Đề thi minh hoạ vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2025 - Đề số 1>
Tải vềCâu 1. Theo tác giả, nỗi sợ hãi có tác hại gì? Câu 2. Để tăng sức thuyết phục cho lập luận, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào?
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc văn bản sau:
LẼ SỐNG CỦA THANH NIÊN, SINH VIÊN
(1) Đỉnh núi cao không dành cho những người hèn nhát và lười vận động, đỉnh tri thức không có chỗ cho kẻ chỉ rong chơi. Nếu không có sự miệt mài, tìm tòi khám phá và dốc lòng cho những đam mê thì làm sao có một Edison vĩ đại và bóng đèn chiếu sáng hôm nay. Đi đến tận cùng đam mê là điều không dễ, vì có lúc tuổi trẻ nóng vội, khao khát nhanh chóng thành công nên vội vàng đốt cháy giai đoạn khiến những dự định trở thành dang dở. Giữ được lửa nhiệt huyết trong tâm hồn và kiên trì trong ý nghĩ đúng là điều rất quan trọng. Nếu cháy bùng lên rồi vụt tắt thì đó chỉ là một ảnh sao băng giữa thiên hà vô tận.
(2) Đừng sợ! Nỗi sợ hãi sẽ giết chết mọi manh nha của bao ý nghĩ táo bạo, và sợ hãi sẽ là ngục tù của trí tuệ. Khi cái đầu vẫn bị đóng khung trong giới hạn thì ý tưởng có chăng cũng chỉ dừng lại những cái đã có rồi. Tự do chỉ có được khi nắm được và dự báo được quy luật, ý tưởng tốt đẹp phải được nảy mầm từ những khát khao chính đáng, mọi mơ hồ cùng lắm là ánh trăng suông. Nếu mải miết trên đất liền và lo cuồng phong, bão tố thì làm sao Chiristopher Columbus có cuộc phiêu lưu để tìm ra châu Mĩ bao la?
(3) Đất mãi mãi là đất, rừng mãi mãi là rừng, biển cả bao la vẫn quanh năm sóng vỗ, phố xá vẫn quen từng bước chân về. Ta nghĩ gì và làm gì trên đất, ta nghĩ gì để rừng mãi xanh tươi, ta nghĩ gì để biển khơi không chỉ đem về tôm cá mà cả những vần thơ làm dịu mát tâm hồn? Vẫn là đất, vẫn là rừng, vẫn là biển cả, vẫn là phố xưa nhưng no ấm đủ đầy? Phải làm sao? Các bạn hãy dành nhiều thời gian để nghĩ về điều đó và ra tay vì năm tháng chẳng đợi chờ, tuổi xuân trôi qua nhanh lắm.
(Trích Những lời chia sẻ, Nguyễn Văn Minh, NXB Đại học Sư phạm, 2023, tr.239-240)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Theo tác giả, nỗi sợ hãi có tác hại gì?
Câu 2. Để tăng sức thuyết phục cho lập luận, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào?
Câu 3. Những câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn văn (3) có tác dụng gì?
Câu 4. Theo em, thế hệ trẻ cần làm gì để tạo dựng một cuộc sống no ấm đủ đầy cho bản thân và có đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bảy suy nghĩ của em về sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2. (4,0 điểm) Viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ), phân tích chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ sau:
Nhà em ở lưng đồi,
Nơi chim rừng thánh thót,
Bầu trời xanh dịu ngọt,
Gió tràn về mênh mang.
Nhà em giữa nắng vàng,
Con suối tràn bờ đá,
Hương rừng thơm mùa hạ
Đường chiều về quanh co.
Nhà em ở lưng đồi,
Mẹ cười bên nương ngô,
Mừng năm nay được mùa,
Theo tiếng khèn xuống phố (hớ ơ ờ ơ).
Nhà em ở nơi đó,
Theo cha bẫy gà rừng,
Cùng lũ bạn tới trường,
Tuổi thơ xanh vời vợi.
Nhà em ở nơi đó,
Hoa nở trắng cánh rừng,
Bầy ong theo mùi hương,
Về bên kia khe núi.
Nhà em ở nơi đó,
Chập chờn những giấc mơ,
Nơi dâng trào thương nhớ,
Em về nơi lưng đồi.
