Viết bài văn tả một người đã để lại cho em những ấn tượng tốt đẹp lớp 5


1. Mở bài: Giới thiệu người mà em mới gặp lần đầu nhưng có những ấn tượng sâu sắc: - Em đã gặp người đó ở đâu? Vào lúc nào? - Người đó để lại cho em ấn tượng gì ngay cái nhìn đầu tiên? 2. Thân bài: - Miêu tả ngoại hình: + Người đó là nam hay nữ? Khoảng bao nhiêu tuổi? Làm công việc gì?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: Giới thiệu người mà em mới gặp lần đầu nhưng có những ấn tượng sâu sắc:

- Em đã gặp người đó ở đâu? Vào lúc nào?

- Người đó để lại cho em ấn tượng gì ngay cái nhìn đầu tiên?

2. Thân bài:

- Miêu tả ngoại hình:

+ Người đó là nam hay nữ? Khoảng bao nhiêu tuổi? Làm công việc gì?

+ Vóc dáng của người đó như thế nào? Đặc điểm thân hình đó có liên quan đến công việc của người đó không?

+ Khuôn mặt của người đó có những đặc điểm gì nổi bật? Có được trang điểm hay che chắn cẩn thận không?

+ Kiểu tóc của người đó là gì? Màu sắc và kiểu dáng?

+ Trang phục của người đó là gì? Có màu sắc và đặc điểm ra sao?

+ Người đó mang theo các phụ kiện như thế nào? Dùng để làm gì?

- Miêu tả hoạt động:

+ Khi em nhìn thấy người đó, thì người đó đang làm gì?

+ Hành động của người đó được thực hiện với mục đích gì? Có khó khăn không? Ý nghĩa của hành động đó?

+ Thái độ của người đó khi thực hiện hành động là gì? Những người xung quanh có cảm xúc như thế nào khi thấy điều đó?

- Ấn tượng của em về người đó là gì?

+ Ngưỡng mộ, cảm phục, yêu mến,…

3. Kết bài: Suy nghĩ, tình cảm của em dành cho người mình vừa miêu tả.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1

            Ngày hôm qua, lúc cùng bố mẹ đi chơi ở công viên, em đã gặp một người nghệ sĩ đường phố. Dù đây là lần đầu tiên gặp mặt, nhưng chú ấy đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc.

            Chú ấy là một người đàn ông trưởng thành với dáng người cao ráo và hơi gầy. Mái tóc của chú ấy có màu nâu nhạt, xoăn nhẹ bồng bềnh lãng tử - rất giống với tưởng tượng của em về những người nghệ sĩ. Khuôn mặt chú ấy góc cạnh và có sống mũi cao. Dường như chú ấy là một người con lai thì phải. Ấn tượng nhất là đôi mắt nâu sâu thẳm và chất chứa nỗi buồn của chú ấy. Khi chơi đàn piano, đôi mắt chú ấy nhìn về phía xa xăm vô định. Như là chú ấy đang chìm đắm trong thế giới của riêng mình, mặc kệ tất cả những điều xung quanh. Những ngón tay của chú ấy nhảy múa trên phím đàn điệu nghệ đến khiến người xem phải trầm trồ. Tất cả khiến em tin rằng chú ấy là một nghệ sĩ piano thực thụ. Dù chú không mặc bộ vest lịch lãm, không biểu diễn trên sân khấu rộng lỡn thì cũng chẳng chút nào ảnh hưởng đến chú cả.

            Mãi đến lúc về nhà, vẻ ngoại hình lãng tử và có chút gì đấy buồn bã của người nghệ sĩ piano đường phố kia vẫn khiến em nhớ mãi. Em rất mong sẽ được gặp chú ấy thêm lần nữa. Lúc ấy, em sẽ tiến lại và xin phép được biết tên của người nghệ sĩ này.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2

            Có những cuộc gặp gỡ thoáng qua, nhưng lại mang trong lòng nhiều cảm xúc đặc biệt. Và cuộc gặp gỡ của em với một em bé bán đánh giày ngày hôm nay là một trường hợp như vậy.

