Đề thi vào 10 môn Văn Phú Thọ năm 2021>
Tải vềĐọc đoạn trích dưới đây: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung tượng ngày 8/2/2021.
Đề bài
PHẦN I (3.0 điểm) Đọc đoạn trích dưới đây:
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung tượng ngày 8/2/2021.
Thiên thần của chị!
Em đang ngủ hồn nhiên, đôi môi chúm lại như đang mút kẹo, Còn chị, chị ngắm nhìn em, một thiên thần được sinh ra giữa mùa Covid, với niềm hạnh phúc không gì tả nổi. Chị muốn nói với em thật nhiều về những ngày tháng chị cùng em ở trong khu cách ly này nhưng em quá bé nhỏ chẳng thể ghi nhớ nổi điều gì. Thế nên chị viết những dòng này cho em của chị,
Em à! Chị thật may mắn khi được ở đây trong những ngày qua. Thời gian gần một tháng trời đã cho chị hiểu rằng bên trong tấm biển "KHU VỰC CÁCH LY ĐẶC BIỆT" kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương. Thế giới có những anh hùng thầm lặng, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nơi đây đã cho chị biết hạnh phúc không
phải chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp, được thỏa sức vui chơi mà là được sống trong niềm tin về tình yêu thương giữa những con người. Bây giờ, chị thực sự hiểu rằng vì sao một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới lại khiến cho các cường quốc năm châu phải nể phục trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đơn giản thôi em ơi, mỗi con người của dải đất này đều truyền đến nhau thông điệp 5K: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách – Không tụ tập - Khai báo y tế”. Tất cả cùng hòa chung "Vũ điệu rửa tay - Ghen Covy”. Tất cả cùng đồng lòng
"chống dịch như chống giặc", và anh dũng nhất là những nhân viên y tế tuyến đầu.
(Trích Bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 của em Đào Anh Thư, lớp 8A2 trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, Đông Anh, Hà Nội, nguồn http://www.vnpost.vn, ngày 11/5/2021)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Theo lời người chị trong phần đầu bức thư, chị muốn nói với người em mới sinh của mình điều gì?
Câu 2. Theo em, vì sao người chị lại cho rằng mình thật may mắn khi được ở đây trong những ngày qua?
Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Tất cả cùng đồng lòng
"chống dịch như chống giặc".
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của những đóng góp thầm lặng trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của em về tình cảm của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác trong đoạn thơ sau:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2017, tr.58-59)
Lời giải chi tiết
Phần I.
Câu 1.
Theo lời người chị trong phần đầu bức thư, chị muốn nói với người em mới sinh của mình điều gì? |
Phương pháp: căn cứ bài đọc hiểu, đọc tìm ý
Cách giải:
Theo lời người chị trong phần đầu bức thư, chị muốn nói với người em mới sinh của mình về những ngày tháng hai chị em ở trong khu cách ly.
Câu 2.
Theo em, vì sao người chị lại cho rằng mình thật may mắn khi được ở đây trong những ngày qua? |
Phương pháp: căn cứ bài đọc hiểu
Cách giải:
Người chị cho rằng mình may mắn khi được ở đó trong những ngày qua là bởi vì người chị hiểu được rằng bên trong tấm biển “KHU VỰC CÁCH LY ĐẶC BIỆT” không phải những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương. Cô bé được gặp gỡ những người anh hùng cho đi không đòi nhận lại, chứng kiến tinh thần đoàn kết thương yêu cùng chung tay quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Câu 3.
Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Tất cả cùng đồng lòng “chống dịch như chống giặc”. |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Tất cả cùng đồng lòng “chống dịch như chống giặc”.
Câu trên sử dụng biện pháp tu từ so sánh chống dịch như chống giặc.
=> Tác dụng: Thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng của tất cả mọi người và tầm quan trọng của việc chống lại dịch bệnh. Ai ai cũng quyết tâm đồng lòng, cùng thương yêu san sẻ trong trận chiến chống lại bệnh dịch, đem bình yên tới cho đất nước, nhân dân.
Phần II.
Câu 1.
Viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của những đóng góp thầm lặng trong cuộc sống. |
Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp
Cách giải:
I. Mở đoạn:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Những đóng góp thầm lặng trong cuộc sống của thế hệ trẻ hiện nay.
II. Thân đoạn:
a. Giải thích vấn đề nghị luận
- Sự cống hiến, đóng góp thầm lặng là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình.
- Trách nhiệm giữ gìn nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh.
b. Bàn luận về vấn đề nghị luận
- Những đóng góp thầm lặng là lối sống tích cực mà thế hệ cần rèn luyện, tu dưỡng và trau dồi.
- Lối sống cống hiến của thế hệ trẻ thể hiện ở việc sẵn sàng đem hết trí tuệ, tài năng của bản thân phục vụ lợi chung, vì sự phát triển chung.
- Những đóng góp thầm lặng sẽ giúp thế hệ trẻ khẳng định giá trị của bản thân và phát huy hết vai trò là rường cột, là những chủ nhân tương lai của đất nước.
- Trong thời đại ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng để cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước (những thanh niên xung kích, những thầy cô giáo trẻ, đội ngũ y bác sĩ...).
c. Dẫn chứng:
- Những hy sinh thầm lặng trong trận chiến chống dịch: Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam:
+ Những “người lính áo trắng” xung phong ở tuyến đầu chống dịch, …
+ Chiến sĩ Công an vẫn âm thầm “cắm chốt” với nhiều đêm trắng. Những hy sinh thầm lặng của họ đã và đang thắp lên niềm tin về ngày chiến thắng dịch Covid-19 không còn xa phía trước.
- Các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ, cứu trợ đồng bào miền trung khi có lũ lụt, ...
- Những tấm gương trồng người thầm lặng, ...
d. Lật lại vấn đề
- Hiện tượng một số thanh niên đã xao nhãng, quên đi trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp chung của dân tộc (ích kỷ, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân...).
- Đó là những hiện tượng lệch lạc cần bị lên án, phê phán, chấn chỉnh, bài trừ.
III. Kết đoạn:
Bài học nhận thức và hành động đối với thế hệ trẻ đối với sự hi sinh, đóng góp thầm lặng trong cuộc sống.
Câu 2.
Cảm nhận của em về tình cảm của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác trong đoạn thơ sau: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. (Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2017, tr.58-59) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Viễn Phương (những nét cơ bản về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác, …)
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Viếng lăng Bác” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, …)
– Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và tình cảm của nhà thơ đối với Bác.
2. Thân bài
a. Cảm xúc của nhà thơ khi ở trong lăng:
- Khổ thơ thứ ba diễn tả thật xúc động cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào lăng viếng Bác. Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt:
"… Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng diệu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
+ Cụm từ “giấc ngủ bình yên” diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác.
+ Bác còn mãi với non sông đất nước như trời xanh còn mãi mãi, Người đã hóa thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Tác giả đã rất đúng khi khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc vĩnh hằng như trời xanh không bao giờ mất đi.
b. Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ trước lúc khi trở về miền Nam:
– Khổ thơ thứ tư (khổ cuối) diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ. Muốn ở mãi bên lăng Bác, nhưng tác giả cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam, chỉ có cách gửi lòng mình bằng cách hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác để luôn được ở bên Người.
“Mai về niềm Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
– Từ “muốn làm” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện được ước muốn, sự tự nguyện của tác giả. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện khép bài thơ lại một cách khéo léo.
– Tác giả muốn làm con chim, làm đóa hoa, làm cây tre trung hiếu, muốn được gắn bó bên Bác:
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”
=> Đoạn thơ cho thấy niềm xúc động tràn đầy và lớn lao trong lòng khi viếng lăng Bác, thể hiện được những tình cảm thành kính, sâu sắc với Bác Hồ với giọng điệu vừa trang nghiêm, sâu lắng lại tha thiết đau xót và tự hào rất phù hợp với mạch tình cảm của toàn bài.
3. Kết bài
Khái quát về những tình cảm của nhà thơ Viễn Phương khi vào lăng viếng Bác, các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Các bài khác cùng chuyên mục