Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4
Đề bài
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Đường đi Sa Pa (Trang 102 - TV4/ Tập 2)
2. Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất (Trang 114 - TV4/ Tập 2)
3. Dòng sông mặc áo (Trang 118 - TV4/ Tập 2)
4. Ăng-co Vát (Trang 123 - TV4/ Tập 2)
5. Con chuồn chuồn nước (Trang 127 - TV4/ Tập 2)
6. Vương quốc vắng nụ cười (tiếp theo) (Trang 143 - TV4/ Tập 2)
7. Con chim chiền chiện (Trang 148 - TV4/ Tập 2)
8. Ăn “mầm đá” (Trang 157 - TV4/ Tập 2)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Đi xe ngựa
Chiếc xe cùng con ngựa Cú của anh Hoàng đưa tôi từ chợ quận trở về. Anh là con của chú Tư Khởi, người cùng xóm, nhà ở đầu cầu sắt. Nhà anh có hai con ngựa, con Ô với con Cú. Con Ô cao lớn, chạy buổi sáng chở được nhiều khách và khi cần vượt qua xe khác để đón khách, anh chỉ ra roi đánh gió một cái tróc là nó chồm lên, cất cao bốn vó, sải dài, và khi tiếng kèn anh bóp tò te tò te, thì nó qua mặt chiếc trước rồi. Còn con Cú, nhỏ hơn, vừa thấp lại vừa ngắn, lông vàng như lửa. Nó chạy buổi chiều, ít khách, nó sải thua con Ô, nhưng nước chạy kiệu rất bền. Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường lóc cóc, đều đều thiệt dễ thương. Tôi thích nó hơn con Ô, vì tôi có thể trèo lên lưng nó mà nó không đá. Mỗi lần về thăm nhà, tôi thường đi xe của anh. Anh cho tôi đi nhờ, không lấy tiền. Thỉnh thoảng đến những đoạn đường vắng, anh trao cả dây cương cho tôi.
Cầm được dây cương, giựt giựt cho nó chồm lên, thú lắm.
Theo Nguyễn Quang Sáng
1. Câu “Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường lóc cóc, đều đều thiệt dễ thương.” Miêu tả đặc điểm của con ngựa nào? (0.5 điểm)
A. Con Ô
B. Con Cú
C. Cả con Ô và con Cú
D. Con của con Ô và con Cú
2. Vì sao tác giả thích con ngựa Cú hơn con ngựa Ô? (0.5 điểm)
A. Vì nó chở được nhiều khách
B. Vì nước chạy kiệu của nó rất bền
C. Vì có thể trèo lên lưng nó mà nó không đá
D. Vì nó giống mới con ngựa đã mất khi trước của tác giả
3. Vì sao tác giả rất thích thú khi ngồi xe ngựa của anh Hoàng? (0.5 điểm)
A. Vì xe ngựa của anh Hoàng thường phát nhạc nghe rất vui tai.
B. Vì tác giả yêu thích hai con ngựa, mỗi lần về quê anh Hoàng thường cho đi nhờ không lấy tiền.
C. Ngồi xe ngựa, thỉnh thoảng anh Hoàng còn cho cầm dây cương, rất thú vị.
D. Cả B và C.
4. Câu “Thỉnh thoảng đến những đoạn đường vắng, anh trao cả dây cương cho tôi.” Thuộc kiểu câu gì? (0.5 điểm)
A. Câu kể
B. Câu khiến
C. Câu hỏi
D. Câu cảm
5. Xác định chủ ngữ trong câu: “Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường lóc cóc, đều đều, thiệt dễ thương.”? (0.5 điểm)
A. Cái tiếng vó
B. Cái tiếng vó của nó
C. Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường
D. Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường lóc cóc
6. Nội dung chính của đoạn văn trên là gì? (0.5 điểm)
A. Nói về hai con ngựa kéo xe khách.
B. Nói về một chuyến đi
C. Nói về cái thú đi xe ngựa
D. Nói về cách thuần dưỡng ngựa.
7. Tìm các tính từ trong câu “Con Cú, nhỏ hơn, vừa thấp lại vừa ngắn, lông vàng như lửa.” (1 điểm)
8. Thêm trạng ngữ thích hợp vào chỗ chấm cho mỗi câu sau: (1 điểm)
a/ ...................................., miền Bắc hoa đào khoe sắc hồng, miền Nam hoa mai vàng rực rỡ.
b/ ...................................., những chú chim đua nhau hót véo von.
c/ ...................................., em luôn cố gắng học giỏi.
d/ ...................................., Rùa đã thắng Thỏ.
9. Đặt một câu cảm cho mỗi tình huống sau: (1 điểm)
a/ Bày tỏ sự ngạc nhiên của em khi được bạn tặng quà sinh nhật.
b/ Bộc lộ cảm xúc mừng rỡ khi ông bà đến thăm em.
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Hoa sầu đâu
Vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu ở vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bé, lấm tấm mấy chấm đen nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Cứ đến tháng ba, nhớ đến sầu đâu là tôi cảm thấy thoang thoảng đâu đây một mùi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc.
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Tả một con vật nuôi ở vườn thú.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC
I/ Đọc thành tiếng
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu
1. (0.5 điểm) B. Con Cú
2. (0.5 điểm) C. Vì có thể trèo lên lưng nó mà nó không đá
3. (0.5 điểm) D. Cả B và C.
4. (0.5 điểm) A. Câu kể
5. (0.5 điểm) C. Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường
Cái tiếng vó của nó / gõ xuống mặt đường // lóc cóc, đều đều, thiệt dễ thương.
C1 V1 .
Chủ ngữ Vị ngữ
6. (0.5 điểm) C. Nói về cái thú đi xe ngựa
Nội dung chính của đoạn văn trên nói về cái thú đi xe ngựa thông qua việc kể về hai chú ngựa Ô và Cú, cái niềm yêu thích của tác giả khi được nắm dây cương trên xe ngựa,…
7. (1 điểm)
Câu “Con Cú, nhỏ hơn, vừa thấp lại vừa ngắn, lông vàng như lửa.” có 4 tính từ đó là: nhỏ, thấp, ngắn, vàng. Đây là những từ chỉ đặc điểm về hình dáng và màu lông của con Cú.
8. (1 điểm)
a/ Vào mùa xuân, miền Bắc hoa đào khoe sắc hồng, miền Nam hoa mai vàng rực rỡ.
b/ Trên cành cây, những chú chim đua nhau hót véo von.
c/ Để bố mẹ vui lòng, em luôn cố gắng học giỏi.
d/ Trong cuộc thi chạy, Rùa đã thắng Thỏ.
9. (1 điểm)
a) Ôi! Món quà đẹp quá! Mình rất thích! Cảm ơn bạn nhiều nhé!
b) Ôi! Ông bà tới rồi! Cháu nhớ ông bà quá!
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)
A. Mở bài (0.75 điểm)
- Giới thiệu về con vật ở vườn thú
B. Thân bài
a. Tả bao quát (0.75 điểm)
- Hình dáng ?
- Bộ lông ?
b. Tả chi tiết (1 điểm)
c. Tả hoạt động (0.75 điểm)
Thói quen ăn uống và đi lại của con vật
C. Kết bài (0.75 điểm)
Cảm nghĩ của em về con vật đó
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài làm tham khảo
Mỗi tháng một lần, bố mẹ đưa em đi chơi vườn thú vào ngày chủ nhật. Ở đó có nhiều loài thú lạ, em xem hoài không chán. Nhưng em thích nhất vẫn là con hổ.
Chuồng hổ được đặt ở góc trong cùng của vườn thú và rộng nhất so với các chuồng thú khác. Trong chuồng hổ có một cây cổ thụ mọc tự nhiên và người ta còn làm núi giả, có cá suối nước chảy róc rách. Ở đó chỉ có duy nhất một con hổ.
Đó là một con hổ rất lớn. Thân nó cao khoảng một thước, dài hơn một thước rưỡi. Từ đầu đến chân hổ phủ một lớp lông ngắn màu vàng sậm có những vằn đen. Cả cái đuôi dài cũng một màu lông như thế.
Đầu hổ tròn, lớn hơn quả dừa, nối với thân bằng một cái cổ ngắn, rất khỏe. Hai tai ngăn, vểnh lên. Cặp mắt tròn, to bằng quả chanh, màu vàng nhạt, lúc nào cũng long lên trông rất dữ tợn. Cánh mũi có màu hồng sậm, lúc nào cũng phập phồng như đang đánh hơi. Miệng nó rộng, xung quanh có những sợi ria vàng, thỉnh thoảng lại nhe ra để lộ hàm rang khỏe có những chiếc rang nhanh nhọn hoắt. Em thích nhất là nhìn hổ đi. Bốn chân khỏe, bước những nước chậm rãi, êm áo. Toàn thân hổ uống lượn mềm mại như song, nhịp nhàng theo bước chân đi. Khi bước lên sườn núi, con hổ dừng lại và phóng mắt nhìn ra xung quanh. Dáng hổ vươn cao theo dốc núi, đuôi cong lên, trong thật đẹp và oai vệ. Nhưng chỉ được một chốc, nó lại khoanh mình dưới gốc cây cổ thụ, nằm thiu thỉu ngủ. Bố em bảo có lẽ nó nhớ núi rừng quê hương của nó.
Có lần em thấy các bác trong vườn thú cho hổ ăn. Từng mảnh thịt bò lớn được ném vào chuồng. Hổ nằm dài, chân trước đặt lên tảng thịt, dùng răng ngoạm và xé từng miếng thịt rất dễ dàng bằng những chiếc rang nanh nhọn sắc. Ăn xong, hổ uể oải đứng dậy, đi đến bên dòng suối uống nước rồi lại trở về khoanh mình bên gốc cây.
Em rất thích ngắm hổ. Trong cảm nhận của em, con hổ là hình ảnh của núi rừng hoang dã, của sức mạnh tự nhiên, đẹp đẽ và kiêu hùng.
Loigiaihay.com
- Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 4
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Cánh diều) – Tiếng Việt 1
- Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Cùng học để phát triển năng lực) – Tiếng Việt 1
- Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Cùng học để phát triển năng lực) – Tiếng Việt 1
- Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 1 (Sách Chân trời sáng tạo) – Tiếng Việt 1
- 50 bài tập trắc nghiệm về Phát âm nguyên âm đôi/ đơn
- Đề số 5 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4
- Đề số 4 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4
- Đề số 3 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4
- Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4
- Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4