Chú thích:
- Tác giả: Nhà thơ Lê Tự Minh sinh năm 1959 tại Nghệ An, quê Thừa Thiên Huế. Từng sinh sống và học tập ở Liên bang Nga. Hiện ông sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Lê Tự Minh sáng tác thơ và dịch lời cho nhạc nước ngoài. Ông được biết đến không chỉ với những bài thơ giàu nhạc tính mà còn bởi những bài hát đậm chất thơ. Tác phẩm của ông là sự trang trải nỗi lòng, chứa đựng tình cảm đối với gia đình, bạn bè, đồng đội và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc Việt Nam và tình yêu nước Nga.
- Bài thơ Nhà em ở lưng đồi viết năm 1980, sau đó được nhạc sĩ Đức Trịnh phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
----------HẾT----------
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1.
Phương pháp:
Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.
Cách giải:
- Tác hại: Nỗi sợ hãi sẽ giết chết mọi manh nha của bao ý nghĩ táo bạo, và sợ hãi sẽ là ngục tù của trí tuệ. Khi cái đầu vẫn bị đóng khung trong giới hạn thì ý tưởng có chăng cũng chỉ dừng lại những cái đã có rồi.
Câu 2.
Phương pháp:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
- Các dẫn chứng được sử dụng: Edison, Chiristopher Columbus
Câu 3.
Phương pháp:
Căn cứ bài câu hỏi tu từ, phân tích.
Cách giải:
- Câu hỏi tu từ: Ta nghĩ gì và làm gì trên đất, ta nghĩ gì để rừng mãi xanh tươi, ta nghĩ gì để biển khơi không chỉ đem về tôm cá mà cả những vần thơ làm dịu mát tâm hồn? Vẫn là đất, vẫn là rừng, vẫn là biển cả, vẫn là phố xưa nhưng no ấm đủ đầy? Phải làm sao?
- Tác dụng:
+ Tạo nên nhịp điệu, lời nhắn gửi đầy thiết tha đến với thế hệ trẻ hãy suy nghĩ và hành động.
+ Nhấn mạnh để thành công ta không được lười biếng mà phải có suy nghĩ và hành động thiết thực để biến mọi khát khao thành hiện thực.
Câu 4.
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
HS đưa ra hành động phù hợp.
Gợi ý:
- Có phương hướng, mục tiêu rõ ràng.
- Luôn phấn đấu, không chùn bước trước những khó khăn để đạt mục tiêu mình đã đề ra.
- Trau dồi tri thức.
- …
Phần II. Làm văn
Câu 1.
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensinh247.com
Yêu cầu chung:
- Đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ, đầy đủ ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
- Nội dung: sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với giới trẻ trong cuộc sống hiện nay.
Yêu cầu cụ thể:
1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với giới trẻ trong cuộc sống hiện nay.
2. Thân đoạn:
- Sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống: Suy nghĩ tích cực là nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng, mọi vấn đề theo chiều hướng lạc quan tin tưởng, luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp, tích cực trong bất kì tình huống nào.
- Suy nghĩ tích cực sẽ giúp ta định hướng được những hành động đúng đắn, tháo gỡ được những khó khăn, thử thách; biết đứng dậy sau những vấp ngã, thất bại; giải tỏa được những căng thẳng, stress trong cuộc sống.
- Có suy nghĩ tích cực ta sẽ phát huy được những thế mạnh, khắc phục được những điểm yếu; biết lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình cho công việc và gặt hái thành công.
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
- Phê phán thái độ sống bi quan, chán nản, luôn suy nghĩ tiêu cực; hay chỉ nhìn đời qua lăng kính màu hồng, ảo tưởng, lạc quan tếu.
3. Kết đoạn: Tổng kết vấn đề.
Câu 2.
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensinh247.com
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: chủ đề và nghệ thuật trong bài “Nhà em ở lưng đồi”.
2. Thân bài:
- Chủ đề của văn bản: tình yêu quê hương, bản làng.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ 5 chữ giàu nhịp điệu.
+ Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh.
+ Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ, liệt kê, …
+ ..
=> Qua đó thể hiện tình yêu quê hương; em lớn lên giữa núi đồi, giữa tình yêu thương của cha mẹ.
3. Kết luận: Tổng kết vấn đề nghị luận.
- Đề thi minh hoạ vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2025 - Đề số 2
- Đề thi vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2023
- Đề thi vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2022
- Đề thi vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2021
- Đề thi vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2020
>> Xem thêm