Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2023>
Trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, nhà văn Lê Minh Khuê có viết:
Đề bài
Phần I. Trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, nhà văn Lê Minh Khuê có viết:
“Cuộc sống ở đây đã dạy cho chúng tÔi thể nào là sự im lặng. Sự im lặng từ sáng đến giờ không bình thường. Cái không bình thường đó đang đến. Tiếng máy bay trinh sát rè rè. Phản lực gầm gào lao theo sau. [...]
- Sắp đấy! – Nho quay lưng lại chúng tôi, chụp cái mũ sắt lên đầu. Chị Thao móc bánh bích quy trong túi, thong thả nhai. Những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực.”
(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022)
1. Nêu hoàn cảnh sống và công việc của ba nữ thanh niên xung phong trong truyện Những ngôi sao xa xôi.
2. “Sự im lặng” được nói tới trong đoạn trích trên báo hiệu điều gì sắp xảy ra? Những hành động của Nho và Thao trước điều sắp xảy ra ấy giúp em hiểu gì về hai nhân vật này?
3. Viết một đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp để làm rõ tình đồng đội của ba nhân vật Nho, Thao và Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi. Đoạn văn có sử dụng phép nối để liên kết và câu cảm thán (gạch dưới, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép nối và một câu cảm thán).
4. Kể tên một tác phẩm khác đã học trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết về thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ và ghi rõ tên tác giả.
Phần II. Dưới đây là trích đoạn trong bức thư của một người bố gửi cho con:
Có thể con không biết, nụ cười của con đẹp tươi và nồng hậu. Nhưng sao con lại ít cười quá và càng ngày con càng ít cười hơn?
Có thể con không biết, mỗi khi nhớ con, bố thường nhớ những lần bố nóng giận trách phạt làm con đau, bố nhớ ánh mắt của con lúc buồn, bố nhớ tiếng khóc của con,... Bố nhớ những lần đó nhiều hơn những lần bố mang lại niềm vui cho con.
Có thể con không biết, mái tóc bạc của bố phần nhiều là vì lo lắng cho con. Mỗi khi con đau – dù là thể xác hay tinh thần, dù là vết xước nhỏ hay nỗi đau sâu, bố cũng đau rất nhiều.
Có thể con không biết, ...
(Theo Sống có giá trị, tập hai, NXB Trẻ, 2012)
1. Ghi lại một thành phần biệt lập phụ chú có trong đoạn thư trên.
2. Hãy nêu ngắn gọn cảm nhận của em về tấm lòng người bố được bộc lộ qua những lời tâm sự với con.
3. Có thể bạn không biết, đôi khi cảm xúc của mỗi chúng ta sẽ trở thành sự lo lắng cho những người thân yêu nếu bạn không làm chủ được nó.
Từ gợi dẫn trên, kết hợp với những hiểu biết xã hội, trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc bản thân.
Lời giải chi tiết
Phần I.
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ bài Những ngôi sao xa xôi.
Cách giải:
- Hoàn cảnh sống: Ba cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, ở vùng trọng điểm bắn phá của giặc Mĩ.
- Công việc: tổ trinh sát mặt đường: đo khối lượng đất đá trong hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
- “Sự im lặng” báo hiệu sắp có một trận bom vô cùng ác liệt sẽ diễn ra.
- Những hành động của Nho và Thao trước điều sắp xảy ra cho thấy:
+ Họ là người bình tĩnh, bản lĩnh khi đứng trước nguy hiểm.
+ Họ là người gan dạ, dũng cảm.
+ Trước tình huống nguy hiểm họ cũng là người biết làm chủ cảm xúc của mình.
+ Qua đó cũng cho thấy họ rất yêu nước, sẵn sàng hi sinh trước tình huống nguy hiểm.
+ ….
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu hình thức: đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận tổng – phân - hợp.
