Đề thi tiếng việt 4, đề kiểm tra tiếng việt 4 có đáp án và lời giải chi tiết ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 1 (ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 1) - TIẾN..

Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 4


Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 4

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. KIỂM TRA ĐỌC:

I. Đọc thành tiếng:

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:

“Ông lão ăn mày” nhân hậu

Người ta gọi ông là “Ông lão ăn mày” vì ông nghèo và không nhà cửa. Thực ra, ông chưa hề chìa tay xin ai thứ gì.

Có lẽ ông chưa ngoài 70 tuổi nhưng công việc khó nhọc, sự đói rét đã làm ông già hơn ngày tháng. Lưng ông hơi còng, tóc ông mới bạc quá nửa nhưng đôi má hóp, chân tay khô đét và đen sạm. Riêng đôi mắt vẫn còn tinh sáng. Ông thường ngồi đan rổ rá trước cửa nhà tôi. Chỗ ông ngồi đan, đố ai tìm thấy một nút lạt, một cọng tre, một sợi mây nhỏ.

Một hôm, trời đang ấm bỗng nổi rét. Vừa đến cửa trường, thấy học trò tụ tập bàn tán xôn xao, tôi hỏi họ và được biết: dưới mái hiên trường có người chết.

Tôi hồi hộp nghĩ: “Hay là ông lão….”. Đến nơi, tôi thấy ngay một chiếc chiếu cuốn tròn, gồ lên. Tôi hỏi một thầy giáo cùng trường:

- Có phải ông cụ vẫn đan rổ rá phải không?

- Phải đấy! Ông cụ khái tính đáo để! Tuy già yếu, nghèo đói, ông cụ vẫn tự kiếm ăn, không thèm đi xin.

Chiều hôm sau, lúc tan trường, tôi gặp một cậu bé trạc mười tuổi, gầy gò, mặc chiếc áo cũ rách, ngồi bưng mặt khóc ở đúng chỗ ông lão mất đêm kia.

Tôi ngạc nhiên, hỏi:

- Sao cháu ngồi khóc ở đây?

- Bố mẹ cháu chết cả. Cháu đi đánh giầy vẫn được ông cụ ở đây cho ăn, cho ngủ. Cháu bị lạc mấy hôm, bây giờ về không thấy ông đâu…

Cậu bé thổn thức mãi mới nói được mấy câu. Tôi muốn báo cho cậu biết ông cụ đã chết nhưng sự thương cảm làm tôi nghẹn lời.

(Theo Nguyễn Khắc Mẫn)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng:

1. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ các từ ngữ tả ngoại hình của “Ông lão ăn mày”?

A. Lưng hơi còng; tóc bạc quá nửa; má hóp; chân khô đét; tay đen sạm; mắt còn tinh sáng.

B. Lưng hơi còng; tóc bạc quá nửa; má hóp; chân tay khô đét; đen sạm; mắt còn tinh sáng.

C. Lưng còng; tóc bạc; má hóp; môi khô nẻ; chân tay khô đét; đen sạm; mắt còn tinh sáng.

2. Dòng nào dưới đây nêu đúng hai chi tiết cho thấy cậu bé đánh giày là một người sống có tình có nghĩa?

A. Ngồi bưng mặt khóc ở chỗ ông cụ mất; thổn thức mãi mới nói được mấy câu.

B. Thổn thức mãi mới nói được mấy câu; đi đánh giày vẫn được ông cụ cho ăn.

C. Đi đánh giày vẫn được ông cụ cho ăn; ngồi bưng mặt khóc ở chỗ ông cụ mất.

3. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ các chi tiết cho thấy “Ông lão ăn mày” là người có lòng tự trọng và biết thương người?

A. Giữ thật sạch chỗ ngồi đan rổ rá; tự làm việc để kiếm ăn, không đi xin người khác; cho cậu bé mồ côi ăn nhờ, ngủ nhờ.

B. Chưa hề chìa tay xin ai thứ gì; ngồi đan rổ rá để kiếm sống; sống cùng với cậu bé đánh giày dưới mái hiên trường.

C. Giữ thật sạch chỗ ngồi đan rổ rá; cho cậu bé mồ côi ăn nhờ, ngủ nhờ; chết trong tấm chiếu cuốn tròn ở dưới mái hiên.

4. Câu tục ngữ nào dưới đây phù hợp với ý nghĩa của câu chuyện?

A. Chết trong còn hơn sống nhục.

B. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.

