Viết bài văn kể lại câu chuyện Sự tích cây thì là với những chi tiết sáng tạo lớp 5>
1. Mở bài + Ngày xưa, các loài cây trên trái đất chưa có tên. + Trời quyết định tập hợp tất cả cây cối để đặt tên cho từng loài. + Ai cũng háo hức, diện những bộ trang phục đẹp nhất để gây ấn tượng với Trời.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
+ Ngày xưa, các loài cây trên trái đất chưa có tên.
+ Trời quyết định tập hợp tất cả cây cối để đặt tên cho từng loài.
+ Ai cũng háo hức, diện những bộ trang phục đẹp nhất để gây ấn tượng với Trời.
2. Thân bài
- Trời lần lượt đặt tên cho từng loài cây:
+ Cây có hương thơm dịu được đặt tên là lan.
+ Cây có dáng múa uyển chuyển được gọi là tóc tiên.
+ Cây đứng thẳng hiên ngang mang tên thông.
+ Các loại rau cũng được đặt những cái tên đẹp như quế, tía tô, húng.
- Sự xuất hiện của cây thì là
+ Đến cuối ngày, một nhành cây nhỏ chạy đến muộn. Nó thở hổn hển và xin lỗi Trời: “Con bận chăm sóc bà đang bệnh nên đến muộn, xin Trời hãy đặt cho con một cái tên.”
+ Trời cảm động trước lòng hiếu thảo của cây, không trách phạt mà rất yêu thương.
- Tên của cây được đặt
+ Vì quá mệt, Trời chưa nghĩ ra tên gì hay, nên ngập ngừng nói: “Tên của con... thì là... thì là...”
+ Nhành cây vui mừng, tưởng rằng “thì là” chính là tên của mình. Nó cảm ơn Trời rối rít và chạy về nhà khoe với bà: “Con đã có tên! Con tên là cây thì là!”
- Sự đón nhận của mọi người
+ Bà khen cây có một cái tên đặc biệt và ý nghĩa.
+ Mọi người xung quanh cũng yêu thích cái tên ấy.
3. Kết bài
+ Từ đó, cây nhỏ được gọi là “thì là”.
+ Câu chuyện không chỉ giải thích nguồn gốc tên gọi của cây mà còn ca ngợi lòng hiếu thảo, sự chân thành và giản dị.
Bài văn siêu ngắn
Ngày xưa, các loài cây đều chưa có tên. Một hôm, Trời tập hợp chúng lại để ban cho mỗi loài một cái tên. Các loài cây đều đến thật sớm. Ai ai cũng hớn hở mong chờ được Trời đặt cho một cái tên thật đẹp. Mỗi loài cây đều diện bộ trang phục xinh đẹp nhất và khoe điểm nổi bật nhất của mình.
Cây có hương thơm dịu được Trời đặt tên là lan. Cây có điệu múa nhịp nhưng được đặt là tóc tiên. Loài cây có dáng đứng hiên ngang được gọi là thông. Các loại rau có cũng có mặt đông đủ để xin Trời những cái tên thật đẹp như quế, tía tô, húng,...
Đến cuối ngày, khi Trời đã mệt, một nhành cây nhỏ mới vội vã chạy đến. Nó thở hổn hển, nói:
- Con xin lỗi vì bận chăm sóc bà đang bị bệnh nên con đã đến muộn. Xin Trời hãy thương tình đặt cho con một cái tên.
Cảm động trước lòng hiếu thảo của cây nên Trời không trách phạt mà thương vô cùng. Nhưng lúc này, Trời chưa nghĩ ra được tên gì hay. Ông suy nghĩ mãi rồi ngập ngừng:
– Tên của con... thì là... thì là...
Nhành cây nghe vậy mừng quá, hét toáng lên:
– Tôi có tên rồi! Tên tôi là "thì là”!
Nó vội vàng cảm ơn Trời rồi chạy về nhà khoe với bà của mình. Nó đâu biết rằng “thì là” không phải là tên Trời đặt cho, mà chỉ là lời nói ngập ngừng của ông khi chưa nghĩ ra cho nó một cái tên. Bà khen cậu:
- Con có một cái tên thật đặc biệt!
