Đề thi vào 10 môn Văn Hậu Giang năm 2023>
Tải vềĐêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU. Đọc đoạn trích:
Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vậy
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau.
(Tổ quốc gọi tên - Nguyễn Phan Quế Mai, Tổ quốc gọi tên mình, NXB Phụ nữ, 2015, tr, 12-13)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Chỉ ra những danh từ riêng trong các dòng thơ sau:
Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá được sử dụng trong dòng thơ: Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau.
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho Tổ quốc được thể hiện trong đoạn trích.
II LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.
Câu 2.
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
- Quê anh ở đâu thế? – Họa sĩ hỏi
- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hoá lại không.
Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một - không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một - hoà nhé!". Chưa hoà đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.
(Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 185)
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ các thể thơ đã học.
Cách giải:
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2:
Phương pháp:
Căn cứ bài danh từ.
Cách giải:
Danh từ riêng: Trường Sa, Hoàng Sa
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa:
- Tăng khả năng biểu đạt cho tác phẩm.
- Nhấn mạnh sự đau đớn khi đất nước có nguy cơ bị xâm lược.
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Học sinh tự trình bày theo cảm nhận của mình, có lý giải phù hợp.
Gợi ý:
- Tình yêu thương đối với Tổ quốc của mình, trân trọng sự hi sinh của những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
- Sự căm thù những kẻ xâm lược và nỗi đau khi đất nước có nguy cơ bị xâm lược.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
*Nêu vấn đề: trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.
*Giải thích vấn đề:
- Trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân.
=> Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước bởi vậy càng phải ý thức rõ hơn nữa về trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc.
* Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.
- Là lực lượng nòng cốt nên tuổi trẻ cần có trách nhiệm:
+ Tu dưỡng rèn luyện đạo đức để trở thành một công dân tốt.
+ Trau dồi tri thức, không ngừng học hỏi để bồi đắp trí tuệ
+ Để từ đó mang sức lực của tuổi trẻ, sự nhiệt huyết của thanh xuân cống hiến, xây dựng đất nước giàu mạnh, ngày càng phát triển.
- Mỗi người cần rèn luyện bản thân, tìm niềm vui, lí tưởng sống cho chính mình. Vượt lên hoàn cảnh, vượt qua chính mình là điều cần thiết đối với mỗi người trẻ trong cuộc sống hiện đại nhiều thử thách, khó khăn.
- Rút ra bài học.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long.
- Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
- Tác phẩm ca ngợi những con người dũng cảm, tuyệt đẹp đang cống hiến một cách thầm lặng, cao cả mà anh thanh niên là nhân vật chính “trong cái lặng im của Sa Pa…, Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.
2. Thân bài
a. Giới thiệu khái quát:
Truyện ngắn tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn của Sa Pa qua lời giới thiệu của bác lái xe.
Đoạn văn ngắn đã khái quát được vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của anh thanh niên.
b. Nhân vật anh thanh niên:
* Hoàn cảnh sống và làm việc:
- Một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc đơn điệu đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chính xác, có ý thức tự giác.
- Nhưng cái gian khổ nhất phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.
* Những nét đẹp của nhân vật thể hiện qua đoạn trích:
- Có lý tưởng cống hiến: đi bội không được anh tình nguyện làm việc ở Sa Pa.
- Suy nghĩ đẹp về công việc: Vì công việc mà anh phải sống một mình trên núi cao nhưng anh vẫn gắn bó với công việc của mình.
- Suy nghĩ đẹp về cuộc sống: Suy nghĩ đúng đắn về giá trị của hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta, bắn rơi được máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.
=> Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa.
- Anh cảm thấy tự hào, hạnh phúc khi công việc của mình đóng góp được cho sự nghiệp chung của dân tộc: nhờ có anh phát hiện đám mây khô mà ta đã hạ được hiều phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng=> trong giọng nói của anh không khỏi xúc động và hạnh phúc. Và cũng từ hôm đấy anh “sông thật hạnh phúc” => Cái hạnh phúc của một người trẻ tuổi tìm thấy lí tưởng, ý nghĩa của nghề, của cuộc sống => Một nét sống cao đẹp.
=> Những tình cảnh cao đẹp trên đã tạo nên những phẩm chất đáng quý ở anh thanh niên - một con người lao động với XHCN.
3. Kết bài:
- Truyện Lặng lẽ Sa Pa ngợi ca ngợi những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh.
- Qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi tả những con người đang dành cả thanh xuân để cống hiên, phục vụ kháng chiến với nhiều phẩm chất cao đẹp.
Các bài khác cùng chuyên mục