Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Hải Phòng

Đề thi minh hoạ vào 10 môn Văn Hải Phòng năm 2025

Tải về

Xác định luận đề của văn bản trên. Trong đoạn (2), tác giả đã dùng lí lẽ nào để khẳng định: “Chúng ta rất cần tiếng cười để tâm hồn được thanh thản, tinh thần được thư thái và giảm bớt áp lực từ những toan tính đời thường”?.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

(1) Nụ cười là phương thuốc quý giá nhất. Từ lâu các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng khi chúng ta cười, bộ não sẽ tiết ra chất endorphins có tác dụng làm giảm cơn đau, tăng cường sự lanh lợi, hoạt bát, đồng thời mang đến cho chúng ta cảm giác phấn khởi và vui vẻ.

(2) Cuộc sống ngày nay của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thử thách, từ khó khăn kinh tế cho đến những xung đột sắc tộc, khủng bố; từ ô nhiễm môi trường đến dịch bệnh. Vì thế chúng ta rất cần tiếng cười để tâm hồn được thanh thản, tinh thần được thư thái và giảm bớt áp lực từ những toan tính đời thường.

(3) Bạn có thể vượt qua những khúc quanh của cuộc đời mình dễ dàng hơn bằng cách mỉm cười với chúng. Không những thế bạn hãy mỉm cười với chính mình và với mọi người. Khi bạn biết mang nụ cười đến những người chung quanh, có nghĩa là bạn đã mang niềm tin đến cuộc sống của họ. Nhờ đó, chúng ta đều cảm thấy được chia sẻ, được động viên và khích lệ.

(4) Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, sự hài hước là phương thức tốt nhất để chữa lành mọi nỗi đau. Dù giàu có hay mạnh khỏe, ai cũng trải qua ít nhiều đau khổ trong đời. Mức độ thăng trầm trong cuộc sống tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và tùy thuộc vào sự biến đổi thời cuộc ở quanh ta. Tiếng cười làm giảm bớt nỗi đau và sự sợ hãi. Thật vậy, các danh hài tuyệt vời nhất nổi tiếng nhất trên thế giới, phần lớn đều xuất thân và trưởng thành trong hoàn cảnh rất khó khăn. Phải chăng, sự hài hước chính là cơ chế chịu đựng đau khổ mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta? Hãy nhớ rằng, khi nghĩ về những điều vui vẻ, bạn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc, mọi người sẽ thích thú khi ở bên bạn và những mối quan hệ hiện tại của bạn cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.

(Dẫn theo Cho đi là còn mãi, Azim Jumal & Harvey MeKinnon, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2023, tr.60-62)

Thực hiện yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định luận đề của văn bản trên.

Câu 2. (0,5 điểm) Trong đoạn (2), tác giả đã dùng lí lẽ nào để khẳng định: “Chúng ta rất cần tiếng cười để tâm hồn được thanh thản, tinh thần được thư thái và giảm bớt áp lực từ những toan tính đời thường”?.

Câu 3. (1,0 điểm) Phân tích vai trò của bằng chứng được sử dụng trong đoạn (4).

Câu 4. (1,0 điểm) Em hiểu gì về thái độ của tác giả khi bàn về vấn đề trên?

Câu 5. (1,0 điểm) Bài học nào từ văn bản có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em về bài thơ: Mùa vải chín

Em về Hải Phòng mùa vải tháng 5

Tu hú xốn xang gọi bầy xây tổ

Nắng bồng bềnh gửi mây vào nỗi nhớ

Chùm vải vườn nhà ngơ ngẩn đỏ đuôi.

Lúa chín vàng, hương cau, hương ổi

Miền đất mỡ màu cây trái xum xuê

Dòng sông xanh nước chảy say mê

Chở nặng phù sa bốn mùa kết trái.

 

Vải tháng 5 anh vin, em hái

Nghĩa đượm tình quê thơm thảo mặn nồng

Vải: Bát Trang. Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo...

Gom nắng, gom mua vị ngọt thơm hồng.

Giá nằm nam thổi chiều thơ mộng

Canh cua cà muối mẹ chở con

Ra nam quấn quýt hương đồng nội

Xõa... vào mùa vải ánh trăng non!

(Dẫn theo Thơ trong mùa nắng. Nguyễn Thị Thủy Ngoan, Bảo Điện tử Hải Phòng, ngày 10/6/2023)

Chú thích: Nguyễn Thị Thủy Ngoan sinh năm 1951, quê ở huyện Vĩnh Hảo, thành phố Hải Phòng. Thơ của bà dung dị, lắng sâu; thường sử dụng những chi tiết của đời sống thường nhật làm phát lộ những từ thơ độc đáo, như quen như là, có sức cuốn hút mạnh mẽ.

Câu 2. (4,0 điểm) Hiện nay, một bộ phận giới trẻ thiếu kết nối với gia đình. Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về vấn đề cần giải quyết trên.

------- HẾT -------

Lời giải chi tiết

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

 

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1.

Phương pháp:

Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.

Cách giải:

- Luận đề: Nụ cười là phương thuốc quý giá nhất.

Câu 2.

Phương pháp:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, tìm ý.

Cách giải:

- Lí lẽ tác giả sử dụng: Cuộc sống ngày nay của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thử thách, từ khó khăn kinh tế cho đến những xung đột sắc tộc, khủng bố; từ ô nhiễm môi trường đến dịch bệnh

Câu 3.

Phương pháp:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, phân tích.

Cách giải:

- Bằng chứng được sử dụng trong đoạn 4: các danh hài tuyệt vời nhất nổi tiếng nhất trên thế giới, phần lớn đều xuất thân và trưởng thành trong hoàn cảnh rất khó khăn. Phải chăng, sự hài hước chính là cơ chế chịu đựng đau khổ mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta?