            Sau khi kết thúc giờ học, bố đã đưa em đi ăn tại một quán ăn nhỏ nằm trên đường Trần Thái Tông. Khi đang thưởng thức tô phở nóng hổi, thơm phức, một em bé bán đánh giày đã tới gần. Em bé chỉ mới 5-6 tuổi, dáng người gầy gò, nhỏ bé, da đen nhẻm và mang theo một hộp đựng dụng cụ đánh giày nặng nề. Mùa thu đã đến Hà Nội, tiết trời se lạnh, nhưng em bé bán đánh giày chỉ mặc chiếc áo cộc tay mỏng manh đã bạc màu.

            Em bé tiếp cận từng bàn để mời khách hàng đánh giày. Dáng người nhỏ bé và cử chỉ nhút nhát của em bé khiến mọi người cảm thấy thương tâm. Thấy vậy, bố em đã gọi em bé lại gần, ngỏ ý mời em ăn cùng, nhưng em bé đã từ chối. Không còn cách nào khác, bố em đã nhờ em bé đánh giày cho mình. Sau khi em bé hoàn thành công việc, bố em đã trả cho em 300 ngàn đồng. Ban đầu, em bé từ chối, nhưng sau khi bố em thuyết phục, em bé đã chấp nhận nhận tiền và đôi mắt em tràn đầy nước mắt, ngọt ngào cảm ơn.

            Cuộc gặp gỡ này đã gửi gắm trong em rất nhiều cảm xúc đậm sâu. Em cảm thấy thương xót trước hoàn cảnh khó khăn của em bé, và em trân trọng những đức tính thật thà và lòng tự trọng của em bé. Em cũng hy vọng rằng em bé sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có cơ hội đi học và đến trường như những người bạn cùng trang lứa khác.

Bài tham khảo Bài mẫu 1

            Em thường nghe câu: “Lương y như từ mẫu”, ý muốn nói thầy thuốc như mẹ hiền. Nói vậy không phải ca tụng hay thần thánh những thầy thuốc, mà bởi họ đẹp thật, họ tốt thật! Trong một lần gần đây em bị ốm và phải nhập viện, em đã được gặp bác sĩ Phương – một cô bác sĩ dịu dàng, dễ mến và luôn đối xử tốt với mọi người bệnh, để lại trong em rất nhiều tình cảm và ấn tượng về cô.

            Cô Phương là một nữ bác sĩ có ngoại hình thanh tú nhất mà em từng thấy. Trông cô trạc tuổi mẹ em mà lại không quá gầy, không quá béo, dáng người rất cân đối. Gương mặt cô hình trái xoan, mũi cao, đôi mắt to và môi đỏ, hay cười. Có lẽ cô sinh ra như để gán lấy vị trí làm bác sĩ cho cuộc sống vậy! Nước da cô hồng hào, mái tóc dài suôn mượt được búi gọn trong một chiếc kẹp tóc nhỏ màu xanh. Hàng ngày, cô thường mặc một chiếc áo dài màu trắng dành riêng cho bác sĩ, trông rất lịch sự và sang trọng. Trên cổ, cô đeo một chiếc ống nghe, như sẵn sàng thăm khám cho mọi người bệnh mà cô gặp. Lúc tiếp đón bệnh nhân, cô còn cẩn thận lấy chiếc khẩu trang y tế từ túi áo ra, che kín mặt, để lộ đôi mắt biết cười của mình.