Muôn loài đều rất yêu thích tên của cậu. Từ đó, muôn loài gọi nó là cây thì là.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Ngày xửa ngày xưa, hồi đó cây cỏ trên thế gian vẫn chưa có tên gọi riêng. Một ngày kia, ông Trời cho gọi tất cả các loài cây cỏ lại để ban tên cho riêng từng loài.
Những loài cây cỏ tranh giành đến trước đều được ông Trời đặt cho tên đúng ý muốn của chúng. Có cây tỏa hương dịu dàng thì đòi được tên Lan, còn cây õng a õng ẹo, uyển chuyển múa thân mình thì lại xin đặt tên là Tóc Tiên, cây cao lớn hiên ngang đến thì được ông Trời gọi là Thông. Còn các loài rau cỏ cũng không ngoại lệ. Chúng cứ thế chen chúc kéo tới mà nài nỉ ông Trời ban cho chúng cái tên đẹp như là Dấp Cá, Húng, Tía Tô, Quế,...
Đến tận lúc cuối ngày, ông Trời cũng đã thấm mệt, lúc đó có một cành cây rất nhỏ bé hớt hải vội chạy tới. Vừa đến cổng thiên đình, nó thở hổn hển rồi tâu với Trời:
- Muôn tâu bệ hạ, bà con đang ốm nên con phải chăm bà giúp cha mẹ. Vì vậy mà con tới muộn. Xin ngài thứ lỗi cho con.
- Thôi được rồi, ta ghi nhận tấm lòng của con.
- Xin người ban cho con một cái tên thật kêu ạ. - Nhánh cây nhỏ nhanh nhảu đáp.
- Đợi ta suy nghĩ một chút nhé. Tên của con là…thì là…thì là…
Nó nghe ông Trời nói vậy thì mừng quá mà hét toáng:
- Tôi có tên gọi rồi! Từ nay tôi là Thì Là!
Vì vui mừng quá mà nó vội vã cảm ơn vì ông Trời đã đặt tên cho nó rồi lao nhanh về nhà để khoe cho bà nó biết chuyện này và cũng để chăm sóc cho bà. Chính vì nó hấp tấp vội vàng nên đâu hay chữ “thì là” kia đâu phải là tên ông Trời định đặt cho nó đâu, đó chỉ là do ông ngập ngừng vì chưa thể nghĩ ra một cái tên thật đẹp dành cho nó mà thôi.
Tuy nhiên từ ngày đó, mọi người đều quen gọi nó là Thì Là hoặc cũng có thể gọi là Thìa Là. Cái tên của nó tuy rất bình dị và chả có gì là đặc biệt nhưng chưa một loài cây cỏ nào dám mỉa mai, chế giễu nó về chuyện này vì không loài nào có thể so sánh với nó về lòng hiếu thảo.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Ta là ông Trời sống ở trên Thiên Đình. Lúc ban đầu khi tạo ra các loài cây cối, ta chỉ tập trung vào hình dáng và đặc tính của chúng, mà quên mất việc đặt tên. Di đó khiến các loài cây dễ bị nhầm lẫn với nhau, gây nên nhiều bất tiện. Do đó, ta quyết định dành ra một ngày để đặt tên cho tất cả các loài cây trên trái đất.
Thông báo về sự việc đó được ta báo trước ba ngày cho toàn thể cây cối trên trái đất chuẩn bị. Đến ngày hẹn, ta ngồi trên ngai vàng, ra lệnh cho Thiên Lôi dặn dò cây cối xếp thành hàng, lần lượt đi vào sân chầu để ta đặt tên. Cứ thế, từng cây từng cây đi vào trước mặt ta với đôi mắt long lanh, hồ hởi. Gặp cây nào, ta cũng ân cần hỏi về tác dụng, rồi quan sát vẻ ngoài, sau đó mới chọn cho một cái tên phù hợp. Cây hoa có hương thơm dịu, ta ban cho tên Lan. Cây có lá dài múa may nhịp nhàng, ta ban cho tên Tóc Tiên. Còn cây có vóc dáng cao lớn, đứng thẳng hiên ngang thì ta ban cho cái tên Thông. Ngoài ra, cũng có rất nhiều những loại rau nhỏ bé chỉ bằng ngón tay đến xin được đặt tên, ta cũng đều nghiêm túc suy nghĩ, không hề qua loa. Từ đó, ta ban cho chúng những cái tên hay như tía tô, húng, bạc hà, diếp cá…
Đến cuối ngày, ngoài cổng chẳng còn loài cây nào nữa, đinh ninh rằng đã hoàn thành công việc, ta đứng dậy chuẩn bị trở về nhà. Đúng lúc đó, một tiếng gọi vang lên từ phía cổng. Nhìn lại, ta phát hiện một cây rau nhỏ đang chạy vào sân chầu. Thấy cây này đến muộn, nghi do nó lười biếng ngủ quên nên ta tức giận lắm. Định bụng chờ nó lại gần, ta sẽ mắng cho một trận để bỏ thói lười biếng. Nhưng ta chưa kịp mở lời, cây đã sụt sùi xin lỗi vì đến trễ. Thì ra, cây rau nhỏ này do phải ở nhà chăm sóc bà bị ốm, nên mãi bây giờ mới tới được thiên đình. Nghe vậy, ta thương lắm. Nên tuy mệt nhọc cũng cố ngồi lại để suy nghĩ cho cây một cái tên thật hay. Nhưng cả ngày hôm nay ta đã đặt cả trăm cái tên rồi, nên thật sự rơi vào thế khó. Nghĩ mãi ta vẫn chẳng nghĩ ra cái tên nào hay cả. Thế mà cây rau nhỏ lại vẫn nhìn chăm chú vào ta không chớp mắt, khiến ta càng thêm ái ngại. Vì vậy, ta ngập ngừng để kéo dài thời gian “Tên của con… thì là… thì là…”. Nhưng cây rau nhỏ ngốc nghếch đó thế mà lại tưởng rằng “thì là” là tên gọi của mình. Khi ta còn chưa kịp phản ứng thì nó đã nhảy cẫng lên, vui sướng hò reo. Rồi nó cảm ơn ta rối rít và chạy nhanh về nhà. Lúc này, thấy cây nhỏ vui sướng như vậy, ta cũng không gọi nó lại để sửa nữa. Mà ngầm đồng ý tên gọi “Thì Là” của nó. Sau đó, ta lấy sổ thần ra, ghi tên cho họ rau Thì Là vào, để tất cả giống loài cùng biết đến.
Câu chuyện về nguồn gốc tên gọi của loài rau Thì Là này thật là hài hước. Ta thường kể nó cho các bạn nhỏ ở Thiên Đình cùng nghe, để nhắc nhở các bạn rằng chớ có nóng nảy, hấp tấp, làm gì cũng phải chú ý lắng nghe tường tận.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Xin chào các bạn, tên của tôi là Thì Là. Một cái tên rất kì lạ đúng không? Nguồn gốc cái tên của tôi cũng đặc biệt không kém gì cái tên đó cả. Nguyên do dẫn đến tôi có tên gọi như thế được dân gian kể lại thành câu chuyện “Sự tích cây thì là”.
Từ ngày xưa, vốn lúc đó các loài cây vẫn chưa có tên gọi. Cả trăm giống loài chung sống với nhau nhưng chẳng có một cái tên để dùng. Thế là vào một ngày đẹp trời, Trời quyết định tập hợp tất cả chúng tôi lại để ban tên. Các loài cây đều cố gắng đến thật sớm để được nhận một cái tên thật đẹp. Cây có hương thơm dịu được Trời đặt tên là lan. Cây có điệu múa nhịp nhưng được đặt là tóc tiên. Loài cây có dáng đứng hiên ngang được gọi là thông. Các loại rau có cũng có mặt đông đủ để xin Trời những cái tên thật đẹp như quế, tía tô, húng,...
