- Mục tiêu của kiểu bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ là chỉ ra những điềm tương đồng và khác biệt giữa các đối tượng so sánh, từ đó nêu được những giá trị đặc sắc, các yếu tố cách tân và đóng góp mới mẻ của từng tác giả, tác phẩm. Đây là kiểu bài đặt ra nhiều thử thách đối với người viết trong việc xác định cơ sở và các phương diện cần so sánh, đánh giá; việc lựa chọn cách triển khai nội dung phù hợp để so sánh, đánh giá thoả đáng về hai tác phẩm thơ.
- Yêu cầu khi làm bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ:
+ Giới thiệu ngắn gọn về hai tác phẩm thơ, nêu được những cơ sở lựa chọn hai tác phẩm để so sánh, đánh giá.
+ Làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ được chọn để so sánh; có bằng chứng cụ thể, đa dạng từ hai tác phẩm.
+ Đưa ra những nhận xét, đánh giá thuyết phục về ý nghĩa và những đóng góp riêng, đặc sắc của mỗi tác phẩm thơ dựa trên các nội dung được so sánh.
+ Nêu khái quát kết quả và ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá.
A. CHUẨN BỊ VIẾT
- Trước hết, cần xác định được những cơ sở để triển khai các nội dung so sánh, gắn với đặc trưng của thể loại thơ (đề tài, phong cách sáng tác, bút phát nghệ thuật,…). Từ những cơ sở đã xác định, càn lựa chọn các bài thơ tiêu biểu với những điểm tương đồng và khác biệt có ý nghĩa
- Phạm vi lựa chọn để so sánh, đánh giá rất mở và linh hoạt. Hai bài thơ đó có thể của hai tác giả hoặc của một tác giả.
- Xác định được các phương diện cần so sánh: đối tượng cụ thể được miêu tả, thể hiện; cảm hứng; cái nhìn nghệ thuật; bút pháp…
B. TÌM Ý, LẬP DÀN Ý
a. Tìm ý
- Dựa vào yêu cầu của kiểu bài, định hướng từ bài viết tham khảo và đề tài đã xác định, có thể nêu các câu hỏi sau để tìm ý:
+ So sánh, đánh giá hai bài thơ dựa trên cơ sở nào?
+ Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm thơ là gì?
+ Đâu là điểm khác biệt giữa hai bài thơ?
+ Yếu tố nào tạo nên những điểm tương đồng và khác biệt của hai bài thơ?
+ Đánh giá thế nào về giá trị của mỗi bài thơ?
b. Lập dàn ý
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về hai bài thơ và nêu cơ sở lựa chọn để so sánh, đánh giá.
Thân bài:
Có nhiều cách trình bày nội dung so sánh, đánh giá. Người viết cần linh hoạt trong việc lựa chọn cách trình bày phù hợp với hiểu biết và hứng thú của bản thân, điều này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của bài viết. Có thể triển khai các nội dung so sánh, đánh giá theo những cách sau:
- Cách 1: Lần lượt phân tích từng bài thơ, sau đó chỉ ra điểm tương đồng, sự gặp gỡ và những điểm khác biệt, lí giải nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt đó; đồng thời đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ. Cách này dễ thực hiện nhưng bài văn có khi bị trùng lặp ý và mục đích so sánh không được làm nổi bật.
- Cách 2: Phân tích bài thơ thứ nhất theo các phương diện đã xác định, khi phân tích bài thơ thứ hai sẽ so sánh với bài thơ thứ nhất theo từng phương diện và lí giải nguyên nhân của những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ, từ đó, đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ. Cách này cũng dễ thực hiện và bài văn tránh được tình trạng trùng lặp, thể hiện tốt ý so sánh, nhưng mạch so sánh khi trình bày bài thơ thứ nhất dễ bị chìm.
- Cách 3: So sánh lần lượt các phương diện đã lựa chọn đối với hai bài thơ, chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt; lí giải nguyên nhân sự tương đồng và khác biệt đó; đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ từ các nội dung so sánh. Cách này làm nổi bật được tính chất so sánh nhưng dễ làm mờ tính liền mạch, chỉnh thể của mỗi bài thơ, đòi hỏi người viết phải có khả năng tư duy tổng hợp và lập luận chặt chẽ, có sự tinh nhạy trong phát hiện vấn đề.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; nêu cảm nhận và ấn tượng của bản thân về các bài thơ.
C. VIẾT
- Vận dụng kinh nghiệm đã tích luỹ được qua việc thực hành viết bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện ở bài học trước để viết Mở bài và Kết bài ngắn gọn, gây được ấn tượng đối với người đọc về ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; triển khai Thân bài theo các ý đã xác định và làm nổi bật được nội dung.
- Thể hiện khả năng cảm thụ văn học tinh tế trong quá trình phân tích, so sánh; lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu với từng nội dung so sánh, kết hợp với ý kiến lí giải, đánh giá; diễn đạt mạch lạc, sáng sủa, có cảm xúc.
- Có những sáng tạo riêng của cá nhân trong quá trình phân tích, đánh giá về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ (qua những phát hiện sâu sắc hoặc qua cách diễn đạt độc đáo) để tăng sức thuyết phục và hấp dẫn cho bài viết.
D. CHỈNH SỬA, HOÀN THIỆN
Đọc kĩ bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để có hướng chỉnh sửa. Ngoài việc soát lỗi chính tả, lỗi diễn đạt (từ ngữ, câu văn, đoạn văn,...), cần tập trung vào việc làm rõ cơ sở và các phương diện so sánh khi triển khai nội dung bài viết.