          Nhìn cách mà cô Phương làm việc mới thấy cô có tác phong, suy nghĩ thật nhanh nhạy mà lại điềm đạm, bình tĩnh trong mọi câu nói, kết luận. Em xếp hàng và chờ những người đến khám trước mình, chăm chú quan sát và lắng nghe từng lời cô nói, từng việc cô làm. Cô hỏi kĩ tuổi tác của từng người, tiền sử bệnh của mọi người xem có mắc dị ứng, có bị bệnh nền nào không rồi mới chẩn đoán bệnh, kê đơn, cấp phát thuốc. Có lần, trời đã tối khuya, em nghe thấy tiếng một ca cấp cứu chạy rầm rầm ngoài hành lang. Tiếng cô Phương vọng lên, hô hoán bác sĩ vào phòng cấp cứu. Hôm sau em nghe tin, có một bạn nhỏ tình trạng bệnh nặng nhưng nhờ sự cố gắng, gấp rút, tập trung của các bác sĩ trong ca trực của cô Phương mà giúp bạn nhỏ hồi sức, xuất viện chỉ sau 2 tuần điều trị nội trú. Thật sự những phép màu đã xảy ra nơi đây, xuất hiện từ bàn tay những người thầy thuốc y đức.

          Cô Phương là một bác sĩ hiền từ, tốt bụng mà em được biết. Có rất nhiều bệnh nhân cần cứu chữa, rất cần những bác sĩ tâm huyết, cố gắng cứu chữa bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Song, ấy đương nhiên là nhiệm vụ của các bác sĩ như cô Phương; họ luôn sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ và cứu chữa kịp thời mọi ca bệnh. Em hi vọng mọi người luôn khoẻ mạnh để các bác sĩ có thêm thời gian nghỉ ngơi, không phải áp lực và lo lắng, vất vả mỗi ngày.

Bài tham khảo Bài mẫu 2

            Ngày nào đi học, em cũng đi ngang ngã năm gần nhà. Nơi ấy, xe cộ tấp nập suốt ngày đêm. Em thường thấy một chú công an đứng ngay ở bùng binh, không ngừng điều khiển cho xe cộ lưu thông. Tuy nhiên, hôm nay em mới đứng gần chú khi đứng chờ một người bạn. Đây cũng chính là người em mới gặp lần đầu nhưng để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên.

            Đó là một thanh niên có vóc người cao lớn, vạm vỡ, nước da bánh mật, mặt vuông đầy đặn, đôi mắt sáng, nhanh nhẹn. Cũng như bao chú công an giao thông khác, chú mặc bộ đồ ka ki vàng sậm. Trên chiếc áo ngắn tay cạnh cầu vai có đeo phù hiệu thuộc sắc phục cảnh sát giao thông và trên ngực bảng tên, đơn vị bằng tấm mê-ka nền trắng chữ xanh.

            Chú mặc quần tây dài gọn gàng, chân đi giày đen bóng lộn, chiếc thắt lưng bằng da màu nâu to bản hơi lệch về dưới bởi khẩu súng ngắn đeo bên hông kéo xuống, càng tăng thêm vẻ oai vệ, đĩnh đạc của người cảnh sát giao thông giữ gìn trật tự đường phố. Chiếc mũ kết đội trên đầu có đính huy hiệu cảnh sát khiến cho gương mặt của chú vừa oai nghiêm vừa rắn rỏi.

            Chú đứng đó như một vị chỉ huy oai vệ. Miệng ngậm còi, hai cánh tay thay một mệnh lệnh, đưa lên, hạ xuống, sang trái sang phải, dòng người và xe cộ cứ thế dừng lại, tuôn đi một cách trật tự, nề nếp. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe máy đậu xe quá vạch sơn trắng nhô lên lấn đường, chú thổi còi ra hiệu lùi lại. Tức thì những chiếc xe ấy vội lùi ra sau vạch trắng ngoan ngoãn như các cậu học sinh vâng lời thầy dạy.

            Chú làm việc một cách cần mẫn và nghiêm túc, không thiên vị một người nào. Có một lần, ba cô gái ngồi trên một chiếc xe hon-đa vù tới ngã năm nhấn ga bấm còi inh ỏi, làm cho một số người đi đường yếu bóng vía vội dạt vào hai bên lề. Chú công an vội giơ tay ra hiệu, miệng tuýt còi ra lệnh dừng lại. Chiếc xe tạt vào lề. Cả ba cô sượng sùng nói lời xin lỗi.

            Chú công an mỉm cười rồi từ từ rút biên lai ghi phạt. Đưa tờ biên lai cho các cô, chú còn dặn thêm: "Lần sau các cô cẩn thận thực hiện đúng luật giao thông không được chở ba". Lời nói nhẹ nhàng nhưng rất dứt khoát. Cứ thế, chú điều khiển dòng người và xe cộ lưu thông được thuận lợi, không có một tai nạn nào xảy ra ở giao lộ này.

            Em rất kính phục phong cách làm việc của chú, vừa có tình lại vừa có lí. Em ước mơ sau này lớn lên, em sẽ đi làm cảnh sát giao thông để giữ gìn an ninh trật tự cho đường phố.

Bài tham khảo Bài mẫu 3

            Sáng sớm, đường phố Hà Nội đông đúc, tấp nập. Từng dòng xe nối đuôi nhau chạy dài vô tận. Mẹ và em cũng chạy đua trên dòng người tấp nập đó. Tới ngã tư, em thấy một chú cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Em vô cùng ấn tượng với hình ảnh đó.

            Nhìn từ xa, em đã thấy chú cảnh sát cao dong dỏng, đứng nghiêm trên một cái bục trắng tròn. Chú khoác trên mình bộ quân phục màu vàng ươm. Chú đi một đôi giày đen, trên lưng cũng thắt một chiếc thắt màu đen. Em thích nhất chiếc mũ mà chú đang đội trên đầu. Chiếc mũ có đính ngôi sao vàng lấp lánh ở giữa. Tay trái chú cầm chiếc còi, tay phải chú cầm một cái gậy điều khiển. Khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, chú thổi còi liên hồi và giơ gậy ra hiệu cho các phương tiện dừng lại. Rồi chú vẫy vẫy cho phía bên đường để dòng xe chạy qua ngã tư. Em thoáng thấy gương mặt nhễ nhại mồ hôi của chú. Đôi mắt sâu đã mang những nét đỏ ngầu. Nhưng trong đôi mắt ấy lại ánh lên niềm hớn hở. Bỗng, một ông già đang đạp xe bị ngã. Chú chạy nhanh tới đó, đỡ cụ dậy, hỏi han cụ. Chú dựng chiếc xe đạp lên rồi dặn cụ đạp xe cẩn thận.

            Sau lần nhìn thấy hình ảnh đẹp ấy, ước mơ được trở thành một chiến sĩ cảnh sát của em lại càng mãnh liệt. Em đã nghĩ đến cảnh mình khoác bộ quần áo màu xanh, đứng nghiêm chào. Em sẽ quyết tâm biến ước mơ ấy trở thành hiện thực.

Bài tham khảo Bài mẫu 4

            Nắng chiều rải nhẹ trên con đường về nhà. Trên đường đi, em chợt thấy một tốp các chú thợ điện đang đo và tháo lắp chiếc công tơ ở gần khu phố em. Trong đó, người làm em chú ý nhất là một chú thợ điện đang leo lên cột điện và xem xét công tơ.

            Bỗng có người gọi tên chú. Thì ra, chú tên là Hiệp. Em đứng ngắm chú hồi lâu. Chú khoảng ba mươi tuổi. Bộ áo công nhân màu cam rất vừa vặn với vóc dáng to, cao của chú. Khuôn mặt chú vuông vắn. Tóc chú màu đen. Nước da chú ngăm ngăm màu bánh mật. Trông chú thật hiền từ.

            Thấy em cứ đứng ngây người nhìn chú, chú nở một nụ cười thật tươi. Em tiến bước đến gần chú rồi chào: “Cháu chào chú ạ!” Chú xoa đầu em: “Cháu ngoan lắm, thế sau này cháu có muốn làm công việc như chú không?” Em đáp: “Cháu chưa biết được nhưng công tơ điện để làm gì thế hả chú?” Chú cười: “À! Công tơ điện dùng để đo lượng điện đã dùng cháu ạ!”