- Tác dụng: Sử dụng dẫn chứng là cách danh hài – người luôn mang lại tiếng cười, niềm vui cho mọi người giúp cho bài viết tăng sức hấp dẫn và sự thuyết phục. Dù họ trải qua cuộc sống khó khăn, nhưng chính nhờ có tiếng cười mà đã giúp họ vươn lên, thoát khó sự khó khăn đó.

Câu 4.

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Tác giả thể hiện thái độ tích cực và lạc quan đối với sức mạnh của tiếng cười và sự hài hước trong cuộc sống. Tác giả nhấn mạnh rằng mỉm cười không chỉ mang lại lợi ích cho chính bản thân mà còn mang lại niềm vui và hy vọng cho những người xung quanh. Tác giả cũng nhận thức rõ ràng về những khó khăn mà con người gặp phải, nhưng vẫn tin rằng sự hài hước có thể giúp giảm bớt gánh nặng và cải thiện đời sống tinh thần.

Câu 5.

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Bài học quý giá từ văn bản là sự quan trọng của tiếng cười và sự hài hước trong cuộc sống. Tiếng cười không chỉ làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn mà còn giúp kết nối mọi người lại gần nhau hơn. Trong cuộc sống hiện đại đầy lo toan và áp lực, việc tìm kiếm và chia sẻ tiếng cười thực sự cần thiết để duy trì sức khỏe tinh thần. Khi ta biết mỉm cười, không chỉ bản thân ta mà cả những người xung quanh cũng sẽ cảm nhận được sự tích cực. Điều này khiến em nhận ra rằng, dù cuộc sống có những khó khăn đến đâu, một chút hài hước và tiếng cười vẫn có thể làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Phần II. Làm văn

Câu 1.

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensinh247.com

Yêu cầu chung:

- Đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ, đầy đủ ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

- Nội dung cảm nhận bài thơ Mùa vải chín.

Yêu cầu cụ thể:

1. Mở đoạn: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và nội dung cần phân tích, cảm nhận.

2. Thân đoạn:

- Bài thơ “Mùa vải chín” của Nguyễn Thị Thủy Ngoan đã khắc họa một bức tranh quê hương sống động và giàu sắc.

- Những hình ảnh quen thuộc như chùm vải, hương cau, hương đỗ không chỉ gợi nhớ về miền đất xinh đẹp Hải Phòng mà còn khơi dậy trong lòng người đọc những kỷ niệm bình dị, thân thương.

- Đặc biệt, cảm giác mùa vải chín tràn ngập hương thơm và màu sắc tươi sáng đã làm nổi bật lên sự phong phú và hấp dẫn của mùa vụ.

Hình ảnh “Dòng sông xanh nước chảy say mê” cho thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo thành một không gian thư giãn và thanh bình.

=> Tình yêu quê hương, tình người sâu sắc, thể hiện qua từng câu chữ. Chữ “vải” vang lên như một tiếng gọi mời, tượng trưng cho sự phong phú của đời sống ẩm thực Việt Nam.

- Sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, liệt kê, …

3. Kết đoạn: Tổng kết vấn đề.

Câu 2.

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensinh247.com

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: cách giải quyết vấn đề một bộ phận giới trẻ thiếu kết nối với gia đình.

2. Thân bài:

a. Giải thích:

- Thiếu kết nối với gia đình có thể hiểu là giữa các thành viên trong gia đình không có sự tương tác, trao đổi từ hành động, tình cảm. Từ đó dẫn đến hiện tượng mất kết nối, dần dần giữa các thành viên trở nên xa cách với nhau hơn.

b. Bàn luận.

- Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, việc kết nối mọi người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều bạn trẻ dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động trên mạng xã hội, mà quên mất những giá trị truyền thống, tình cảm gia đình.

- Nguyên dẫn đến sự mất kết nối: sự cách biệt về tuổi tác, thế hệ; cha mẹ và con cái không hiểu nhau; khoa học công nghệ phát triển, con cái ham mê các trò chơi tiêu khiển, giải trí trên mạng, …

- Tác hại: làm giảm đi sự gắn bó và tình cảm yêu thương giữa các thành viên. Khi không thường xuyên trò chuyện, chia sẻ tâm tư, cuộc sống gia đình dễ dàng rơi vào tình trạng xa cách. Điều này có thể dẫn đến sự lạc lõng, thiếu chỗ dựa cho các bạn trẻ trong những lúc khó khăn. Thứ hai, gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của mỗi con người. Các giá trị đạo đức, truyền thống mà ông bà, cha mẹ truyền lại sẽ không còn được gìn giữ nếu mối liên hệ giữa các thế hệ bị đứt gãy.

- Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay từ cả hai phía. Gia đình cần tạo ra không gian gần gũi, thân thiện, nơi mọi người có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc. Ngược lại, giới trẻ cũng cần nhận thức được giá trị của gia đình và dành thời gian chăm sóc, gắn kết với những người trong gia đình.

Học sinh chú ý lấy dẫn chứng phù hợp.

c. Bình luận

- Tóm lại, việc thiếu kết nối với gia đình của một bộ phận giới trẻ hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết.

- Các gia đình cần có những hoạt động ý nghĩa để khuyến khích sự gắn kết, đồng thời giới trẻ cũng cần biết trân trọng và chăm sóc cho mối quan hệ gia đình của mình. Chính sự kết nối này sẽ góp phần nuôi dưỡng hạnh phúc và ổn định cho mọi thành viên trong gia đình.

3. Kết luận: Tổng kết vấn đề nghị luận.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí