Bài văn tả người bà của em>
Năm nay, bà đã 72 tuổi. Bà thích đi chùa lễ Phật. Bà sống rất giản dị: uống chè vối, ăn đôi ba miếng trầu, một khoanh cá kho, lưng bát cơm là đủ.
Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu chung về bà của em
- Tên của bà
- Tuổi của bà
Thân bài:
a. Tả hình dáng
- Khuôn mặt của bà như thế nào?
- Mái tóc của bà thế nào?
- Làn da của bà ra sao?
- Dáng đi của bà thế nào?
b. Tả hoạt động, tính cách
- Bà thường làm những công việc gì?
- Tính tình của bà như thế nào?
- Bà đối với mọi người như thế nào?
- Kể một kỉ niệm với bà mà em nhớ nhất
Kết bài: Tình cảm của em với bà
- Tình cảm của em đối với bà như thế nào?
- Em có mong muốn gì đối với bà?
Bài siêu ngắn
Em có một người mẹ thứ hai, đó chính là bà ngoại của em, từ ngày em đi học kỳ nghỉ hè nào em cũng về thăm ông bà ngoại vài tháng, em rất thích được ở cùng với ông bà ngoại.
Bà ngoại em năm nay đã gần 60 tuổi rồi, tuy đã là hội viên của hội người cao tuổi nhưng trông bà vẫn còn dẻo dai, trẻ khỏe và tràn đầy sức sống. Bà em có dáng người cao, đậm, đôi chân chắc khỏe, mái tóc bà mới chỉ lấm tấm vài sợi tóc trắng, còn đâu vẫn dài đen, bóng mượt. Bà thường tết tóc nên khi bà thả tóc ra, nhìn mái tóc của bà như những làn sóng uốn lượn trông rất đẹp, cũng chính bà là người mỗi sáng chải đầu và tết tóc hai bím cho em, vừa gọn gàng lại mát mẻ, xinh xắn. Bà em có làn da khỏe, hồng hào, nụ cười tươi giòn giã, mỗi khi bà cười lại khiến cả nhà phải cười theo, đôi tay bà quanh năm làm ruộng tuy thô ráp nhưng lại vô cùng ấm áp. Sáng sớm bà thường dậy đi bộ rồi về nhà lấy xe đạp đi chợ, mỗi lần bà đi chợ về lại mua quà bánh cho em, những thức quà đặc biệt ở quê như bánh giò, bánh đúc rất ngon. Bà ngoại của em là một người yêu thương con cháu vô bờ bến, thế nhưng bà không chiều chuộng những thói hư tật xấu, đúng kiểu "thương cho roi cho vọt", sai ở đâu bà sửa cho ở đấy, chỉ mong sao cháu lớn thành người.
Em rất yêu quý bà ngoại của em, em mong sao bà sẽ luôn vui vẻ, mạnh khỏe, để có thể sống thật lâu với gia đình em.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.
Bà nội em năm nay đã gần 80 tuổi. Đôi mắt bà đã mờ đục, mái tóc đã bạc và mỏng đi nhiều. Mỗi lần chải tóc cho bà em đều cảm thấy xót xa, cố gắng chải nhẹ nhàng nhất có thể. Làn da của bà đã hằn in bao dấu vết của thời gian, nhăn nheo, chảy xệ và điểm cả những đốm đồi mồi.
Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em.
Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.
Bà là người mà em vô cùng yêu quý. Em mong bà mạnh khỏe, sống thật lâu với các con các cháu. Em sẽ học thật giỏi, thật ngoan, thường xuyên ở bên bà để bà vui lòng.
Bài tham khảo 2:
Nhà bà ngoại ở Vĩ Dạ, ngoại ô Huế, bên bờ sông Hương. Ông bà có bốn người con: Bác Chính, bác Thành, mẹ em và dì Ngọc. Năm nay, bà đã 75 tuổi; Ông ngoại mất khi bà mới ngoài 40.
Năm nào, bố mẹ cũng đưa hai con vào thăm bà. Đối với em, đó là những ngày hè vui nhất, thích nhất.
Bà là bác sĩ về hưu. Ông là kĩ sư cầu đường. Ngôi nhà bà tuy nhỏ bé nhưng rất êm đềm, ấm áp. Đẹp nhất là giàn thiên lí xanh biếc bốn mùa. Mái tóc bà bạc trắng, óng ánh, búi gọn sau gáy. Dáng người nhỏ nhắn, thanh tú như vóc dáng mẹ và dì Ngọc. Mắt bà sáng, bà đọc sách, đọc báo không dùng kính bao giờ. Hàm răng trắng, đều chưa rụng một chiếc nào. Gương mặt hiền hậu, tiếng nói nhẹ nhàng của bà nghe ấm dịu vô cùng.
- Nga ơi ! Cháu làm giúp bà việc này ! Nga ơi ! Cháu gọi điện cho má cháu chưa ? Nga ơi ! Cháu đã đói chưa ? v.v...
Mỗi lần nghe bà gọi, em lại thấy yêu bà nhiều lắm. Bà đã truyền cho cháu bao yêu thương, tưởng như thời còn thơ bé được nằm trong lòng bà, nghe bà ru, nghe bà hát.
Tay bà khéo léo, dịu dàng. Ngón tay nhỏ nhắn, thon dài. Mười ngón tay, ngón nào như cũng biết nghe, biết nói. Bà không thái rau, thái củ mà bà tỉa. Đĩa xào đủ màu sắc gia vị, đủ các loại hình con giống, các loài hoa. Món ăn vừa thơm ngon vừa đẹp mắt. Bát nước lèo của bà nấu có mười hai vị vừa đậm vừa ngọt, ăn một lần ai cũng không thể quên. Năm nào vào Huế chơi, bà cũng nấu chè sen cho các cháu thưởng thức. Món mứt gừng của bà là “kiệt tác” nghệ thuật. Tay gừng làm sạch vỏ, dùng kim xăm, ngâm nước gạo nếp, rồi bà mới ướp đường, mới sấy. Tay mứt gừng trong, trắng mượt mà bày lên đĩa, chỉ ngắm đã thấy thơm ngon hấp dẫn. Các món ăn nnư hoa thiên lí xào lòng gà, cá bông kho tộ, dưa món Huế... mẹ học mãi mà làm vẫn không thơm ngon như bà nấu, bà chế biến. Dì Ngọc khéo tay hơn mẹ, nhưng nữ công gia chánh cũng không thể bằng bà.
Mùng một và ngày rằm hằng tháng, bà đi chùa. Hôm thì bà đi chùa Diệu Đế, hôm thì bà đến chùa Thiên Mụ. Huế có 99 chùa, chùa nào bà cũng đến vãn cảnh. Đi chùa, bà mặc áo dài lụa nâu, vai khoác túi vải, dáng đi khoan thai, trông thật đẹp.
Em đã được theo bà đi chợ Đông Ba. Thích lắm. Thứ gì bà mua, bà cũng cho cháu xách. Một lần, em xin theo bà đi chơi chùa Thiên Mụ, nhưng bà không cho đi theo. Bà nhẹ nhàng nói: “Nơi đến của trẻ em là trường học. Các cháu lớn lên, sau này hãy đi vãn cảnh chùa.. ”
Xa bà, em nhớ lắm. Các cháu nhớ bà lắm. Bác Chính nói với mẹ em và dì Ngọc: “Năm bà 80 tuổi, gia đình ta sẽ tổ chức lễ thượng thọ bà”. Còn 5 năm nữa. Em mong bà khoẻ và mong đến ngày vui đó.
Bài tham khảo 3:
Ngoài tình thương yêu bao la của bố mẹ dành cho, em còn sống và lên trong lời ru êm ái và tình thương của ngoại nữa. Đêm nào, em cũng đi sâu vào giấc ngủ một cách ngon lành bởi những câu chuvện cổ tích thần kì của bà.
Ngoại em năm nay tròn bảy mươi tuổi. Bà có khuôn mặt rất hiền từ, da hơi nhăn nheo, đôi mắt mỏi mòn sâu thẳm trong đó ẩn chứa biết bao nỗi niềm, cả cuộc đời này bà đã sống để hi sinh tất cả cho con, cho cháu. Bà thường an ủi, động viên cháu, cho cháu từng cái bánh, quả cam, kể cho cháu nghe những câu chuyện “Ngày xửa, ngày xưa”.
Mỗi buổi tối ăn cơm xong em thường nằm trong lòng bà trên chiếc võng ngoài hiên nhà nhìn sao trời lấp lánh trong đêm. Em được bà kể chuyện cổ tích. Bà kể rằng: “Ngày xưa có đôi bạn Bê Vàng và Dê Trắng sống bên nhau thân thiết. Năm ấy trời hạn hán rừng cây trơ trọi, ruộng đồng nứt nẻ, mọi người khốn khổ”. Kế đến đây nét mặt bà đượm buồn, dường như bà đang chia sẻ nỗi khổ đau với người trong truyện. Bà kế tiếp: “Tới buổi mai hôm nọ, khí trời oi ả, nóng nực, Bê Vàng thức dậy quyết định ra đi tìm cỏ nuôi bạn. Bê Vàng đi mãi, đi mãi chẳng thấy cỏ đâu. Thế là Bê Vàng quên đường về”. Nước mắt bà rưng rưng làm em cũng buồn theo thương Bê Vàng quá. Em hỏi:
- Thế rồi sao nữa hả bà?
Thế rồi “Giữa cánh rừng hoang vắng, sợ không gặp lại Dê Trắng, từng giọt nước mắt lăn dài trên má Bê Vàng. Ngày lại qua ngày Dê Trắng không thấy bạn trở về nên bèn đi tìm bạn, đi mãi mà không thấy Bê Vàng đâu cả”. Kể đến đây giọng bà như nghẹn lại. Nhìn nét mặt và cử chỉ của bà trong lúc đang kể chuyện em tưởng như bà là một diễn viên đã nhập vai. Ngoài câu chuyện trên, bà còn kể cho em nghe nhiều câu chuyện cổ tích thật thú vị mà em vẫn còn nhớ mãi.
Xa bà, em sẽ nhớ lắm. Em mong bà sống thật lâu đế dạy bảo em những điều hay lẽ phải và kể cho em nghe những câu chuyện ngày xưa.
Bài tham khảo 4:
Sau khi nghỉ hè một tuần, em được má cho về thăm bà ngoại ở Vĩnh Kim, một vùng cây trái nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.
Tới gần ngôi nhà lớn nằm dưới bóng mát rặng dừa, em đã nghe thấy tiếng ru: Âu ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.. Chắc là bà ngoại đang ru bé Bi, con cậu Tư ngủ. Em chạy vội vào, vòng tay, cúi đầu chào bà và rất mừng vì thấy bà vẫn khoẻ. Bà ngoại vuốt tóc em, âu yếm hỏi: “Má con cháu Thanh về thăm bà đấy ư? Cháu bà dạo này mau lớn quá".
Tuy đã già nhưng bà ngoại em vẫn còn khoẻ mạnh. Lưng bà chưa còng, tai còn tinh, mắt còn sáng và trí nhớ rất tốt. Bà thường kể cho em nghe về những ngày em còn nhỏ xíu, được bà chăm sóc, vỗ về như thế nào.Bà ngoại em năm nay tuổi đã bảy mươi. Mái tóc bạc trắng búi cao. Những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt phúc hậu. Mỗi khi bà cười, ánh mắt hiền từ, ấm áp. Bà ngoại sống chung với vợ chồng cậu Tư. Ngày ngày, bà dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và chăm nom cháu bé. Có bà giúp đỡ, cậu mợ em an tâm dạy học.
Đến chiều, bà dẫn em ra vườn chơi. Chỉ tay lên cây mận hồng đào đầy trái chín, bà bảo: “Phần cháu đấy! Nhớ hái nhiều mang về trên ấy làm quà cho bé Thu và các bạn!”. Đến cây mít ở góc vườn, bà vỗ vỗ vào trái lớn nhất, mỉm cười và nói: “Trái này bà cũng để dành cho cháu đó! Liệu có mang nổi không?”. Em sung sướng khi được bà yêu thương như thế. Được cầm tay bà đi trong vườn trái cây sum suê, em tưởng như mình lạc vào thế giới cổ tích đẹp đẽ và bà ngoại em là một bà tiên đầy phép lạ.
Tối đến, em nằm khoanh tròn trong lòng bà như thuở ấu thơ, say mê nghe bà kể chuyện ngày xửa, ngày xưa. Qua lời bà kể, em càng thương cô Tấm xinh đẹp, dịu hiền và thương chú Cuội phải sống một mình bên gốc đa trên cung trăng. Kể chuyện xong, bà hỏi về kết quả học tập của em. Em thưa với bà là năm học vừa qua, em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc, bà vui lòng lắm.
Mấy ngày ở quê trôi qua nhanh quá! Lúc phải chia tay bà để về thành phố, em lưu luyến mãi. Em ao ước hè tới sẽ được sống trọn ba tháng bên bà ngoại kính yêu.
Bài tham khảo 5:
Chuông đồng hồ đều đặn buông chín tiếng. Màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Chỉ còn âm thanh của gió khua xào xạc trong khu vườn trước ngõ. Em rời bàn học bước ra sân, vươn vai hít thở không khí trong lành để cố xua đi cơn buồn ngủ. Còn hai bài tập Toán nữa, phải cố làm cho hết. Từ giường bên, có tiếng trở mình khe khẽ. Bà nội vẫn thức để chờ em...
Bà nội em năm nay hơn bảy mươi tuổi, dáng gầy gò và lưng đã hơi còng. Dấu ấn thời gian in rõ trên mái tóc bạc phơ và trên gương mặt nâu rám hằn sâu những vết nhăn của bà. Mắt bà đã hơi mờ nhưng đôi tai vẫn còn tinh lắm. Chỉ nghe bước chân hay giọng nói từ xa là bà đã nhận ra đúng từng người trong gia đình.
Cũng vì quen với công việc nhà nông quanh năm vất vả từ thời còn trẻ nên cho đến nay, sức khoẻ của bà còn khá tốt. Những lúc bố mẹ em ra đồng, một mình bà lo đi chợ, nấu cơm, chăm sóc bầy gà, bầy lợn. Ít khi em thấy bà ngồi yên một chỗ. Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn, cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, bón phân cho mấy luống rau và hơn chục gốc na, gốc bưởi.
Bà hay kể chuyện. Em rất phục trí nhớ của bà. Ngày xưa bà chỉ được học ở trường làng, thế nhưng bà lại thuộc lòng Truyện Kiều, Nhị độ mai, Phạm Công Cúc Hoa. Đồng tiền Vạn Lịch... cùng với bao nhiêu là ca dao và truyện cổ. Những trưa hè gió nồm nam mát lộng, bà mắc võng ở đầu nhà, nằm đung đưa vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngân nga hát. Em nghe mấy cụ già bảo rằng hồi còn con gái, bà là một “liền chị” quan họ nổi tiếng của vùng Nội Duệ, cầu Lim.
Con cháu, họ hàng và làng xóm rất quý bà vì bà hiền lành, phúc hậu. Ai gặp khó khăn là bà sẵn sàng giúp đỡ, chẳng quản sớm khuya. Bà thường khuyên con cháu thương người như thể thương thân và đối xử với láng giềng phải có tình có nghĩa.
Học và làm bài tập xong, em thu xếp sách vở cho vào cặp, cài cửa, tắt đèn rồi nhẹ nhàng chui vào màn. Bà nằm dịch sang bên nhường chỗ cho em. Hơi ấm toả ra từ người bà rất dễ chịu. Em vòng tay ôm lấy lưng bà, thủ thỉ: “Bà ơi! Cháu đấm lưng cho bà nhé!”. Bà mắng yêu: “Bố chị! Để bà chờ mãi! Thôi, ngủ đi, mai dậy sớm mà đi học!”.
Em yêu bà lắm và cầu mong bà mạnh khoẻ, sống lâu cùng con cháu.
- Bài văn tả một em bé mà em biết
- Bài văn tả ông của em
- Bài văn tả anh trai của em
- Bài văn tả mẹ của em
- Bài văn tả bố của em
>> Xem thêm