            Mồ hôi trên lưng áo chú đã thấm ra ngoài nhưng chú vẫn hăng say làm việc. Tay chú nhanh thoăn thoắt. Mặc dù em không hiểu rõ công việc mà chú đang làm nhưng với thái độ làm việc như thế, em biết chú là một người rất yêu nghề. Nếu không có những thợ điện như chú sửa chữa kịp thời thì sinh hoạt của người dân sẽ gặp khó khăn. Em đang đứng thì chú quay xuống nói: ” Thôi muộn rồi đấy, cháu về đi kẻo bố mẹ lo lắng.”

            Em giật mình, chú nhắc em mới nhớ. Thôi đành chia tay chú ở đây vậy. Tuy bóng dáng chú đang xa dần nhưng em sẽ mãi nhớ về chú Hiệp – một người thợ điện thân thiện và biết quan tâm tới người khác.

Bài tham khảo Bài mẫu 5

            Mỗi cuối tuần, lũ trẻ xóm tôi lại tụ tập đông đúc ở sân để chơi đùa. Nhờ những cuối tuần vui nhộn này mà tôi đã trở nên thân thiết với anh Bình Nguyên. Anh lớn tuổi nhất hội nên mọi người thường gọi là anh Bi cả.

            Năm nay, anh Bi đã mười hai tuổi. Người anh cao dong dỏng. Vẻ mảnh khảnh nhưng anh rất ra dáng bậc anh. Anh ít khi tranh giành đồ ăn như mấy đứa chúng tôi. Anh thường bảo chúng tôi chia nhau ra cho bằng phần nhau. Anh có làn da ngăm ngăm đen. Nghe đâu, ngày còn nhỏ anh sống ở miền biển. Về sau, bố anh chuyển đơn vị công tác nên gia đình chuyển hẳn về nơi này sinh sống. Có lẽ, vì nắng ngoài biển đã làm mái tóc anh ngả vàng. Nhưng màu vàng ấy lại rất hợp với gương mặt hình trái xoan của anh. Đôi mắt anh bi màu nâu, long lanh như hai hòn bi ve để dưới ánh mặt trời. Đôi mắt khi thì nghiêm nghị, khi thì hiền từ, tinh nghịch. Anh Bi bị cận thị nên lúc nào cũng phải đeo kính. Có lần, chúng tôi giấu chiếc kính ấy đi. Anh lẳng lặng không nói gì, cũng không đi tìm. Bỗng nhiên, trò vui của chúng tôi không thành. Tôi đành đi lấy kính trả lại anh. Lúc này, anh mới dùng đôi tay gầy xương của mình kéo người tôi. Cù chọc tôi một trận. Bọn trẻ xung quanh cỗ vũ ầm ĩ, tôi được một phen cười lăn lóc. Anh Bi cũng cười lớn. Đôi môi anh hình trái tim, lúc nào cũng hồng hồng. Bọn con gái hay trêu đó là môi con gái. Nhưng tôi thấy đôi môi của anh đẹp. Đẹp nhất là những lúc anh nở nụ cười tươi để lộ hàm răng trằng ngần.

            Tôi quý anh Bi lắm! Anh dạy chúng tôi chơi trò bắn bi, cá ngựa, cờ tỉ phú. Mỗi dịp như vậy, xóm tôi lại rộn vang tiếng cười. Anh Bi thực sự đã trở thành người anh cả đáng mến của tôi.

Bài tham khảo Bài mẫu 6

            Nhà em nằm ở giữa một khu phố nhỏ yên bình, ở ngoại ô thành phố. Cách vườn cây là đến hai nhà hàng xóm sát vách. Trong đó, có một vị hàng xóm rất đặc biệt, đó là bác Ngọc, tổ trưởng tổ dân phố.

            Bác Ngọc là cái tên được cả khu phố vui vẻ và quý mến khi nhắc đến. Bác góa vợ, con gái lại lấy chồng trên thành phố nên bác sống một mình trong căn nhà nhỏ. Chính vì thường ngày bác rất tốt bụng, hễ có ai cần giúp bác đều xắn tay áo không nề hà mà đến giúp hết sức. Em không biết năm nay bác bao nhiêu tuổi, chỉ thấy bác thường mặc bộ đồ Tàu lịch sự và đẹp đẽ như mấy diễn viên trên phim. Mái tóc muối tiêu của bác được chải gọn về sau đầu, để lộ cái trán hơi hói nhẵn bóng.