* Yêu cầu nội dung: làm rõ tình đồng đội của ba nhân vật Nho, Thao và Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, trong đoạn có sử dụng phép liên kết và câu cảm thán.
Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau:
1. Giới thiệu chung:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: tình đồng đội của ba nhân vật Nho, Thao và Phương Định.
2. Phân tích
- Khái quát về hoàn cảnh sống và làm việc của ba cô gái.
- Kề vai sát cánh trong chiến đấu: Khi đồng đội trên cao điểm, Phương Định ở nơi an toàn trực điện đài, mà chẳng thể yên lòng: cô gắt lên với đội trưởng, cô sốt ruột chạy ra ngoài rồi lo lắng.
- Thấu hiểu lẫn nhau:
+ Phương Định rất hiểu tính cách, sở thích của chị Thao và Nho. Biết chị Thao lúc cương quyết táo bạo (chị không ưa nước mắt), khi mềm mại nữ tính (sợ máu, sợ vắt, thích thêu thùa...)
+ Chị Thao để Phương Định ở nhà vì cô còn có một vết thương ở đùi chưa lành miệng => chị rất quan tâm đến những đứa em của mình.
- Chăm sóc khi đồng đội bị thương và luôn quan tâm, yêu thương nhau:
+ Lúc Nho bị thương, Phương Định “moi đất bế Nho đặt lên đầu” rửa vết thương, pha sữa, chăm sóc chu đáo.
+ Còn chị Thao thì lo lắng đến luống cuống.
+ Biết Nho thích ăn kẹo, Phương Định luôn phần cho Nho.
=> Tình cảm đồng chí của ba nữ thanh niên xung phong đẹp đẽ, gắn bó như một gia đình.
3. Tổng kết vấn đề.
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Gợi ý:
Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật.
….
Phần II.
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Thành phần biệt lập phụ chú có trong đoạn trên: dù là thể xác hay tinh thần, dù là vết xước nhỏ hay nỗi đau sâu.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Học sinh tự nêu cảm nhận của mình về tình cảm của người bố qua những lời tâm sự với con, có lý giải.
Gợi ý:
- Bố luôn quan tâm lo lắng cho con.
- Bố yêu thương con bằng tất cả trái tim. Trong trái tim của bố luôn có hình ảnh của con, bố vui cùng niềm vui với con, đau cùng nỗi đau với con.
-….
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc của bản thân.
2. Bàn luận:
* Giải thích: làm chủ cảm xúc của bản thân nghĩa là việc kiểm soát được cảm xúc cá nhân của bản thân trong các trường hợp xảy trong cuộc sống.
* Ý nghĩa kiểm soát cảm xúc của bản thân:
- Kiểm soát cảm xúc sẽ giúp bạn có suy nghĩ khách quan, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt và có hành động đúng đắn.
- Kiểm soát cảm xúc giúp chúng ta giảm thiểu những xung đột và mẫu thuẫn không đáng có, giúp con người mở rộng và duy trì các mối quan hệ.
- Kiểm soát cảm xúc tốt khiến những người xung quanh đặc biệt là những người thân cảm thấy an tâm hơn.
- Kiểm soát cảm xúc giúp không đánh mất hình ảnh bản thân mình và không làm tổn thương người xung quanh.
…..
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
* Bàn luận mở rộng:
- Mỗi con người hãy học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân dẫu cho đó là một quá trình dài cần sự kiên trì và nhẫn nại.
- Kiểm soát cảm xúc cá nhân là tốt nhưng không đồng nghĩa với việc con người phủ nhận những cảm xúc đang diễn ra bên trong mình. Hãy biết bộc lộ, thể hiện cảm xúc đúng người, đúng chỗ vì đôi khi “Yêu thương không được bày tỏ thì không bao giờ đạt được ý nghĩa đích thực của nó”.
* Liên hệ bản thân.
- Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2022
- Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2019
- Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2017
- Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2016
- Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2015
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục