjitsuke)
Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào… Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào…
Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón Mẹ biết con đang bận rộn bao điều… Mẹ biết lắm, nên chỉ cần chút ít Mẹ muốn con biết mẹ ngóng con nhiều…
Nếu con về, mẹ pha trà, nướng bánh, Mẹ nhớ con thuở bé thích ăn chi… |
Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi…
Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp, Mọi thứ đủ dùng… Mẫu tử tình sâu… Mẹ còn sống thì con còn được bé, Thấu điều này, phải tới những ngày sau…
Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết, Những ngày đời, con ạ, rất mau qua… Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi, Tuyết ngập trời… mà chả thấy ai thưa |
(Hồng Thanh Quang dịch từ tiếng Nga – giaoducthoidai.vn)
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định thể thơ của tác phẩm và luật bằng trắc của khổ thơ đầu.
Câu 2 (0.5 điểm): Xác định nhân vật trữ tình và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Câu 3 (1.0 điểm): Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 2 dòng thơ: “Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt/ Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào...” và cho biết vì sao người mẹ nói: “Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận/ Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...”?
Câu 4 (1.0 điểm): Phân tích một số từ ngữ, biện pháp tu từ làm nổi bật hình ảnh người mẹ (cảnh ngỏ, cảm xúc, tâm trạng, mong muốn) trong bài thơ.
Câu 5 (1.0 điểm): Cảm nhận của em về người con trong bài thơ? Và cho biết cảm xúc của em trước hai dòng cuối bài: “Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi/Tuyết ngập trời... mà chả thấy ai thưa...”?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn nghị luận (khoảng 150 chữ) phân tích giá trị của khổ thơ thứ 4 trong bài bài thơ Gọi cho mẹ. (ở phần đọc hiểu trên).
Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn (400 - 500 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về những điều được gợi ra ở khổ thơ cuối của bải thơ Gọi cho mẹ:
Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết,
Những ngày đời, con ạ, rất mau qua...
Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi,
Tuyết ngập trởi... mà chả thấy ai thưa...
(Hồng Thanh Quang dịch từ tiếng Nga - giaoducthoidai.vn)
Đáp án
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1.
Xác định thể thơ của tác phẩm và luật bằng trắc của khổ thơ đầu. |
Phương pháp:
Dựa vào đặc trưng thể loại (số tiếng, số câu, gieo vần, luật bằng trắc)
Yêu cầu luật bằng trắc của thơ 8 chữ: chữ thứ 8 có thanh trắc thì chữ thứ 3 trắc, chữ thứ 5 và 6 bằng; Chữ thứ 8 có thanh bằng thì chữ thứ 3 bằng, chữ thứ 5 và 6 trắc.
Lời giải chi tiết:
- Thể thơ: 8 chữ
- Về luật bằng trắc ở khổ thơ đầu:
Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được
Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào…
Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt
Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào…
=> Ba dòng thơ đầu khổ: chữ thứ 6 không tuân thủ luật bằng trắc của thể thơ 8 chữ (có thể coi đó là sáng tạo luật bằng trắc của nhà thơ)
=> Dòng thơ cuối khổ tuân thủ luật bằng trắc của thơ tám chữ
Câu 2.
Xác định nhân vật trữ tình và cảm hứng chủ đạo của bài thơ. |
Phương pháp:
Dựa vào đặc điểm nhân vật, nhân vật trữ tình trong thơ 8 chữ
Lời giải chi tiết:
- Nhân vật trữ tình: người mẹ nơi quê nhà
- Cảm hứng chủ đạo: thương cảm (người mẹ già nơi quê nhà đang ngóng chờ con)
Câu 3.
Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 2 dòng thơ: “Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt/ Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào...” và cho biết vì sao người mẹ nói: “Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận/ Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...”? |
Phương pháp:
Đọc kĩ 2 dòng thơ, phân tích nét đặc sắc về nghệ thuật theo gợi ý:
- Thủ pháp nghệ thuật gì?
- Dấu câu có gì đặc biệt?
- Nội dung 2 dòng thơ bộc lộ cảm xúc gì?
Lời giải chi tiết:
- Sử dụng thủ pháp đối lập: xuân trào >< đông giá buốt => hình ảnh hàm xúc, giàu sức gợi để diễn tả hiện thực và cảm xúc của lòng người: buốt giá, xuân trào được hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng, mùa đông lạnh lẽo, sự trống vắng của lòng người mẹ, ngôi nhà mẹ khi thiếu vắng bóng con; nhà con tưng bừng mùa xuân, đông vui, náo nhiệt.
- Dấu 3 chẩm lửng (...) gợi ra bao cảnh đông vui của mùa xuân nơi cửa nhà con chưa kể hết
- Hai dòng thơ không chỉ diễn tả nỗi khao khát cháy bỏng trong lòng mẹ mà còn gợi bao nỗi thương cảm về người mẹ già nhớ con nơi xa.
- Người mẹ nói: “Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận/ Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...” Vì mẹ biết mình đã già, luôn mong ngóng con, lo ngại sẽ làm phiền con... nhưng mẹ không thể nói vì lo lắng con quên mất mẹ...
Câu 4.
Phân tích một số từ ngữ, biện pháp tu từ làm nổi bật hình ảnh người mẹ (cảnh ngỏ, cảm xúc, tâm trạng, mong muốn) trong bài thơ. |
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp tu từ, từ ngữ: điệp ngữ, điệp cấu trúc…
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp tu từ, từ ngữ:
+ Điệp ngữ, điệp cấu trúc câu: “Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón/Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp; Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được/Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết” đứng đầu các khổ thơ đã diễn tả nỗi mong ngóng cháy dạ, nỗi khát khao đến khắc khoải của người mẹ được con gọi điện, được con về thăm.
+ Từ ngữ: Một lần cũng được; Gọi chơi thôi, hỏi thăm; lỡ... ngày mau qua; chả thấy ai thưa => mang đến cho người đọc bao sự tưởng tượng, hình dung đau lòng: con quên mẹ, con chưa gọi chưa về... mà mẹ đã đi xa ...
- Người mẹ:
+ Cảnh ngộ: già nua nơi quê nhà đang mong ngóng con.
+ Tha thiết mong con gọi điện hoặc trở về thăm mẹ.
+ Người mẹ nhân hậu, thấu hiểu con, luôn sẵn sàng chăm sóc con mà không đòi hỏi gì.
+ Người mẹ lo lắng một ngày bị quên lãng và không nghe tiếng con gọi.
Câu 5.
Cảm nhận của em về người con trong bài thơ? Và cho biết cảm xúc của em trước hai dòng cuối bài: “Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi/Tuyết ngập trời... mà chả thấy ai thưa...”? |
Phương pháp:
Đọc kĩ bài thơ, chú ý các chi tiết về người con
Lời giải chi tiết:
- Về người con:
+ Đã lâu không gọi điện hỏi thăm, không về thăm mẹ.
+ Không hiểu nỗi lòng của mẹ, tưởng thời gian còn rất dài.
+ Để mẹ nhớ mong khắc khoải.
+ Đứa con còn non dại (Mẹ còn sống thì con còn được bé/Thấu điều này, phải tới những ngày sau...)
- Cảm xúc trước 2 câu thơ cuối: HS trả lời theo cảm xúc chân thành của cá nhân.
PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)
Câu 1.
Viết đoạn nghị luận (khoảng 150 chữ) phân tích giá trị của khổ thơ thứ 4 trong bài bài thơ Gọi cho mẹ. |
Phương pháp:
Dựa vào đặc điểm thơ 8 chữ
Phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật, cảm xúc mà khổ thơ thứ 4 muốn truyền tải theo các ý:
- Khát khao của người mẹ nhân hậu, giàu tình cảm và nỗi nhớ thương nhắn nhủ tới con mình: mẹ khao khát tình mẫu tử.
- Nhắn nhủ con quy luật ở đời: còn mẹ là con còn nhỏ dại và được yêu thương.
- Đặc điểm nghệ thuật: ngôn ngữ giản dị, sâu lắng; thấm đẫm triết lý; đối thoại mẹ con dịu dàng, trìu mến, tha thiết (về thăm nhé).
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo
Từ lâu, hình ảnh người mẹ đã là đề tài quen thuộc trong văn học nói chung và trong thơ ca nói riêng. Đã có rất nhiều tác phẩm viết về hình ảnh người mẹ thật sâu sắc, nhẹ nhàng, trầm ấm như Bà má Hậu Giang, Mẹ Tơm của Tố Hữu, hay là Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Du. Thế nhưng khi đến với bài thơ Tanya Alelasjitsuke của nhà văn Hồng Thanh Quang dịch lên, ta mới thêm thấm thía về hình bóng thân thương vẻ đẹp cao cả của người mẹ. Đó là bài thơ nói về tấm lòng người mẹ, biết bao trăn trở, suy tư, suy nghĩ của mẹ hướng về con khi mà con đã đi xa. Người mẹ chỉ ấp ủ, mong chờ một lần để con được về thăm, mẹ không cần gì những món quà to lớn, chỉ cần con được bình yên trở về. Đến khi nào mà mẹ còn sống trên cõi đời này thì những ngày ấy con vẫn là đứa con thơ bé của mẹ, mẹ chỉ ước mong con thấu hiểu những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa, thiêng liêng này. Đến khi con đã khôn lớn, trưởng thành, con vẫn phải luôn nhớ về mẹ. Người mẹ sẽ không thể đi tiếp cùng con đến hết cuộc đời, nhưng người mẹ là người dạy con cách vững vàng bước tiếp, có đọc mới thấm thía được những giá trị mà bài thơ mang đến cho ta. Mẹ đã vì con mà không ngại vất vả, khó nhọc, gian khổ, vậy nên bài thơ là lời nhắn nhủ đến mọi người rằng phải biết trân trọng mẹ khi còn có thể. Đồng thời cũng là lời phê phán và cảnh tỉnh cho những đứa con vô tâm, thờ ơ phải biết nhận thức được tình mẹ bao la, rộng lớn, thiêng liêng đến thế nào và bày tỏ tình yêu thương đối với đấng sinh thành - người mẹ.