Còn tôi thì do bận chăm sóc bà bị bệnh, nên phải gần tối mới chạy đến chỗ ban tên được. Lúc này Trời đã thấm mệt rồi nên chuẩn bị đi nghỉ. Nhưng thấy tôi đứng khép nép sau cánh cửa thì lại mềm lòng, vẫy tay cho gọi tôi vào. Khi nghe tôi trình bày lí do đến muộn, Trời rất cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của tôi, nên bảo rằng sẽ không trách phạt tội đến trễ của tôi, trái lại còn tìm cho tôi một cái tên thật hay nữa. Nói rồi, Trời trầm tư suy nghĩ. Chờ một lát vẫn chưa thấy Trời nói gì, tôi sốt ruột lắm, vội hỏi Trời xem tên của mình là gì. Ngờ đây Trời vẫn chưa nghĩ ra, cứ ngập ngừng “Tên của con… thì là… thì là…”. Thế nhưng lúc ấy, do quá ngốc nghếch và vội vã, tôi lại lầm tưởng hai tiếng “thì là” chính là tên của mình. Vì vậy, trong ánh mắt ngỡ ngàng của Trời, tôi rối rít cúi đầu cảm ơn ông, rồi vội vàng chạy về nhà khoe với bà.
Lúc đó, tôi không hề nhận ra rằng hai tiếng “thì là” đó chỉ là sự ngập ngừng của Trời khi chưa nghĩ ra tên nào cho mình, nên vui sướng lắm. Gặp ai tôi cũng hào hứng khoe tên của mình “Tên tôi là Thì Là”. Cho đến khi tôi nhận ra thì đã quá muộn, khắp nơi người ta đều biết tôi chính là Thì Là mất rồi.
Bài tham khảo Bài mẫu 4
Ngày xưa, khi tất cả các loài cây trên Trái Đất đều chưa có tên, Trời đã quyết định tổ chức một buổi gặp gỡ lớn để ban cho mỗi loài cây một cái tên riêng biệt. Tất cả các loài cây đều mong chờ được nhận những cái tên thật đẹp, phản ánh đúng đặc điểm và vẻ đẹp của mình.
Vào sáng sớm, các loài cây đã tụ tập đông đủ. Cây lan với hương thơm dịu dàng được Trời đặt cho cái tên thật xứng đáng với vẻ đẹp của mình. Cây tóc tiên, với điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, cũng nhanh chóng có một cái tên thật duyên dáng. Cây thông, mạnh mẽ và vững chãi, được gọi là "thông" với dáng đứng hiên ngang. Các loại rau cũng đến đông đủ, như quế, tía tô, và húng, tất cả đều mong muốn được nhận những cái tên thật đẹp.
Khi ngày dần trôi qua, các loài cây đã nhận được tên của mình. Nhưng đến cuối ngày, khi Trời đã mệt mỏi, một nhành cây nhỏ mới vội vàng chạy đến. Nhành cây này có dáng vẻ yếu ớt, nhưng ánh mắt lại toát lên sự lo lắng và quan tâm sâu sắc. Nó nói với Trời rằng vì bận chăm sóc bà đang bệnh nặng nên đã không thể đến sớm. Cảm động trước lòng hiếu thảo của nhành cây, Trời không hề trách mắng mà muốn ban cho nó một cái tên. Tuy nhiên, vì đã mệt, Trời không nghĩ ra được cái tên nào đặc biệt và ngập ngừng nói: "Tên của con... thì là... thì là..."
Nhành cây nhỏ nghe thấy vậy, tưởng rằng đó chính là tên của mình, vui mừng hét lên: "Tôi có tên rồi! Tên tôi là 'thì là'!" Trong niềm vui sướng, nhành cây vội vàng cảm ơn Trời và chạy về nhà khoe với bà. Nó không hề biết rằng "thì là" chỉ là lời nói ngập ngừng của Trời khi chưa nghĩ ra tên cho nó. Nhưng vì lòng hiếu thảo và sự nhiệt tình, nhành cây đã chấp nhận cái tên này với niềm hạnh phúc lớn lao.
Kể từ đó, mọi loài cây và cả con người đều gọi nhành cây nhỏ ấy là cây "thì là". Câu chuyện về cây thì là không chỉ là câu chuyện về một cái tên mà còn là bài học về lòng hiếu thảo, sự quan tâm đến người thân, và cách mà tình cảm gia đình có thể làm nên những điều đặc biệt trong cuộc sống. Qua câu chuyện này, chúng ta hiểu rằng đôi khi những điều đơn giản lại chứa đựng những giá trị tinh thần vô cùng to lớn.
