Đề thi vào 10 môn Văn Kon Tum năm 2020
Tải vềĐọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Đề bài
Câu 1 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm
Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam Vào bát canh ngọt mát
Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.
(Trời nắng xanh, Trương Nam Hương)
a. Xác định thể thơ của đoạn trích (0,5 điểm)
b. Nêu khái quát nội dung của đoạn trích (0,5 điểm)
c. Phân tích hiệu quả nghệ thuật so sánh được sử dụng trong các câu thơ: Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu (1,0 điểm)
d. Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu được thể hiện trong đoạn thơ trên (1,0 điểm)
Câu 2: (2,0 điểm)
Nhà khoa học người Anh, Michael Furaday từng chia sẻ: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”.
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 3: (5,0 điểm)
(…) Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có ảnh hưởng quyết định với gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cái thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh sáng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy vết cháy mà định nắng. Đây là máy vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn mây, cháu nhìn gió lay lá, hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.
(…) Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy.
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2006, tr.180)
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên được thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó, em nghĩ gì về ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
Lời giải chi tiết
Câu 1
a. Xác định thể thơ của đoạn trích |
Phương pháp: căn cứ các thể thơ đã học
Cách giải:
Thể thơ: tự do
b. Nêu khái quát nội dung của đoạn trích |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Nội dung đoạn trích: Những kỉ niệm ngày thơ bé hồn nhiên, trong trẻo khi ở bên bà.
c. Phân tích hiệu quả nghệ thuật so sánh được sử dụng trong các câu thơ: Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Tác dụng:
- Câu thơ giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn.
- Góp phần thể hiện cảm xúc và cách nhìn đặc biệt của người cháu về màu nắng trong kỉ niệm,
gắn liền với hình ảnh người bà, với những kí ức thời thơ bé không thể nào quên.
d. Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu được thể hiện trong đoạn thơ trên |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
- Học sinh trình bày suy nghĩ của mình.
- Gợi ý:
+ Hình ảnh người bà: gần gũi, tần tảo sớm hôm, yêu thương cháu hết mực
+ Tình cảm người cháu: Kính trọng, yêu thương bà. Tác giả là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trân trọng những kỉ niệm thời thơ bé, …
+ Liên hệ bản thân: Yêu thương, hiếu thảo với ông bà.
Câu 2
Nhà khoa học người Anh, Michael Furaday từng chia sẻ: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: tình người là yếu tố quan trọng để làm nên cuộc sống tốt đẹp. Nhà khoa học Michael Furaday từng chia sẻ: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”. Đây là câu nói đúng đắn, mang đậm triết lí nhân sinh.
2. Giải thích vấn đề
- Tình người là sự quan tâm chăm sóc, yêu thương, che chở, lo lắng cho nhau giữa con người với con người.
- Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại: tất cả những vật chất phù phiếm rồi cũng bị lãng quên, chỉ có tình người mới nằm lại mãi trong trí nhớ của chúng ta.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Biểu hiện của tình người trong cuộc sống:
+ Tình người được xuất phát từ trái tim, luôn yêu thương, quan tâm người khác.
+ Biết giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ.
+ Biết hy sinh, tha thứ cho người khác.
+ Dẫn chứng chứng minh: Tình cảm gia đình, thầy trò, hàng xóm láng giềng, chung tay góp từ thiện ủng hộ...
+ …
- Ý nghĩa của tình người:
+ Mang lại hạnh phúc cho nhân loại.
Câu 3
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên được thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó, em nghĩ gì về ý nghĩa của những công việc thầm lặng. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long.
- Giới thiệu khái quát về truyện ngắn Lặng lẽ Sa,
- Nêu vấn đề nghị luận: tình yêu nghề, yêu lao động của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích.
2. Phân tích, cảm nhận
Phân tích nhân vật anh thanh niên được thể hiện trong đoạn trích trên:
a. Hoàn cảnh sống và làm việc
- Hoàn cảnh sống: sống một mình “đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét”, “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”
- Công việc: “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu” – công việc không khó nhưng đầy những gian khổ
b. Vẻ đẹp của anh thanh niên thể hiện qua đoạn trích trên: Tình yêu nghề, yêu lao động, luôn có trách nhiệm và hết lòng vì công việc
- Là một người trách nhiệm trong công việc: làm việc một mình, không có ai dám sát nhưng anh đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc.
- Anh xem công việc như một người bạn: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao lại gọi là một mình được?”
- Báo công việc của mình về “nhà” đúng giờ theo quy định vào “bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và lại một giờ sáng”
- Quan niệm về hạnh phúc rất giản đơn: cảm thấy thật hạnh phúc khi biết được rằng nhờ anh phát hiện được đám mây khô mà đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên bầu trời Hàm Rồng.
- Anh kể về công việc của mình bằng tất cả sự phấn khởi, tình yêu, sự hào hứng và với anh công việc ấy chính là lẽ sống của mình.
c. Nghệ thuật:
- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện hợp lí.
- Cách kể truyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.
3. Tổng kết vấn đề
- Hình tượng nhân vật anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động vì lợi ích đất nước, có sức lan tỏa tới những người xung quanh.
- Tác giả rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật anh thanh niên cùng những người đồng nghiệp thầm lặng cống hiến sức trẻ, thanh xuân cho đất nước, dân tộc
- Nhắc nhở thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia
Các bài khác cùng chuyên mục