            Dáng người bác đậm chứ không gầy, thế nhưng mỗi bước đi đều nhanh nhẹn khỏe khoắn chứ không hề có dấu hiệu của tuổi già. Cứ mỗi sáng bác lại đạp xe một vòng quanh khu phố kiểm tra tình hình, quay về nhà đọc báo, xem thời sự và làm vài việc của khu phố. Nhà bác có một vườn cây ăn trái rộng, đây là khu vui chơi lý tưởng của đám con nít trong khu phố. Bác cũng rất thoải mái, bác nói mình bác ăn không hết nên mấy đứa cứ hái mà ăn. Chỉ chờ có vậy, chúng tôi ùa lên hái nào là xoài, ổi, mận, cóc,... ăn đến no nê. Mỗi lần như thế, bác cười hiền từ rồi chuẩn bị nước cho chúng tôi rửa tay chân nữa.

            Bác Ngọc rất được lòng mọi người bởi tính tình thẳng thắn và trách nhiệm với công việc của mình. Khu phố nhờ có bác mà quy củ hơn hẳn, không có gia đình nào đánh nhau hay trộm vặt nữa. Em rất quý người hàng xóm đặc biệt này.

Bài tham khảo Bài mẫu 7

            Đã mấy năm qua rồi cho tới bây giờ em vẫn còn thương mến cô Nga, người đã dạy dỗ em trong những niên học thứ nhất tại ngưỡng cửa Tiểu học.

            Cô giáo Nga mang dáng người dong dỏng, không mập cũng ko gầy. Tuổi có độ gần bốn mươi nhưng trông người cô còn siêu trẻ. Em cực kỳ thích những dòng áo dài cô mặc tới lớp, thường là các mẫu áo lụa mỏng trắng, đủ màu sắc tươi đẹp. Em nghĩ ai cũng ưa thích sở hữu thân hình và làn da như cô giáo. Mái tóc cô được uốn gọn gàng ôm lấy bộ mặt đầy đặn, lúc nào cũng trang điểm một cách hài hoà. Hai mắt cô to, đen láy, loại mũi tuy khá cao nhưng trông tương xứng với gương mặt. Cô cười cực kỳ tươi, giòn giã, lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp. Mọi thứ hòa quyện tạo ra nét đẹp thân mật, cởi mở, nhưng ko vì vậy mà kém phần cương nghị.Và giọng điệu cô giảng bài khi trầm ấm, lúc ngân vang.

            Cô rất thương yêu học sinh. Em còn ghi nhớ những buổi đầu đi học, chúng em đều là nhiều đứa trẻ vừa rời khỏi tay ba mẹ, ngờ ngạc, rụt rè và thậm chí có bạn còn oà lên khóc khi ba mẹ ra về. Cô giáo thì giống như người mẹ hiền, hết dỗ bạn này quay qua dỗ bạn khác khiến cho lòng em và các bạn yên tâm không còn nhớ gia đình nữa. Thế nhưng cô giáo cực kỳ nghiêm khắc lúc giảng bài, bạn nào không quan tâm theo dõi tập trung lắng nghe thì cô nhắc nhở ngay cùng với luôn tuyên dương các bạn nỗ lực trong học tập. Các buổi học đầu tiên với biết bao khó nhọc, cô giáo đã nhấc tay từng bạn uốn nắn, chỉ cho từng bạn cách phát âm nhiều vần. Vào nhiều giờ ra chơi cô giáo nán lại gạch hàng trong tập vở, cho chúng em viết ngay hàng thẳng lối, hoặc chỉ vẽ càng thêm cho những bạn còn yếu không theo kịp. Giờ rảnh cô thường nói chuyện cho chúng em nghe. Cả lớp cười vang khi cô kể chuyện vui, lúc ấy em cảm thấy bầu ko khí trong cả lớp ấm áp như gia đình!. Bên cạnh việc việc dạy và săn sóc chúng em, cô còn quan tâm gia đình ác bạn nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các bạn.