Bài tham khảo Bài mẫu 5
Ngày xưa, khi muôn loài chưa có tên gọi, tất cả các loài cây đều sống trong sự bí ẩn. Chúng tự luôn tự hỏi về danh tính của mình. Vì thế, vào một ngày nọ, ông Trời quyết định tổ chức buổi lễ lớn để đặt tên cho từng loại cây. Tin tức này nhanh chóng lan truyền khắp nơi, khiến cho các cây đều háo hức chờ đợi.
Trong khu rừng xanh tươi, cây dừa cao lớn đứng đầu tiên, với những chiếc lá như những chiếc quạt khổng lồ. Cây cau thon thả, cây mít trĩu quả, và cây nhãn với những chùm quả ngọt ngào cũng không kém phần háo hức. Mỗi loại cây đều cử đại diện của mình lên trời để nhận tên. Họ đều mong muốn được ông Trời ban cho một cái tên thật đẹp và ý nghĩa. Khi đến bãi đất rộng trên thiên đình, các cây đứng chen chúc nhau, hồi hộp chờ đợi. Ông Trời ngồi trên một gò cao, nhìn xuống và bắt đầu gọi tên từng loại cây. Ông chỉ tay vào cây dừa và nói:
– Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa!
Cây dừa vui sướng reo lên:
– Cảm ơn ông Trời! Con sẽ luôn vươn cao và mang lại trái ngọt cho mọi người!
Ông Trời tiếp tục gọi tên các loại cây khác:
– Chú thì là cây cau; chú thì là cây mít; chú thì là cây nhãn…
Thời gian trôi qua, ông Trời đã đặt tên cho rất nhiều loại cây nhưng vẫn còn nhiều cái tên chưa được gọi. Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và quyết định rút ngắn cách gọi:
– Chú thì là cây cải; chú là cây ớt; chú là cây tỏi…
Khi ông Trời đã gần như kiệt sức, một nhành cây nhỏ bé hớt hải chạy đến. Nó xin lỗi vì đã đến muộn do phải chăm sóc bà của nó đang bị ốm. Ông Trời cảm động trước tấm lòng hiếu thảo nó lắm. Nhưng vì không thể nghĩ ra được cái tên nào khác, ông lúng túng nói:
– Tên của con là… thì là… thì là…
Nó nghe vậy mừng quá, hét toáng lên:
– Ôi tôi có tên rồi! Tôi là Thì Là!
Với niềm vui sướng trong lòng, nhành thì là nhanh chóng cảm ơn ông Trời rồi chạy về nhà khoe với bà của nó. Nó không biết rằng cái tên "thì là" chỉ là sự ngập ngừng trong lời nói của ông Trời. Khi về đến nhà, nhành thì là hớn hở kể cho bà nghe về cái tên mới của mình. Bà nó cười hiền hậu và nói:
– Con yêu quý, cái tên đó thật đặc biệt!
Từ đó trở đi, mọi người trong vùng đều gọi nó là cây Thì Là hay Thìa Là. Dù cái tên có vẻ bình dị nhưng không ai dám chế giễu vì lòng hiếu thảo của nó đã vượt lên trên tất cả.
- Viết bài văn kể lại câu chuyện Chuỗi ngọc lam bằng lời của người chị cô bé Gioan lớp 5
- Viết bài văn kể sáng tạo câu chuyện Một sáng thu xưa lớp 5
- Viết bài văn kể lại câu chuyện Câu chuyện của chim sẻ bằng lời của một nhân vật trong câu chuyện lớp 5
- Viết bài văn kể lại một câu chuyện em yêu thích trong sách Tiếng Việt 5, trong đó có chi tiết sáng tạo lớp 5
- Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện đã học ở chủ điểm Thế giới tuổi thơ lớp 5
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong vở kịch mà em đã xem lớp 5
- Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim mà em đã xem lớp 5
- Viết bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý lớp 5
- Viết bài văn tả một người lớn tuổi mà em yêu quý lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện Quê nội lớp 5
- Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong vở kịch mà em đã xem lớp 5
- Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim mà em đã xem lớp 5
- Viết bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý lớp 5
- Viết bài văn tả một người lớn tuổi mà em yêu quý lớp 5
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện Quê nội lớp 5