C. Đói cho sạch, rách cho thơm.

5. Xác định từ láy trong các từ sau:

A. Tươi tốt.

B. Tươi tắn.

C. Mơ mộng.

6. Dòng nào dưới đây tập hợp toàn bộ các danh từ?

A. nhà cửa, chân tay, đôi mắt, chiếc áo.

B. mái hiên, gầy gò, chân tay, đôi mắt.

C. xôn xao, gầy gò, đôi mắt, mái hiên.

B. KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả: Nghe – viết. 

II. Tập làm văn Em hãy viết bài văn tả cây bàng ở trường em hoặc ở nơi em ở.

Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

1.B

2.A

3.A

4.C

5.B

6.A

A. KIỂM TRA ĐỌC

I. Đọc thành tiếng.

II. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:

1.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Cách giải:

Phương án đúng: Chi tiết miêu tả ông lão: Lưng hơi còng; tóc bạc quá nửa; má hóp; chân tay khô đét; đen sạm; mắt còn tinh sáng.

Chọn B.

2.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Cách giải:

Phương án đúng: Ngồi bưng mặt khóc ở chỗ ông cụ mất; thổn thức mãi mới nói được mấy câu.

Chọn A.

3.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Cách giải:

Phương án đúng: Giữ thật sạch chỗ ngồi đan rổ rá; tự làm việc để kiếm ăn, không đi xin người khác; cho cậu bé mồ côi ăn nhờ, ngủ nhờ.

Chọn A.

4.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích.

Cách giải:

Phương án đúng: Đói cho sạch, rách cho thơm.

Chọn C.

5.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ ghép, từ láy.

Cách giải:

Phương án đúng: Tươi tắn.

Chọn B.

6.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Danh từ.

Cách giải:

Phương án đúng: nhà cửa, chân tay, đôi mắt, chiếc áo.

Chọn A.

B. KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả. 

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng hình thức đoạn văn.

- Không mắc các lỗi chính tả, trình bày đẹp, sạch sẽ.

II. Tập làm văn.

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài

Giới thiệu cây bàng loài cây gắn bó với nhiều thế hệ học sinh.

2. Thân bài

a. Tả bao quát:

Nhìn từ xa cây bàng dáng to cao, bao trùm xung quanh.

Tán cây rộng che chở chúng em.

b. Tả chi tiết

- Cây bàng nhiều năm, rễ ăn nổi trên mặt đất.

- Thân cây xù xì, thô ráp.

- Cành cây nhiều cành, tán lá gồm nhiều tầng nắng mưa đều không lọt vào.

- Lá bàng mọc thành từng chùm. Tán cây toả rộng có nhiều bóng mát.

- Hoa bàng hình ngôi sao, nhỏ, màu trắng.

- Trái bàng hình thoi, màu xanh, khi chín màu vàng, vị hơi chua béo.

- Gốc bàng nơi che chở và là nơi vui chơi của học sinh.

c. Lợi ích của cây bàng

- Cây bàng cung cấp bóng mát cho các em học sinh vui chơi.

- Che nắng, che mưa.

- Lá, vỏ và hạt đều có những công dụng khác nhau.

3. Kết bài

- Cảm nghĩ của em về cây bàng

- Cây bàng gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, kỉ niệm tuổi thơ.

Bài văn tham khảo:

Trong sân trường em có trồng rất nhiều loại cây như: cây phượng, cây hoa sữa, …. Trong đó em thích nhất là cây bàng ở gần cửa lớp.

Cây bàng đã lớn lắm rồi, nhìn từ xa giống như một chiếc dù khổng lồ. Gốc cây bàng bằng một vòng tay em ôm không xuể. Rễ cây to nhô lên khỏi mặt đất như những con rắn hổ mang và có những rễ cắm sâu vào lòng đất để hút chất bổ nuôi cây và giúp cho cây đứng vững. Thân cây thẳng như cái cột đình, vỏ cây màu nâu xám có nhiều vết sẹo. Cây bàng đặc biệt hơn những cây khác và chia thành nhiều tầng che mát cả một vùng đất rộng lớn, càng lên cao màu xanh của tán lá càng nhạt dần. Lá bàng hình bầu dục có màu xanh và che kín không cho ánh nắng xuyên qua sân trường.

Mùa thu lá bàng chuyển từ màu xanh sang màu đỏ, mỗi khi có gió thổi nhẹ những chiếc lá đỏ lìa cành để lại những cành khẳng khiu trụi lá trông rất tội nghiệp. Đông qua xuân đến cây bàng lại đâm chồi nảy lộc xuất hiện những chiếc lá non màu nõn chuối tràn đầy sức sống. Hoa bàng màu trắng ngà kết thành từng chuỗi. Ẩn mình sau kẽ lá là những quả bàng màu xanh lục hình tròn và dẹp hai đầu. Khi già trái bàng chuyển sang màu vàng lúc ăn có vị chát. Chúng em thường quây quần bên gốc cây bàng để chơi. Trên cây những chú chim hót líu lo như vui đùa với các em. Mỗi khi trực nhật em còn tưới nước cho cây tươi tốt.

Em rất quý cây bàng vì cây cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn tô điểm vẻ đẹp cho trường em. Những trưa hè êm ả được ngắm hoa bàng rơi thật thích thú biết bao.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 5 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp con lớp 5 học tốt từ cơ bản đến nâng cao, bứt phá điểm 9,10. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.