Câu 2.
Viết bài văn (400 - 500 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về những điều được gợi ra ở khổ thơ cuối của bải thơ Gọi cho mẹ: Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết, Những ngày đời, con ạ, rất mau qua... Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi, Tuyết ngập trởi... mà chả thấy ai thưa... (Hồng Thanh Quang dịch từ tiếng Nga - giaoducthoidai.vn) |
Phương pháp:
Nêu vấn đề nghị luận/luận đề
Làm rõ nội dung trong khổ thơ
Bàn luận vấn đề trong thực tiễn
Nhận thức và hành động của cá nhân
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở bài
- Nêu vấn đề nghị luận/luận đề: Hãy gọi về thăm mẹ đi, thời gian trôi nhanh lắm/
- Nêm tầm quan trọng của vấn đề.
2. Thân bài
* Làm rõ nội dung trong khổ thơ:
- Thời gian trôi rất mau, hãy gọi về thăm mẹ đi.
- Lỡ mai có gọi cũng chỉ chả có ai thưa (chỉ còn tuyết lạnh).
-> Ý nghĩa của khổ thơ: Hãy quan đến mẹ, về thăm mẹ khi chưa muộn.
* Bàn luận vấn đề trong thực tiễn.
- Có người con thấu hiểu, luôn quan tâm đến mẹ.
- Có người chưa quan tâm đến mẹ.
=> Phân tích lý do, ý nghĩa của từng cách ứng xử với cha mẹ.
* Nhận thức và hành động của cá nhân.
- Trước đây.
- Trong hiện tại.
- Tương lai gần.
3. Kết bài
- Lời nhắn nhủ của cá nhân đến những người làm con
- Đề nghị những hành động cụ thể
Bài tham khảo
Khổ thơ cuối của bài thơ “Gọi cho mẹ” đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu sắc về tình mẫu tử, sự trân trọng thời gian, và ý thức sống có trách nhiệm với gia đình. Qua lời thơ dung dị nhưng thấm thía, tác giả không chỉ gợi nhắc tình yêu thương dành cho mẹ mà còn gửi đến chúng ta một thông điệp về ý nghĩa của sự gắn bó trong những mối quan hệ thân thuộc.
Câu thơ mở đầu khơi gợi hình ảnh mùa thu – mùa của sự giao thoa, mang nét buồn man mác nhưng đầy ấm áp. Hình ảnh “thu còn chưa hết” không chỉ là ẩn dụ về thời gian, mà còn nhấn mạnh rằng cuộc đời mỗi người là hữu hạn. “Những ngày đời, con ạ, rất mau qua...” – lời nhắn nhủ giản dị nhưng chân thành của người mẹ tựa như một hồi chuông cảnh tỉnh: chúng ta không nên lãng phí thời gian quý báu để yêu thương, để chia sẻ.
Khổ thơ tiếp tục làm nổi bật nỗi lo lắng thầm kín của người mẹ: nếu ngày mai con muốn gọi, liệu mẹ có còn ở đó để nghe? Hình ảnh “tuyết ngập trời... mà chả thấy ai thưa” gợi lên một không gian lạnh lẽo, cô đơn, giống như sự vắng bóng của người thân yêu. Đây không chỉ là lời cảnh báo về sự vô thường của cuộc sống, mà còn là lời thúc giục mỗi người cần biết trân trọng những điều giản dị, gần gũi trong hiện tại.
Khổ thơ cuối, qua lời dịch đầy cảm xúc của Hồng Thanh Quang, đã chạm đến trái tim người đọc bằng sự chân thực và sâu sắc. Tình mẹ là thứ tình cảm vĩnh cửu và thiêng liêng, nhưng nhiều khi lại bị xem nhẹ trong vòng xoay hối hả của cuộc sống. Chúng ta có thể mải mê chạy theo thành công, danh vọng, nhưng đôi khi chỉ cần một cuộc gọi cho mẹ đã đủ làm ấm lòng người ở nhà.
Khép lại bài thơ, người đọc không khỏi tự vấn bản thân: liệu mình đã dành đủ thời gian để quan tâm đến mẹ chưa? Những lời nhắc nhở trong khổ thơ cuối không chỉ dành cho một ai, mà là dành cho tất cả. Đó là lời kêu gọi biết sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, và trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình.
Trong nhịp sống hiện đại, “Gọi cho mẹ” như một thông điệp giản đơn nhưng sâu sắc, nhắc nhở rằng chúng ta không nên đợi đến “tuyết ngập trời” mới nhận ra ý nghĩa của những điều bình dị trong cuộc sống. Hãy gọi cho mẹ, khi ta còn có thể.