            Tuy ko học cô giáo nữa nhưng trong lòng em luôn tôn trọng cùng với hàm ơn cô giáo. Em tự răn sẽ tìm mọi cách học bài tốt nhằm không phụ lòng yêu mến, trông nom của cô.

Bài tham khảo Bài mẫu 8

           Khi nhắc đến một trường học thân thiện, người ta thường nghĩ ngay đến các thầy cô giáo yêu thương học sinh cùng những người bạn học hòa đồng, đoàn kết. Nhưng với em, để có một trường học thân thiện đúng nghĩa thì không thể không nhắc đến những người luôn thầm lặng cống hiến cho ngôi trường như bác bảo vệ, cô lao công, cô nấu cơm ở căn-tin. Ở trường em, bác Tuấn - bác bảo vệ chính là một người tuyệt vời như thế.

            Bác Tuấn năm nay đã gần năm mươi tuổi rồi. Dáng người của bác cao và khá gầy, nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng bác yếu đuối. Một mình bác có thể kéo cái trống trường to đùng từ trong phòng lưu trữ ra đến đầu hành lang đấy. Nước da của bác hơi ngăm, rất săn chắc. Bác bảo nước da này là di truyền từ bố, nên các anh chị em của bác ai cũng như vậy, chứ không phải do dãi nắng đâu. Điều khiến những học sinh như chúng tôi dám lân la trò chuyện với bác Tuấn có lẽ chính là vì khuôn mặt hiền lành của bác. Từ đôi mắt đen sáng ngời, cái mũi cao dọc dừa, cái miệng rộng và cả hàng lông mày đen nhánh đều hòa hợp với nhau kì lạ. Chúng tạo nên một khuôn mặt rất thân thiện và dễ gần. Trong đôi mắt của bác lúc nào cũng chứa chan tình yêu thương dành cho những đứa trẻ trong trường.

            Bác thường bảo, bác xem học sinh trong trường như con cháu trong nhà. Quả thực là như vậy. Bạn nào bố mẹ chưa đến đón kịp, bác sẽ gọi vào phòng bảo vệ ngồi chờ, ăn bánh uống nước với bác. Bạn nào bị ốm hay bị ngã trong giờ học, bác sẽ xuất hiện để cõng đến phòng y tế ngay. Không chỉ với trẻ con, mà ngay cả các giáo viên trong trường cũng yêu quý bác Tuấn lắm. Các thầy cô gặp bác, ai cũng lễ phép chào bác cả. Mỗi lần các lớp hay nhà trường có hoạt động nào, bác luôn được mời đến cùng tham dự và phát biểu. Ngoài công việc của bảo vệ, bác Tuấn còn tự tạo thêm cho mình một công việc không có lương, đó là trồng và chăm sóc vườn hoa trước phòng bảo vệ. Từ một bãi đất trống, sau khi xin phép nhà trường, bác đã trồng hoa hồng ở đó. Sáng sáng, chiều chiều, bác sẽ dành thời gian chăm sóc, cắt tỉa cho vườn hoa. Quý vườn hoa là thế, nhưng có ai xin bác hái một vài bông hoa, bác đều đồng ý ngay. Sự hào phóng và hiền từ của bác khiến mọi người càng thêm yêu quý và kính trọng.

            Trong ấn tượng của em, bác Tuấn luôn hiện lên với dáng vẻ hiền từ như ông của em vậy. Em yêu quý bác ấy bởi sự tốt bụng, giàu tình yêu thương và nghiêm túc trong công việc của bác. Chính bác ấy đã giúp em nhận ra sự quan trọng của những hành động dù là nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Rằng chỉ cần chúng ta luôn sống và cống hiến hết lòng, thì công việc nào cũng đều đáng quý cả. Bác Tuấn đã trở thành một người “giáo viên” đặc biệt trong lòng em như thế đó!


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí